Thứ Hai, 23/12/2024
Thi đua yêu nước
Thứ Năm, 31/3/2011 14:35'(GMT+7)

Canh giữ bầu trời Trường Sa

 Những “đôi mắt” vệ quốc

Sau những ngày biển động, nắng lại hanh vàng. Bầu trời Trường Sa lồng lộng xanh biếc. Mệt lử vì say sóng nhưng đoàn đi thăm chiến sĩ Trường Sa vẫn háo hức đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn. Ai cũng xúc động với nụ cười rực nở trên gương mặt sạm đen và cái bắt tay thật chặt của những người lính.

Nhưng ở góc đảo vắng ẩn hiện dưới tán lá bàng vuông, một không khí khác đang diễn ra. Các chiến sĩ của đội không quân thuộc Sư đoàn không quân 370 đang lặng lẽ tập trung vào nhiệm vụ quan trọng của mình. Nhiệm vụ tác chiến của đội không quân bám trụ 24/24 giờ ở đảo là sẵn sàng hướng dẫn đường bay cho các phi công làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Chính trung tá Duy, 42 tuổi, nhiều năm kinh nghiệm trong quân chủng phòng không không quân, là người trực tiếp ngồi bên máy dẫn đường. Còn đồng đội của anh cũng mỗi người một nhiệm vụ để lực lượng không quân luôn trong tư thế chủ động trên bầu trời Trường Sa.

Trung tá Duy tâm sự màu áo xanh không quân ở đảo là để sẵn sàng hiệp đồng tác chiến cùng hải quân. Không chỉ bảo vệ bầu trời Trường Sa, không quân còn có nhiệm vụ cùng hải quân ngăn chặn tàu lạ xâm nhập, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ở một góc đảo Song Tử Tây, các chiến sĩ phòng không của Đoàn phòng không B77 đang tập trung giám sát không phận. Người đứng trên đài nhìn thẳng lên bầu trời. Người đang theo dõi màn hình. Dàn ăngten chầm chậm quay đều...

Thiếu tá Phạm Sĩ Hoài sắp xếp xong ca trực mới tranh thủ ra tiếp khách. Anh pha tách trà đậm đặc, tâm sự tuy Trường Sa cách xa đất liền nhưng không phận này vẫn luôn được lực lượng phòng không phối hợp cùng hải quân VN giám sát chặt chẽ từng phút suốt 24 giờ trong ngày.

“Nếu nhiệm vụ đội không quân là dẫn đường bay thì chiến sĩ trạm phòng không chúng tôi là trông giữ bầu trời, bảo đảm phát hiện ngay máy bay lạ, vật thể lạ xâm nhập trên cao trong bất cứ tình huống nào xảy ra”. Vừa trò chuyện với tôi, thiếu tá Hoài vừa chỉ chiếc rađa có tầm quan sát hàng trăm kilômet trên bầu trời vùng biển Trường Sa. Tuy nhiên, “đôi mắt” kim loại này sẽ không thể hoạt động nếu thiếu những người lính phòng không đang ngày đêm kiên cường bám trụ trên đảo xa.

Buổi sáng tháng 3, bầu trời trên vùng biển Trường Sa thật bình yên trong màu xanh cao lồng lộng, nhưng có ai dám chắc điều gì sẽ xảy ra. Nhiệm vụ của người lính phòng không có mặt trên hòn đảo này cùng với hải quân là để luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ sự toàn vẹn của Tổ quốc. Nghe Thức tâm sự và nhìn thẳng vào đôi mắt sáng quắc đang quan sát bầu trời, tôi cảm nhận được dòng máu kiên cường đang chảy trong trái tim người lính trẻ này.

Chia tay Song Tử Tây, tôi tranh thủ đi thăm trạm phòng không đảo Nam Yết ở gần đó. Những người lính áo xanh trẻ trung vui mừng đón khách đất liền ra thăm, nhưng vẫn sẵn sàng bảo đảm nhiệm vụ quan trọng của mình. Thượng úy, chính trị viên Nguyễn Mạnh Cường kể tất cả chiến sĩ phòng không ngày đầu tiên đặt chân lên đảo đều nhận thức rằng “trên đầu mình chính là bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc”.

Cho nên, dù điều kiện thiếu thốn của đảo nhỏ giữa đại dương xa xôi, nhưng mọi chiến sĩ phòng không vẫn đảm bảo tuyệt đối nhiệm vụ của mình bất kể ngày đêm, bất kể trời yên biển lặng hay cuồng phong nổi sóng. Trong lúc chiến sĩ hải quân bảo vệ biển đảo thì những người lính phòng không chính là “đôi mắt” canh giữ bầu trời Tổ quốc. Và những “đôi mắt” chiến binh ấy lúc nào cũng phải thức để sẵn sàng nhìn thấy rõ kẻ thù xâm nhập, quấy phá...

Trái tim người lính trẻ

Suốt mười ngày lênh đênh trên biển đi thăm chiến sĩ Trường Sa, đoàn chúng tôi liên tiếp đối mặt với biển động trong không khí lạnh tăng cường từ phía bắc. Tuy say sóng đến rã rời nhưng ai nấy đều nhanh chóng quên mệt nhọc và vui ngay khi gặp gỡ chiến sĩ. Những mái tóc khét cháy, những gương mặt sạm đen, gân guốc của người lính trong nắng gió biển khơi như truyền lửa cho những người đất liền chưa quen sóng gió.

Mọi người đều có cảm giác ấm áp, thân tình như anh em một nhà lâu ngày gặp được nhau. Các chiến sĩ hải quân và không quân trên đảo cũng gắn bó, thân thiện như anh em trong gia đình. Ngoài vài sĩ quan mà tôi đã gặp như trung tá Duy, thiếu tá Hoài dạn dày kinh nghiệm ở tuổi 40, hầu hết chiến sĩ ở các trạm phòng không, không quân đều còn rất trẻ với lứa tuổi 20 tràn đầy nhựa sống.

Đó là những chiến sĩ thông tin tiêu đồ như Lê Huy, 23 tuổi, đến từ quê biển miền Trung Quảng Ngãi, trắc thủ Mạch Ngọc Anh có quê hương ở ngôi làng ven biển Thanh Hóa, Phạm Văn Thức từ miền đồng bằng Hải Dương... Mỗi người có một nét mặt, một giọng nói là phương ngữ các miền quê khác nhau, nhưng tất cả đều giống nhau ở những nụ cười. Đó là những nụ cười rực lửa và tràn đầy niềm tin!

Sau ca trực nhiệm vụ, các chiến sĩ quây quần bên nhau chơi thể thao hoặc trồng trọt, chăn nuôi để tăng gia. Ngoài nâng cao sức khỏe và cải thiện đời sống, những giờ phút này còn giúp anh em khuây khỏa nỗi nhớ quê nhà. Liên lạc viễn thông được đảm bảo tốt trên các đảo. Những người khách ra thăm đảo đều rất bất ngờ và vui khi nghe một số chiến sĩ tâm sự có thể chat với vợ con qua Internet.

Ai cũng xúc động khi nghe người lính tâm sự: “Con nhìn thấy mặt cha qua màn hình máy tính mà cứ bi bô hỏi mẹ ba đâu, ba đâu, vì từ lúc sinh ra đã không biết gương mặt cha như thế nào!”. Đôi mắt người lính mới phút trước còn sáng quắc kiên cường canh gác bầu trời Tổ quốc chợt rưng rưng đỏ. Mọi người nén xúc cảm, siết chặt tay nhau thay lời chia sẻ...

Hôm chia tay Trường Sa, một chiến sĩ bốc tặng tôi vốc cát trên đảo. Người lính lặng lẽ không nói gì. Nhưng tôi hiểu nắm cát đó từng thấm đẫm mồ hôi và máu của bao người lính Trường Sa.

Tri ân những người đã hy sinh bảo vệ Trường Sa

Nước mắt những người lính già

Những mái đầu trắng phơ cúi xuống đại dương như tìm hình bóng đồng đội đã dũng cảm hi sinh vì sự toàn vẹn của Tổ quốc. Thật khó diễn tả được tận cùng nỗi niềm xúc động của chính những người lính khóc thương người lính. Nước mắt lặng lẽ rơi nhưng không có tiếng nức nở. Nỗi đau người lính già được nén chặt như sắt đá trong tim, để sẵn sàng tiếp bước đồng đội lấy máu mình bảo vệ Tổ quốc!

Điều đặc biệt trong đoàn viếng thăm chiến sĩ Trường Sa cuối tháng 3-2011 là sự có mặt của 15 cựu chiến binh Quân đoàn 1. Những người lính từng tham chiến ở chiến trường miền Nam rồi biên giới phía Bắc và Campuchia.

Nhiều người vẫn đang mang mảnh đạn trong mình. Hai buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh ở Trường Sa và DK1 diễn ra trong thời tiết xấu. Biển động dữ dội làm mọi người đứng trên boong tàu chao đảo, ngả nghiêng nhưng các cựu chiến binh vẫn xếp hàng đầu để dâng hương. Nước mắt của những người lính già đã làm cả đoàn không kìm được tiếng khóc.

Những lần thăm chiến sĩ Trường Sa trên đảo, các cựu chiến binh luôn có mặt sớm. Nhiều người trẻ ái ngại cho sức khỏe của họ trong hoàn cảnh sóng to gió lớn, nhưng các cựu chiến binh vẫn quyết tâm rời tàu lên đảo. Họ trả lời nhẹ nhàng nhưng cũng thật lắng lòng: “Một chút sóng gió thế này làm sao so được với máu xương của đồng đội chúng tôi vẫn còn nằm dưới đáy biển sâu”.

Những giọt nước mắt xúc động của các cựu binh khi tưởng niệm đồng đội đã hi sinh tại Trường Sa  - Ảnh: Quốc Việt

Sự có mặt của những người lính già từng đổ máu trên chiến trường đã làm các chiến sĩ trẻ ở Trường Sa thật sự xúc động. Những lời hỏi thăm, động viên giản dị nhưng thấu cảm và đầy chất lính của các cựu chiến binh cũng truyền thêm ý chí cho chiến sĩ bám trụ ở đảo xa.

“Nếu Tổ quốc cần, chúng tôi sẽ lại sẵn sàng cầm súng để chiến đấu cùng các bạn”. Lời tâm sự như lời thề của những người lính già đã làm chiến sĩ trẻ rưng rưng xúc động. Và mọi người cháy bỏng niềm tin rằng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa sẽ trường tồn trong mỗi trái tim người Việt.



Theo QUỐC VIỆT/Tuoitre.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất