Thứ Hai, 23/12/2024
Thi đua yêu nước
Chủ Nhật, 17/7/2011 15:26'(GMT+7)

Nhà văn Sơn Tùng:Danh hiệu Anh hùng cho ý chí và sức sáng tạo

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm người bạn chiến đấu cũ – nhà văn Sơn Tùng tháng 10-2010.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm người bạn chiến đấu cũ – nhà văn Sơn Tùng tháng 10-2010.

 

Đây là một trường hợp đặc biệt vì trước Sơn Tùng, chỉ có một nhà văn được phong tặng danh hiệu anh hùng là liệt sĩ Chu Cẩm Phong. Một điều thú vị nữa, Sơn Tùng từng là phóng viên chiến trường của báo Tiền Phong trong những năm chống Mỹ.

Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng năm nay bước sang tuổi 84 (ông sinh ngày 8-8-1928, ở làng Hoa Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Năm 16 tuổi, Sơn Tùng đã tham gia phong trào cách mạng và đi khắp mọi miền đất nước, trở thành người được anh cả và chị gái Bác Hồ tín cẩn trao cho nhiều tư liệu quý.

Năm 1955, Sơn Tùng trở thành đại biểu của thanh niên Việt Nam tham dự Đại hội Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ V tại Vácsava, Ba Lan, rồi trở về làm giảng viên kiêm giáo vụ Đại học Nhân dân, tham gia soạn bài, giảng bài và trợ lý cho nhiều lãnh đạo cao cấp.

Tiếp đó, ông trở thành phóng viên được đi theo Bác Hồ, trước khi trở thành người phụ trách tổ phóng viên chiến trường của báo Tiền Phong, vượt tuyến lửa vào chiến trường miền Đông Nam Bộ tham gia lập và làm báo Thanh Niên Giải Phóng.

Sơn Tùng là một nhà văn thương binh nặng hạng 1/4. Ông bị thương sọ não ở chiến trường Đông Nam Bộ năm 1971 do trúng đạn cối M79 của Mỹ từ trên máy bay trực thăng phóng xuống trong khi đang cùng hoạ sĩ Ái Nhi làm báo Thanh Niên Giải Phóng số đặc biệt kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng miền Nam. Sau khi bị thương, Sơn Tùng gần như bị liệt nửa người, tay phải co quắp hoàn toàn, ông phải tập viết bằng tay trái.

Kiên cường chiến đấu với bệnh tật, với vết thương, ông trở thành một trong số rất ít các nhà văn chuyên viết chân dung của Bác Hồ và của các danh nhân cách mạng. Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về thời thơ ấu và niên thiếu của Bác Hồ (NXB Kim Đồng 1982).

Năm 1996, NXB Kim Đồng đã chọn đưa Búp sen xanh vào Tủ sách Vàng - Tác phẩm chọn lọc cho thiếu nhi Việt Nam. Búp sen xanh từ ngày xuất bản tới nay được tái bản hơn 20 lần, xuất bản lên tới hơn 800.000 bản, và được dịch ra tiếng Anh phát hành ở nhiều nước.

Cùng đề tài viết về Bác Hồ, tiếp cuốn Bông sen vàng và cuốn Trái tim quả đất ra đời trong dịp Unesco kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch, nhà văn Sơn Tùng viết kịch bản phim Hẹn gặp lại Sài Gòn.

Đến nay, nhà văn Sơn Tùng đã xuất bản gần 30 đầu sách, ngoài những cuốn kể trên còn có nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng Năm, Con người và con đường, Người vẽ cờ Tổ quốc, Nguyễn Hữu Tiến, Trần Phú, Anh thương binh tạc tượng Bác Hồ, Hoa râm bụt, Bác về, Vườn nắng, Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Nguyễn Ái Quốc qua ký ức của các bà mẹ Nga, Tấm huy hiệu Bác Hồ…

Sơn Tùng nổi tiếng là một nhà văn có nhân cách cao cả, được nhiều người mến phục.

Sơn Tùng luôn cho rằng, sự nghiệp văn chương của ông sẽ chẳng tới đâu nếu như ông không được sự hỗ trợ của người vợ - cô y tá Phan Hồng Mai mà ông gặp ở chiến trường năm xưa, sự giúp đỡ của anh em trí thức và bạn bè chí cốt.

Một Tấm gương nghĩa khí

Suốt cuộc đời mình, nhà văn Sơn Tùng là một tấm gương nghĩa khí, một tài năng chân chính hết lòng với văn chương và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Ông bị thương nặng khi còn là chủ bút báo Thanh Niên Giải phóng năm 1971 (lúc 43 tuổi), với 14 vết thương, 3 mảnh đạn vẫn còn nằm trong sọ não, thị lực chỉ còn 1/10, tay trái bị liệt, cơ trước ngực, chân trái cũng bị đạn chém, tay phải còn có ba ngón, luôn bị những cơn đau hành hạ, thỉnh thoảng vết thương lại rỉ máu. Nhưng nhà văn Sơn Tùng luôn luyện tập kiên trì, vươn lên và viết gần ba mươi đầu sách (có 13 đầu sách về Bác Hồ) trong bốn mươi năm sau đó.

Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói về Sơn Tùng: “Một nhà văn chỉ còn ba ngón tay mà vẫn bấu được vào cuộc đời và làm việc bằng óc”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nói: “Nhà văn Sơn Tùng là một tấm gương nghị lực phi thường mà tôi học tập được rất nhiều”.



Theo Tiền Phong
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất