Hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, 10 năm nhã nhạc-âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho biết Việt Nam đã được UNESCO xem xét, công nhận 7 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 7 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 3 di sản ký ức và tư liệu, 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 1 công viên địa chất toàn cầu. Quần thể di tích Huế là di sản đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Trải qua 20 năm, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, công tác quản lý, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị di sản ngày càng được nâng cao. Nhờ đó, số lượng du khách tới thăm các di sản tăng dần hàng năm.
Để ngăn chặn, giảm thiểu những nguy cơ làm suy giảm giá trị di sản, thời gian tới, các khu di sản cần khẩn trương xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể phù hợp, bám sát thực tiễn của di sản; đồng thời tiếp tục nâng cấp diễn đàn các di sản thế giới ở Việt Nam để bảo tồn nguyên vẹn những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực của di sản, thực hiện nghiêm các quy định của UNESCO góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa và thiên nhiên của nhân loại.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá lại chặng đường 20 năm bảo tồn Di sản văn hóa Huế và những cơ hội, thách thức trong công cuộc bảo tồn di sản thế giới ở Việt Nam.
Năm 1993, quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận với 17 cụm di tích khác nhau. Hiện nay, Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước hồi sinh, chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.
Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, mà trọng tâm là du lịch và dịch vụ. Việc bảo tồn các di sản văn hóa Huế được triển khai đồng bộ trên các mặt như bảo tồn, trùng tu di tích, bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế; ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản.
Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát triển các di sản, nhiều đại biểu đã đưa ra các ý kiến thiết thực để phát huy giá trị của các quần thể di tích.
Theo phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, du lịch không phải là mục tiêu chính trong bảo tồn di sản mà cần xem đây là phương thức, phương tiện quảng bá di sản văn hóa. Vì vậy, không thiên về mục tiêu kinh tế, phát triển du lịch bằng mọi giá. Huế nên xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc tới du khách cao cấp đồng thời xây dựng Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô thành một trong những đơn vị có ưu thế nhất của Việt Nam trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc gỗ.
Theo tiến sĩ Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đồng nghĩa với việc bảo vệ các nghệ nhân - báu vật nhân văn sống. Đây là một trong những hoạt động được UNESCO đánh giá cao đối với nhã nhạc khi truyền dạy cho lớp nhạc công trẻ ở nhà hát nghệ thuật truyền thống. Sự hợp tác giữa các nghệ nhân và giảng viên để đào tạo cho các sinh viên không phải là sự chuyên nghiệp hóa di sản mà để đào tạo nguồn nhân lực kế tục và bảo vệ di sản phát triển bền vững./.
Quốc Việt (TTXVN)