Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 25/11/2008 15:29'(GMT+7)

Ngoại giao kinh tế phục vụ phát trỉển bền vững

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đến nay, kinh tế thế giới và khu vực có những chuyển biến lớn. Toàn cầu hóa tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành xu thế không thể đảo ngược, có tác động đa chiều đến kinh tế thế giới và từng nền kinh tế thành viên. Sự vươn lên mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc, ấn Độ, Nga, Bra-xin, làm thay đổi tương quan lực lượng kinh tế thế giới, góp phần hình thành luật chơi kinh tế mới trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tác động lớn đến kinh tế toàn cầu.

Sau 5 năm tăng trưởng cao liên tục, từ cuối năm 2007, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao do tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính Mỹ, khủng hoảng lương thực và giá dầu tăng cao. Các vấn đề toàn cầu như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thay đổi khí hậu v.v. trở thành những "điểm nóng" của kinh tế thế giới, đe dọa gây bất ổn kinh tế toàn cầu và tác động mạnh đến an ninh và phát triển của mọi quốc gia.

Với thành tựu của hơn 20 năm đổi mới, thế và lực của nước ta ngày càng được nâng cao. Sau khi gia nhập WTO, công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của ta được đẩy mạnh trên nhiều lĩnh vực. Tuy năm 2008 tăng trưởng kinh tế nước ta được dự đoán còn 6,5% - 7%, song vẫn là mức cao trong bối cảnh kinh tế thế giới và nhiều nước sụt giảm mạnh. Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực vào các diễn đàn hợp tác khu vực, liên khu vực quan trọng như APEC, ASEM, ASEAN và hiện là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hợp tác kinh tế với các nước, đặc biệt là với các đối tác lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ v.v.. ngày càng phát triển theo chiều sâu. Sau gần 2 năm là thành viên của WTO, chúng ta đã thấy rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu, những thuận lợi và thách thức đối với kinh tế Việt Nam; định vị chính xác hơn nền kinh tế nước nhà trên bản đồ thế giới. Việt Nam phải xử lý các vấn đề hội nhập trên phạm vi rộng lớn hơn, đặc biệt là thực thi đầy đủ các cam kết sâu rộng và đa dạng của tất cả các kênh hội nhập khác nhau. Vấn đề đặt ra hiện nay không còn là gia nhập mà là phát huy vai trò của Việt Nam và khai thác tối đa ưu thế của hội nhập để phục vụ phát triển đất nước.

Đồng hành với quá trình phát triển này, ngành ngoại giao đã không ngừng đổi mới, trước hết tạo đột phá từ chính tư duy ngoại giao kinh tế của mình để phát huy lợi thế vốn có; thiết thực, sáng tạo phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, đưa ngoại giao kinh tế - một trong ba trụ cột của ngoại giao Việt Nam, lên một tầm cao mới.

Những điểm nhấn đánh dấu bước chuyển về chất trong công tác ngoại giao kinh tế là sự triển khai rộng khắp các hoạt động ngoại giao kinh tế trên khắp các châu lục; "hàm lượng" kinh tế trong các hoạt động đối ngoại cấp cao cũng ngày càng được chú trọng và nâng cao, không chỉ tạo đột phá trong phát triển quan hệ kinh tế song phương mà còn đạt nhiều nội dung kinh tế thực chất. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp ngày càng chia sẻ và ghi nhận vai trò của các hoạt động ngoại giao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Một dấu ấn quan trọng là năm 2007 đã được chọn là "Năm Ngoại giao kinh tế" trong toàn ngành ngoại giao, tạo đà cho công tác ngoại giao kinh tế được triển khai bài bản và hiệu quả hơn, với tầm nhìn xa.

Sự chuyển biến về chất trong công tác ngoại giao kinh tế đã mang lại những kết quả tích cực, thể hiện rõ nhất trên các mặt sau:

Thứ nhất, gắn kết nhuần nhuyễn và có hiệu quả chính trị đối ngoại với kinh tế đối ngoại, tăng thế và lực của đất nước. Hơn 2 năm qua, hoạt động ngoại giao cấp cao diễn ra sôi động với nội hàm kinh tế ngày càng đậm nét, đã góp phần quan trọng củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho Việt Nam phát triển. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã thăm và đón đoàn của hầu hết các đối tác chủ chốt, bạn bè truyền thống và các nước đối tác tiềm năng. Hợp tác kinh tế đã trở thành yếu tố nền tảng và động lực xây dựng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trở thành "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện"; xây dựng quan hệ Việt Nam - Mỹ theo khuôn khổ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi; thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nga đi vào thực chất; nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hướng tới xây dựng "đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu á"; chủ động tạo đột phá trong quan hệ hợp tác nhiều mặt với EU đến năm 2010 và định hướng tới năm 2015... Đây là những kết quả cụ thể, đã và đang tạo cơ sở vững chắc, lâu dài cho phát triển đất nước.

Thứ hai, công tác nghiên cứu, tham mưu và dự báo ngày càng được chú trọng, tích cực đóng góp cho định hướng chính sách kinh tế đối ngoại nói riêng và phát triển kinh tế nói chung, trong đó có chính sách quản lý kinh tế vĩ mô. Ngành ngoại giao đã chủ động theo dõi, nghiên cứu, phát hiện, cung cấp thông tin và đề xuất kiến nghị lên lãnh đạo cấp cao về nhiều vấn đề kinh tế thế giới có tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự phát triển của Việt Nam, như: xu hướng chuyển dịch đầu tư và khả năng tranh thủ nguồn vốn đầu tư nước ngoài; đề xuất các biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế song phương với các nước; nghiên cứu mở thị trường cho hàng hóa và lao động Việt Nam; biến động giá dầu mỏ trên thế giới và tác động của nó; việc tận dụng nguồn vốn từ Trung Đông; vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực; tác động của cuộc khủng hoảng tín dụng - tài chính ở Mỹ đối với kinh tế thế giới hiện nay và đánh giá triển vọng tình hình tới... Bộ Ngoại giao cũng đang trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều bạn bè quốc tế, các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới chia sẻ những quan tâm, kinh nghiệm về kinh tế thế giới, quan hệ kinh tế quốc tế và gợi mở về định hướng chính sách kinh tế - xã hội cũng như những giải pháp lớn cho các vấn đề kinh tế của Việt Nam. Nhiều cảnh báo, kiến nghị đã được chấp nhận và mang lại những kết quả cụ thể trong việc xử lý quan hệ với các nước, các đối tác, góp phần đáng kể vào việc xây dựng chính sách kinh tế - xã hội của đất nước, bao gồm cả việc tìm kiếm một mô hình phát triển phù hợp, cũng như việc đề ra chính sách đối phó hữu hiệu với những bất ổn kinh tế vĩ mô hiện nay.

Thứ ba, phát huy vị thế mới của đất nước, tham gia ngày càng chủ động và tích cực hơn vào các tổ chức, diễn đàn kinh tế, thương mại, tài chính khu vực và quốc tế như ASEAN, ASEM, APEC, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), và đặc biệt là tham gia thực chất và tích cực vào hoạt động của WTO, trong đó có các cuộc đàm phán trong khuôn khổ vòng đàm phán Đô-ha v.v... Trong bối cảnh vai trò của các tổ chức thương mại và thể chế tài chính quốc tế ngày càng gia tăng, hoạt động ngoại giao đa phương trong lĩnh vực này đã trở thành một mặt trận hết sức sôi động, có tác động trực tiếp tới kinh tế trong nước. Sự tham gia của ngoại giao diễn ra ở nhiều cấp độ và dưới nhiều hình thức: trực tiếp đấu tranh, hỗ trợ các bộ, ngành, vận động hành lang, thu thập thông tin, kiến nghị chính sách... Kết quả là trong thời gian vừa qua, hoạt động ngoại giao đa phương tại các diễn đàn kinh tế, tài chính, thương mại đã khởi sắc rõ nét, hướng tới mục tiêu không chỉ bảo vệ tốt lợi ích đất nước mà còn từng bước tham gia xây dựng luật chơi quốc tế.

Thứ tư, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai và mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của ngành ngoại giao. Khi nền kinh tế hội nhập đầy đủ và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tần suất, quy mô các hoạt động kinh tế đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp ngày càng mở rộng. Ngành ngoại giao đã nghiên cứu và lựa chọn những phương thức hỗ trợ phù hợp, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Việc giúp đỡ các tỉnh biên giới phía Bắc hình thành các cơ chế hợp tác và mở rộng kinh tế đối ngoại với các tỉnh biên giới của Trung Quốc, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng là một mô hình hiệu quả, sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới. Đối với các bộ, ngành, Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ khai thông và mở rộng các thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập khá cao, bước đầu đưa một số lao động thí điểm sang nhiều thị trường mới như Ma cao (Trung Quốc), Xin-ga-po, Ô-xtrây-li-a, Bru-nây, Xlô-va-ki-a, Bun-ga-ri, Séc, Ru-ma-ni, An-gê-ri, Ly-bi, Cô-oét, Ca-ta v.v... Đặc biệt, ngoại giao đã tạo được đột phá vào thị trường các nước phát triển với những điều kiện làm việc thuận lợi cho lao động của ta như Ca-na-đa, Phần Lan...

Thứ năm, hoạt động ngoại giao Chính phủ và doanh nghiệp diễn ra sôi động trên nhiều cấp độ, góp phần thiết lập và tăng cường quan hệ đối ngoại với đối tác nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn. Nhiều cuộc gặp của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã được tổ chức với các tập đoàn kinh tế hàng đầu của sở tại trong các chuyến thăm song phương và tại các diễn đàn đa phương, cũng như với các tập đoàn lớn có tiềm lực công nghệ và tài chính thăm Việt Nam để khảo sát, tiến hành đầu tư và mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Các hoạt động này đã thu được những kết quả rất tích cực, tạo dựng lòng tin với các tập đoàn kinh tế lớn, thu hút đầu tư của họ vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn khẳng định cam kết làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Đây là những tín hiệu rất quan trọng giúp duy trì và thúc đẩy luồng vốn đầu tư vào Việt Nam ngay trong lúc kinh tế thế giới gặp khó khăn.

Thứ sáu, ngành ngoại giao đã tích cực hỗ trợ và tham gia tổ chức quảng bá hình ảnh Việt Nam. Trong những năm qua, mô hình quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài dưới các hình thức ngày văn hóa, tuần văn hóa Việt Nam... đã được tổ chức ở nhiều nước là đối tác kinh tế chủ yếu của Việt Nam, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, các nước ASEAN, các nước Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan)... Với lợi thế về quan hệ tại các địa bàn, ngành ngoại giao đã vận động sự ủng hộ cả về chính trị và vật chất cũng như sự tham gia tích cực của các đối tác và nhân dân sở tại vào các sự kiện này, tạo sự gắn bó về lợi ích giữa các bên tham gia. Các cơ quan đại diện cũng triển khai mạnh công tác xúc tiến, quảng bá qua việc tham gia tích cực vào các sự kiện lớn được tổ chức định kỳ ở sở tại, tổ chức các diễn đàn xúc tiến kinh tế đối ngoại liên ngành, đưa các đoàn doanh nghiệp và phóng viên báo chí, truyền hình sở tại vào Việt Nam tìm hiểu thị trường, cơ hội kinh doanh và quảng bá hình ảnh Việt Nam đến người dân sở tại.

Thứ bảy, công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài được coi trọng và tăng cường, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc, gắn bó với đất nước về văn hóa, lịch sử, huyết thống... Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, ngành ngoại giao đã tích cực vận động kiều bào xây dựng cộng đồng đoàn kết, hòa nhập và tôn trọng pháp luật sở tại; đồng thời hướng về cội nguồn, đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước với nhiều hình thức đa dạng như đầu tư về nước, kiều hối (mỗi năm 4 tỉ - 5 tỉ USD), làm cầu nối trong quan hệ với sở tại và đóng góp chất xám để phát triển các mặt khoa học, công nghệ và quản lý tại Việt Nam.

Những chuyển biến nêu trên đã tạo ra một diện mạo mới cho ngoại giao kinh tế. Công tác quan trọng này được thực hiện ngày càng bài bản, chủ động, sáng tạo, hỗ trợ thiết thực các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước. Bên cạnh đó, ngành ngoại giao cũng nhận thức được rằng: đất nước ta đang đứng trước những vận hội và thách thức mới của quá trình hội nhập và phát triển nhanh chóng. Với mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa vào năm 2020, các yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế sẽ ngày càng đa dạng hơn, đòi hỏi nỗ lực, trí tuệ và sự sáng tạo ngày càng cao. Để đáp ứng các yêu cầu của giai đoạn mới này, ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục được triển khai trên cả bề rộng và chiều sâu, theo phương châm "đột phá, mở đường, tham mưu, đồng hành, đôn đốc".

Với mạng lưới 84 cơ quan đại diện trải khắp các châu lục, ngành ngoại giao vốn có thế mạnh trong việc thu thập thông tin, dự báo các xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới. Thời gian tới, chức năng này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Ngành ngoại giao sẽ quan tâm hơn tới việc giới thiệu đối tác, tìm kiếm các thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và lao động của Việt Nam. Cán bộ ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao sẽ không chỉ là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp mà còn phải là người chủ động mở đường, khai phá những hướng đi mới, thị trường mới, giới thiệu cho đối tác nước ngoài những cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Thực tiễn khai phá và mở rộng các thị trường mới ở châu Phi và Mỹ La-tinh (Bra-xin, Vê-nê-xu-ê-la, Nam Phi...) cho thấy xúc tiến và triển khai các hoạt động kinh tế đối ngoại trước hết là trách nhiệm của các bộ, ngành kinh tế, địa phương và doanh nghiệp; ngoại giao chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ, nhưng sự hỗ trợ này rất quan trọng, mang tính "xúc tác", "cầu nối", và trong những trường hợp nhất định có thể quyết định thành công của công tác xúc tiến.

Nếu "đột phá, mở đường" được ví như những bước đi đầu tiên thì "tham mưu" để triển khai là bước tiếp theo. "Tham mưu" không chỉ giới hạn theo nghĩa truyền thống của ngành ngoại giao là đóng góp ý kiến cho các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn bao hàm cả việc tư vấn, gợi ý cho các doanh nghiệp và đối tác về những bước triển khai cụ thể. Để công tác này được triển khai có hiệu quả và đều khắp trên mọi địa bàn, yếu tố con người sẽ được quan tâm, chú trọng hơn nữa. Đội ngũ cán bộ ngoại giao tại cơ quan đại diện cũng như những người làm công tác chuyên trách trong nước sẽ được bổ sung về số lượng, tiếp tục nâng cao về chất lượng và từng bước trẻ hóa. Các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ định kỳ dành cho cán bộ ngoại giao và cán bộ các cơ quan liên quan, các địa phương cũng sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, với nội dung thiết thực, gắn với thực tiễn và nhu cầu công việc.

Một điểm mới đánh dấu sự chuyển biến về chất trong ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ "đồng hành, đôn đốc". Trong môi trường kinh doanh quốc tế có tính cạnh tranh cao, việc khai thác tối đa các cơ hội, kết nối các đối tác cũng như hiểu đúng và thực hiện tốt các cam kết, nghĩa vụ quốc tế là một nhiệm vụ phức tạp, một nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam. Muốn đồng hành cùng doanh nghiệp, địa phương, ngoại giao phải hiểu nhu cầu, lợi ích của doanh nghiệp, phải trăn trở và chia sẻ những lo lắng của doanh nghiệp và địa phương. Các vụ kiện chống bán phá giá cá tra, cá basa; giày da; hàng dệt may hay tranh chấp nhãn hiệu thuốc lá Vinataba... trong thời gian qua là những ví dụ điển hình cho thấy việc đàm phán các thỏa thuận, giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế có vai trò ngày càng quan trọng và đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh kỹ thuật và vận động chính trị. Ngoài tác dụng tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán, sự đồng hành, đôn đốc của ngoại giao giúp tạo ra sức mạnh tổng hợp, trong nhiều trường hợp là yếu tố quyết định tạo đột phá, đi đến thỏa thuận cuối cùng mà các bên đều có thể chấp nhận được, cũng như thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đó sau ký kết.

Các khâu "mở đường", "tham mưu" và "đồng hành" nêu trên không tách rời mà nằm trong một tổng thể thống nhất, gắn bó hữu cơ và hỗ trợ cho nhau. Nếu chỉ phát hiện ra thị trường mới mà không hỗ trợ, tham mưu để kết nối hợp tác thì các doanh nghiệp, địa phương sẽ rất khó thâm nhập và cạnh tranh hiệu quả tại thị trường mới. Mặt khác, việc hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương sẽ bị chồng chéo, không thể đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực nếu ngoại giao không biết phát huy thế mạnh của mình để tham mưu về cách làm và định hướng đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp. Điều đáng lưu ý là trong toàn bộ quá trình này, cho dù ngoại giao có hỗ trợ mạnh mẽ thì doanh nghiệp và địa phương vẫn giữ vai trò quyết định. Nói một cách khác, chính nội lực, sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp, địa phương là yếu tố then chốt, bảo đảm sự phát triển lâu dài và bền vững của chính doanh nghiệp.

Có thể nói, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai mạnh mẽ và đều khắp, bước đầu đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển đất nước. Tuy còn nhiều việc cần làm, nhưng ngành ngoại giao đã tạo nền tảng vững chắc để đưa hoạt động ngoại giao kinh tế bước sang một giai đoạn mới. Với phương châm "đột phá, mở đường, tham mưu, đồng hành, đôn đốc", ngành ngoại giao quyết tâm tiếp tục đổi mới và tin tưởng sẽ đồng hành một cách hiệu quả, thực chất với các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương và đối tác trong quá trình hội nhập quốc tế. Ngoại giao kinh tế không chỉ là nhiệm vụ của ngành ngoại giao, mà còn là nhiệm vụ của cả nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp... Được tổ chức tốt, có kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ với các đối tác, ngoại giao kinh tế sẽ đóng góp ngày càng nhiều hơn và thiết thực hơn vào sự nghiệp phát triển đất nước./.

Phạm Gia Khiêm
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

(Theo Tạp chí Cộng sản điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất