Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 11/2/2017 19:59'(GMT+7)

Ưu tiên yếu tố nguyên gốc

Lễ hội Đền Đô, Bắc Ninh, thể hiện lòng thành kính đối với các vua Lý - Nguồn ITN

Lễ hội Đền Đô, Bắc Ninh, thể hiện lòng thành kính đối với các vua Lý - Nguồn ITN

Giá trị văn hóa đặc sắc

Trong kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, di sản văn hóa nghệ thuật thời Lý (1010 - 1225) có vai trò hết sức quan trọng. Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, GS.TS. Trương Quốc Bình nhận định, ngoài những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, còn có kho tàng di sản văn hóa vật thể về giai đoạn lịch sử trọng đại này gồm các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu gắn liền với việc định đô tại Thăng Long - Hà Nội, nơi phát tích của Vương triều Lý tại Bắc Ninh. Bên cạnh những di tích về sự nghiệp kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, còn có hệ thống di tích lịch sử về sự phát triển rực rỡ của đạo Phật trong giai đoạn này.

Theo nghiên cứu của TS. Trần Thiên Đức, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bắc Ninh, vào thời Lý, Phật giáo Việt Nam phát triển cực thịnh với việc xây dựng nhiều chùa tháp ở khắp các làng xã, điển hình là Bắc Ninh - quê hương của nhà Lý, vốn là tổ đình của Phật giáo Việt Nam. Căn cứ vào các nguồn sử liệu, có tới hàng trăm kiến trúc chùa tháp được xây dựng ở tại đây, tập trung tại những trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa, như Luy Lâu (chùa Dâu), Phật Tích, Kiến Sơ (Phù Đổng), Cổ Pháp, Tiêu Sơn… Đa số các công trình được xây dựng ở đỉnh đồi, sườn núi, nhưng vẫn gắn liền với làng xóm, chợ bến đông đúc, chứng tỏ xu hướng nhập thế và dân gian của Phật giáo thời Lý. Các chùa tháp thời Lý, đặc biệt là các công trình đại danh lam do Nhà nước xây dựng đều có quy mô to lớn, kiến trúc bề thế, được xây cất công phu, đắp vẽ, điêu khắc tinh xảo.  

Tuy nhiên, cho đến nay, sau hàng nghìn năm, đã có không ít di sản văn hóa phi vật thể bị thất truyền, biến dạng; nhiều di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật đã và đang bị hư hỏng, xuống cấp, cần có giải pháp hữu hiệu, đồng bộ để tiếp tục nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị những di sản đặc sắc này.  

Cần có quy hoạch tổng thể

Theo các nhà nghiên cứu, hiện nay hầu hết di tích kiến trúc chùa tháp thời Lý đã được xếp hạng cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia và do cơ quan quản lý văn hóa địa phương phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam trông coi, gìn giữ. Nhiều đại danh lam thời Lý hiện còn, như chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Long Đọi (Hà Nam), tháp Tường Long (Hải Phòng)… đều đã được các địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn lập dự án bảo tồn tu bổ, tôn tạo với kinh phí mỗi nơi lên tới hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, TS. Tạ Quốc Khánh, Viện Bảo tồn di tích thừa nhận, không phải chùa, tháp nào cũng được quan tâm quản lý, bảo vệ. “Có chùa được quản lý tốt như Phật Tích, nên hiện vật được gìn giữ cẩn thận, phế tích tháp cổ được bảo tồn, trưng bày ngay dưới nền Thượng điện. Nhưng cũng có những ngôi chùa do nằm ở khu vực miền núi, vắng người, ít khách tham quan, nên công việc quản lý chủ yếu giao cho xã”.

Từ thực tế đó, TS. Tạ Quốc Khánh khuyến nghị, với những ngôi chùa, tháp thời Lý vẫn đang được sử dụng làm chốn sinh hoạt tâm linh của đông đảo Phật tử và nhân dân thì cần có quy hoạch tổng thể để bảo tồn, phát huy giá trị, phù hợp với nhu cầu hiện nay nhưng vẫn không làm mất đi giá trị lịch sử văn hóa gốc. Khi thực thi một dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, cần hết sức thận trọng và phải tiến hành bài bản, như: Có sự phối hợp giữa các nhà khảo cổ và trùng tu di tích; ưu tiên bảo tồn, gìn giữ hơn tu bổ, tôn tạo; tu bổ nhỏ hơn tu bổ lớn nhằm giữ lại tối đa các thành phần gốc. Đặc biệt những thành phần kiến trúc nào chưa đủ cơ sở khoa học để phục dựng, tôn tạo thì chỉ nên gia cố, bảo tồn cho thế hệ sau. “Thời gian gần đây, một số địa phương muốn phục dựng những cây tháp Phật giáo thời Lý (tháp Long Đọi, tháp Tường Long). Mặc dù đã có kết quả khai quật khảo cổ học nhưng theo chúng tôi cần bảo tồn tốt những dấu tích nền móng tháp đã khai quật, làm tốt mô hình trưng bày ngoài trời cho mọi người tham quan, chiêm bái. Nếu muốn làm tháp mới thì chỉ nên phỏng dựng, tái hiện và nhất định không được làm đè lên móng tháp cũ” - TS. Tạ Quốc Khánh lưu ý.

Một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với giới nghiên cứu, nhà quản lý, đó là vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội dân gian gắn với triều Lý, trong đó có các lễ hội phục vụ phát triển du lịch. TS. Nguyễn Thị Thu Hường, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, tại các lễ hội trên quê hương Vương triều Lý như đền Đô (Từ Sơn), chùa Phật Tích (Tiên Du), chùa Dạm (Nam Sơn)… không nên để diễn ra tình trạng cơ sở dịch vụ, nhà hàng, hạ tầng giao thông gây tác động tiêu cực đến di sản. “Chúng ta cũng đã nói nhiều đến những hiện tượng không lành mạnh tại một số điểm tham quan du lịch như sự quá tải về phương tiện dịch vụ, cửa hàng ở một số khu vực di sản vào thời kỳ cao điểm như chính hội, giữa mùa du lịch, nạn chèo kéo khách, ăn xin, lừa đảo; thiếu hướng dẫn chuyên nghiệp... Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, địa phương và các ngành liên quan để giải quyết tận gốc vấn đề”.

Hương Sen (Báo ĐBND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất