Những năm gần đây bộc phát xu hướng tổ chức lễ hội khá xô bồ, lộn xộn,
và ngày càng gia tăng cảnh phát, ném và ngả mũ, ngả nón xin ấn, xin lộc
và tranh cướp tài lộc… làm giảm giá trị văn hóa cần có của lễ hội.
Điều này xuất phát từ 3 nguyên nhân nổi bật. Về nhận thức, do nhận thức một chiều, chưa tới, chưa đúng đắn của những người tổ chức lễ hội và một bộ phận người dân tham gia lễ hội. Về mặt pháp lý,
do thiếu sự “chuẩn hóa” trong quy định tổ chức lễ hội, tức thiếu vắng
các tiêu chí chuẩn mực thực tế minh bạch “định danh” và nhận diện thế
nào là lễ hội có bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống như vốn có xưa
nay và thế nào là lễ hội hay hành vi lạm dụng lễ hội như một hình thức
kinh doanh thuần túy thương mại. Về mặt kinh tế, do nhiều lễ
hội được tổ chức nhằm kích thích hoạt động kinh tế du lịch và kinh doanh
dịch vụ ăn theo để có nguồn bù đắp cho chi phí tổ chức kiểu “xã hội
hóa”, cũng như để có cơ hội tăng thu ngân sách cho đơn vị tổ chức từ các
khoản thu vé, phí trực tiếp hay biến tấu.
Như vậy, một khi mục tiêu lợi ích kinh tế được coi là chủ đạo và chi
phối các hoạt động lễ hội như một hình thức kinh doanh có lợi, thì các
lễ hội văn hóa dễ biến thành hoạt động “hội chợ thương mại” đậm chất
kinh doanh thuần túy thay vì lễ hội văn hóa giàu tính nhân văn...
Đặc biệt, việc tranh cướp phước lộc giữa đám đông người tham dự lễ
hội không chỉ là một biểu hiện lệch chuẩn văn hóa truyền thống “nhường
cơm sẻ áo”, “bầu ơi thương lấy bí cùng…” của cha ông, mà còn kích thích
tính ích kỷ, chỉ biết “lợi mình trên hết”, tranh đoạt quyền lợi và biến
mất mát của người khác thành hạnh phúc và may mắn của bản thân sẽ khiến
những lễ hội kiểu này khó có sự phát triển bền vững và giàu tính nhân
văn, khó hấp dẫn du khách quốc tế, thậm chí tiềm ẩn rủi ro cao về trật
tự an ninh, an toàn xã hội.
Vì vậy, cần phải “định chuẩn” giá trị đúng đắn cho hoạt động tổ chức
lễ hội. Chuẩn hóa công tác tổ chức lễ hội ở đây không phải về mặt nội
dung mà về mặt quản lý và nhận thức. Mỗi lễ hội có giá trị văn hóa, nét
hình thức và nội dung riêng biệt, mang tính địa phương cụ thể, nhưng cần
những chuẩn mực chung và có quy định pháp luật một cách rõ ràng, cụ thể
để tăng cường tuyên truyền, thông tin chấn chỉnh và thống nhất nhận
thức về lễ hội, giúp các đơn vị tổ chức, cơ quan quản lý và người dân
tham dự hiểu rõ những hành vi nào được xem là chuẩn mực, nên có và thế
nào là những biểu hiện phản cảm, biến tướng, sự lạm dụng nên tránh, bị
lên án, bị hạn chế hoặc cấm và cơ quan quản lý cũng có thể thanh tra,
kiểm tra, xử lý vi phạm khi cần thiết.
Nhu cầu đi lễ, cầu mong gia đình mạnh khỏe, một năm bình an may mắn
là nguyện vọng chính đáng của mỗi người dân và ở các nước cũng không
ngoại lệ. Tuy nhiên, có một thực tế ở Việt Nam dường như người dân có
thói quen đến lễ hội để xin “quan lộc” và “tài lộc” nhiều hơn. Thực tế
này một phần ảnh hưởng từ cơ chế “xin-cho” kéo dài từ xa xưa và một phần
còn do từ thực tế những sự được-mất cá nhân… khiến nhiều người không
thật tin vào sự phấn đấu tự thân, chủ quan trong sự nghiệp, công việc
của mình và thế là họ phải viện đến thần linh chở che, phù hộ hoặc dùng
đường tắt xin lộc, “mua thần bán thánh” cho nhanh…
Lễ hội cần phải là biểu trưng các hoạt động tôn vinh văn hóa cộng
đồng, không phải là dịp tốt cho sự lạm dụng kinh doanh phát ấn và lộc
hay trục lợi cá nhân. Trước những sự lạm dụng, biến tướng trong tổ chức ở
một số lễ hội hiện nay, nếu chúng ta chỉ mới dừng lại ở biện pháp tuyên
truyền và hô hào mà thiếu vắng các quy định cụ thể, chế tài đủ mạnh thì
khó ngăn chặn “lợi ích nhóm” về kinh tế lấn át nhu cầu và yêu cầu gìn
giữ, truyền tải những giá trị văn hóa vốn có từ các lễ hội này.
“Xã hội hóa” các lễ hội là cần, nhưng cũng cần có quy định công khai,
minh bạch việc chi phí, thu góp, sử dụng các khoản tiền liên quan đến
tổ chức lễ hội; khuyến khích cơ chế tự quản công khai phù hợp bảo đảm
hài hòa các lợi ích, nhất là phải vì lợi ích xã hội lành mạnh chung,
giảm thiểu tình trạng mập mờ và lạm dụng lòng thành tín của người dân.
Tình trạng tranh cướp lộc và ‘chạy thánh” thường giảm cùng với sự
phát triển một xã hội ngày càng được quản lý văn minh, công bằng, dân
chủ hơn…! Đây cũng là vấn đề các nhà quản lý văn hóa cần quan tâm./.
(Cổng TTĐT Chính phủ)