Thứ Năm, 21/11/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Bảy, 15/2/2020 12:39'(GMT+7)

Vĩnh Phúc: Định hướng đúng trong tăng trưởng kinh tế

Từ định hướng đó, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có chính sách đúng, xác định bước đi thích hợp, tìm ra các giải pháp đột phá, tạo môi trường thuận lợi nhất để giải phóng sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế, thu hút mạnh các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Từ một tỉnh nghèo, thuần nông, năm đầu tái lập, thu ngân sách đạt hơn 100 tỷ đồng, thu nhập đầu người bằng 48% bình quân chung cả nước; khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt… Đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong số ít tỉnh, thành có giá trị sản xuất công nghiệp, tổng thu ngân sách nội địa cao; là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Từ khi tái lập tỉnh, kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ với nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao; đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 20%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

 Bình quân giai đoạn 1997-2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 14,9%/năm; năm 2019 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,05%. Quy mô GRDP theo giá hiện hành của tỉnh ước đạt 118,4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2% và tương đương tăng 11 nghìn tỷ đồng so với năm 2018, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 102,5 triệu đồng/người/năm, gấp 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước (năm 1997 quy mô nền kinh tế mới chỉ đạt 1,95 nghìn tỷ đồng; giá trị GRDP bình quân đầu người chỉ đạt 2,18 triệu đồng theo giá hiện hành).   

Cơ cấu kinh tế tăng nhanh tỷ trọng

Cơ cấu kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc có sự tăng nhanh tỷ trọng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài do chủ trương tập trung thu hút phát triển công nghiệp và đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, với chủ trương chuyển đổi, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được triển khai mạnh mẽ nên tỷ trọng khu vực nhà nước giảm; khu vực ngoài nhà nước được quan tâm và hoạt động ngày càng hiệu quả.

 Từ năm 1997 đến năm 2019, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp từ 48,27% xuống còn 7,37%; công nghiệp-xây dựng từ 13,98% lên 62,41%; dịch vụ từ 37,75% xuống còn 30,22%.

Từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, đến nay Vĩnh Phúc là một trong số những tỉnh, thành có số thu cao trong cả nước và có đóng góp cho ngân sách Trung ương. Năm 1997, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh là 114 tỷ đồng; đến năm 2002 vượt mốc 1 nghìn tỷ đồng; đặc biệt từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết cho ngân sách Trung ương; năm 2009 thu ngân sách vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng; đến năm 2014 đạt “mốc son” mới vượt 20 nghìn tỷ đồng; năm 2019 tổng thu ngân sách là 35.025 tỷ đồng (đạt 126%), trong đó thu nội địa là 30.962 tỷ đồng (đạt 128%). Với kết quả trên, Vĩnh Phúc được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh có số thu ngân sách nội địa đạt tỷ lệ cao so với cả nước, là một trong những tỉnh có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương trong nhiều năm qua.

Công tác quản lý chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo theo dự toán. Thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ. Chi ngân sách hàng năm đảm bảo và phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó đặc biệt là chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo, chính sách an sinh xã hội,... tạo động lực thúc đẩy phát triển nhanh chóng hệ thống kết cấu hạ tầng cũng như phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các nhu cầu phát triển. Tăng cường kiểm soát và nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vốn vay.

Ước tổng chi ngân sách năm 2019 của tỉnh đạt 18.924 tỷ đồng, tăng 12,1% dự toán, trong đó tỷ lệ chi đầu tư phát triển ước đạt 41,8% tổng chi ngân sách của tỉnh. 

Nam Hải

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất