Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 23/12/2008 10:17'(GMT+7)

Cuộc sống - nguồn cội cho nhà văn sáng tạo

Hội Nhà văn Việt Nam đã triển khai sớm việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, bằng việc tổ chức hai cuộc hội thảo dành cho gần 200 nhà văn thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ và Nam Trung bộ - Tây Nguyên. Hội nghị đã trao đổi về hai vấn đề mà văn học đang quan tâm hiện nay là “Nâng cao chất lượng sáng tác” và “Nhà văn với đời sống”. Nhiều nhà văn, nhà lý luận, phê bình văn học đồng tình với nhận xét cho rằng một trong những yếu kém của các tác phẩm văn học những năm qua, chất lượng tác phẩm không cao chính là nhà văn xa rời thực tiễn của đời sống.

Hiện nay, mỗi năm đầu sách văn học ra nhiều gấp 10 lần, 20 lần so với những năm tám mươi của thế kỷ trước. Nhưng có một thực tế là, ít có tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, ký gây “chấn động” trong bạn đọc. Có lý do giải thích là do số lượng sách ít (500-1.000 cuốn/đầu sách), sách không đến được tay người đọc… Ngay thể loại ký vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới có nhiều thành tựu, những bài bút ký, phóng sự đề cập những vấn đề của đời sống xã hội đã gây chấn động cả nước. Bây giờ ít còn những bài bút ký có những phát hiện sâu sắc hiện thực xã hội, dạng “Vua lốp”, “Cái đêm hôm ấy đêm gì”, “Người không cô đơn”… ít xuất hiện trên báo chí. Tính cập nhật, nóng bỏng thời sự, phát hiện ra những vấn đề mới của văn học ngày nay còn đi sau báo chí.

Ở Hội nghị các nhà văn trẻ 2006, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, khi được hỏi các nhà văn trẻ ở ta, ít có tác phẩm được bạn đọc chú y,á không ít nhà văn trẻ trả lời “Chúng tôi bí đề tài”, loanh quanh trở đi trở lại với họ trong tác phẩm là những dằn vặt, trăn trở của thế hệ trẻ với cuộc sống hiện đại: chuyện tình yêu, chuyện tình tan vỡ, chuyện bồ bịch, mối tình tay ba… tiêu cực của ông giám đốc nọ với tình nhân, quan hệ gia đình, việc làm, ma tuý, cướp giật, giết người, tệ nạn xã hội… Nói tóm lại những vấn đề xã hội mà các tác phẩm văn học lựa chọn làm đề tài thường gặp nhan nhản trên các trang báo hàng ngày… Nhà văn Cao Duy Thảo (Nha Trang) đã chỉ rõ căn nguyên của sự yếu kém ấy chính là do “nhà văn thiếu vốn sống”, kết cục đó tất yếu dẫn đến “cuộc sống trong tác phẩm phản ánh vụn vặt, quá cá biệt; coi việc viết văn cho vui, giải khuây, được chăng hay chớ, tác phẩm thiếu chiều sâu…”.

Trong những năm kháng chiến, chuyện nhà văn tham gia vào cuộc kháng chiến, trở thành người “chiến sĩ”, nhân tố tham gia vào cuộc chiến đấu giữ nước, xây dựng hậu phương là chuyện bình thường, như Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh, Huy Cận, Lê Anh Xuân, Phan Tứ, Giang Nam… Chúng ta có cả một đội ngũ những người “nghệ sĩ - chiến sĩ” đi và sống gắn bó với cuộc sống của nhân dân ở mọi mặt trận, vùng đất, chính vì vậy họ đã tạo nên được những tác phẩm lớn, mang tầm vóc thời đại. Xa hơn nữa, trước cách mạng Tháng Tám 1945, các nhà văn hiện thực của nước ta nhiều người có được những tác phẩm có giá trị đến ngày nay, chính vì họ đã từng “ngụp lặn” trong cuộc sống của những người cần lao như Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Bính… Nói tóm lại, cuộc sống luôn luôn là mảnh đất màu mỡ, là nguồn cội để nuôi dưỡng tâm hồn nhà văn, người nghệ sĩ để kích thích sự sáng tạo. Nếu không có những chuyến đi hàng tháng trời, ăn ngủ với những người dân, uống rượu với những người lái đò dọc theo sông Đà làm sao Nguyễn Tuân có được những trang viết tuỳ bút sâu sắc, hay như vậy về miền Tây Bắc của Tổ quốc. Phùng Quán, Tô Hoài… không có những ngày sống với người nông dân Thái Bình, Phú Thọ làm sao có được cái “vốn sống nội sinh” để gắn bó cả đời mình với văn chương, bút lực vẫn mạnh mẽ cho đến khi giã từ cuộc đời này.

Lúc còn sống, nhà thơ Thu Bồn luôn cảm ơn những ngày sống ở rừng Kom Tum, Tây Nguyên. Nhờ những ngày đi phát rãy, tỉa bắp và sống lăn lóc với bà con dân tộc Tây Nguyên, ông có được Trường ca “Bài ca Chim Chơ rao”, nhà văn Nguyên Ngọc đã từng làm Bí thư chi bộ xã Điện Hoà, Điện Bàn, Quảng Nam; Nguyễn Chí Trung cất lều ở với đồng bào Trà Bồng để có được những trang viết về cuộc chiến đấu của quân dân khu V Anh hùng. Không ít kẻ xấu, ngày nay vẫn xem cái chuyện “nhà văn gắn bó với thực tiễn của đời sống như là một sự đầy đoạ, nhà văn bị cộng sản đưa đi cải tạo, trù dập” của chế độ (!).

Khi đọc kỹ Nghị quyết 23 của Đảng mới đây về đánh giá văn học, nghệ thuật đã khiến cho nhiều “nhà văn giật mình”-chữ của nhà văn Thanh Quế-ông nói thêm “Phải chăng, những năm qua, ta chưa hiểu thật sâu sắc đời sống của nhân dân mình. Các nhà văn viết về nông dân, ta đã hiểu gì về người nông dân phải rời ruộng vườn, nhà cửa vì chuyện di dân, phục vụ cho việc đô thị hoá, xây dựng các khu công nghiệp? Chúng ta hiểu gì về tâm tư, tình cảm đời sống vật chất của người công nhân, nhất là công nhân trẻ ở các khu kinh tế? Chúng ta có hiểu được ngọn ngành những cuộc bạo động ở một số địa phương, những cuộc khiếu kiện về đất đai, tham nhũng, đình công đang diễn ra…”. Nhiều nhà văn tại Hội thảo đều đồng ý cho rằng: Nhà văn chưa hiểu kỹ, thấu đáo cuộc sống của nhân dân thì làm sao có được tác phẩm hay, mang tầm vóc thời đại.

Hơn 20 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, đất nước đã có những thành tựu to lớn. Sự đổi thay trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội; kể cả nhận thức và tình cảm của con người với những vấn đề lớn lao của cuộc sống đã có những đổi thay, những cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu, cái tốt và cái xấu vẫn diễn ra gian khổ và phức tạp, tinh vi và đa dạng, bạo biệt và sự tàn phá của các thế lực đen tối không thua kém gì hậu quả của chiến tranh. Hơn ai hết, nhà văn phải là người nhạy cảm, nhận ra những vấn đề của đời sống để sáng tạo.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 1/3 thế kỷ, nhưng cuộc sống của gần 80% dân số ở nông thôn vẫn phát triển chậm, lạc hậu so với cuộc sống ở đô thị. Quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá-hiện đại hoá đã có những tác động tích cực và tiêu cực đối với số phận những người nông dân. Vấn đề số phận những người nông dân gắn với sự phát triển nông thôn, với nghiệp nhà nông đang đặt ra cho Đảng và Nhà nước ta những thách thức mới, cần có những giải pháp để tháo gỡ. Vấn đề việc làm cho thanh niên, cùng với nó là giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam bước vào thế kỷ XXI trong xu hướng hội nhập và những tác động ảnh hưởng văn hoá toàn cầu, các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc bị mai một, biến dạng và sự ô tạp của văn hoá ngoại lai… Có người gọi là “một cuộc xâm lăng văn hoá mới”. Vấn đề “người trí thức Việt Nam” trong thời kỳ mới cùng với sự phát triển mạnh mẽ, năng động nhưng không kém phần ồ ạt, hỗn tạp của nền kinh tế Việt Nam trước làn sóng mới… Cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, giữ cho cuộc sống bình yên, xây dựng và phát triển… Đó là những vấn đề lớn đã và đang đặt ra những thách thức mới, tác động tới toàn xã hội, từng cộng đồng dân cư, cho mỗi gia đình, từng con người.

Nhiều nhà văn cũng đã đề cập một căn bệnh của văn chương hiện nay là “văn chương quan liêu” (Bùi Tự Lực); chúng ta chưa có tác phẩm hay vì thiếu “tự do sáng tác” (!) rồi cần phải “đổi mới” cách viết… Nhà văn Nguyễn Gia Nùng đã nhắc lại lời phê bình của Bác Hồ với nhà thơ Huy Cận cách nay hơn 50 năm, khi giao cho ông thảo một văn bản “về quỹ tín dụng nhân dân”. Văn bản của nhà thơ Huy Cận trình lên Bác rất công phu. Đọc xong, Bác Hồ phê bình là “viết cho dân mà cầu kỳ, khó hiểu…”. Nhà thơ Huy Cận thưa với Bác là “viết như vậy cho mới”. Bác nghe xong, cười và hỏi nhà thơ “Vậy cơm có mới không chú?”.

Đối với văn chương nghệ thuật không chỉ đơn giản là cũ hay mới, vấn đề cốt lõi là hay hay không hay, giúp ích gì cho con người và xã hội. Nguyễn Gia Nùng cho rằng: “Lương tâm và trách nhiệm người viết văn là rất quan trọng, trong quá trình hội nhập, giao thoa văn hoá hôm nay, vấn đề là cần tiếp thu những tinh hoa văn hoá, văn học, nghệ thuật của nhân loại để bổ sung làm giàu cho văn hoá, văn nghệ dân tộc, chứ không phải là sự bắt chước, mô phỏng”.

Bàn về vấn đề “Bám sát thực tiễn của đời sống” và “Nâng cao chất lượng sáng tác” mà Hội Nhà văn Việt Nam đặt ra cho các nhà văn hôm nay thực ra là chủ đề không mới, nhưng luôn cần thiết cho mỗi nhà văn. Bởi sự vận động của cuộc sống và của văn học như một dòng chảy không ngừng, luôn thay đổi, biến dạng bởi những tác động khách quan. Chính điều đó đòi hỏi nhà văn-chủ thể sáng tạo luôn phải vận động. Thực tế đời sống có thể là cuộc sống quanh ta, từ chính bản thân nhà văn chiêm nghiệm ở chính mình, nhưng còn có một thực tế đời sống lớn lao hơn, đa dạng và phức tạp là những vấn đề nóng bỏng, bức xúc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá tác động tới con người với các mối quan hệ xã hội.

Bạn đọc luôn mong chờ ở nhà văn những tác phẩm mang hơi thở đích thực của cuộc sống. Và muốn như vậy-tôi đồng tình với ý kiến của nhà văn Cao Duy Thảo - “nhà văn phải dám dấn thân. Sự dấn thân vào cuộc sống của nhân dân, của đất nước đối với các nhà văn để trước hết làm người, rồi ra mới là tác phẩm”./.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông

Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất