80 gương thầy thuốc trẻ được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương đúng vào dịp Kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ vừa qua là những điển hình tiêu biểu, đại diện cho hàng ngàn thầy thuốc trẻ trên mọi vùng miền và mọi lĩnh vực công tác trong cả nước.
Tuy công tác thuộc các chuyên ngành và các lĩnh vực, địa bàn khác nhau nhưng 80 gương thầy thuốc trẻ được tuyên dương năm 2011 đều là những người xung kích, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, vì sự phát triển của nền y học Việt Nam. Những thầy thuốc trẻ Việt Nam không chỉ xung kích trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng mà còn hăng say trong nghiên cứu khoa học, tiếp thu những công nghệ mới, để ứng dụng vào việc khám chữa bệnh cho nhân dân.
“Từ mẫu” của bản làng
Tốt nghiệp ra trường, nữ bác sĩ Huỳnh Thị Huệ đã tình nguyện về với bản làng Ca Dong, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi để chữa bệnh cho người nghèo. Một thân một mình lên non lập nghiệp, hành trang cô gái trẻ mang theo ngoài ba bộ đồ, ít sách vở còn là một bao khoai lang phơi khô. Trạm y tế xã lúc đó chỉ là một ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, trang thiết bị khám, chữa bệnh, thuốc men đều thiếu trước hụt sau; điện không có, phải thắp đèn dầu, ban đêm tối mù mịt, đường sá chia cắt, đi lại khó khăn. Những nhọc nhằn, thiếu thốn của ngày tháng xa nhà đôi lúc khiến chị chùn bước. Nhưng rồi mỗi ngày được chăm sóc cho người bệnh, được nhìn thấy bà con dân bản khỏe mạnh, chị thấy ấm lòng hơn và tin tưởng vào con đường mình đã chọn. Mười năm ròng, dù nắng hay mưa, đông hay hè, đồng bào Ca Dong xã Sơn Mùa và những xã lân cận vẫn thường xuyên gặp bác sĩ Huệ trèo đèo, lội suối cả ngày trời đến với bản làng mỗi khi có người bệnh. Nhiều đợt, chị còn ở lại bám bản cả tuần, cùng người dân chống chọi với dịch bệnh tiêu chảy, sốt rét, ghẻ lở... Bấy nhiêu năm gắn bó với đồng bào dân bản ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này, chị đã cứu sống nhiều người, giúp dân bản mạnh khỏe. Người dân nơi đây đã quen gọi chị với cái tên trìu mến - “từ mẫu” của bản làng Ca Dong. Cũng nhờ những nỗ lực của chị, trạm y tế xã Sơn Mùa đã trở thành trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của huyện vào cuối năm 2010.
Người có duyên với các bệnh nhân “nhí”
|
Bác sĩ Vũ Tề Đăng |
Tự nhận mình là người có duyên với trẻ em, bác sĩ Vũ Tề Đăng, khoa Sơ sinh - Bệnh viện Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh nguyện sẽ gắn bó suốt nghiệp đời với những sinh linh bé bỏng ngay từ khi chúng còn trong bụng mẹ. Sau 5 năm du học tại Pháp, tốt nghiệp với học hàm Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Tề Đăng đã từ chối nhiều lời mời ở lại công tác lâu dài và trở về quê hương với mong muốn cống hiến cho nền y tế nước nhà.
Về công tác tại Bệnh viện Từ Dũ từ năm 2007, thời gian tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ để anh trải nghiệm lòng mình với những bệnh nhân “nhí” và anh biết được con đường mình đã chọn là đúng. Những công trình, đề tài nghiên cứu sinh của anh đã mang lại nhiều hi vọng mới cho trẻ sơ sinh. Đề tài nghiên cứu về “Sự trưởng thành não ở trẻ sơ sinh” của anh đã được trao giải 3 giải thưởng “Nhà sáng tạo trẻ” tại hội nghị về siêu âm quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc năm 2006. Anh còn tham gia thực hiện một số nghiên cứu quan trọng khác như: “Nghiên cứu xuất huyết não ở trẻ sơ sinh rất nhẹ cân và một số yếu tố có liên quan”, “Nghiên cứu sự trưởng thành não ở trẻ dưới 1 tuổi thông qua phản ứng của mạch máu não đối với kích thích bằng ánh sáng”… Nhờ nghiên cứu của bác sĩ Đăng cùng với các trang thiết bị hiện đại, nhân sự được đào tạo đầy đủ, tại khoa sơ sinh bệnh viện Từ Dũ, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ngày càng giảm dần. Chỉ tính riêng năm 2010, bệnh viện Từ Dũ đã cứu sống được 89 trẻ sinh thiếu tháng.
Xây dựng “Phòng khám bệnh từ thiện” để giúp đỡ cộng đồng
|
Bác sĩ Trần Thái Hà (Ngoài cùng bên phải) |
Vào nghề gần 10 năm, bác sĩ Trần Thái Hà, khoa Châm cứu, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã có nhiều đóng góp cho hoạt động xã hội, từ thiện và là một trong 10 gương thầy thuốc tiêu biểu nhận giải thưởng "Đặng Thùy Trâm" của Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố Hà Nội. Được sự giúp đỡ của Ban Từ thiện chùa Linh Sơn (Thanh Nhàn, Hà Nội), anh đã xây dựng "Phòng khám bệnh từ thiện" để tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí cho nhiều đối tượng chính sách và các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Phòng khám ra đời từ tháng 5/2010, hoạt động thường kỳ 2 buổi/tháng.
Nhằm chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, bác sĩ Hà còn chủ động kêu gọi tài trợ của các tổ chức, cá nhân được 100 triệu đồng để mua trang thiết bị chuyên khoa y học cổ truyền, cải tạo hạ tầng, tạo thuận tiện cho khám và điều trị gồm phòng khám bệnh, máy chẩn đoán hình ảnh và nơi cấp, phát thuốc. Đến nay, sau một năm hoạt động, phòng khám đã tiếp nhận trên 400 bệnh nhân đến khám và điều trị, cấp phát thuốc miễn phí với tổng số tiền hơn 80 triệu đồng./.
Trang Lê
(Nguồn: Tạp chí TĐKT)