Thứ Bảy, 27/7/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Hai, 10/2/2020 9:16'(GMT+7)

Vĩnh Phúc: Chăm lo đời sống nhân dân trên mọi lĩnh vực

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh Hà Phương

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh Hà Phương

Nhiều cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo

Trong những năm đầu tái lập tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đội ngũ giáo viên của tỉnh còn thiếu, cơ sở vật chất trường, lớp còn nghèo nàn, lạc hậu. Năm học 1998-1999, toàn tỉnh mới có 37% phòng học cao tầng.

Từ đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Giáo dục và đào tạo của tỉnh đã phát triển theo hướng đổi mới, chất lượng được giữ vững, ổn định ở mức cao. Mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo của tỉnh đã và đang được hoàn thiện, phát triển, phân bố đều khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh, được trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng hiện đại. Công tác xã hội hóa giáo dục được chú trọng, phương thức đào tạo ngày càng được mở rộng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được quan tâm.

Năm học 2018-2019, giáo dục Mầm non có 167/167 trường công lập đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 100%; giáo dục Tiểu học có 156/156 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 100%; giáo dục THCS có 132/140 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 94,3%; giáo dục THPT có 27/31 trường đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 87,1%. 

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được bổ sung đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao... Chất lượng dạy và học ở các cấp tiếp tục được nâng lên; học sinh của tỉnh luôn đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Vĩnh Phúc luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được thực hiện tốt. Việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được khẳng định là chủ trương đúng và đạt kết quả tốt...

Chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm

Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Mạng lưới y tế cơ sở toàn tỉnh được củng cố và nâng cấp theo chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất ngành y tế tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai nhất là các công trình trọng điểm như Bệnh viện sản nhi và Bệnh viện đa khoa tỉnh.

 Đến năm 2019, tổng số giường bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh là 3.710 giường bệnh đạt 36,3 giường bệnh/vạn dân (năm 2001 là 9,9 giường bệnh/vạn dân).

Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân được cải thiện ở cả 3 tuyến. Đội ngũ y bác sỹ tiếp tục được tăng cường cả về số lượng và trình độ chuyên môn. Năm 1997 tỷ lệ bác sỹ trên vạn dân là 2,6 bác sỹ/vạn dân, đến năm 2019 đạt 10,6 bác sỹ/vạn dân; 100% số trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 100% số thôn, bản có cán bộ y tế.

Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai mạnh mẽ và chủ động, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, giám sát dịch tễ. Các chương trình mục tiêu như tiêm chủng mở rộng, chương trình sức khỏe sinh sản, phòng chống suy dinh dưỡng, chương trình phòng chống các bệnh lây nhiễm, các bệnh không lây, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, y tế học đường, chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV tiếp tục được duy trì, triển khai hiệu quả.

Tăng cường công tác an sinh xã hội

Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm. Hoạt động tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm được tăng cường. Sàn giao dịch việc làm của tỉnh, các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm của các cơ sở dạy nghề và các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh…) đã cung cấp nhiều thông tin cần thiết về thị trường lao động và mở ra cho người lao động nhiều cơ hội việc làm.

Riêng năm 2019, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 24.433 lao động, tăng 6,2% so với kế hoạch, trong đó đưa 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. 

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc đời sống người có công với cách mạng tiếp tục được duy trì và phát triển, đã huy động được toàn thể các cấp các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị xã hội cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công. Các chế độ cho đối tượng chính sách được thực hiện đầy đủ.

Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng. Các đề án, chính sách dân tộc cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Đến cuối năm 2011, tỉnh đã cơ bản xoá xong nhà tạm cho hộ nghèo, không có hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công. Năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều) toàn tỉnh giảm còn 1,46%; không có hộ nghèo thuộc đối tượng gia đình chính sách, người có công. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh tăng từ 58,0% (năm 2011) lên 92,5% dân số (năm 2019).


 
Phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc

Các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc được quan tâm. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa Vĩnh Phúc đã được nghiên cứu, sưu tầm và từng bước được hệ thống hóa. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa - làng văn hoá ngày càng hiệu quả. Nhiều công trình văn hóa, tín ngưỡng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân được tu bổ, tôn tạo. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo đúng nghi lễ, hình thức phù hợp, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa được khôi phục như: vật dân tộc, cờ người, kéo co,… Một số lễ hội phát huy tốt công tác xã hội hóa, nâng cao quy mô thu hút khách tham quan trong và ngoài nước như: Lễ hội Tây Thiên, Lễ hội Chọi trâu Hải Lựu…

Hoạt động thể thao quần chúng được triển khai tích cực gắn với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và các cuộc vận động theo từng chủ đề. Các môn thể thao truyền thống như: vật dân tộc, kéo co, bơi chải, cờ tướng… được nhân dân tiếp tục giữ gìn và tổ chức thi đấu thường xuyên gắn với việc tổ chức các lễ hội truyền thống. Một số môn thể thao mới như: yoga, GYM, dansport, bóng chuyền hơi… đã và đang phát triển.

Văn học, nghệ thuật có bước phát triển. Các tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh tương đối toàn diện sự nghiệp đổi mới, khơi dậy và phát huy được các giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương, con người Vĩnh Phúc. Hoạt động các cơ quan báo chí của tỉnh, bản tin, trang thông tin điện tử, đài truyền thanh các cấp đã bám sát định hướng tuyên truyền và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ đề trọng tâm; xuất bản nhiều ấn phẩm có chất lượng, hình thức và nội dung đáp ứng tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh và góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp. Thể thao thành tích cao phát triển khởi sắc, từng bước được khẳng định, tham gia và đạt nhiều huy chương tại các giải thi đấu trong nước, khu vực và thế giới.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được quan tâm, đẩy mạnh. Từ năm 1997 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện khoảng 1,4 nghìn lượt đề tài nghiên cứu khoa học. Đầu tư tài chính cho KH&CN ngày càng được quan tâm.

 Năm 1997, kinh phí chi cho sự nghiệp KHCN chỉ có 500 triệu đồng, đến năm 2017 đã tăng lên 146,39 tỷ đồng (trong đó, chi cho sự nghiệp KHCN là 41,39 tỷ đồng, chi cho đầu tư phát triển KHCN là 105 tỷ đồng), tăng gấp 292,78 lần so với năm 1997. Ngoài ra, ngân sách tỉnh đã bổ sung 50 tỷ đồng cho sự nghiệp KH&CN để triển khai thực hiện 2 Chương trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN sản xuất chuối tiêu hồng, rau quả. Riêng năm 2019, kinh phí chi cho hoạt động KH&CN là 82,8 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư khoa học và công nghệ đã tập trung đầu tư cho các tổ chức khoa học công lập, các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo..., bổ sung quỹ hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân.

Công tác quản lý Nhà nước về KH&CN đã có nhiều đổi mới, hiệu quả, tạo nên cách làm mới phù hợp với yêu cầu phát triển chung. Các đề tài, dự án KH&CN bước đầu đổi mới theo hướng tập trung, lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá tuyển chọn và thực hiện nghiêm túc, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn để Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh và các sở, ban, ngành ban hành các quyết định đầu tư có hiệu quả. Các mô hình KH&CN được lựa chọn và ứng dụng vào thực tiễn đã trực tiếp nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất.

Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường

Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quản lý đất trồng lúa được thực hiện theo quy định. Các hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản đặc biệt được chú trọng; từng bước khắc phục và xử lý hiệu quả tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lãng phí tài nguyên đất và những vi phạm về khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm, tích cực triển khai truyền thông về môi trường bằng nhiều hình thức đa dạng. Tỉnh đã phê duyệt và tổ chức thực hiện nhiều đề án, dự án, chương trình, kế hoạch lớn về bảo vệ môi trường như: Chiến lược bảo vệ môi trường; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường; Đề án thí điểm bảo vệ môi trường nông thôn; Đề án bảo vệ môi trường nông thôn; Dự án xây dựng năng lực phòng chống, ứng cứu sự cố môi trường; Dự án hỗ trợ, đầu tư cho một số xã xây dựng hệ thống xử lý nước thải sau biogas; Dự án điều tra đánh giá hiện trạng ô nhiễm đất canh tác; Dự án áp dụng mô hình xử lý nước thải phân tán ở khu dân cư bằng bể bastaf...

Để từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư, sau khi triển khai thí điểm thành công tại 2 xã Nghĩa Hưng và Tam Phúc (huyện Vĩnh Tường), Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND và UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 03/6/2019 để triển khai hỗ trợ, huy động nhân dân tham gia xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải trên địa bàn tỉnh. Đến nay cơ chế hỗ trợ đã được phổ biến đến các địa phương và đang được các thôn, xã đăng ký thực hiện.

Công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp của tỉnh đã được thực hiện tốt, 100% các KCN của tỉnh đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; các chủ đầu tư hạ tầng đã chấp hành tốt các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Các hoạt động quản lý khai thác khoáng sản được siết chặt. Hoạt động quản lý tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu tiếp tục được thực hiện theo quy định.

Minh Song

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất