(TG) - Nếu trước đây thường chỉ yêu cầu người lãnh đạo “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, thì trong nhiệm kỳ tới, cán bộ lãnh đạo các cấp ngoài “ba dám” trên thì còn phải thêm “hai dám” nữa là “dám nói; dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước”.
Nghỉ hưu mà chưa bao giờ nghỉ đọc, bởi như ông nói, cả đời gắn bó với công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, cái sự đọc đã ngấm sâu vào máu thịt, nên có muốn dứt ra cũng không được. Mỗi lần gặp nhau, ông hào hứng trò chuyện, chia sẻ, cung cấp cho tôi những thông tin mà ông thu lượm được từ việc đọc sách báo và theo dõi sát sao chuyện thời cuộc.
Theo thói quen thân tình, lần này gặp, tôi lại “mào đầu”: - Có gì mới không, thưa nhà “bình luận thời thế?”. Ông bảo: - Có đấy! Một trong những điểm mới trong tiêu chí nhân sự giới thiệu bầu vào cấp ủy các cấp đợt này, đặc biệt là nhân sự giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương, Đảng ta nhấn mạnh phải giới thiệu, lựa chọn những người “dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước; dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Nếu trước đây thường chỉ yêu cầu người lãnh đạo “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, thì trong nhiệm kỳ tới, cán bộ lãnh đạo các cấp ngoài “ba dám” trên thì còn phải thêm “hai dám” nữa là “dám nói; dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước”.
Vốn am tường chữ nghĩa, hiểu chuyện chính trường, ông phân tích: “Dám” có nghĩa là không ngại, không sợ làm những việc khó, việc nan. Đối với cán bộ lãnh đạo, “dám nghĩ” thể hiện tư duy đổi mới, bứt phá nhằm khai thông mở lối phát triển để đạt hiệu quả tối ưu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; “dám làm” thể hiện thái độ hành động quyết liệt, khẩn trương, chủ động xông pha, tiên phong dấn thân vào những công việc khó khăn, nhiệm vụ phức tạp nhằm làm chuyển biến tình hình theo chiều hướng tích cực; “dám chịu trách nhiệm” thể hiện bản lĩnh cứng cáp, tinh thần vững vàng của người “đứng mũi chịu sào” trước mọi “sóng to gió cả”, không lùi bước trước nguy nan và luôn có ý thức đón nhận cả thành công và thất bại, thậm chí đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn.
Tuy vậy, cán bộ thời nay chỉ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” thôi chưa đủ, mà hơn thế, phải “dám nói” để thể hiện dũng khí cương trực, thẳng thắn, công tâm của mình trước khi nhận định, xem xét, phán quyết một vấn đề nào đó. Vì trên thực tế, có một bộ phận cán bộ tuy có khả năng diễn đạt tốt, nhưng không phải ai cũng thể hiện quan điểm xác đáng, lập trường rõ ràng, chính kiến dứt khoát của mình. Thế nên mới có một bộ phận cán bộ ứng xử theo lối dĩ hòa vi quý, gió chiều nào theo chiều ấy, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, làm cho cái tốt không có điều kiện nảy nở, phát huy, cái sai không được phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Cái sự không “dám nói” của cán bộ suy cho cùng cũng là một hình thức tự thủ tiêu tinh thần đấu tranh chân chính, một biểu hiện tinh vi của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi.
Cán bộ trước hết là con người, cũng có các nhu cầu thiết thân như mỗi người dân bình thường. Nhưng khi đã tự nguyện dấn thân vào con đường chính trị, thì cán bộ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép (còn người dân thì được làm tất cả những gì pháp luật không cấm). Khi nói đến việc “dám hy sinh lợi ích cá nhân” nghĩa là đòi hỏi cán bộ phải tự giác gác lại những nhu cầu tầm thường, ham muốn có tính chất riêng tư mà khi bộc lộ ra có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp chung, lợi ích chung của tổ chức, cơ quan, đơn vị; đồng thời phải luôn nghiêm khắc với bản thân, không bị lóa mắt trước cái bả “tiền tài danh vọng” và “tửu sắc” đầy mê hoặc có thể biến mình từ bậc “chính nhân quân tử” thành kẻ “phàm phu tục tử” trong một thời gian rất ngắn. “Dám hy sinh lợi ích cá nhân” còn có nghĩa là sẵn sàng, tự giác chấp nhận một phần thiệt thòi về mình, không lợi dụng vị trí công tác, quyền lực, chức trách, nhiệm vụ được giao để thu vén, vơ vét lợi lộc cho cá nhân và gia đình, làm tổn hại đến lợi ích chung của tập thể, cộng đồng và đất nước.
Ở chiều sâu hơn, “dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước” chính là tinh thần tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lấy lợi ích tối cao của quốc gia dân tộc làm thước đo định hướng, chi phối việc tu dưỡng, rèn luyện, học tập, công tác của bản thân; hành xử đúng mực và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, không bao giờ vì lợi ích riêng mà xâm phạm, gây hại lợi ích chung. Vì thế, “dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, của đất nước” không chỉ là tiêu chí nói lên một trong những khía cạnh của bản lĩnh ưu tú, dũng khí nổi trội, phẩm chất cao quý của người lãnh đạo, mà còn được ví như một “thanh bảo kiếm” có khả năng ngăn chặn những cám dỗ tầm thường, ham muốn nhỏ nhen có thể gây nên những “ung nhọt” hủy hoại tâm hồn, đạo đức cán bộ thời nay./.
Thiện Văn