Thứ Sáu, 22/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Sáu, 26/10/2018 9:18'(GMT+7)

Nghịch lý của “số đông”?

 

Nhưng không phải lúc nào quyết định của số đông cũng mang ý nghĩa dân chủ thực chất, mà trong không ít trường hợp rơi vào “dân chủ hình thức” hay tình trạng “áp đặt của số đông thiển cận”. 

Có thể thấy mấy nghịch lý sau đây khi quyết định của “số đông” không mang ý nghĩa dân chủ thực chất: 

Quyết định của số đông khi họ không có đầy đủ thông tin, hoặc bị nhiễu loạn thông tin. Đây là biểu hiện rõ nhất của dân chủ hình thức, khi những người chủ trì lấy ý kiến của số đông, nhưng không đi kèm với công khai, minh bạch đầy đủ thông tin, buộc số đông quyết định trong tình huống không chắc chắn, do cảm tính chi phối. Thiếu thông tin là môi trường thuận lợi cho thiểu số vụ lợi thao túng, gây nhiễu loạn và hướng lái dư luận khiến số đông nhiều khi không tự chủ được ý chí và hành vi của mình khi đưa ra các quyết định. 

Quyết định của số đông thụ động trong “hiệu ứng đám đông” có tính nhất thời. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp hành động của số đông bị cuốn theo hiệu ứng “tâm lý đám đông” với sự lan truyền nhanh chóng mà người trong cuộc không đủ tỉnh táo để chẩn đoán tình hình và điều chỉnh hành vi của chính mình. Chỉ đến khi phải hứng chịu hậu quả của sai lầm thì người ta mới phản tỉnh, nhưng thường đã quá muộn, bởi “hiệu ứng đám đông” đã qua đi. “Hiệu ứng đám đông” thường thấy trong mua hay bán tháo chứng khoán, bất động sản, tụ tập đông người rồi phản ứng bột phát thiếu lý tính, thậm chí vi phạm pháp luật,... khi bị kích động từ một tác nhân nào đó mà không lường hết hậu quả phải trả giá. 

Quyết định của số đông ở những cơ cấu mà quy mô không đủ lớn, dễ bị cá nhân lợi dụng để thao túng, tạo bình phong ban hành quyết định sai trái, buộc số đông phải miễn cưỡng phục tùng. Tình trạng này thường xuất hiện ở các cơ cấu đại diện quy mô quá nhỏ, số lượng ít, nguyên tắc vận hành của tổ chức thiếu khoa học, không có khả năng phát huy dân chủ thực chất và thiếu cơ chế bảo vệ quan điểm, ý kiến của người đấu tranh trước các quyết định sai lầm, buộc số đông phải “mũ ni che tai” và tập thể bị biến thành bình phong cho việc hợp thức hóa ý chí cá nhân. 

Quyết định của số đông khi họ bị tư lợi chi phối. Không phải lúc nào số đông cũng vô tư, nhất là trong các hoàn cảnh số đông quy mô nhỏ, bị lợi ích cục bộ chi phối. Nhiều vụ xung đột đất đai ở địa bàn nông thôn cho thấy, không ít cán bộ cấp cơ sở khi vi phạm pháp luật thường tìm cách lôi kéo toàn thể dân làng vào thế đối đấu với chính quyền, đan cài hành vi sai trái của mình trong lợi ích cục bộ cả làng, biến cái sai của mình thành cái sai của cả dân làng, nhân danh “dân làng” để tập hợp lực lượng tạo áp lực với chính quyền khi thương lượng, mặc cả, còn khi bị xử lý theo pháp luật thì được giảm nhẹ mức độ trừng phạt. Hoặc trong bầu cử ở quy mô nhỏ hẹp, số đông có khi chỉ vì tư lợi mà khuất phục trước các hành vi “mua phiếu”, khước từ bỏ phiếu cho người xứng đáng và ủng hộ người không xứng đáng. 

Hãy thận trọng và cảnh giác với các quyết định của số đông mà không mang ý nghĩa dân chủ thực chất! 

Hãy tỉnh táo phân biệt “dân chủ thực chất” với “số đông thiển cận” hay “hiệu ứng đám đông”! 

Phải đấu tranh kiên quyết với các hành vi lợi dụng tình trạng dân trí kém hiểu biết, thiếu thông tin để kích động “tâm lý đám đông”, gây tổn hại cho các lợi ích công cộng, trong đó có quyền lợi của những người tham gia không ý thức được đầy đủ hành vi của chính mình!

Phát huy dân chủ thực chất, thực hành dân chủ rộng rãi cả trong Đảng và ngoài xã hội là một quan điểm nhất quán của Đảng ta trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, để có dân chủ thực chất phải đấu tranh loại bỏ căn bệnh dân chủ hình thức và các biểu hiện mang màu sắc dân túy, phải tạo lập các điều kiện, môi trường cho thực hành dân chủ. 

Phải thực hiện chế độ thông tin công khai, minh bạch để số đông có cơ sở chắc chắn khi đưa ra quyết định; không ngừng nâng cao vốn hiểu biết và rèn luyện năng lực thực hành dân chủ trong Đảng và toàn xã hội, phòng ngừa “hội chứng đám đông” và biểu hiện “dân túy”; hoàn thiện các thể chế, quy định phát huy vai trò dẫn dắt, trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu trước tập thể và phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện “số đông tư lợi”; có cơ chế bảo vệ cá nhân bày tỏ chính kiến đúng đắn, mang tính chiến đấu, trước các hành vi sai trái. Trong các tình huống xuất hiện “hội chứng đám đông” tạo nên “điểm nóng”, phải cô lập, bóc tách những “kẻ đứng hậu trường” đẩy số đông làm bình phong, che chắn cho các hành vi đen tối./.

Tùng Lâm
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất