Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 21/9/2013 17:13'(GMT+7)

Phát triển văn hóa – Động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới

Đường về nông thôn mới xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền

Đường về nông thôn mới xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền


Vùng đất giàu truyền thống văn hóa

Quảng Điền là một huyện phía Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 15 km. Phía Đông và Nam giáp huyện Hương Trà, phía Tây và Tây - Bắc giáp huyện Phong Điền, phía Bắc và Đông - Bắc giáp biển Đông. Là một huyện có lịch sử văn hóa phát triển từ nhiều thế kỷ. Năm Mậu Ngọ nguyên niên (1558), Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế (tức chúa Nguyễn Hoàng) gây dựng cơ nghiệp ở miên Nam, gồm đất xứ Thuận Quảng dựng dinh ở Ái Tử, đổi huyện Đan Điền thành huyện Quảng Điền.

Sau nhiều thăng trầm trong lịch sử, Quảng Điền cùng với các địa danh khác được xác nhập, chia tách với các tên gọi khác nhau. Dưới thời Pháp thuộc, do chính sách "chia để trị", năm 1886 thực dân Pháp cải tổ bộ máy hành chính chia Việt Nam thành 3 kỳ, Quảng Điền là một huyện của tỉnh Thừa Thiên trực thuộc xứ Trung Kỳ. Năm 1954, sau khi Hiệp nghị Giơneve, nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự, trong thời gian này ngụy quyền Sài Gòn đã xáo trộn địa bàn hành chính với nhiều bậc trung gian, Quảng Điền cũng bị thay đổi tên gọi nhiều lần. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Thừa Thiên Huế hợp nhất với Quảng Bình, Quảng Trị thành tỉnh Bình Trị Thiên. Quảng Điền hợp nhất với Hương Trà, Phong Điền thành huyện Hương Điền. Tháng 10 năm 1990 tách ra thành huyện Quảng Điền với Địa bàn hành chính như cũ. 

Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, mảnh đất truyền thống ấy vẫn luôn giữ vị trí quan trọng trong lịch sử cả về địa lý, văn hóa và tinh thần cách mạng. Nhiều tên đất, tên làng trở nên tiêu biểu bởi nền học vấn khoa Bảng cực thịnh có từ thời Hán học như: Phước Yên, Xuân Tùy, Phổ Lại, Niềm Phò... Người dân Quảng Điền luôn quý trọng nhân nghĩa, nêu cao đạo lý, sống có thuỷ có chung, đượm sắc tình người. Có người đỗ tiến sĩ, Phó bảng không chịu ra làm quan cho thực dân, phong kiến; có người làm quan thì rất liêm khiết và có dũng khí đấu tranh chống bọn xâm lược như Trần Thúc Nhẫn (Niêm Phò) - một đại thần đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp giữ cửa biển Thuận An năm 1883; Đặng Huy Phổ - là Tri huyện Quảng Điền cũng từ bỏ con đường hoàn lộ theo Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết chống giặc Pháp xâm lược, bị xử chém; Phò mã Nguyễn Đình Tứ (Phước Yên) cùng hai em là Nguyễn Đình Long và Nguyễn Đình Cán tham gia vụ Hồng Tập chống lại Tự Đức, bị xử chém... Những quan lại thanh liêm nổi tiếng như Cao Đặng Đệ (Phước Yên), Trần Đạo Tiến (Đông Lâm Hạ); có người học cao nhưng ghét chế độ mục nát đương thời về “ẩn sĩ” như Ngô Thế Lân (Phù Lai) là những tấm gương tiêu biểu cho muôn đời con cháu noi theo.
 Khánh thành Công viên - Tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh  . 

Trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này, trong các triều đại khác nhau còn sản sinh ra những anh hùng hào kiệt, nhất là trong hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cứu nước đã nổi lên hình ảnh những người con ưu tú, những nhà cách mạng trung kiên, những nhà thơ lỗi lạc, tiêu biểu là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Niêm Phò), Tố Hữu (Lai Trung) và nhiều chiến sỹ trung kiên khác trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học… đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giữ nước và xây dựng đất nước, quê hương. Những ái tên Bồ Đề,  Phá Tam Giang - xưa gọi là “biển Can” (Hạc Hải), Sịa, Tây Ba… đã đi vào lịch sử chiến tranh của dân tộc như những trang huyền thoại, góp phần làm nên những giá trị văn hóa bất tử của thế kỷ XX.

Trở thành động lực thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới

Phát huy truyền thống ấy, trong công cuộc xây dựng đất nước, Quảng Điền luôn vững bước đi lên, với nhiều cách làm, cách suy nghĩ, gắn phát triển văn hóa với phát triển kinh tế và các vấn đề xã hội, tạo ra những bước đi vững chắc.

Đặc biệt trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ và nhân dân Quảng Điền đã tận dụng thời cơ, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh vào điều kiện cụ thể của địa phương; tập trung khai thác tối đa nguồn lực; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn, từng vùng sinh thái, từng thành phần kinh tế, vượt qua khó khăn thách thức, xây dựng một vùng quê ngày càng trù phú, trở thành những địa chỉ NTM đầy hấp dẫn của xứ sở mộng mơ.

Một trong những yếu tố tác động quan trọng dẫn đến thành công trong công cuộc xây dựng NTM, đó chính là Đảng bộ Quảng Điền luôn coi trọng phát triển văn hóa, gắn các hoạt động văn hóa trong từng lĩnh vực kinh tế - xã hôi và trong từng tiêu chí xây dựng NTM.

Bám vào lợi thế truyền thống văn hóa lâu đời, với nhiều lễ hội đặc sắc về nội dung, phong phú về thể loại như: Đua thuyền mùa xuân; viếng thăm, ca múa vào mùa hạ; lễ an táng người chết thường có múa hát trước quan tài là “hò đưa linh”; trong hỏi cưới thường dùng tiền “mắt ngỗng” là của giá thú; trong các dịp cúng bái, tế lễ ngoài cổ bàn còn có hát chầu văn...; người dân có tinh thần yêu nước, cần cù lao động, đoàn kết, tự lực, tự cường, quyết tâm đổi mới, làm giàu cho quê hương, nhất là lợi thế được tỉnh và Trung ương chọn Quảng Điền là huyện điểm văn hóa, làm mô hình cho các địa phương khác trong tỉnh học tập, Đảng bộ Quảng Điền đã hình thành nhiều chủ trương gắn các nhiệm vụ xây dựng văn hóa với xây dựng NTM.

Năm 2010, sau khi được tỉnh chọn làm điểm xây dựng NTM. Đảng bộ huyện Quảng Điền coi nhiệm vụ xây dựng văn hóa mới có ý nghĩa rất quan trọng, tác động sâu sắc, trực tiếp ngay từ việc xây dựng nhiệm vụ đến cả quá trình xây dựng NTM, trong đó vai trò lớn nhất của văn hóa là hướng các nội dung xây dựng NTM tới sự phát có hiệu quả và bền vững. Nghị quyết của Đảng bộ huyện về xây dựng NTM được xác định: Lấy văn hóa làm động lực và mục tiêu phát triển. Văn hóa khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo của con người, huy động sức mạnh nội sinh to lớn, đóng góp vào xây dựng NTM. Văn hóa giúp cho các tầng lớp xã hội có ý thức tự tôn, tự cường, tự chủ, nêu cao trách nhiệm công dân, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước; đồng thời, có thái độ ứng xử đúng đắn với thiên nhiên, tài nguyên và môi trường sinh thái, là những vấn đề hết sức quan trọng trong phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn.

Trong các giải pháp triển khai thực hiện xây dựng NTM, Quảng Điền đã đặt lên hàng đầu các hoạt động văn hóa. Văn hóa đi trước - đi cùng - về sau và luôn gắn chặt trong tất cả các hoạt đông phát triển. Bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức xã hôi gắn kết hai nhiệm vụ xây dựng văn hóa và xây dựng NTM là yêu cầu tất yếu, tạo ra động lúc phát triển. Mặt trận và các đoàn thể đã có nhiều hoạt động thiết thực vận động đoàn viên, hội viên chung tay xây dựng NTM và xây dựng văn hóa mới. Nhờ đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và các phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới trên các khu dân cư có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.

Sự gắn kết hai nhiệm vụ ấy trong quá trình triển khai thực hiện, đã làm cho cả hai phong trào đạt được kết quả đáng khích lệ: phong trào xây dựng văn hóa mới trong huyện có nhiều chuyển biến tích cực, các thiết chế văn hóa được hình thành phù hợp với điều kiện của cư dân trên từng địa bàn; các làng văn hóa, gia đình văn hóa, gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học hình thành ngày càng nhiều; các lễ hội được khôi phục gắn với khôi phục các làng nghề truyền thống, làm cho đời sống văn hóa ngày càng được nâng lên, gắn chặt với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Những kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và chủ trương của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cùng với những nỗ lực trong quá trình xây dựng huyện điểm văn hóa trên địa bàn là tiền đề quan trọng, là nhân tố thuận lợi, tác động tích cực đến việc chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Người dân đã hiểu được mục đích, ý nghĩa, vai trò chủ thề của mình trong xây dựng NTM. Do đó tinh thần tự giác, tự nguyện trong nhiều hoạt động xây dựng NTM được nâng lên. Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đồng thời tuân thủ quy hoạch và chương trình hành động của địa phương. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Dồn điền, đổi thửa; Vì người nghèo, quy hoạch, phát triển, chỉnh trang đô thị, xây dựng NTM đi vào chiều sâu hơn. Cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng Học tập và làm theo theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng. Người dân đã chủ động trong tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... đã xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến, làm ăn có hiệu quả cao; xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiên tiến.

Đến cuối năm 2012, hầu hết các xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành quy hoạch NTM, trong đó, chú trọng phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ; quy hoạch vùng sản xuất tập trung sản phẩm hàng hóa; xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái...

Đến nay, toàn huyện đã có 21.169/23.019 hộ đạt 91,2% đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, trong đó có 20.247 hộ đạt 95,6% số hộ đăng ký, được công nhận gia đình văn hóa. Đã có 102/102 làng, thôn đăng ký xây dựng văn hóa, trong đó có 97 làng, thôn bằng 92,1% được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đặc biệt có làng An Gia (thị trấn Sịa) được chọn là một trong ba làng văn hóa tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc thực hiện các tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa, làng, thôn văn hóa đã có tác dụng tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, góp phần tích cực vào việc xây dựng NTM.

Với chủ trương đúng đắn đó, hai năm qua, toàn huyện đã xây dựng thêm hơn 11 km đường liên xã và liên thôn; hơn 20 km đường trục thôn, xóm; gần 11 km ngõ xóm; 10 km đường nội đồng và 6 tuyến đường giao thông nông thôn ở các xã. Nhiều công trình được xây dựng bằng vốn đóng góp 100% của dân như: đường bê tông thôn xóm, nâng cấp nhà văn hóa thôn, cổng chào các thôn, hệ thống điện công cộng và rãnh thoát nước các khu dân cư... Nhiều công trình thủy lợi được nâng cấp, xây mới, nạo vét; đặc biệt xây mới 6 trạm bơm nhỏ và hoàn chỉnh đưa vào hoạt động trạm bơm Tây Hưng 2. Đến nay, hệ thống thủy lợi đã cơ bản đáp ứng trên 80% năng lực cho sản xuất nông nghiệp. Các cơ sở giáo dục, y tế trong huyện được kiên cố hóa và tầng hóa. Hiện có 15 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 26,7%) và 7/10 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (giai đoạn 2011-2020). Hiện có 4/10 xã có nhà văn hóa xã đạt tiêu chí quốc gia; 48 thôn có nhà văn hóa (47%); 10/10 xã có Bưu điện văn hóa xã.

Nhân dân trong huyện đã hiến gần 50.000 m2 đất, hơn 45.000 cây các loại, hơn 1.000 m tường rào và nhiều công trình phụ khác, đóng góp hơn 12.300 ngày công, hơn 6.500 m3 đất đá... ước đạt giá trị trên 10,3 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM, nổi bật là các xã: Quảng Vinh, Quảng Phú, Quảng Phước, đặc biệt là thôn Phú Lễ (xã Quảng Phú) vận động dân làng đóng góp kinh phí để di dời, xây mới đình làng, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và mở rộng đường trục thôn.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng, lễ hội truyền thống được khôi phục và phát huy giá trị, như: Làng vui chơi, làng ca hát (xã Quảng Thành), đua ghe, vật Thủ Lễ, lễ hội Cầu ngư (xã Quảng An và Quảng Công), Hội Đu tiên (thị trấn Sịa, xã Quảng Thọ), hò Giã gạo, hò Bã trạo, múa Náp, lễ hội Sóng nước Tam Giang, lễ hội Bà Tơ... Xây dựng, tôn tạo, bảo tồn các di tích, như: địa điểm hội nghị Nam Dương, khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, công viên Nguyễn Chí Thanh, đền tưởng niệm liệt sỹ huyện, nghĩa trang liệt sỹ, đền tưởng niệm liệt sỹ các xã, miếu-mộ Đặng Hữu Phổ, miều Bà Tơ...

Sau 2 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, đối chiếu với Bộ tiêu chí quốc gia, trong 10 xã của huyện có 1 xã đạt 15 tiêu chí (Quảng Phú); 1 xã đạt 14 tiêu chí (Quảng Vinh); 2 xã đạt 13 tiêu chí (Quảng Phước, Quảng Lợi); các xã còn lại đạt từ 10-12 tiêu chí, là một điển hình so với các huyện khác trong tỉnh.

Từ những kết quả trên cho thấy vai trò quan trong của công tác văn hóa. Thông qua hoạt động văn hóa đã giúp cho người dân nhận thức sâu sắc về trách nhiêm công dân đối với công cuộc xây dựng NTM. Qua đó, có thái độ ứng xử đúng đắn với việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước được thấm sâu vào cuộc sống, làm cho hoạt động xây dựng NTM ngày càng minh bạch, dân chủ và thấm đậm tình cảm quê hương. Tình làng nghĩa xóm được nhân lên, tinh thần yêu nước được phát huy, các giá trị văn hóa được bồi đắp.

Phát triển văn hóa và xây dựng nông thôn mới là 2 chủ trương lớn của Đảng, phù hợp với nguyện vọng tha thiết của nhân dân, được nhân dân các địa phương trên cả nước đồng tình, ủng hộ, tích cực triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả. Hai lĩnh vực này có quan hệ mật thiết với nhau, tác động hỗ trợ qua lại lẫn nhau. Xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ giúp cho việc xây dựng NTM sớm đi đến thành công. Thực tiễn ở Quảng Điền cho thấy, trên địa bàn những đơn vị nào chưa chú trọng gắn kết chặt chẽ hai nhiệm vụ này với nhau thì cả hai phong trào đều chưa đạt như mong muốn.

Phương Vinh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất