Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 9/4/2017 14:47'(GMT+7)

Sân khấu chính kịch - Lối nhỏ, ngõ hẹp

Vở chính kịch Người đàn bà uống rượu của Sân khấu kịch Hồng Vân

Vở chính kịch Người đàn bà uống rượu của Sân khấu kịch Hồng Vân

 

Thưa vắng vì xu thế

Các tác phẩm chính kịch, bi kịch luôn phải chịu nhiều sức ép bởi các loại hình giải trí khác: phim ảnh, các gameshow truyền hình, các khu vui chơi giải trí hiện đại, dòng kịch thị trường (kịch ma, hài, giới tính)… Đến thời điểm này, dù tại TPHCM vẫn còn sự tồn tại của dòng chính kịch, song tác phẩm được công diễn phục vụ công chúng không nhiều.
Những năm qua, các gameshow truyền hình nở rộ và gần như độc chiếm gần hết những giờ vàng có lượng khán giả xem nhiều nhất. Trong đó, có những khung giờ, trước đây là dành cho sàn diễn kịch truyền hình. 

Với các sân khấu kịch, một khi đã bước chân vào thị trường thì những ông bà “bầu” buộc phải cân đong đo đếm, dò tìm nhu cầu, thị hiếu của khán giả để kịp thời đáp ứng. Từ sự thăm dò lượng khán giả đến với các sân khấu kịch cho thấy, người xem kịch thích xem dòng chính kịch, bi kịch hiện chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại, phần lớn vẫn chọn xem hài kịch vì có tính giải trí cao. Như vậy, các sân khấu kịch xã hội hóa phải chấp nhận tình hình thực tế của thị trường giải trí để soạn nhiều “món ăn” khác nhau nhằm thu hút khán giả, bán được vé, duy trì hoạt động. 

Ông “bầu” sân khấu IDECAF Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “Với dòng chính kịch, bi kịch, vấn đề lớn nằm ở chỗ không có những biên kịch, tác giả giỏi, nói lên được những vấn đề được xã hội quan tâm nhiều. Ngày nay, thông tin đại chúng về những vấn đề nóng bỏng của xã hội luôn được cập nhật trên các trang mạng. Thế nên, những nhà làm nghệ thuật, nếu không nhanh nhạy nắm bắt, dự đoán trước thời cuộc, không kịp thời xây dựng những đề tài mới, đạt được chiều sâu, độ rung cảm đến cộng đồng thì rất khó được khán giả ủng hộ. Mặt khác, khi dựng bi kịch hay chính kịch, ê kíp thực hiện phải dựng sao cho tới, đạt được đỉnh điểm cảm xúc, chạm đến trái tim khán giả, có như vậy tác phẩm mới ăn khách. Ngược lại, dựng chính kịch hay bi kịch kiểu nửa vời hoặc nội dung lạc hậu, không cập nhật, gần gũi với cuộc sống thời đại, rất khó tồn tại”.

Đầu tư dàn dựng rồi… xếp kho

Trước đây, sân khấu kịch Hồng Vân từng dựng một loạt các tác phẩm văn học như: Làm… (Làm đĩ), Đàn bà mấy tay (Giông tố), Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Cô gái ăn cắp (Bỉ vỏ)… và gần đây có Người đàn bà uống rượu, đã gây được tiếng vang trong đời sống văn hóa xã hội. Để đầu tư xây dựng những vở kịch giá trị, ý nghĩa và chất lượng này, từ đạo diễn đến diễn viên, ê kíp thực hiện vở đều phải làm việc thật nghiêm túc, cật lực, vất vả. Tuy nhiên, chỉ sau vài suất diễn, các vở chính kịch, kịch chính luận ý nghĩa như thế đều phải xếp vào kho, bởi không thể thoát khỏi quy luật kinh tế thị trường, chuyện thu - chi lời lỗ, lượng khán giả đến xem.

Vở kịch Một thời để nhớ được sân khấu kịch Trịnh Kim Chi đầu tư dựng lại

NSND Hồng Vân trăn trở: “Tôi đã đề cập và phản ánh rất nhiều lần về vấn đề này, nhưng vẫn không nhận được hồi đáp tích cực nào. Từ khi còn là đại biểu HĐND TPHCM, tôi từng đề nghị phải xây dựng một lứa khán giả tương lai thụ hưởng nền văn hóa chính thống. Đó chính là học sinh, sinh viên. Khi bắt tay làm những vở chính kịch đạt giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, thẩm mỹ, tính nhân sinh, nhân văn, anh em nghệ sĩ chúng tôi luôn mong muốn hướng tới phục vụ cho những đối tượng này. Tuy nhiên, để duy trì công việc tổ chức biểu diễn thì cần thiết phải có sự hỗ trợ. Thế nhưng, kết cuộc, tất cả mọi thứ cũng chỉ mới dừng lại ở việc tìm ra đối tượng thụ hưởng thôi, không có ai chung tay góp sức thì các sân khấu xã hội hóa cũng chỉ ráng làm đến đâu hay đến đó, cứ như nước chảy thì bèo trôi vậy. Nhiều năm qua, tình hình sân khấu xã hội hóa gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ lửa tình yêu sân khấu. Có điều, theo dòng chảy thời gian, chúng tôi cảm thấy lực bất tòng tâm, các sân khấu xã hội hóa không thể có nguồn tiền lớn để liên tục làm ra các sản phẩm nghệ thuật xong sau đó xếp kho. Hơn thế nữa, khi bắt tay làm, chúng tôi còn cảm nhận, tất cả còn lại chỉ là sự lẻ loi, đơn độc”.

Mới đây nhất, sân khấu kịch Trịnh Kim Chi cũng vừa dựng lại vở Một thời để nhớ - một câu chuyện cảm động về lực lượng Thanh niên xung phong. Song, sau hai suất diễn chào mừng kỷ niệm 41 năm xây dựng và phát triển lực lượng, có lẽ vở diễn lại được xếp kho để chờ một dịp nào đó có thể lên sàn.

Tìm lối ra

Trong bối cảnh kịch bản trong nước khan hiếm, giới làm nghệ thuật chân chính cũng tự tìm một hướng đi cho dòng chính kịch là sử dụng những vở kịch nước ngoài nổi tiếng để dàn dựng. Đó là những tác phẩm văn học nghệ thuật sống lâu cùng thời gian, có một giá trị mang tính kinh điển, phổ biến trên thế giới, mang tính nhân văn, thời đại. Với tư duy này, sân khấu kịch IDECAF đang chuẩn bị dựng lại vở chính kịch Trong hào quang bóng tối - một vở kịch của Tây Ban Nha, dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào tháng 7, tháng 8-2017.

Trước tình hình thưa thớt, vắng vẻ của các tác phẩm chính kịch truyền hình, từ cuối năm 2016, Đài Truyền hình TPHCM cũng bắt tay thu hình, làm lại những vở chính kịch hay, thực hiện những vở kịch gắn với sự kiện chính trị… để phát sóng trên kênh HTV9 vào lúc 21 giờ chủ nhật tuần đầu tiên của tháng. Ông Nguyễn Minh Hải, Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM, cho biết: “Trên sân khấu thành phố hiện nay, dòng chính kịch hiện hoạt động rất yếu. Chúng tôi mong muốn xây dựng lại một sân khấu chính kịch như ngày xưa, nên thời gian qua đã nỗ lực thực hiện ghi hình một số vở để có thể phát sóng hàng tháng. Đó là những vở kịch chính luận, nội dung đi vào đời sống xã hội, đề cập đến những vấn đề nóng, nhức nhối của xã hội. Tuy nhiên, có một vấn đề rất lo là kịch bản hay hiện nay quá khan hiếm, chúng tôi phải đặt hàng trước cho các tác giả để kịp thời có những kịch bản mới, đồng thời mở rộng hợp tác với nhiều đạo diễn có tay nghề để các vở kịch được dàn dựng đa dạng, hấp dẫn”.

Tại TPHCM, những đợt ra quân chương trình Sân khấu học đường thường được làm lẻ mẻ, đơn giản, không có sự hỗ trợ đầu tư kinh phí đến nơi đến chốn nhằm giúp duy trì và phát triển mạnh mẽ hoạt động giáo dục ý nghĩa này. Việc giảng dạy các môn nghệ thuật trong nhà trường hiện chiếm thời lượng quá ít ỏi, không có chiều sâu, chưa thiết thực, chất lượng không cao. Đã đến lúc cần phải có sự phối hợp cụ thể giữa ngành giáo dục đào tạo và ngành văn hóa để góp sức xây dựng lực lượng khán giả trẻ cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chính thống, giúp việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống đạt được hiệu quả thiết thực n

THÚY BÌNH/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất