Thứ Hai, 23/12/2024
Thi đua yêu nước
Chủ Nhật, 27/3/2011 11:20'(GMT+7)

Có một thời “Ba sẵn sàng”

Cuối năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc và sau đó, đưa quân vào miền Nam Việt Nam. Cả nước là một chiến trường. Đáp ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, Đoàn Thanh niên Lao động trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát động phong trào “Ba sẵn sàng”, mở ra một phong trào hành động mới của tuổi trẻ Thủ đô.

Nhớ về giây phút lịch sử đêm mít tinh mở đầu cho phong trào Ba sẵn sàng, ông Phạm Hữu Thân, nguyên Bí thư liên chi, Thường vụ đoàn Thanh niên Lao động trường Đại học sư phạm Hà Nội thời ấy kể: Chỉ sau thời gian ngắn, 26 vạn thanh niên Hà Nội đã ghi tên tình nguyện tham gia “Ba sẵn sàng”, trong đó có 8 vạn thanh niên xung phong ra trận ngay trong tuần đầu với hàng vạn lá thư được viết bằng máu. Từ Hà Nội, phong trào đã lan rộng ra cả nước và trở thành cao trào cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ.

Đi đâu cũng nghe phong trào thanh niên, sinh viên xung phong nhập ngũ. Nhiều học sinh có quyết định đi học ở nước ngoài nhưng vẫn kiên quyết xin ở lại để vào Nam chiến đấu, để lại tuổi thanh xuân ở chiến trường miền Nam. Hồi tưởng về thời kì sục sôi của phong trào “Ba sẵn sàng”, ông Vũ Hữu Loan, nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội khóa 4 nói: “Ba sẵn sàng” thể hiện tinh thần rất quyết liệt, thể hiện được lý tưởng của thanh niên thời kì đó, vô cùng sâu sắc, vô cùng đẹp đẽ. Không có một hành động gì khác ngoài chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam. Họ đã viết đơn bằng máu gửi Thành đoàn. Có người phải mang gạch trong người cho đủ cân nặng để được vào bộ đội.

Sức mạnh của phong trào là ý chí của hàng triệu thanh niên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giữ gìn độc lập tự do cho Tổ quốc. Đó là lẽ sống, niềm tin, đạo lý của thanh niên lúc bấy giờ. Những câu hát "Thề chưa hết giặc là ta chưa về", “Chuẩn bị sẵn sàng đi chiến đấu...”, “Vui bước lên đường, ba sẵn sàng anh đi. Công tác xóm làng, ba đảm nhiệm em lo”, “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót chẳng mòn...” lúc đó thấm vào tim gan lớp lớp thế hệ người Việt Nam. “Ba sẵn sàng” thực sự là lò lửa tôi luyện, thử thách tấm lòng son của tuổi trẻ, tạo nên chất thép của thời đại để nở bừng và tỏa sáng những đóa hoa chiến công của tuổi trẻ.

Không chỉ vào Nam chiến đấu, “Ba sẵn sàng” cũng chính là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ, giữ vững việc sản xuất và học tập, nghiên cứu, xây dựng miền Bắc. Trong chiến thắng Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, thanh niên Thủ đô cùng với bộ đội, dân quân, tự vệ chiến đấu quật cường đánh thắng giặc Mỹ. Tiểu đội Tự vệ trường Đại học Sư phạm trở thành “con mắt phía Tây” của cuộc chiến đấu. Đồng chí Trần Quang Nhiếp, nguyên bí thư Đoàn trường Đại học sư phạm Hà Nội thời ấy kể lại: Trên sân thượng nhà A7, anh em khuân các bao cát lên làm ụ pháo. Có một đội cán bộ sinh viên trực chiến ở đấy làm 2 việc: một là quan sát máy bay địch bay vào Hà Nội, hai là bắn trả địch khi nó bắn phá Hà Nội. Tiểu đội này  thông tin rất kịp thời, báo cho bộ chỉ huy thành phố biết để thông tin cho các lực lượng ứng phó chiến đấu. Sau đó, bộ tư lệnh Hà Nội gọi đây là con mắt phía tây của Hà Nội.

Phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên miền Bắc cùng với phong trào “Năm xung phong” của thanh niên miền Nam đã góp phần to lớn vào thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mùa xuân năm 1975.

Hơn 40 năm đã trôi qua, tinh thần “Ba sẵn sàng” vẫn luôn luôn rực cháy trong tim nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam, là nền tảng để phong trào “Thanh niên tình nguyện” hôm nay tiếp bước gánh vác sứ mệnh lịch sử của thanh niên trong thời đại mới./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất