Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 2/5/2013 16:3'(GMT+7)

Nâng cao phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của cơ quan báo chí và người làm báo

                                                                                       

 Ra đời trong sự nghiệp đấu tranh cách  mạng do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, nền báo chí cách mạng nước ta ngày càng phát triển vững mạnh. Đến nay, cả nước có 197 tờ báo in, 615 tạp chí in; 74 báo, tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương. Cả nước có hơn 17.000 nhà báo chuyên nghiệp, hơn 19.000  hội viên Hội Nhà báo Việt Nam… Những con số vừa nêu phản ánh sinh động và rõ nét sự phát triển không ngừng của hệ thống các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo nước ta những năm qua. Mảng sáng, dòng chủ lưu của báo chí ta là trung thành với Đảng, với đất nước, bám sát các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực, chủ động tuyên truyền, cổ vũ công cuộc đổi mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay của báo chí ta là tuyên truyền thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cấu trúc lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Báo chí tiếp tục phát hiện, cổ vũ những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới, đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nạn tham nhũng, quan liêu; phản bác có hiệu quả quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động.

Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu quan trọng đã đạt được, một số cơ quan báo chí và một bộ phận không nhỏ những người làm báo đã và đang mắc phải những hạn chế, non kém, khuyết điểm. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới” đã chỉ rõ: “Một số cơ quan báo chí thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hoá, có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin không trung thực, thiếu chính xác, phản ánh nhiều về tiêu cực và tệ nạn xã hội, ít tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước; khuynh hướng tư nhân hoá, thương mại hoá báo chí, tư nhân núp bóng để ra báo, kinh doanh báo chí ngày càng tăng…”. Đáng lo ngại hơn là việc đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trung thực, khách quan, thậm chí bịa đặt, “bôi đen” hoặc “tô hồng” vì những động cơ cá nhân, vụ lợi. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của một số cán bộ, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí có xu hướng gia tăng.

 Để phát huy ưu điểm, thành tựu, khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém, cần tiến hành một cách kiên quyết, liên tục các giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, đối với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí: cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí nước ta trong mười lăm, hai mươi năm tới, trong đó, chú ý đến sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, để có hướng đi và giải pháp đúng đắn, phù hợp. Tập trung rà soát, đánh giá, sắp xếp lại hệ thống các cơ quan báo chí theo hướng khoa học, thiết thực, hiệu quả; xử lý nghiêm những cơ quan báo chí vi phạm có hệ thống và kéo dài tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ. 

Thứ hai, vấn đề rất quan trọng, là nâng cao hơn nữa năng lực, trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí. Đây là vấn đề đã được Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) nhấn mạnh, nhưng mấy năm qua chuyển biến chậm, cả nhận thức và hành động. Cơ quan chủ quản mạnh, nghiêm thì cơ quan báo chí khó kéo dài tình trạng yếu kém, sai phạm.

Thứ ba, nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, trách nhiệm chính trị, năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí. Thực tiễn hoạt động báo chí cho thấy, bên cạnh những mặt thuận lợi, cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới đòi hỏi người lãnh đạo cơ quan báo chí phải vững bản lĩnh, chắc tay nghề, xử lý tốt các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm đang diễn ra từng giờ, từng phút.

Thứ tư, coi trọng công tác đào tạo, tuyển chọn, bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, kiến thức, trình độ cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí, đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và nghĩa vụ công dân của người cầm bút.

Thứ năm, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong cơ quan báo chí thực sự vững mạnh, trong sạch, thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo, tổ chức cán bộ, đảng viên, biên tập viên, phóng viên thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị của cơ quan báo chí.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “... Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”. Lời dạy của Bác luôn luôn là kim chỉ nam cho mỗi cơ quan báo chí và người làm báo trong chặng đường đi tới, tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

TS. Nguyễn Thế K
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất