Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 30/4/2013 15:43'(GMT+7)

Người chiến sĩ phất cờ chiến thắng tại dinh Độc Lập

Ông Đô và đồng đội thường ôn lại kỷ niệm chiến đấu và chiến thắng bằng những hiện vật sờn cũ. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Ông Đô và đồng đội thường ôn lại kỷ niệm chiến đấu và chiến thắng bằng những hiện vật sờn cũ. (Ảnh: Trung Hiền/Vietnam+)

Người đàn ông nhỏ nhắn, lưng gù, dáng vẻ hiền hậu lật giở từng xếp tài liệu cũ mèm, miệng vanh vách kể cho người khách trẻ những trận chiến ác liệt để giải phóng miền Nam.

Ít ai biết rằng, ngày còn trai tráng, ông cao tới 1,73m, là một trong những chiến sĩ đặc công xuất sắc của Binh chủng Đặc công. Và, ông cũng chính là người đã phất lá cờ giải phóng trên dinh Độc Lập…

Theo nghiệp binh đao

Ngôi nhà nhỏ, giản dị của người lính đặc công năm xưa, ông Phạm Duy Đô nằm sâu trong một con ngõ... cực nhỏ ở Thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình). Tiếp khách nhẹ nhàng, nhưng đến khi kể về những trận đánh năm xưa, ông Đô cất giọng sang sảng, rất đỗi tự hào.

Tháng 5/1969, khi mới 17 tuổi, Phạm Duy Đô nhập ngũ và trở thành chiến sĩ của Binh chủng Đặc công. Sau thời gian huấn luyện 9 tháng, anh được lựa chọn là một trong 6 chiến sĩ đặc công đi biểu diễn cho lãnh tụ Fidel khi ấy sang thăm Việt Nam.

Vào chiến trường miền Nam, Phạm Duy Đô luôn đi đầu, là một người lính quả cảm, luôn xông pha vào nơi mũi tên, hòn đạn.

Chỉ tay vào hai vết sẹo trên đùi, ông kể rằng trong trận đánh Chiến đoàn 43 đóng tại Biên Hòa của địch vào năm 1972, ông đã bị đạn găm vào hai bên đùi, cây đè lên cột sống bất tỉnh. Đồng đội tưởng ông đã hy sinh, bèn khênh Phạm Duy Đô ra bờ suối để đợi đến sáng đem chôn thì nửa đêm ông tỉnh lại. Sau khi điều trị tại chỗ một thời gian, ông lại tiếp tục vác súng chiến đấu với kẻ thù, giành giật từng thước đất cho quê hương.

Trong ký ức của những năm tháng trai trẻ ùa về, ông Đô nhớ như in lần bắt sống một viên đại tá Ngụy quyền tên là Kiệt khiến đám lính Ngụy khiếp sợ.

Nói về hành động táo bạo này, ông Đô kể rằng năm 1974, ông nhận lệnh của Quân ủy Miền phải bắt bằng được đại tá Kiệt (thuộc Chiến đoàn 43) - kẻ nắm hồ sơ về việc điều hành Mỹ-Ngụy bắn phá miền Bắc cũng như nắm rõ về lịch điều quân Ngụy ra Quảng Trị, Buôn Mê Thuột và các quân khu.

Để thực hiện nhiệm vụ, Phạm Duy Đô đã mất cả tháng trời cải trang thành lính Ngụy để theo dõi lịch trình sinh hoạt của tên Kiệt. Sau khi biết tên Kiệt có một rẫy cà phê ở khu vực Biên Hòa, ông đã lên kế hoạch chi tiết để bắt tên đầu sỏ này khi hắn đến thăm rẫy và cuộc vây bắt thành công.

Trận đánh cuối cùng

Trải qua hàng trăm trận đánh oai hùng, chiến sĩ đặc công Phạm Duy Đô thấy mình vô cùng may mắn khi chứng kiến thời khắc cuối cùng của chế độ Ngụy quyền, và tự tay vẫy lá cờ giải phóng trên dinh độc lập.

Theo lời kể của ông Đô, vào những ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975 (khi ấy ông Đô là Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116 của Binh chủng Đặc công), Đại đội của ông được lệnh tấn công kho xăng An Bình, chiếm và giữ cầu xa lộ Biên Hòa.

Nhận lệnh, ngày 26/4, Đại đội của Thượng sĩ Phạm Duy Đô gồm 24 chiến sĩ đặc công đã bất ngờ tập kích kho xăng An Bình, đánh tan một trung đoàn của địch. Sau đó, ông Đô lại chỉ huy lực lượng đánh tan 1 trung đoàn thủy quân lục chiến của Ngụy ở trên thuyền (dưới cầu xa lộ Biên Hòa), giải phóng 2 ấp cạnh đó để làm nơi tập kết vũ khí, đạn dược... Những trận đánh ác liệt này đã cướp đi sinh mạng của 6 chiến sĩ đặc công, song đã giúp ta giành thắng lợi lớn, giữ thành công cây cầu để đường cho Đại quân thẳng tiến vào giải phóng Sài Gòn.


Chiến sĩ đặc công Phạm Duy Đô (cầm cờ) trong những ngày đại thắng.
(Ảnh chụp lại tại Bảo tàng Binh chủng Đặc công).


Hoàn thành nhiệm vụ, Đại đội của ông Đô lại chia làm 2 mũi, cùng với xe tăng của Đại quân tiến vào Sài Gòn, thẳng tới dinh Độc Lập làm nhiệm vụ chiến đấu và chỉ đường. Chiếc xe tăng ông Đô ngồi đi thứ hai.

Sau khi chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng dinh độc lập, chiếc xe tăng chở Thượng sĩ Đô cùng Trung úy xe tăng Bùi Quang Thận (người cắm cờ trên dinh Độc lập)… vòng theo phía tay trái tiến lên.

Ngay lập tức, Thượng sĩ Phạm Duy Đô đã chạy lên ban công của dinh Độc lập, vẫy cờ giải phóng để ra hiệu cho xe tăng tiến vào. “Khi ấy, toàn bộ Trung đoàn Đặc công đã bao vây dinh Độc lập. Và địch đã chịu bỏ giáp đầu hàng,” ông Đô nhớ lại.

Sau khi ra hiệu cho xe tăng tiến vào, ông Đô cùng đồng đội đã phát hiện toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn trong phòng họp. Lực lượng đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 đã kịp thời bắt sống nội các chính quyền Sài Gòn. Và, tướng Dương Văn Minh-Tổng thống Ngụy quyền đã phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Ước vọng giản đơn

Sau giải phóng, Phạm Duy Đô được cử về tiếp quản quận Thủ Đức, làm công tác huấn luyện chiến sĩ mới. Sau đó, ông đã xin giải ngũ vào năm 1983.

Trải qua nhiều trận đánh ác liệt, lập nhiều chiến công và được tặng rất nhiều phần thưởng cao quý như 2 Huân chương Chiến công hạng Hai; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Dũng sĩ diệt Mỹ; Dũng sĩ diệt cơ giới; Huân chương chiến sĩ Giải phóng hạng 2, 3…, Thượng úy Phạm Duy Đô [ông Đô được phong Thượng úy năm 1976] đã góp phần không nhỏ trong những trang sử vẻ vang của Binh chủng Đặc công nói riêng, Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung.

Về quê, ông cùng vợ - cũng là một bộ đội giải ngũ trở lại cuộc sống nông nghiệp và sinh con, có cháu. Thế nhưng, chiến thắng nào cũng phải trả giá, vóc dáng cao to lực lưỡng của người chiến sĩ năm nào nay như đã co lại. Ông trở thành một người gù nhỏ bé, không có nhiều sức khỏe bởi những cơn đau hành hạ khi trái nắng, trở trời.

Không những thế, con và cháu nội của ông Đô đã nhiễm di chứng chất độc hóa học do cuộc chiến tàn khốc để lại. Cuộc sống vất vả với trợ cấp thương binh hạng 2/4 và tiền trợ cấp chất độc hóa học (được lĩnh từ năm 2012) ít ỏi, nhưng vợ chồng ông Đô không lấy thế làm phiền lòng. Họ vẫn kể cho con cháu, hàng xóm nghe những chiến công năm xưa, về vinh dự khi được làm người lính bộ đội cụ Hồ, về ý chí quật khởi của những năm tháng hào hùng toàn dân tộc…

Khi nhắc đến sự đãi ngộ, ông Đô chỉ cười hiền, bởi khi khoác áo lính, mong ước duy nhất của ông chính là ngày quê hương giải phóng, đất nước thanh bình.

Trong tâm thức của người cựu chiến binh đặc công anh dũng năm xưa ấy, giờ chỉ có một mong muốn tột đỉnh: “Tôi chỉ ước đồng đội còn nằm lại đâu đó nơi chiến trường năm xưa sẽ được đoàn tụ với người thân trong một ngày gần đây,” ông Đô nghẹn giọng.
 
Nói như người chú ruột của ông Đô, một thương binh hạng 1/4, thì gia đình của ông có 8 người đi bộ đội, 1 là liệt sĩ và 2 là thương binh nặng. Và, đại gia đình của họ đã “mãn nguyện vì đã làm tròn nghĩa vụ với Đảng, với nhân dân”./.

Theo Trung Hiền /Vietnam+
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất