(TCTG) - Đã có rất nhiều người dân tộc Xơ Dră tình nguyện hiến tặng đất của mình để Nhà nước xây dựng trường học cho các em nhỏ trong buôn làng. Khi được hỏi ông A Xo nói: “Ngày trước, do thiếu trường lớp mà mình không được học cái chữ nên khổ miết thôi. Bây giờ mình phải có trách nhiệm cho tương lai con em của mình chớ!”.
Nhờ ý thức được phải bằng mọi giá để thoát cảnh đói nghèo, lạc hậu và xác định rõ không có con đường nào khác ngoài học tập, người Xơ Dră ở cực bắc Tây Nguyên đã ý thức được tầm quan trọng của học “cái chữ” và góp phần chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho con em của mình khi bước vào năm học mới.
Con đường trải nhựa rộng đẹp vừa được mở chạy qua trước làng Kon Ré (xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), mảnh đất mà vợ chồng ông A Vêng, bà Y Veh vừa hiến tặng trên 2.000m2 cho Nhà nước để xây dựng bốn phòng học, ở vị trí đất “mặt tiền” rất có giá trị. Từ suy nghĩ: “Thấy tụi nhỏ phải đi học xa, mình thấy tội và thương chúng lắm, cứ để vậy hoài chúng sẽ đi học không chuyên cần và bỏ học, trốn học”, ông A Vêng đã hiến đất để xây trường học. A Hiệp nguyên Bí thư Đoàn, xã Ngọc Wang cho biết: “Với chiều ngang 50 mét mặt tiền này, bây giờ bán cũng được trên 100 triệu đồng chứ có ít gì đâu… vậy mà thấy tụi trẻ con đi học lội bộ đi xa vất vả quá, nên ổng tự nguyện hiến tặng. Chưa ai nói gì vợ chồng luôn thúc giục UBND xã làm bản cam kết, vì đã hiến tặng rồi thì không bao giờ đòi lại nữa”.
Mái trường được xây dựng cho trên 70 em học sinh thuộc ba làng Kon Jri, Kon Chôn và Kon Ré được đi học gần nhà, đã góp phần khắc phục tình trạng bỏ học do đi học xa của nhiều con em đồng bào dân tộc ít người. Phấn khởi, già làng A Deh thường nói với bà con “phải học tập vợ chồng A Vêng, cái miệng nó luôn biết nói điều đúng, tay biết làm điều tốt. Gia đình có ba đứa con thì có tới hai đứa đang đi học đại học, một đứa học lớp 12. Cái khu đất cả trăm triệu đồng mà vợ chồng chúng nó không hề tiếc với con em trong buôn làng mà để hiến tặng, thật đáng quý!”. Việc hiến tặng đất “mặt tiền” để lùi ra phía sau sinh sống của chồng anh A Vêng đang được người dân quanh vùng học tập, tiếng vui đang được lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Vượt qua nhiều đèo dốc đất đỏ, những vườn cà phê, cao su bạt ngàn, đoàn chúng tôi đến với ngôi trường đã được xây dựng trước đó và phòng học đang được xây dựng dở dang. Già làng A Xo (làng Đăk Đem, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) đón và dẫn chúng tôi đến mảnh đất mà ông vừa hiến tặng để xây dựng trường học. Vừa chỉ, ông vừa nói: “Già chỉ thương con cháu thôi, không đủ trường lớp để học, mình có đất để đó mà khi muốn xây trường lại không có đất, mình để vậy không đành lòng”. Cô giáo Y Chéo trường tiểu học Ngọc Wang cho biết: “Bốn phòng học được xây dựng năm 2002, cũng là đất của ông A Xo hiến tặng. Số lượng học sinh tăng, nhu cầu về phòng học lại thiếu, biết xã đang thiếu đất xây trường, nên gia đình ông A Xo dù thuộc diện hộ nghèo, đang ở nhà “đại đoàn kết”- được Nhà nước hỗ trợ bảy triệu đồng để xây dựng, vẫn không ngần ngại, hiến tặng khu đất liền kề để xây phòng học cho kịp xây dựng trường phục vụ năm học mới. Ngày 6-7-2010, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà Phạm Đức Hạnh đã kịp thời tặng giấy khen, biểu dương khen thưởng nghĩa cử cao đẹp tự nguyện hiến đất xây trường cho gia đình ông A Xo.
Năm 2008, bảy hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại làng Kon Slá, xã Đăk Tờ Lùng, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) hiến đến 19.500m2 đất. Trong số diện tích đất đã hiến này, hộ anh A Dũng hiến diện tích đất lên đến 9.100m2; hộ bà Y Ví 2.500m2... cùng với hiến đất, A Dũng đã bàn với vợ trao lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thời hạn của gia đình mình cho Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kon Rẫy, để huyện làm căn cứ triển khai xây dựng Trường THCS dân tộc nội trú Đăk Tờ Lùng, huyện Kon Rẫy.
Trước đây người Tây nguyên quan niệm: “Đói cái chữ không chết, đói cái bụng mới chết”, nhưng hiện nay, quan niệm đó đã khác xưa rồi. Nhiều nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum, bà con đã tự nguyện hiến đất xây dựng trường học, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đến trường học cái chữ. Đó là những tín hiệu đáng mừng. Tôi hỏi ông A Bléch - Bí thư Chi bộ làng Kon SDrá, xã Đăk Tờ Lùng - vận động như thế nào mà bà con tự nguyện hiến đất? A BLéch bộc bạch: “Ban đầu bà con mình cũng còn ngại ngần, tiếc công khai hoang. Sau đó, mình cùng già A Viu giải thích cho bà con hiểu vì tương lai con con cháu, vì xã hội. Thế là cả bảy hộ gia đình trong thôn đều đồng loạt giơ tay thống nhất”. Còn A Dũng thì cho rằng: “Ngày trước trường ở xa, mình nhác học, mới học xong lớp 5 thì bỏ học, ở nhà làm rẫy, cưới vợ. Bây giờ không có cái chữ nên áp dụng tiến bộ kỹ thuật, làm gì cũng khó”.Vì thế mà, mình hiến đất để con cháu đi học dễ dàng, thuận lợi. Trường ở gần nhà, ở trung tâm của xã nên các cháu đi học đỡ vất vả hơn…”./.
Bài, ảnh: Kim Sơn
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum