Từng có lúc cô phải nằm liệt trên giường ròng rã hàng năm trời, mọi cánh cửa cuộc sống ngỡ như đã đóng lại vĩnh viễn nhưng cô Vũ Thị Kim Liên đã vượt qua sự bất hạnh của số phận, vươn lên sống có ích và giúp đỡ nhiều người khuyết tật vượt qua hoàn cảnh.
Câu chuyện về cô Vũ Thị Kim Liên ở TP Thái Nguyên khiến nhiều người cảm động và nể phục.
“Không có đôi chân, mình đi bằng hai tay”
Cô Liên kể, mới lên 3 tuổi cô bị lên sởi chạy hậu và hỏng thận, không còn khả năng cung cấp canxi cho cơ thể nên hai chân của cô chùn xuống và cong dần. Đến năm 6 tuổi, cô không thể tự đi lại được. 10 năm đi học phổ thông, cha mẹ phải vất vả đưa đón cô mỗi ngày cũng là 10 năm cô coi bệnh viện là nhà.
“Tôi luôn tự nhủ, mình không được phép đầu hàng số phận bởi còn nhiều người khác kém may mắn hơn mình rất nhiều. Không có đôi chân, mình sẽ đi bằng đôi tay”, cô Liên, năm nay 44 tuổi, cho biết.
Với ý nghĩ đó, cô quyết định học nghề để có thể tự lo cho cuộc sống. Năm 1985, cô đến Hội phụ nữ tỉnh Thái Nguyên theo lớp học nghề may mặc.
Những ngày đầu đến với nghề thật không dễ dàng chút nào. Chỉ riêng động tác dập chân lên bàn đạp để chiếc máy khâu hoạt động đã làm cô phải mất nhiều mồ hôi và công sức vì đôi chân bị teo nên rất yếu và cô phải đặt một chiếc ghế con kê lên bàn đạp máy.
Sau đó, cô về nhà tiếp tục tìm đến các thợ may giỏi trong thành phố để hoàn thiện và nâng cao tay nghề. Những ngày đầu vào nghề, cô phải đi may không công cho các cơ sở may khác để trau dồi kinh nghiệm và có thêm vải thực hành.
Đến khi tay nghề thành thạo, cô mạnh dạn mở một hiệu may. Mới đầu, cô chủ yếu cắt may quần áo cho bạn bè và người thân trong gia đình.
“Lần đầu tiên cầm số tiền do chính mình làm ra, tôi vỡ òa trong vui sướng. Điều làm tôi hạnh phúc nhất là mình đã không buông xuôi số phận”, cô Liên tâm sự.
Thế nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì bất hạnh lại ập đến, trong một lần đi giao dịch với khách hàng, cô bị lật xe lăn ngã gãy tay phải. Các bác sĩ cho biết, tay phải của cô không còn khả năng hồi phục, phải cắt bỏ.
Nghe bác sĩ nọi vậy, cô ngã quỵ xuống đất. Nếu chỉ còn một tay thì cô khó có thể tiếp tục làm nghề cắt may nên cô quyết định giữ lại tay phải để điều trị với hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến với cô.
Về nhà, cô phải nằm liệt trên giường hàng năm trời. Không lùi bước, cô vẫn kiên trì tập luyện để lấy lại cảm giác cho cánh tay và kết hợp xoa bóp thuốc nam. Hàng ngày, cô từ từ di chuyển tay sang hai bên một cách khó nhọc và đau đớn. Cứ như thế, ròng rã suốt hai năm trời tay phải của cô mới có thể cử động được.
Sau đó, cô tiếp tục theo nghề cắt may nhưng mọi việc rất khó khăn. Để cắt được vải, cô phải lấy tay phải giữ kéo, còn tay trái dùng để bóp kéo. Hàng ngày, cô phải di chuyển bằng đôi nạng, mặc áo nẹp cột sống, ngồi xe lăn làm việc.
Gian nan là vậy nhưng cô vẫn cần mẫn làm việc mỗi ngày. Thêm một lần nữa, với nghị lực phi thường và niềm tin mãnh liệt vào bản thân, cô đã vượt qua số phận và chiến thắng bệnh tật.
Sẵn sàng giúp đỡ người khuyết tật
Cô tâm sự: “Mình cũng là người khuyết tật nên mình luôn hiểu sự thiệt thòi và nỗi khổ của những người cùng cảnh ngộ. Bởi vậy, mình tâm niệm, sẵn sàng giúp đỡ những người khuyết tật vượt qua hoàn cảnh”.
Cô đã tích cực dậy nghề cắt may miễn phí cho nhiều người tàn tật. Tất cả những người khuyết tật đến học nghề đều được cô chỉ bảo tận tình từng đường kim mũi chỉ. Mỗi khi có ai đó nản lòng định bỏ cuộc, cô lại giống như người thân trong gia đình, ân cần động viên, khích lệ giúp họ tự tin vào cuộc sống.
Mới đầu chỉ có những người khuyết tật ở gần nhà đến chỗ cô học nghề. Tiếng lành đồn xa, dần dần ngày càng nhiều người khuyết tật trong và ngoài tỉnh đến học nghề. Thậm chí, có người sau khi học xong, cô còn tặng cả máy khâu, giúp họ xây dựng cơ sở may cho riêng mình.
Đến nay, cô đã đào tạo nghề cắt may cho hàng trăm người, trong đó, có hơn 10 người khuyết tật. Nhiều người đã có việc làm ổn định trong các công ty may mặc hoặc tự mình mở cơ sở, tạo lập cuộc sống.
Không chỉ vậy, với sự nỗ lực của cô, năm 2005, Hội khuyết tật thành phố Thái Nguyên ra đời. Cô giữ chức Phó Chủ tịch hội. Số người khuyết tật tham gia sinh hoạt hội ngày càng nhiều, đến nay đã tăng lên hơn 120 hội viên.
Trên chiếc xe lăn cô đã lặn lội đi khắp nơi vận động các tổ chức, đoàn thể giúp đỡ về vật chất để những hội viên có thêm đồng vốn phát triển sản xuất. Cô đã trực tiếp vận động được hơn 10 triệu đồng, giúp cho hơn 10 hội viên vay làm kinh tế.
(Nguyễn Thắng/Cổng TTĐTCP)