Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 24/1/2012 12:37'(GMT+7)

Mùa xuân của nhà thơ liệt sĩ anh hùng Lê Anh Xuân

 Ký ức của nhiều thầy cô giáo ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cho đến tận bây giờ vẫn không quên hình ảnh của một giảng viên dạy môn lịch sử của nhà trường - thầy giáo Ca Lê Hiến, người con trai thứ hai của giáo sư Ca Lê Thỉnh. Anh đã khước từ chuyến du học sang Liên Xô để chọn lấy con đường vượt Trường Sơn, về Nam đánh giặc. Là người con của quê hương Đồng Khởi, Bến Tre, Ca Lê Hiến cùng gia đình tập kết ra Bắc và trở thành một trí thức trẻ, một nhà sử học tương lai… Nhưng miền Nam, quê hương anh còn đang chìm trong máu lửa chiến tranh, khao khát có một ngày được trở lại quê hương, cầm súng đánh giặc luôn thôi thúc Nhà thơ Ca Lê Hiến - Lê Anh Xuân. Con đường ra trận với anh đã trở thành con đường hội tụ của hai tình yêu lớn: tình yêu quê hương và tình yêu Tổ quốc.

Ngay từ năm 1962, khi đang là sinh viên của trường Đại học Tổng hợp, Ca Lê Hiến đã từng đoạt giải nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ do Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Báo Thống Nhất tổ chức. Bài thơ “Nhớ mưa quê hương” đã được tặng giải Nhì.

“Mưa chảy xuống dòng sông quê nội/ Sóng nước quê hương dào dạt chảy về khơi/ Chở những kỷ niệm xưa, chìm lắng bốn phương trời/ Và ta lớn tình yêu hòa biển rộng/ Còn mưa nhỏ của quê hương ta đã sống/ Nay vỗ lòng ta vang động cả trăm sông”.

Cũng bởi tâm hồn nhạy cảm của một nhà thơ, khao khát được dành trọn trái tim cho thi ca, cho văn học, khi về công tác ở Trung ương Cục miền Nam, Lê Anh Xuân đã được các nhà văn, nhà thơ ở Ban Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam tạo điều kiện chuyển từ Tiểu ban Giáo dục sang Tiểu ban Văn nghệ. Ở môi trường mới mẻ này, Lê Anh Xuân được sinh hoạt, sống cùng với các nhà thơ, nhà văn như Viễn Phương, Giang Nam, Anh Đức, Từ Sơn, Lê Văn Thảo… Lê Anh Xuân vừa viết báo, vừa làm thơ. Anh trở thành một cây bút xông xáo có nhiều tin bài về cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam trong cuộc chiến đương đầu với quân Mỹ, quân ngụy. Lê Anh Xuân cũng đã nhiều lần cùng với những cán bộ du kích luồn về vùng sâu, vùng địch hậu mà trong nhiều trang viết của anh gọi là đi thực tế. Anh đã về lại Bến Tre quê hương và các tỉnh miền Tây Nam bộ…

Những điều “mắt thấy tai nghe” về cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân miền Nam, của đồng bào quê hương, đã khơi nguồn cho Lê Anh Xuân có được nhiều bài thơ, phóng sự ghi chép, để rồi sau đó cho ra đời các tập thơ “Tiếng gà gáy” (1965), “Không có đâu như ở miền Nam” (1965), Trường ca Nguyễn Văn Trỗi (1965), tập truyện ký “Giữ đất” và các bài thơ in trên Báo Văn nghệ Giải phóng, sau này được tập hợp trong tập “Hoa dừa” (1971).

Trong số hàng trăm bài thơ, bài báo của Lê Anh Xuân, người đọc và thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam hồi đó dễ dàng nhận ra tình cảm của anh - một nhà thơ chiến sĩ. Đó là khát khao cống hiến cho nhân dân và đất nước trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; khát khao được khám phá hiện thực sôi động, khốc liệt nhưng cũng đầy chất anh hùng, giàu màu sắc sử thi của cuộc chiến tranh nhân dân đang diễn ra ngay chính ở làng quê của Lê Anh Xuân. Đó còn là niềm khao khát, mê đắm và những dự cảm sáng tạo nghệ thuật mà trái tim Lê Anh Xuân mách bảo, được soi sáng bằng tư duy của người chiến sĩ cách mạng, mặt đối mặt với kẻ thù.

Khi viết những câu thơ ghi dấu chiến công lịch sử của quân dân ta trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1968 đánh vào thành lũy nội đô của Mỹ, ngụy, bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” (tên ban đầu bài thơ tác giả đặt là “Anh giải phóng quân”, sau này in trên Tạp chí Văn nghệ giải phóng nhà văn Anh Đức đổi lại là “Dáng đứng Việt Nam”), tác giả đã viết:

“Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/ Nhưng anh gượng đứng lên tì súng lên xác trực thăng/ Và anh chết trong khi đứng bắn/ Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng/… / Anh tên gì hỡi anh yêu quý/ Anh vẫn đứng lặng im như bước tường đồng/ Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mỹ/ Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong/ Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ giải phóng quân/ Tên anh đã thành tên đất nước/…/Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

Không phải nhiều người biết được rằng, bài thơ ấy đã được Lê Anh Xuân viết ra trước khi cùng đơn vị về lại vùng ven Sài Gòn tham gia vào chiến dịch Xuân Mậu Thân (đợt 2). Lê Anh Xuân mãi mãi không bao giờ được nhìn thấy bài thơ Dáng đứng Việt Nam được in trên mặt báo. Nhưng chuyện ấy đối với anh cũng chẳng sao, bởi hàng trăm ngàn những người lính quân giải phóng vào cái mùa xuân lịch sử ấy (1968), đã làm nên Dáng đứng Việt Nam ở Cố đô Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn và ở khắp các đô thị miền Nam, quất bão lửa xuống đầu kẻ thù, theo mệnh lệnh của Bác Hồ:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến ắt càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam xum họp Xuân nào vui hơn” (thơ Hồ Chí Minh).

Cũng như biết bao anh hùng liệt sỹ khác, sự hy sinh của Liệt sĩ - Anh hùng Lê Anh Xuân đã góp phần tạo nên một dáng đứng Việt Nam cho người lính giải phóng và cho cả một nền thi ca của đất Việt trong cuộc kháng chiến thần thánh chống ngoại xâm của dân tộc ta ở thế kỷ XX.

Nhà thơ Viễn Phương và Nhà văn Lê Văn Thảo đã nhiều lần kể cho chúng tôi nghe về những ngày cuối cùng của Nhà thơ Lê Anh Xuân. Trong những ngày ấy, Nhà văn Lê Văn Thảo cùng với anh em văn nghệ Trung ương cục miền Nam, trong đó có Lê Anh Xuân về tham gia cuộc Tổng công kích đợt 2 (Mậu Thân 1968). Mặc dù, Lê Anh Xuân đã được các anh lãnh đạo yêu cầu về cứ bám trụ, nhưng trong một lá thư viết trên mảnh giấy bạc của bao thuốc lá ARA, Lê Anh Xuân đã tha thiết đề nghị: “Chúng em đã xuống đến đây rồi, không thể nào trở về tay không được. Xin các anh cho chúng em đi một chuyến ngắn… chỉ vài ngày để biết được hơi thở của chiến trường… Không đi xuống vùng sâu thì không thể nào em có được tác phẩm tốt về cuộc Tổng công kích lịch sử này…”.

Nhà văn Lê Văn Thảo đã kể lại cái ngày 24-5-1968, địch đổ quân càn vào Phước Lợi, một ấp gần bên sông Vàm Cỏ. Đây là vùng kênh rạch chằng chịt, pháo giặc bắn nát đồng. Giặc càn lớn, cán bộ, du kích phải chui xuống hầm bí mật, nằm rải rác cách xa nhau dưới tán dừa nước. Vùng Long An đất thấp nên hầm bí mật của du kích và cán bộ phải dùng những chiếc lu lớn chôn ngập trong bùn nước để trú ẩn. Khi địch rút, Lê Văn Thảo và những chiến sĩ du kích tìm đến hầm trú ẩn của Lê Anh Xuân, nhưng anh và Hồng Tân (một đồng đội của Lê Anh Xuân) đã hy sinh.

Nhiều năm sau, trong hồi ký của mình, Nhà thơ Viễn Phương nghĩ về sự hy sinh và thơ văn của nhà thơ trẻ Lê Anh Xuân để lại, đã có nhận xét: “…Những bài thơ hay, những bông hoa đẹp không thể nở giữa căn nhà ấm áp thơm ngát phong lan… mà phải nở giữa những vùng gió xoáy lốc của cuộc đời, giữa chiến trường khói lửa và có khi nở chính trong dòng máu rất nóng của trái tim mình”.

Và nhà thơ viết tiếp: “Ôi có một thời: mỗi bản nhạc, mỗi bài thơ mỗi áng văn được làm bằng máu, những dòng máu rất tinh khiết của bạn bè, đồng chí chúng ta. Thuở ấy đã qua rồi, nhưng chúng ta không được quyền quên máu”.

Bốn mươi bốn năm sau, chúng ta mới có dịp được đọc lại những dòng nhật ký của Nhà thơ - Chiến sĩ Lê Anh Xuân. Có những trang anh ghi chép rất ngắn gọn về cuộc sống của người lính giải phóng ở rừng. Có những trang nhớ về người cha - giáo sư Ca Văn Thỉnh, về mẹ, về chị, về những người thầy, người anh, bạn văn trong Ban Văn nghệ giải phóng. Có nhiều trang ghi chép về một tờ giấy báo tử của một người lính giải phóng nào đó có tên là anh Tư Lập, quê ở Giồng Trôm; có những trang ghi lại trận đánh địch ở xã Nhơn Thạnh, Bến Tre. Anh ghi lại những bữa cơm được các chị, các mẹ bới cho ăn ở Thành Thới, Đa Phước, An Định. Tên những má Nhì, má Bẩy, chị Hai… những kỷ niệm với chú Hai Tân (Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương sau này); kỷ niệm với các nhà thơ Chim Trắng, Giang Nam, Hoài Vũ, Viễn Phương, Từ Sơn, Anh Đức, Phan Huỳnh Điểu, Lê Văn Thảo, đến những tên người, tên đất mà chỉ cần đọc lên đã nghe ấm lòng Nam Bộ.

Không chỉ có vậy, có những trang viết của Lê Anh Xuân, mà bất kỳ một nhà văn nào đọc lên cũng giật mình, khâm phục vì sự tỉ mỉ, cẩn trọng của anh. Ngày 9-11-1965, Lê Anh Xuân ghi: “Hoa Lư (chắc là một nguyên mẫu nào đó, để sau này anh hư cấu!) vừa ho lao chết. 63 tuổi, nghèo. Vợ đẻ 13 đứa con. Trước 1945, làm nghề ăn trộm bắt một bao gà ở Mả Đá. Một lần bị chém, máu mủ, bè dưới sông. Về ra rừng chữa thuốc. Có lần bị tù 5 năm. Vợ ở nhà đi lấy chồng. Mình săm các hình hát bội, các bài thuốc. Mặt có vết chém sâu từ lỗ tai ra mắt. Nhà cửa lụp xụp tham gia Đồng khởi được cấp 5 công đất. Con đi giải phóng…”. Một trang khác, anh phác thảo chân dung các cô gái Nam Bộ: “Gặp em Thạnh, Nhân, Hồng, Thanh, Bình… Các cô nói chuyện vui. Tay thường đeo nhẫn, bịt răng vàng, mặc áo bà ba hoặc pô pô lin màu”. “Một ngày tiêu chuẩn hai lon gạo, thức ăn tự túc đi chao, xúc tát vũng… Lúc nào bận thì ăn muối, ăn mắm. Thỉnh thoảng về nhà má cho 10, 15 đồng (tiền ngụy cũ)… Có đêm đi suốt đêm, đường trơn trượt, không đèn pin, Thím Ba, má Hòa - chồng bị địch giết…”.

Bạn đọc dễ dàng nhận ra những hình hài, dáng nét cho những nhân vật, chi tiết bố cục cho một bộ tiểu thuyết – sử thi lớn của Lê Anh Xuân về cuộc kháng chiến của quân dân ta những năm đánh Mỹ và thắng Mỹ ở miền Nam.

Tiếc thay! Mùa Xuân đã ở lại mãi với Lê Anh Xuân, một người Nghệ sĩ - Chiến sĩ ở tuổi 28./.

Nhà văn ĐỖ KIM CUÔNG

Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất