NHIỀU VĂN BẢN GIẢ MẠO
Đêm 31/3, trên mạng xã hội lan truyền văn bản số 314/UBND-KGVX của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc tiếp tục cho phép học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ ngày 1/4 đến hết ngày 16/4 để phòng, chống dịch COVID-19.
Sáng 1/4, ông Ngô Văn Luyến, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh khẳng định đây là văn bản giả mạo, vi phạm pháp luật, không đúng với tình hình thực tế của tỉnh và sự chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời điểm hiện nay. Đây là văn bản sai sự thật gây hoang mang trong dư luận, nhất là đối với phụ huynh, học sinh, ảnh hưởng không nhỏ tới việc học tập của học sinh trên địa bàn tỉnh.
Trước đó vào ngày 21/2, tại tỉnh Quảng Nam một em học sinh (trú tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã làm giả văn bản cho nghỉ học của tỉnh rồi gửi riêng cho bạn bè lên nhóm ‘Messenger’ trong lớp cũ để đùa nhau. Sau đó văn bản bị người khác phát tán lên mạng xã hội và gây hoang mang dư luận. Công văn giả cho phép học sinh, sinh viên từ độ tuổi nhà trẻ đến sinh viên các trường ĐH, CĐ nghỉ học từ ngày 21-2 đến 21-3, đồng thời yêu cầu các trường, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Cũng trong một sự việc tương tự, ngày 2-3, Công an thành phố Cần Thơ triệu tập L.T.H 28 tuổi, ngụ phường 5, TP Vĩnh Long, hiện ở trọ đường Nguyễn Văn Linh, phường An Khánh, Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ), người trực tiếp sửa nội dung công văn ban hành ngày 15-2 của UBND thành phố Cần Thơ thành "công văn" cho học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn nghỉ học đến hết tháng 3-2020 để phòng chống dịch COVID-19.
Cũng trong đầu tháng 3, trên mạng xã hội xuất hiện tờ trình của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị UBND tỉnh này "kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh trên địa bàn đến hết 8-3".
Tất cả những việc làm sai trái này đều đã bị các cơ quan chức năng làm rõ và xử phạt để răn đe.
NGHỊCH ĐÙA NHƯNG HẬU QUẢ THẬT
Đối với những trường hợp làm giả văn bản về việc nghỉ học nêu trên đều đã bị các cơ quan chức năng nhanh chóng phát hiện, làm rõ động cơ và đề ra các hình thức xử phạt mang tính răn đe cảnh cáo. Tuy nhiên, hệ lụy xã hội của việc làm giả văn bản Nhà nước có thể nói gây hoang mang dư luận, gây bất ổn trong quá trình điều hành phòng, dịch COVID-19 cũng như quá trình quản lý xã hội của các địa phương.
Từ thực tế nói trên, có thể nhận thấy một số xu hướng của việc tạo tin giả, hoang tin, đó là:
Một là, việc làm giả các văn bản chỉ mang tính chất vui đùa, nghịch ngợm, truyền bá trong nhóm nhỏ như trong lớp, trong trường như em học sinh cấp hai ở Quảng Nam. Hành động sử dụng photoshop làm giả văn bản chỉ mang tính chất câu like, câu view, tạo sự phấn khích của đối tượng trong sử dụng mạng xã hội vô tình được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên không gian mạng, hệ quả là đã khiến cho nhiều học sinh, nhiều gia đình không biết xử trí như thế nào trong những tuần học kế tiếp.
Hai là, cũng từ việc một tạo hình ảnh, tạo drama (tạo tình huống kịch) trên mạng xã hội nên một số người đã không nghĩ đến hậu quả của hành vi. Chỉ đơn giả chỉnh sửa hình ảnh văn bản của chính quyền rồi đưa lên mạng nhằm tỏ ý “khoe khoang” thạo tin, sớm biết trước việc điều hành của chính quyền nhằm tăng oai phong thương hiệu trang cá nhân. Một số ngoài việc tại “nick phẩm” còn mục đích thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng qua đó bán hàng online.
Ba là, các đối tượng tạo văn bản giả đa số không hiểu biết pháp luật. Cho rằng việc chỉnh sửa nội dung, hình thức văn bản đưa lên mạng sẽ không bị các cơ quan chức năng chú ý, đăng lên sẽ không ai tìm ra, chẳng ai phát hiện ra việc mình làm. Thậm chí có người còn ấu trĩ nếu có bị hỏi đến sẽ trả lời là hình ảnh lấy ở trên mạng, có làm sao đâu....
Đối với việc tung tin giả và làm giả các văn bản quy phạm pháp luật, UBND các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo; các ngành, đơn vị liên quan thông báo tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn biết, để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ dạy và học theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương.
Trước các hành vi thông tin giả nhưng dẫn đến hậu quả thật, chắc chắn cơ quan công an sẽ khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ tổ chức, cá nhân phát tán văn bản giả mạo, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Để hạn chế tình trạng giả mạo văn bản vì thiếu hiểu biết, thời gian tới, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền cho học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật trong việc sử dụng mạng xã hội.
Thứ hai, nhanh chóng phát hiện, xử lý những trường hợp tạo lập văn bản giả, xử phạt sớm nhằm tăng tính răn đe, giáo dục.
Thứ ba, tăng cường gỡ bỏ những trang web, địa chỉ youtube, tictok, facebook tung tin giả mạo, không để cho những địa chỉ nói trên tiếp tục lan truyền thông tin sai trái, xấu độc...
Thư tư, tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân khi tham gia sử dụng mạng xã hội nên có kỹ năng thẩm định thông tin, phân biệt tin tức thật – giả để tránh chia sẻ nhưng thông tin chưa được kiểm chứng, có nguồn gốc rõ ràng.
Song song với việc chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi pháp nói trên, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa, sớm có quy chế quản lý về việc sử dụng mạng xã hội đối với người dân; tăng cường khuyến cáo những việc được phép làm và không được phép làm trong việc sử dụng mạng xã hội vui chơi, giải trí.
Trong câu chuyện nêu trên về việc giả mạo văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc tiếp tục cho phép học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học từ ngày 1/4 đến hết ngày 16/4 để phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh hiện đang giao Công an tỉnh khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ tổ chức, cá nhân phát tán văn bản giả mạo, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trọng Đạt