Thời Lý đã mở trường đại học đầu tiên (Quốc Tử Giám) 1075 để đào tạo nhân tài. Khoa cử thời Lý, Trần góp phần phát triển nền văn minh Đại Việt. Đến thời Lê sơ năm 1442 mở khoa thi Hội đầu tiên để chọn Trạng Nguyên Bảng Nhãn, Thám Hoa. Từ 1462 Vua Lê Thánh Tông, việc thi cử càng được coi trọng. Trên bia tiến sĩ đã ghi “việc chính trị lớn của đế vương không gì cần bằng nhân tài”. Lời dụ của Vua Lê Hiến Tông ở ngôi vua (1498-1504) có ghi: “Nhân tài là nguyên khí của nhà nước, nguyên khí mạnh thì trị đạo mới thịnh”.
Trong lịch sử đã có biết bao bậc trí thức đã làm vẻ vang đất nước vì dân như Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn v.v...
Kế tục truyền thống của dân tộc, từ năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Rất nhiều trí thức đã đi vào con đường đấu tranh cách mạng cùng với công nhân, nông dân và cả dân tộc làm nên thắng lợi vẻ vang của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Hội văn hoá cứu quốc và nhiều tổ chức chính trị khác trong Mặt trận Việt Minh, bản Đề cương văn hoá Việt Nam (1943) của Đảng đã tập hợp, đoàn kết và khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và hành động cách mạng của đông đảo trí thức. Tại Đại hội quốc dân ở Tân Trào (16, 17-8-1945) có những đại biểu là trí thức đã tham gia và được bầu vào Uỷ ban dân tộc giải phóng.
Tổng khởi nghĩa thành công, Uỷ ban dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời (28-8-1945) và Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra mắt quốc dân trong ngày lễ độc lập 2-9-1945, trong đó có những bộ trưởng là trí thức tiêu biểu Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Quốc hội khoá I kỳ họp đầu tiên (2-3-1946) cử ra, có nhiều trí thức nổi tiếng tham gia như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Anh, Đặng Thai Mai, Trần Đăng Khoa... Quốc hội bầu cụ Nguyễn Văn Tố làm trưởng ban thường trực Quốc hội. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều trí thức sống và làm việc ở nước ngoài đã về nước tham gia sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, như các nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, Lương Đình Của, Trần Hữu Tước...
Sau Cách mạng Tháng Tám, trong lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến và xây dựng chế độ mới, kiến thiết nước nhà, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo. Hồ Chí Minh phát động chiến dịch xoá nạn mù chữ, Người cho rằng, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới, năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (9-1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của việc học hành của học sinh có ý nghĩa quyết định để nước Việt Nam có thể phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã chân thành kêu gọi và mong muốn những người có tài năng đóng góp vào sự nghiệp chung cách mạng của dân tộc. Trong bài Nhân tài và kiến quốc đăng trên báo Cứu quốc số 91 ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”(1). Ngày 20-11-1946 trên báo Cứu quốc số 411 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Tìm người tài đức. Người nhấn mạnh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”(2). Trong đồng bào “không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương “phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”, “báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó”(4). Đó là nhiệm vụ bức thiết và được đặt ra rất cụ thể chứ không phải là lời kêu gọi, động viên. Trong hoàn cảnh kháng chiến toàn quốc đã đến gần Bác Hồ cũng đặc biệt quan tâm tìm người tài đức.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (10-1947) Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”(5). Người cũng nêu rõ hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội mà người trí thức cần nắm vững và vận dụng vào đời sống và đấu tranh. Hồ Chí Minh viết: “Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức”(6). Nhưng tri thức cần được áp dụng vào thực tế mới là trí thức hoàn toàn. Lý luận phải đem ra thực hành.
Với quan điểm và chính sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi trọng vai trò của trí thức, với ý thức trách nhiệm đối với cách mạng và dân tộc, trong suốt hai cuộc kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đông đảo những trí thức yêu nước tiêu biểu đã cùng đồng bào cả nước chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lịch sử đấu tranh của Đảng và dân tộc mãi mãi nhớ đến những tấm gương trí thức tiêu biểu: Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Vũ Đình Tụng, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch v.v... Nhiều trí thức trẻ, học sinh, sinh viên tham gia đấu tranh như Trần Văn Ơn trong kháng chiến chống Pháp ở Sài Gòn, đến phong trào đô thị trong kháng chiến chống Mỹ với nhiều trí thức trẻ tiêu biểu trong đó có Nguyễn Thái Bình. Hàng vạn trí thức trẻ được đào tạo ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã ra mặt trận và nhiều người đã anh dũng hy sinh như liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm.
Trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam coi trọng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, không ngừng phát triển chính sách đối với trí thức, phát huy vai trò, cống hiến của đội ngũ trí thức đối với quá trình đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá để phát triển đất nước. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X họp từ ngày 9 đến ngày 17-7-2008 đã ra Nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về trí thức, do đó đã đề cập một cách toàn diện từ vai trò, khái niệm về trí thức đến việc đánh giá thực trạng đội ngũ trí thức và công tác xây dựng đội ngũ trí thức của Đảng và Nhà nước khi đổi mới (1986) đến nay; Nghị quyết xác định rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Khái niệm trí thức, Nghị quyết nêu rõ: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”(7).
Từ quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương khoá X đã đánh giá về đóng góp của trí thức: đội ngũ trí thức Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, quan trọng vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đánh giá vai trò của tri thức và đội ngũ trí thức, Trung ương nhận định: “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”(8). Để đưa Việt Nam sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đòi hỏi phải lựa chọn con đường rút ngắn, phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức.
Sự phát triển và đóng góp của đội ngũ trí thức Việt Nam trong những năm đổi mới từ năm 1986 đến nay được đánh giá trên mấy điểm chính:
- Đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng; góp phần trực tiếp cùng toàn dân đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, từng bước xoá đói giảm nghèo, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến nay cả nước có hơn 2 triệu người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Có mấy chục ngàn người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, gần bảy ngàn người là giáo sư, phó giáo sư cùng với 300.000 trí thức Việt Nam định cư ở người nước ngoài.
- Đội ngũ trí thức đã đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới.
- Trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Sáng tạo những công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới.
- Bộ phận trí thức tham gia công tác lãnh đạo, quản lý đã phát huy tốt vai trò và khả năng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, trình độ quản lý của Nhà nước.
- Đội ngũ trí thức trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh là lực lượng nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Đa số trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc.
Trung ương Đảng cũng thẳng thắn chỉ rõ những mặt hạn chế, yếu kém của đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay:
Số lượng và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước. Cơ cấu đội ngũ trí thức có những mặt bất hợp lý về ngành nghề, độ tuổi, giới tính... Trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận hẫng hụt; chưa có nhiều tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế. Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa xuất phát và gắn bó mật thiết với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Trong khoa học tự nhiên và công nghệ, số công trình được công bố ở các tạp chí có uy tín trên thế giới, số sáng chế được đăng ký quốc tế còn quá ít. Trong khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu lý luận còn thiếu khả năng dự báo và định hướng, chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tế đổi mới đặt ra, chưa có những công trình sáng tạo lớn, nhiều công trình còn sơ lược, sao chép. Trong văn hoá, văn nghệ còn ít tác phẩm có giá trị xứng tầm với những thành tựu vẻ vang của đất nước, sự sáng tạo và hy sinh lớn lao của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế.
Trình độ của trí thức ở nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học tụt hậu so với yêu cầu phát triển đất nước và so với một số nước tiên tiến trong khu vực, nhất là về năng lực sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ tin học.
Một bộ phận trí thức, kể cả người có trình độ học vấn cao, còn thiếu tự tin, e ngại, sợ bị quy kết về quan điểm, né tránh những vấn đề có liên quan đến chính trị. Một số giảm sút đạo đức nghề nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng, có biểu hiện chạy theo bằng cấp, thiếu trung thực và tinh thần hợp tác. Một số trí thức không thường xuyên học hỏi, tìm tòi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, thiếu chí khí và hoài bão. Nhiều trí thức trẻ có tâm trạng thiếu phấn khởi, chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên về chuyên môn.
Nhận thức rõ vai trò và những đóng góp của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới, thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của đội ngũ trí thức hiện nay, Đảng và Nhà nước đã và từng bước hoàn chỉnh các chính sách để đội ngũ và mỗi người trí thức ngày càng có những đóng góp có hiệu quả hơn cho sự phát triển đất nước. “Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để đội ngũ trí thức phát triển nhanh về số lượng nâng lên về chất lượng, phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội”. “Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đặc biệt là các nghị quyết chuyên đề về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá và văn nghệ, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài... để tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức”(9). Với Nghị quyết về trí thức lần này nhất định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức, mỗi người trí thức có thể phát triển hết tài năng, sửa chữa, khắc phục những yếu kém để đóng góp ngày càng tốt hơn cho phát triển đất nước và hạnh phúc của nhân dân.
Mặt khác, đội ngũ trí thức và mỗi người trí thức từ trong nhận thức và tình cảm của mình lại thấy hết trách nhiệm cao cả của mình đối với đất nước và nhân dân, đối với sự nghiệp đổi mới, đối với Đảng và Nhà nước để mang hết trí tuệ, tài năng và tâm huyết đóng góp thiết thực và có hiệu quả nhất nhằm sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Trách nhiệm của trí thức đối với vận mệnh của đất nước, dân tộc trong lịch sử Việt Nam là rất rõ và có nhiều tấm gương sáng. Với tất cả tài năng và tâm huyết, các bậc hiền tài đều đi đầu mỗi khi đất nước khó khăn, gặp nguy nan (sĩ phu hữu trách). Noi gương các bậc tiền nhân, nhiều người trí thức tài năng, chân chính đã nêu cao tinh thần trách nhiệm đóng góp tích cực cho sự nghiệp đổi mới. Nhưng cũng vẫn có không ít người cứ như người ngoài cuộc, chỉ biết đòi hỏi, kêu ca và phê phán. Tinh thần trách nhiệm của trí thức đối với đất nước ấy là sự suy nghĩ nghiêm túc về kết quả, hiệu quả nghiên cứu khoa học. Trong những năm đổi mới, ngân sách Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học rất lớn và ngày càng tăng lên, nhưng kết quả nghiên cứu được đưa vào ứng dụng còn ít. Có vấn đề mà nhiều năm qua rất nhiều chương trình, dự án đề tài cấp Nhà nước tập trung nghiên cứu với kinh phí rất lớn nhưng chủ yếu là minh hoạ, giải thích, sao chép, sắp xếp lại rồi cũng nghiệm thu xuất sắc mà không thấy ứng dụng hay không có khả năng ứng dụng trong thực tế. Điều đó không những lãng phí tiền của, công sức mà còn nuôi dưỡng sự thiếu trung thực triệt tiêu tinh thần lao động khoa học nghiêm túc, sáng tạo vốn có của người trí thức chân chính.
Thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng lương thực với gần một tỷ người thiếu đói. Trong hoàn cảnh như thế, Việt Nam vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng nông nghiệp cả về năng suất, sản lượng, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu gạo để góp phần giúp đỡ bạn bè trên thế giới. Có được điều đó là nhờ chính sách đầu tư, phát triển nông nghiệp đúng đắn của Đảng và Chính phủ, đồng thời có lao động quên mình của nông dân cả nước, có đóng góp lớn lao của các nhà khoa học trong ngành nông nghiệp. Đất nước ghi nhận công lao của nhiều nhà nông học trong đó có các nhà khoa học nữ đã cùng tập thể khoa học lai tạo giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng gạo ngon, có khả năng chịu hạn, chịu rét và kháng sâu bệnh. Đó là trách nhiệm cao của trí thức đối với đất nước. Đương nhiên vẫn còn nhiều vấn đề trong nông nghiệp cần đến vai trò và trách nhiệm của các nhà khoa học như cơ giới hoá trong nông nghiệp để người nông dân đỡ vất vả, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, vấn đề lựa chọn cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, vấn đề thất thoát sau thu hoạch...
Khủng hoảng kinh tế thế giới từ đầu năm 2008 và hiện nay cơn bão khủng hoảng tài chính, tiền tệ đang hoành hành ở các nước kinh tế phát triển. Đảng và Chính phủ đã có những kết luận, quyết sách kịp thời với 8 nhóm giải pháp nhằm chống lạm phát, tăng giá, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Các nhà khoa học kinh tế, các chuyên gia kinh tế đã góp phần vào những quyết sách đó. Tình hình kinh tế thế giới và đất nước ta hiện nay cũng đòi hỏi cao hơn nữa trách nhiệm, tài năng, trí tuệ, năng lực dự báo của các nhà kinh tế để tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những chính sách, giải pháp có hiệu quả.
Một quan điểm lớn và cũng là mục tiêu chiến lược Đảng đề ra là đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn liền với phát triển kinh tế tri thức. Nhiệm vụ đó cũng đòi hỏi rất cao ở tinh thần trách nhiệm và năng lực sáng tạo ở những phát minh của trí thức. Nói đến trí thức là phải đề cao sáng kiến, tài năng sáng tạo và phát minh của cá nhân: Lao động của trí thức là lao động đặc biệt, có tính đặc thù đòi hỏi rất cao sự sáng tạo và tài năng. Người trí thức phải sống được, thậm chí giàu có, bằng chính công trình lao động khoa học, nghệ thuật của mình. Nhà khoa học sống bằng công trình khoa học, phát minh của mình, hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ sống bằng chính giá trị vật chất của những sáng tạo, công trình nghệ thuật của mình. Chỉ như thế mới có đỉnh cao của phát minh và sáng tạo. Chừng nào vẫn công chức hoá trí thức, trí thức ở trong biên chế Nhà nước, đến tháng bình lương, đến niên hạn lại lên lương, thì thật khó có lao động trí tuệ và sáng tạo.
Để khắc phục những yếu kém của đội ngũ trí thức hiện nay. Đảng, Nhà nước quan tâm đến chính sách đãi ngộ, sử dụng trí thức một cách đúng đắn, đồng bộ, nhưng trước hết và căn bản là thực hiện, đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng đào tạo. Chú trọng đổi mới căn bản nội dung và phương pháp giáo dục đào tạo từ chương trình mầm non, đến giáo dục phổ thông và đào tạo đại học, sau đại học. Đồng thời với đổi mới chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo, đội ngũ trí thức và mỗi người trí thức phải tự vươn lên, không ngừng học tập để nâng cao trí tuệ, rèn luyện tư duy và phương pháp nghiên cứu, làm việc khoa học, rèn luyện bản lĩnh khoa học và đạo đức của người trí thức Việt Nam trong thời đại mới. Việc không ngừng tự học tập và rèn luyện không chỉ vì bản thân mà còn là trách nhiệm đối với sự phát triển đất nước. Trí thức không ngừng học tập là tấm gương để tạo dựng một xã hội học tập - một trong những tiêu chí của một xã hội văn minh.
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X đề ra mục tiêu đến năm 2020, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, mục tiêu đó là có tính hiện thực vì dân tộc Việt Nam là dân tộc hiếu học, có truyền thống văn hiến, có năng lực trí tuệ, có đường lối, quan điểm xây dựng phát triển đội ngũ trí thức đúng đắn của Đảng và Nhà nước, có thế hệ thanh, thiếu niên hôm nay đang trưởng thành cùng đất nước. Các kỳ thi quốc tế về toán học, hoá học, vật lý, sinh học... nhiều năm nay học sinh Việt Nam đều đạt giải cao. Nhiều em đạt số điểm tuyệt đối trong các kỳ thi tuyển đại học, nhiều sinh viên đỗ thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học. Đó là những vốn quý để đào tạo lên cao trở thành nhân tài cho đất nước. Cùng với tôn vinh các doanh nhân giỏi cần chú trọng nhiều hơn đến gương học tập, làm việc của trí thức thuộc nhiều thế hệ, nhất là những trí thức trẻ./.
PGS, TS. Nguyễn Trọng Phúc
———————
(1), (2), (3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.4, tr.99, 451.
(5), (6) Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.235.
(7), (8), (9) ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy BCHTW khoá X, Nxb CTQG, H, 2008, tr.81-82, 81, 84