Thứ Ba, 30/4/2013 23:42'(GMT+7)
Đại thắng mùa Xuân 1975 - Khúc ca hào hùng thế kỷ XX
(TG) - Ba
mươi tám năm đã trôi qua, kể từ ngày chiếc xe tăng số 390 của Quân đội
nhân dân Việt Nam húc đổ cánh cửa sắt dinh Độc Lập, lá cờ cách mạng phấp
phới bay trên nóc hang ổ ngụy quyền, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh
toàn thắng. Đó là mốc son chói lọi nhất trong lịch sử và chiến công vĩ
đại nhất của dân tộc ta, đất nước ta trong thế kỷ XX.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 là kết quả tất yếu của toàn bộ quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ của dân tộc ta vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nó bắt nguồn trước hết từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo chiến lược và sách lược tài tình của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TW) Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị. Sự chỉ đạo đó được thể hiện trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 (1973) của BCH TW Đảng, đã thật sự mở ra con đường kết thúc chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nếu Hội nghị lần thứ 12 của BCH TW Đảng năm 1965 là hội nghị đề ra quyết sách “Đánh cho Mỹ cút”, thì hội nghị lần thứ 21 là hội nghị vạch ra chiến lược “Đánh cho Ngụy nhào”. Có thể nói, Nghị quyết 21 đã đáp ứng kịp thời ý chí và nguyện vọng bức xúc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là thời kỳ mở ra và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả nước hướng ra phía trước, với tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng…
Thực tiễn chứng minh rằng, một chủ trương đúng đắn của Đảng đáp ứng kịp yêu cầu tình thế cách mạng thì sẽ tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn, làm xoay chuyển thế và lực của cách mạng. Trong chiến dịch đường số 14 Phước Long, sau 25 ngày chiến đấu ta đã giải phóng toàn tỉnh Phước Long – tỉnh đầu tiên được giải phóng trên chiến trường miền Nam trước cuộc tổng tiến công và nổi dây mùa xuân 1975. Chiến dịch Phước Long đã cho thấy rõ khả năng của ta, nhất là những lực lượng dự bị hùng mạnh mà ta chưa sử dụng, khả năng những đột biến lớn có thể xảy ra khi ta đánh lớn.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với 3 chiến dịch lớn được tiến hành liên tục về thời gian, liên kết về không gian, cùng với cuộc tiến công và nổi dậy của quân, dân đập tan tuyến phòng thủ chiến lược của địch ở Buôn Ma Thuột, giải phóng Huế – Đà Nẵng, quét sạch địch ven biển miền Trung, giải phóng các tỉnh còn lại ở Nam bộ.
Mở đầu chiến dịch Tây Nguyên mang mật danh “Chiến dịch 275” được Bộ Chính trị phê chuẩn và Quân ủy TW hạ quyết tâm chọn hướng chiến lược chủ yếu, lấy Buôn Ma Thuột làm khâu đột phá mở đầu chiến dịch là một điển hình tuyệt vời về sự chọn hướng và mục tiêu tiến công. Cách đánh vào Buôn Ma Thuột là cách đánh hiệp đồng quân binh chủng đánh thẳng vào thị xã, tiêu diệt ngay đầu não chỉ huy của địch. Đây là môt cách đánh sáng tạo, táo bạo, bất ngờ, dứt điểm mau lẹ. Trận đánh then chốt thứ hai của chiến dịch đã đập tan cuộc phản kích của địch, giành thắng lợi nhanh gọn và tiếp đó là trận thứ ba tiêu diệt quân địch rút chạy. Để khuếch trương thắng lợi, theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh tiền phương được Bộ Chính trị phê chuẩn, các binh đoàn chủ lực của ta từ Tây Nguyên nắm thời cơ địch đang tháo chạy, thừa thắng tiến công về các hướng xuống đồng bằng Trung bộ, truy kích tiêu diệt và làm tan rã quân đoàn I ngụy và đại bộ phận quân đoàn II, phá tan ý đồ co cụm của địch. Ngày nay, nhìn lại ta càng thấy rõ sự sắc sảo về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược và chiến dịch của quân đội ta, mà kết quả là tạo ra bước ngoặt quyết định của chiến tranh, đưa địch đến sai lầm về chiến lược làm tan rã nhanh chóng quân ngụy. Và nếu chúng ta coi cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 là một chuỗi những khâu tạo thời cơ và lợi dụng thời cơ thì chiến dịch Tây Nguyên là khâu tạo thời cơ đầu tiên có ý nghĩa quyết định, từ đó đẻ ra những thời cơ khác để giành thắng lợi hoàn toàn. Điều đó cũng khẳng định rằng: muốn tạo thời cơ, nắm vững và chọn thời cơ cần phải có những trận đánh lớn, gây rúng động mạnh, tạo ra sự bùng nổ dây chuyền liên tục ngày càng lan rộng, làm thay đổi cục diện chiến trường.
Tiếp đó là chiến dịch Huế – Đà Nẵng. Sau khi quân địch thất bại hoàn toàn ở Tây Nguyên, Bộ Chính trị và Quân ủy TW kịp thời chỉ đạo Mặt trận Trị Thiên – Huế, cần nhận rõ thời cơ nhanh chóng chuyển hướng tiến công. Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh chiến dịch, quân và dân ta mở cuộc tiến công, phối hợp nhịp nhàng các quân binh chủng, kết hợp nổi dậy của quần chúng, đồng loạt tiến công đập tan tuyến phòng thủ của địch, chia cắt bao vây tiêu diệt địch giải phóng Trị – Thiên Huế. Quân địch co cụm về phòng thủ ở Đà Nẵng và đang trong tình trạng hoang mang hỗn loạn tháo chạy. Bộ Chính trị và Quân ủy TW quyết định thành lập Mặt trận Quảng Đà và mở trận tiến công quân địch co cụm ở Đà Nẵng, với tư tưởng chỉ đạo “kịp thời nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng”. Quân ta đã mở đợt tiến công với các lực lượng hùng hậu, tinh nhuệ, phối hợp, hiệp đồng quân binh chủng kết hợp quần chúng nổi dậy đã giải phóng thành phố Đà Nẵng trong thời gian ngắn, là thành phố lớn thứ 2 ở miền Nam. Chiến dịch Huế – Đà Nẵng thắng lớn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cùng với chiến thắng Tây Nguyên, chiến thắng Huế, Đà Nẵng làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến lược hoàn toàn có lợi cho ta, trực tiếp đánh bại âm mưu co cụm của địch, thúc đẩy thêm một bước làm tan rã quân ngụy. Thừa thắng tiến lên, các quân, binh đoàn chủ lực trên đường hành quân thần tốc từ Đà Nẵng vào đã phối hợp quân binh chủng thọc sâu và tiêu diệt các cụm chốt chặn của quân địch, đập tan ổ đề kháng “tử thủ” của quân ngụy tại Phan Rang, tiêu diệt toàn bộ quân đoàn III ngụy, quét sạch quân địch ở ven biển miền Trung, tạo điều kiện cho ta tập trung lực lượng áp đảo trong trận quyết chiến cuối cùng; giờ tận số của chế độ Sài Gòn đang tới gần không có phép lạ nào cứu nổi.
Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị đã đánh giá diễn biến tình hình ở chiến trường miền Nam, và quyết định về thời cơ chiến lược; với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, thực hiện tổng công kích, khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất: tốt nhất là trong tháng 4 không thể để chậm. Và quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – Gia Định. Theo đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị đã đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “chiến dịch Hồ Chí Minh”. Cách đánh của chiến dịch này đã được xác định: Dùng một bộ phận lực lượng chia cắt chiến lược, tiêu diệt, đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Xuân Lộc – Long Khánh, mở đường và làm tan rã tại chỗ quân phòng thủ ở vòng ngoài không cho chúng co cụm về Sài Gòn. Đồng thời dùng phần lớn lực lượng, nhanh chóng thọc sâu chiếm lĩnh các địa bàn then chốt vùng ven, mở đường cho các binh đoàn cơ giới đánh thẳng vào nội đô, chiếm 5 mục tiêu đã chọn lựa, kết hợp với các lực lượng đặc công, biệt động, bộ đội địa phương, phối hợp với quần chúng nổi dậy, từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, trong ngoài cùng đánh…
Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975 tiếng súng của chiến dịch Hồ Chí Minh đã nổ và đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ cách mạng đã tung bay trên nóc phủ Tổng thống ngụy quyền, báo hiệu một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam. Sài Gòn – Gia Định hoàn toàn giải phóng đã tạo điều kiện quyết định cho quân và dân đồng bằng sông Cửu Long tiến công và nổi dậy giải phóng các tỉnh còn lại của miền Nam bằng lực lượng tại chỗ của mình. Có thể khẳng định trận quyết chiến chiến lược cuối cùng này như một trận tổng hợp sức mạnh tất thắng và tài thao lược của Đảng ta, một biểu hiện sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ quân dân ta, một sự phối hợp tuyệt đẹp về tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng. Đó là chiến thắng lẫy lừng, và mộc son chói lọi trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Đại thắng mùa xuân năm 1975 còn là đỉnh cao của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng, đóng góp những kinh nghiệm quý báu vào kho tàng vốn đã cực kỳ phong phú của các hình thức và phương pháp cách mạng của Đảng ta. Những trận đánh then chốt và chiến lược của quân dân ta trong 3 chiến dịch mùa xuân năm 1975 mãi mãi được ghi vào lịch sử như một huyền thoại, là niềm tự hào chung của nhân dân cả nước, các dân tộc và các lực lượng tiến bộ trên thế giới.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước ta bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, và đã giành được những thành tựu và thắng lợi to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Xây dựng chế độ mới thật sự của dân, do dân và vì dân, bảo bệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đặc biệt, hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới là quá trình Đảng ta đổi mới tư duy lý luận, tổng kết thực tiễn, đề ra và từng bước bổ sung hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam một cách đúng đắn và sáng tạo. Thắng lợi của đường lối đổi mới càng khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu khách quan, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong điều kiện thực tế nước ta hiện nay, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đội tiên phong chiến đấu dày dặn kinh nghiệm của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc được vũ trang bằng chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân, biết tranh thủ sự ủng hộ và đồng tình của các nước, các lực lượng tiến bộ trên thế giới, thường xuyên đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong hệ thống tổ chức, đội ngũ của mình, là lực lượng duy nhất có khả năng lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi mục tiêu lý tưởng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.
Nhìn lại mốc son lịch sử chói lọi của mùa xuân năm 1975, chúng ta lại càng tự hào và vững tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới của đất nước. Tuy nhiên trước mắt chúng ta vẫn còn nhiều thách thức và diễn biến phức tạp, thời cơ thuận lợi đan xen với thách thức; nhưng với Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thể hiện ý chí, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đoàn kết nhất trí, trên dưới một lòng quyết tâm đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thử thách, vận dụng thời cơ và vận hội mới để đưa đất nước ta tiến nhanh vào thế kỷ XXI, theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ và Đảng ta đã chọn./
Hoàng Quốc Đạt
Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh