(TCTG)- Cuộc hội thảo có tên gọi như trên do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức trong hai ngày 17 và 18 tháng 11 vừa qua tại Thành phố Hồ Chính Minh thu hút gần 300 đại biểu tham dự. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, nghiên cứu văn học, nghệ thuật; các nhà lý luận, phê bình, sáng tác, biểu diễn văn nghệ trong cả nước. Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, đồng chí Trương Tấn Sang - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chỉ rõ: “Yêu cầu của cách mạng và mong mỏi của nhân dân là sự nghiệp văn học, nghệ thuật của chúng ta phải lớn mạnh hơn, chủ động và bản lĩnh hơn để sáng tạo ra những tác phẩm và tác giả có giá trị, xứng đáng với vị thế, tầm vóc của dân tộc, vừa tiếp nhận có chọn lọc những giá trị mới của thế giới, vừa khẳng định được bản sắc và cốt cách dân tộc Việt Nam thời hiện đại. Đó là thời cơ, thách thức, đồng thời cũng là đòi hỏi có tính lịch sử khách quan đối với sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước nhà trong thời kỳ mới”.
1. Nghệ thuật với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế
PGS,TS Phạm Duy Đức (Học viện CT-HCQGHCM), khi bàn về thuộc tính tác phẩm văn học, nghệ thuật đã viện dẫn rất đúng, rất đắt câu nói của C.Mác trong bài “Những cuộc tranh luận về tự do báo chí: “Nhà văn, đương nhiên phải kiếm tiền mới có thể sống và viết, nhưng nhà văn tuyệt nhiên không được sống và viết để kiếm tiền”. Cũng trong tác phẩm này, C.Mác thừa nhận thuộc tính hàng hoá của sản phẩm văn học, nghệ thuật, coi đây là kết quả của sản xuất tinh thần. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến thiên chức xã hội của nghệ thuật và trách nhiệm xã hội cao cả của nghệ sỹ. Theo ông Phạm Duy Đức, tác phẩm văn học, nghệ thuật có hai thuộc tính: thuộc tính hàng hoá và thuộc tính xã hội. Thuộc tính hàng hoá được coi là phương tiện, thuộc tính xã hội là mục đích. Thị trường văn học, nghệ thuật chính là phương tiện để chuyển tải các giá trị văn học, nghệ thuật tới công chúng. Và khi xuất hiện loại thị trường này thì các quy luật của kinh tế thị trường nói chung như quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh cũng hoạt động và chi phối một cách hiển nhiên và sâu sắc. Chia sẻ quan điểm với ông Đức, Giáo sư Trần Thanh Đạm cho rằng, trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước và thế giới, cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế là quy luật khách quan, tất yếu. “Làm trái quy luật tất nhiên sẽ thất bại, song để cho quy luật lôi cuốn mình cũng sẽ thất bại tất nhiên. Vấn đề là làm chủ nó, vận dụng nó, điều khiển nó”. Giáo sư Trần Thanh Đạm cũng không quên khẳng định một nguyên tắc: cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ông phản đối ý kiến của một số người cho rằng định ngữ “định hướng xã hội chủ nghĩa” là mơ hồ (hay vô nghĩa) và dẫn câu nói của nhà văn Vũ Hạnh: nó không mơ hồ trong cuộc sống mà mơ hồ trong “não trạng” (mentalité) của những người nói như thế.
Các ý kiến tham luận tại Hội thảo cũng làm rõ hơn khái niệm “hội nhập quốc tế” hoặc “hội nhập kinh tế và giao lưu văn hoá”. Ông Trần Trọng Tân - nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương nêu một nhận xét xác đáng: văn hoá là giao lưu chứ không phải hội nhập; trong giao lưu có đấu tranh, sàng lọc, tiếp nhận. Quy luật của văn học, nghệ thuật là cái tốt, cái hay được ưa dùng, có sức sống lâu bền, cái dở, cái xấu thì sớm muộn sẽ bị chối từ, đào thải. Vai trò của các cơ quan chỉ đạo, quản lý văn học, nghệ thuật là phát hiện, tạo điều kiện để nhân rộng, nâng tầm cái tốt, cái thiện, đào thải nhanh và kiên quyết cái xấu, cái ác. Giáo sư, NGND Hà Minh Đức, do điều kiện riêng, không đến được nhưng gửi Hội thảo bản tham luận công phu, đầy tâm huyết: “Nền kinh tế thị trường với hội nhập quốc tế và những ảnh hưởng đến các hoạt động tinh thần của xã hội”. Ông có một nhận xét thật tinh tế: “Suốt mấy thập kỷ, nhân dân Việt nam đã sống trong tình sâu nặng yêu đất nước và tình người nhân hậu nên đồng tiền không tác động nhiều đến đời sống xã hội. Bước vào kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế khi chế độ bao cấp dần bị loại bỏ, kinh tế hàng hoá phát triển, vấn đề làm giàu của cá nhân được khích lệ, xu hướng cạnh tranh kinh tế trở thành thường xuyên trong đời sống xã hội thì đồng tiền dần có vị thế mới. Trong lần lên ngôi này, trọng lượng và màu sắc của kim tiền lấp lánh tác động tiêu cực sâu xa hơn đến các hoạt động tinh thần. Văn học nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường có vị thế khác trước, phong phú hơn, phức tạp hơn và luôn trong trạng thái không dễ bình ổn”.
PGS, Hoạ sỹ Vũ Giáng Hương với tham luận “Văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nhà văn Vũ Hạnh với “Những điều kiện tối thiểu để văn hoá, văn nghệ chủ động trong hội nhập”; PGS, KTS Trần Hùng “Nghệ thuật kiến trúc thời kỳ đổi mới”; nhà nghiên cứu, NS nhiếp ảnh Vũ Huyến “Giao lưu quốc tế bằng ảnh trong thời kỳ hội nhập”; TS Từ Thị Loan “Tác động của bối cảnh hội nhập quốc tế đối với các ngành nghệ thuật ở Việt Nam”; Nguyễn Gia Nùng “Vài suy nghĩ về người đọc, người viết và công tác quản lý VHNT trong tiến trình hội nhập”; Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân “Âm nhạc Việt Nam trong cơ chế thị trường và hội nhập”; KTS Nguyễn Hữu Thái “Kiến trúc Việt Nam trong cơn lốc thị trường và toàn cầu hoá - một cái nhìn từ bên ngoài”... đều nhìn nhận, phân tích khái niệm “hội nhập quốc tế” từ nhiều góc độ. Chung quy, trong văn hoá, hội nhập là giao thoa và tiếp biến văn hoá. Hội nhập trên tinh thần chủ động, tích cực, tỉnh táo, “gạn đục, khơi trong”, hoà nhập mà không hoà tan, không đánh mất bản sắc, hồn cốt dân tộc. Dù trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế thì vai trò của chủ thể là hết sức quan trọng: đó là sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và chủ thể sáng tạo là đội ngũ văn nghệ sỹ.
2. Thuận lợi - khó khăn, thời cơ - thách thức luôn đan xen
Những cặp từ này được nhắc đến nhiều trong Hội thảo. Nhà báo Dương Trọng Dật khẳng định: cơ chế thị trường - một thành tựu của văn minh nhân loại, nhiều năm qua đã đã để lại dấu ấn sâu đậm trong sáng tạo, truyền bá và thụ hưởng nghệ thuật. Chính nó đã góp phần giải phóng văn hoá khỏi những thiết chế, khuôn mẫu khô cứng, tạo nên sự phát triển thuận chiều giữa kinh tế và văn hoá. Tuy nhiên, quy luật giá trị, bên cạnh những ưu điểm và thế mạnh, do mục đích lợi nhuận tối đa cũng đã tác động tiêu cực đến những chủ thể thẩm mỹ không thật sự có tài năng nghệ thuật, lại rất nhạy cảm trong kinh doanh, sử dụng văn hoá, nghệ thuật như một phương tiện thuần tuý để kiếm sống, để làm giàu. Điều này đẩy nghệ thuật “sa vào vũng bùn chụp giật, tạo ra tình trạng hỗn loạn trong đời sống văn hoá xã hội, hạ thấp vai trò của văn hoá”. Ông Dật nêu ra 5 điểm yếu kém, cũng có thể gọi là 5 nguy cơ trong văn học, nghệ thuật: (1) tính chất “hàng xén”, nhỏ lẻ, mua gì bán nấy, chất lượng thấp; (2) tính chất “Fast Food”- mỳ ăn liền; (3) tính chất “đãng trí”, thoát ly đời sống, không gắn với vận mệnh đất nước, vui buồn của nhân dân; (4) tính chất “nhai lại”, sao chép, mô phỏng từ bên ngoài; (5) tính chất “lạc hướng”, lệch chuẩn. PGS,TS Trần Trọng Đăng Đàn vừa bức xúc, vừa kỹ lưỡng nêu lên đến 16 điều yếu kém, khuyết điểm, trong đó, điều làm ông day dứt nhất là trong nhiều năm qua, còn thiếu vắng những tác phẩm văn học, nghệ thuật ngang tầm thời đại. Giáo sư Trần Thanh Đạm nêu quan điểm “vì một nền văn học, nghệ thuật sạch”. Theo ông, từ sau năm 1975, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, bên cạnh những ưu điểm và thành tựu to lớn, quan trọng, chúng ta cũng phải đối mặt với sự ô nhiễm trên nhiều phương diện: tự nhiên, xã hội, văn hoá, văn nghệ. Phải làm rõ ranh giới bẩn và sạch, chính và tà, tốt và xấu. Ông nói lên một thực tế, có những nhà văn, nhà báo, vừa mới đây thôi thường nói những điều cao quý, cao đạo, vậy mà nay bỗng quay quắt, lộ diện bằng những sám hối, phản tỉnh hết sức bậy bạ và bẩn thỉu. Tại sao ? Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, trong tình hình hiện nay, các cơ quan báo chí, nhất là hệ thống các đài phát thanh, truyền hình cần làm tốt chức năng vừa là “bà đỡ” cho tác phẩm văn học, nghệ thuật, vừa nâng cao chất lượng lý luận, phê bình trên báo, đài về lĩnh vực này, từ đó tích cực cổ vũ, ủng hộ cái tốt, kịp thời và kiên quyết phê phán, loại trừ cái xấu. PGS.TS Phan Trọng Thưởng cho rằng thị trường văn học, nghệ thuật của ta mấy năm gần đây có tình trạng khá phổ biến là chạy theo giá cả, ít quan tâm tới giá trị. Có những sản phẩm có giá trị thì lại bị lẫn lộn vàng thau do giá cả không phản ánh đúng. Thực tế cho thấy nhiều cuốn sách viết với ngôn ngữ tục tĩu, bặm trợn, khai thác vào tính hiếu kỳ, không có bao nhiêu giá trị nghệ thuật thì lại rất ăn khách. Ông Thưởng kết luận: Khi quan hệ mua - bán lấn át quan hệ sáng tạo - thưởng thức thì ý nghĩa và giá trị nghệ thuật đích thực bị đẩy xuống hàng thứ hai để cho ý nghĩa và giá trị hàng hoá lên ngôi thứ nhất. Và theo đó, nghệ sỹ chỉ còn là người gia công, người làm hàng cho công chúng theo quy luật nhanh, nhiều, tốt, rẻ. TS Ngô Phương Lan, khi bàn về điện ảnh đã chỉ ra những mâu thuẫn giữa dòng phim chính thống và dòng phim thương mại - phim mì ăn liền; phim nhà nước và phim tư nhân, phim nghệ thuật và phim thương mại. Chị Lan đề nghị các hãng phim nhà nước phải đổi mới và vươn lên mạnh mẽ hơn. Mong muốn Nhà nước đầu tư thoả đáng cho các dự án điện ảnh có chất lượng. Nhà văn Vũ Hạnh, GS.TS Mai Quốc Liên, Nhà văn Lê Ngọc Minh, Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Kiến Trúc sư Nguyễn Hữu Thái, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, NSND Thái Phiên cảnh báo về sự xâm lăng văn hoá, thấy rõ và đơn giản là việc lạm dụng tiếng nước ngoài; là sự tấn công có chủ đích, rất bài bản của hệ tư tưởng tư sản qua sách báo, phim ảnh, âm nhạc, kiến trúc, giáo dục...; bằng con đường “giao lưu”, “hợp tác”, “tài trợ” về văn hoá; bằng công nghệ thông tin; bằng việc lạm dụng các yếu tố tình dục, bạo lực...
Theo mạch nguồn ấy, không cần đến ngôn từ khoa học, lý lẽ kinh viện, Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Chí Trung phát biểu tại diễn đàn Hội thảo mà như đứng trước hàng quân xung trận năm nào: Dù xã hội phát triển đến đâu, văn học, nghệ thuật cách tân đến mấy thì chủ đề lớn nhất, xuyên suốt vẫn là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Không có mục tiêu cao cả, thiêng liêng ấy, dân tộc này, các thế hệ văn nghệ sỹ người còn, người mất chắc đã không cầm chắc cây súng, cây bút đánh bại mấy kẻ thù xâm lăng hung bạo; đã không có việc ở đất Quảng quê ông, cứ 2 người ngã xuống có một người sinh ra từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý, Đặng Thuỳ Trâm... cũng ngã xuống nơi này. Ông Trung nghẹn ngào: “Một ngàn năm, một vạn năm, con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”.
3. Những dự báo, dự cảm cho chặng đường phía trước
Loài người đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những đổi thay to lớn, mạnh mẽ, sâu sắc. Khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Sự xuất hiện các nghề mới lấy tri thức làm cơ sở đã giúp cho nhiều quốc gia, dân tộc vươn lên nhanh chóng, tạo ra nhiều công nghệ mới, làm ra nhiều của cải có giá trị, kể cả tạo ra một lớp cư dân mới, trẻ mà lao động sáng tạo, tư tưởng, tình cảm có những đặc điểm khác lạ. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và xu hướng toàn cầu hóa đã tạo ra nhiều cơ hội và cả những thách thức. Cách thức thu nhận, trao đổi thông tin; cách thức trao đổi, tác động, đấu tranh giữa các trào lưu, các khuynh hướng tư tưởng diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ và xâm nhập, tác động vào nước ta ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc hơn. Chủ nghĩa tư bản đang thay đổi. Dù học thuyết chủ nghĩa tự do mới đang ở vào giai đoạn thử thách nhưng tư tưởng chủ nghĩa tư bản phương Tây vẫn còn cơ sở thực tiễn để tồn tại và vẫn có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới. Cuộc đấu tranh ý thức hệ tiếp tục diễn ra dai dẳng, quyết liệt. Các thế lực cơ hội, phản động, thù địch tăng cường chống phá ta trên nhiều mặt, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, lý luận, văn hoá, văn nghệ, báo chí, xuất bản, thực hiện âm mưu “Diễn biến hoà bình“ ngày càng thâm độc, nham hiểm hơn. Ngày nay, không thể dùng mệnh lệnh hành chính hay giải pháp công nghệ để ngăn cản, cấm đoán ai đó, nhóm người nào đó tiếp cận với những vấn đề hay khuynh hướng tư tưởng khác lạ, thậm chí độc hại. Văn học, nghệ thuật trên mạng internet, xuất bản mạng, phát hành mạng phát triển hơn bao giờ hết. Chỉ cần “lướt nét”, “nháy chuột”, ngay tức khắc, người truy cập bắt gặp cái cao cả, cái đẹp hoặc cái xấu, cái thấp hèn. Vấn đề là phải luôn luôn bồi đắp nền tảng văn hoá, bản lĩnh chính trị, đạo đức công dân cho mọi người, nhất là lớp trẻ.
Trong phần tổng kết Hội thảo, GS,TS Phùng Hữu Phú - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: Đảng ta luôn xác định văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, hết sức tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, phát triển toàn diện con người Việt Nam trước yêu cầu mới. Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) khẳng định: “Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hoá-tinh thần ngày càng cao của nhân dân”. Trong tình hình hiện nay, cần phải đề cao, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật. Buông lỏng hay thoát ly là mất phương hướng. Đây là điều vừa có tính nguyên tắc, vừa là giải pháp tiên quyết. Đảng tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sỹ. Quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển lý luận về văn học, nghệ thuật, tạo niềm tin, tạo nguồn cảm hứng sáng tác, cảm xúc thẩm mỹ cho đội ngũ văn nghệ sỹ. Xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ có tâm, có tầm, có tài. Tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để họ sáng tạo và cống hiến.
Nhà nước phải nhanh chóng, đồng bộ thể chế hoá quan điểm, đường lối của Đảng thành pháp luật, chính sách, chế độ. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Phải mở rộng, nâng cao các nguồn lực cho văn học, nghệ thuật. Đầu tư thoả đáng cho cơ sở hạ tầng văn học, nghệ thuật; đầu tư cho đội ngũ văn nghệ sỹ. Cần xem xét, cân nhắc thật đúng chủ trương, biện pháp xã hội hoá ở lĩnh vực này, mặt nào có thể, mặt nào không thể. Chấn chỉnh hệ thống phát hành, tuyên truyền, quảng bá, trong đó đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là hệ thống các đài truyền hình, các nhà xuất bản, các báo chính trị, xã hội có lượng phát hành lớn. Coi trọng việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam ra thế giới, nhất là cộng đồng người Việt sống xa Tổ quốc.
Đội ngũ văn nghệ sỹ - chủ thể sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật cần bám sát thực tiễn đời sống của đất nước, của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, gắn bó máu thịt với nhân dân, bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hoá của nhân loại, tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, phụng sự đất nước và dân tộc./.
TS. Nguyễn Thế Kỷ
Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo TW