Nhưng gần đây, không ít khán giả cảm thấy như bị “móc túi” từ chính việc xem “miễn phí” một số chương trình, hay cảm thấy bị lừa khi “nhà đài” hứa thưởng mà không nhận được phần thưởng.
Mất tiền oan và bị “hành”
Khán giả bị “móc túi” dễ dàng nhất là khi tham gia các dịch vụ nhắn tin trên TH: nhắn tin để bình chọn, nhắn tin để tải bài hát, nhắn tin để tải hình ảnh... Vừa rồi, trò chơi trực tuyến Đi tìm kho báu nhận được sự phản ứng khá quyết liệt của báo chí khi người chơi đăng ký tham dự phải nhắn tin vào số điện thoại của tổng đài với chi phí 15.000 đồng/tin nhắn. Câu hỏi đơn giản, lại được người dẫn chương trình gợi ý sát sườn nên nhiều người tưởng “ngon ăn”. Nhưng sau khi đủ số lượng tin nhắn nhất định, máy tính mới chọn ngẫu nhiên số điện thoại được kết nối chương trình. Vì vậy, có gia đình phải trả cước phí điện thoại hơn 1,5 triệu đồng/tháng vì con cái nhắn tin tham gia. Rất may, VTV và một số đài đã cho ngừng phát sóng trò chơi này.
Việc được giải thưởng nhưng chờ hoài không thấy cũng gây nên những nghi hoặc cho khán giả. Một người chơi ở Đà Nẵng giành giải Ba phần thi dành cho khán giả của một chương trình được đông đảo người xem ưa thích nhiều lần gọi điện đến ban biên tập nhưng chỉ nhận được lời hứa, mặc dù trong thông tin đăng ký có ghi rõ địa chỉ cũng như điện thoại liên lạc. Truy cập vào trang web chính thức để tham dự trò chơi thì thông báo lỗi xảy ra nên người này nghi ngờ “hằng tuần những người trúng thưởng là ai mà lúc nào cũng được thông báo là hơn 1.000 người trả lời đúng?”.
Không chỉ bỏ quên khán giả ngồi trước máy thu hình, rất nhiều khán giả “may mắn” nhận được tấm vé mời đi xem gameshow, các chương trình tại trường quay hay ghi hình trực tiếp tại sân khấu cũng bị đặt vào tình huống phải đứng lên ngồi xuống, vỗ tay, cười đến... mệt nghỉ. Thậm chí, có chương trình, khán giả phải đứng dậy bắt tay hay ôm hôn người chiến thắng theo kịch bản. Với chương trình trực tiếp, khi đài phát xen quảng cáo, đèn sân khấu tắt ngúm và khán giả ngồi... nhìn nhau. Đáng lẽ, MC hay người được phân công cần khỏa lấp khoảng trống sân khấu bằng những màn hoạt náo, vì mỗi chương trình thường đứt đoạn đến vài ba lần vì quảng cáo...
Quảng cáo là ví dụ phổ biến nhất về việc “nhà đài” coi thường khán giả. Thật ra, nhiều người cũng hiểu không có quảng cáo thì khó được xem TH miễn phí. Nhưng quảng cáo vào lúc nào, với thời lượng bao nhiêu vẫn là vấn đề các đài cần cân nhắc. Theo quy định của pháp luật về quảng cáo, hầu hết các chương trình phim TH hiện nay có thời lượng quảng cáo đều vượt quá mức cho phép.
Luật “hở” hay trách nhiệm của nhà đài?
Dịch vụ tin nhắn kinh doanh hợp pháp. Việc tham gia nhắn tin do khán giả tự nguyện. Thế nhưng các đài TH ở ta phát sóng miễn phí chứ không có hệ thống mã hóa để trả tiền như ở nước ngoài nên nhiều gia đình đã mất tiền oan khi con cái hồn nhiên bấm số điện thoại tham gia. Có đài cắt sóng trò chơi Đi tìm kho báu vì hợp đồng giữa đài và công ty sản xuất chương trình có điều khoản ràng buộc: nếu trò chơi này bị dư luận và báo chí phản ánh thì nó sẽ bị cắt sóng vô điều kiện. Nhưng có những đài chưa chịu cắt với lý do luật pháp không cấm loại hình trò chơi tương tác trên TH và... đài chỉ là khách hàng của đơn vị mua bản quyền phát sóng chương trình (!). Đấy là một cách giải thích theo kiểu “phủi tay” vô trách nhiệm. Vì nguyên tắc khi thực hiện các chương trình xã hội hoá, đài phải chịu trách nhiệm kiểm soát về nội dung. Tuy nhiên, nếu như phim điện ảnh hay các chương trình liên quan đến hoạt động điện ảnh được điều chỉnh bằng Luật Điện ảnh thì hầu hết mảng nội dung của TH không điều chỉnh bởi luật này. Tổng giám đốc hay giám đốc các đài chịu trách nhiệm về chương trình phát sóng nhưng khi có sai sót, chẳng thấy ai đứng ra xin lỗi khán giả.
Việc vi phạm quy định về quảng cáo là việc “biết rồi, khổ lắm...” nhưng chưa thấy đài nào bị xử phạt. Có đài còn lấy lý do việc phát số phút quảng cáo bằng nửa thời lượng một tập phim nhưng không vi phạm luật về quảng cáo vì tính tỷ lệ quảng cáo với toàn bộ chương trình trên kênh chứ không phải cho riêng một chương trình (!). Chỉ khi quy định chặt chẽ và có chế tài thưởng- phạt rõ ràng, nghiêm minh thì mới hy vọng các đài nâng cao hơn nữa chất lượng chương trình và trách nhiệm hơn với khán giả?!
VTV hay một số đài khác có hẳn một chương trình để kết nối với khán giả hay trả lời thư thắc mắc của khán giả. Tuy nhiên, không phải khán giả nào cũng xem những chương trình này để “thắc mắc”. Thông thường, họ xem chương trình nào thì sẽ liên lạc với chính chương trình ấy khi có việc cần đến. Vì vậy, bên cạnh những chương trình riêng, ở mỗi chương trình cần phân công một người “chăm sóc” khán giả, có số điện thoại hay hộp thư điện tử để khán giả có thể liên lạc một cách thuận tiện nhất.
Quan tâm và chăm sóc khán giả không những biểu hiện sự tôn trọng người xem mà còn giúp “nhà đài” nâng cao hơn nữa chất lượng chương trình và chất lượng dịch vụ. Khán giả trở thành một bộ phận làm nên thành công của chương trình và những ý kiến đóng góp của họ nhiều khi góp phần xây dựng chương trình hiệu quả hơn, phong phú hơn. Hơn ai hết, khán giả chính là người quyết định sức sống của mỗi chương trình.
Theo Hoàng Yên-VanHoaOnline