Đây là những hoạt động bình thường gắn với cuộc sống thường ngày của mỗi con người. Một đứa trẻ sinh ra dù chưa biết nói nhưng nó đã có thể nghe, hiểu được người lớn đang muốn gửi tới nó thông điệp gì, cho dù lúc đó ngôn ngữ biểu đạt có thể được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Nói như vậy, xem ra chẳng có điều gì đáng bàn, thậm chí có ai đó còn cho rằng: Điều hiển nhiên ấy nêu ra làm gì cho mất thì giờ của người khác.
Ấy vậy mà để thực hiện được ba điều nêu trên (nghe, ngẫm và nói) đâu dễ. Thực tế, không ít người chưa nói đã có rất nhiều người muốn nghe. Ngược lại, không ít kẻ vừa nói vài nhời, người nghe đã lắc đầu nguây nguẩy. Những người nói mà nhiều người muốn nghe chính là họ biết lắng nghe người khác; biết suy ngẫm những điều người khác nói và biết nói những điều người khác đang cần. Hay nói cách khác, đó là những người biết tôn trọng tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể; nói vì cái chung, vì sự tiến bộ của tập thể. Còn những kẻ nói mà người khác không muốn nghe chính là họ chỉ nói những điều vì lợi ích của mình, vì động cơ cá nhân, mà không thấy được cái lớn hơn, cao hơn, ý nghĩa hơn chính là phải biết hy sinh lợi ích của riêng mình để xây đắp, tạo dựng, mang lại giá trị và lợi ích cho tập thể.
Những tháng qua, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương và theo quy định của Điều lệ Đảng, toàn Đảng đang tiến hành đại hội các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Đây là thời cơ, là môi trường thuận lợi để mọi đảng viên của Đảng được nghe, được nói những điều mong muốn gửi tới Đảng. Đây cũng chính là phương thức mà Đảng phát huy trí tuệ của mọi đảng viên tham gia ý kiến, đóng góp xây dựng đường lối lãnh đạo đất nước, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ vì mục tiêu cao nhất: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thật mừng, những điều trên được tuyệt đại bộ phận đảng viên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc. Nhiều ý kiến tâm huyết của đảng viên được gửi tới Đảng thông qua đại hội các cấp những mong Đảng ngày càng vững mạnh, hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình chèo lái con thuyền cách mạnh Việt Nam tiến về phía trước.
Tuy nhiên, cũng thật đáng buồn và đây cũng chính là điều đáng nói, đáng bàn nhất về việc nghe, ngẫm và nói, bởi ở đâu đó vẫn có những đảng viên lợi dụng diễn đàn đại hội để chỉ trích người này, nói xấu người khác nhằm hạ uy tín của đồng chí, đồng đội. Đành rằng, việc phát huy dân chủ trong đại hội, khơi dậy tinh thần nói thẳng, nói thật, dũng cảm chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện là hết sức cần thiết, nhưng không vì thế mà nhằm hạ thấp uy tín của nhau, nhất là đối với những người đứng đầu. Chúng ta đều biết rằng, trước mỗi kỳ đại hội, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đều có những quy định khá cụ thể, chi tiết việc xử lý những vấn đề có liên quan đến nhân sự, đến hiệu quả lãnh đạo của mỗi tổ chức đảng. Bởi vậy, khi nói (phát biểu) tại đại hội cần phải quán triệt và thực hiện tốt các quy định đó của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.
Cuộc sống đương đại vốn rất sôi động, tác động nhiều chiều đến tâm tư, tình cảm của mỗi con người cụ thể. Bởi vậy, vấn đề đặt ra ở chỗ: Trước khi nói, mỗi người cần phải được thông tin một cách đầy đủ và suy ngẫm kỹ càng và điều cốt lõi là phải biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích của cá nhân. Tất nhiên, trong thời buổi ngày nay lợi ích tập thể phải được kết hợp hài hòa với lợi ích cá nhân, nhưng dù sao cũng phải vì cái chung, vì sự phát triển của đất nước.
Càng ngẫm, càng thấy: Nghe, ngẫm và nói thế nào cho đúng, cho phải chẳng phải chuyện dễ. Điều này, phụ thuộc vào bản lĩnh, nhận thức chính trị và trách nhiệm xã hội của mỗi con người cụ thể. Đây cũng là điều không chỉ bó hẹp trong một công việc, một đơn vị, một lĩnh vực, mà nó còn mang ý nghĩa đối với cả xã hội./.
(Theo: Lê Ngọc Long/QĐND)