Thứ Hai, 23/12/2024
Thi đua yêu nước
Chủ Nhật, 27/3/2011 21:40'(GMT+7)

Thi đua không phải là mệnh lệnh

Xuất phát từ nhận thức đó, những năm qua, Tòa án nhân dân huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đã coi trọng và phát huy hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp với tổ chức hoạt động, tạo được động lực thi đua mạnh mẽ trong tập thể tòa án huyện.

Huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là một trong những huyện miền núi nghèo, địa bàn rộng có đến 8 dân tộc thiểu số chung sống, vì vậy các hoạt động phong trào phát động trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, luôn nêu cao khẩu hiệu “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, Tòa án huyện Thanh Sơn đã thực hiện và phát triển nhiều phong trào một cách sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với đặc thù công việc và đặc điểm của vùng, đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Nhiều năm liên tục, Tòa án huyện Thanh Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ giải quyết, xét xử các loại án từ 99% trở lên, tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan hạn chế ở mức rất thấp, ba năm liên tục từ 2007-2009 không có án bị hủy. Trong 5 năm từ 2005-2009 đều được tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, trong đó 2 năm được tặng bằng khen, 2 năm được tặng cờ thi đua xuất sắc của ngành Tòa án nhân dân. Tổng kết phong trào thi đua 5 năm được Cụm thi đua số II bầu chọn và đề nghị ngành Tòa án nhân dân tặng cờ thi đua xuất sắc giai đoạn 2005-2010,…

Góp phần vào những thành công trên là bởi luôn có những cách làm hay, những biện pháp phù hợp trong các phong trào thi đua của tòa án huyện. Điển hình là biện pháp “nêu gương điển hình tiên tiến”. Với tòa án nhân dân huyện Thanh Sơn, biện pháp nêu gương trước hết là với các đồng chí lãnh đạo, Thẩm phán. Họ phải là tấm gương sáng về chuẩn mực, đạo đức lối sống, tính trung thực, sự công bằng, là trung tâm đoàn kết…Tấm gương đó không chỉ thực hiện “nêu gương’ trong giờ làm việc, ngày làm việc mà còn phải được thể hiện trong tất cả mọi hoạt động của đời sống xã hội và gia đình. Lãnh đạo nêu gương không chỉ bằng lời nói, chuyện kể theo kiểu vẽ tranh, phô trương hình thức mà phải được thể hiện bằng hành động cụ thể của một người có việc làm tốt mang tính thuyết phục cao. Lãnh đạo còn là người thầy trực tiếp cầm tay chỉ việc và đồng tâm hiệp lực với cán bộ. Tiêu biểu có phong trào thi đua giữ gìn kỷ luật lao động, kỷ luật phát ngôn, quy tắc ứng xử,…thì các đồng chí lãnh đạo phải làm sao để cán bộ nhìn vào lãnh đạo luôn nhận thấy họ là những tấm gương mẫu mực về mọi mặt để noi theo. Vì vậy, người lãnh đạo luôn thể hiện là người chấp hành tốt kỷ luật lao động về giờ làm việc cũng như kỷ luật công tác, nghiêm túc chấp hành nội quy, trang phục,.. có sự quan tâm liên tục, trực tiếp để giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong và ngoài cơ quan có liên quan đến cán bộ và cơ quan tòa án. Người lãnh đạo phải có lời nói và hành động tôn trọng tập thể, tôn trọng cán bộ, có mối quan hệ xã hội lành mạnh, quan hệ gia đình êm ấm, yêu thương mọi người, có lời nói văn minh,…Về nghiệp vụ phải là người có trình độ nghiệp vụ vững vàng, chất lượng giải quyết xét xử tốt,...

Tòa án Huyện Thanh Sơn còn rất chú trọng đến biện pháp: Thường xuyên làm tốt công tác động viên tư tưởng, khuyến khích sự tiến bộ. Việc động viên đối với cán bộ, thư ký, thẩm phán không chỉ dừng lại ở việc thuyết trình trước cuộc họp bằng những đoạn văn hoặc lời nói buông xuôi mà phải bằng hành động thiết thực, cụ thể gương mẫu và nghiêm túc nhưng vẫn thể hiện sự thân thiện hài hòa, làm cho cán bộ phải suy nghĩ rồi tự giác hành động. Trong cơ quan nếu có cán bộ biểu hiện khác thường về tư tưởng, đặc biệt những cán bộ là người dân tộc thiểu số có tập quán đặc thù, biểu hiện cho thấy họ đang gặp phải vướng mắc, khó khăn, lãnh đạo phải trực tiếp hoặc phân công thẩm phán có uy tín tìm hiểu, chia sẻ và giúp họ khắc phục những vướng mắc. Phải cùng vui khi cán bộ của mình có tin vui, cùng chia sẻ khi họ gặp điều không may, có như vậy việc cảm hóa, động viên cán bộ mới làm cho cán bộ hết lòng thi đua vì tập thể, vì phong trào.

Bên cạnh đó, Tòa án huyện rất chú trọng đến việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa thi đua và công tác khen thưởng. Với quan điểm muốn thi đua tốt thì phải khen thưởng đúng và nếu khen thưởng đúng thì mới tạo được động lực để thi đua. Đặc biệt, với những cán bộ là người dân tộc thiểu số thì việc khen thưởng càng cần thiết chính xác hơn bao giờ hết. Do đó, việc dân chủ công khai bình xét điển hình, chỉ ra mọi người nhận thức ngoài việc được khen họ còn được tập thể ghi nhận về sự tiến bộ thường xuyên diễn ra trong các hoạt động của tòa án huyện Thanh Sơn. Cán bộ phấn đấu tốt sẽ có tương lai trở thành Thẩm phán, Thẩm phán phấn đấu tốt sẽ có tương lai làm lãnh đạo và lãnh đạo phấn đấu tốt sẽ có thể làm lãnh đạo cao hơn,.. Việc khéo vận động làm cho cán bộ nhìn thấy tương lai trong mục tiêu của thi đua là một thành tố cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của các phong trào.

Một cán bộ tòa án huyện Thanh Sơn từng nói: Chuyên đề về thi đua rất rộng, mỗi tập thể, cá nhân đều có biện pháp khác nhau để thực hiện và phát triển phong trào thi đua nhằm đạt thành tích như mong muốn. Đối với tòa án huyện Thanh Sơn chúng tôi các biện pháp: Nêu gương, động viên tư tưởng, giải quyết mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng là những biện pháp đã và đang được áp dụng đem lại hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tâm lý thực tế của từng cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số./.

Mai Thảo

(Nguồn: Tạp chí TĐKT)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất