Không ầm ĩ, dữ dằn như cơn sóng thần xảy ra tại nước Nhật cách đây không lâu, một “cơn sóng thần” khác đã và đang tiếp tục gây nên một làn sóng hoảng loạn lo sợ không kém, đó là việc hàng loạt các sản phẩm thực phẩm của Đài Loan phát hiện có chứa chất phụ gia tạo đục có nguy cơ gây vô sinh. Thế nhưng theo công bố của các nhà khoa học thì DEHP hiện diện không chỉ trong chất phụ gia thực phẩm, các thiết bị y tế thông dụng cho con người mà đến ngay cả không khí, DEHP cũng hiện diện thường trực.
Như vậy để “bóng ma” DEHP không làm hại tới sức khỏe con người phải có sự nhìn nhận thấu đáo cũng như “đối sách” cụ thể. Những nhà khoa học, nhà y tế, đại diện của các nhà quản lý ATVSTP, đã có một cuộc hội thảo nghiêm túc tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 13/7 xung quanh tác nhân DEHP với sức khỏe cộng đồng.
“Sát thủ dịu dàng”
GS Nguyễn Chấn Hùng - Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng tại TP HCM đã ví von về tác nhân chất DEHP với sức khỏe con người như trên. Vì sao là “sát thủ dịu dàng”? Ngay khi thông tin nhiều công ty tại Đài Loan sử dụng DEHP làm chất phụ gia cho vào các loại nước uống, giải khát, nước trái cây và các loại bánh mứt để bảo dưỡng được sản phẩm lâu, giữ màu sắc cũng như hương vị thơm ngon như tự nhiên bị “rò rỉ”, khiến không chỉ thương hiệu thực phẩm Đài Loan bị mất uy tín mà còn ngay lập tức gây một làn sóng phản ứng tẩy chay dữ dội từ người dân trên thế giới với thị trường thực phẩm, nước uống của Đài Loan. Chỉ từ tháng 5/2011 tới nay DEHP đã làm cho nền kinh tế Đài Loan bị thiệt hại ước tính tới trên 100 tỉ đô la Đài Loan (3,5 tỉ USD Mỹ).
Trong khi ấy, Cơ quan ung thư quốc tế (IARC) tại Pháp đã thực hiện một cuộc nghiên cứu còn xếp chất tạo đục DEHP thuộc diện nhóm thứ 3 (nhóm 2B) có thể gây ung thư trên người với 267 tác nhân. Bộ Y tế Hoa Kỳ cũng cảnh báo DEHP gây ung thư, làm tổn thương gan và hệ sinh dục nam, gây triệu chứng dậy thì sớm ở nữ. Viện Sức khỏe Quốc gia Đài Loan phát hiện trẻ em dùng thức uống có DEHP lâu dài có thể bị rối loạn chức năng sinh dục khi trưởng thành: teo nhỏ dương vật và các tinh hoàn, dẫn đến nguy cơ vô sinh.
Cũng theo thông tin từ Mỹ, từ nhà nghiên cứu Shanna Swan, Giám đốc TT Dịch tễ học Sinh dục ĐH Rochester năm 2008 với chứng cứ đáng tin cậy. Bà đã thực hiện nghiên cứu trên 150 phụ nữ mang thai tại hòn đảo Minnesota, Missouri - California. Và đã phát hiện con của những phụ nữ này đều có dấu hiệu của rối loạn nội tiết sinh sản. Ở trẻ nam có tình trạng bộ phận sinh dục nhỏ hơn trẻ nơi khác, ở trẻ nữ có hiện tượng dậy thì sớm. Sau thời gian nghiên cứu, bà và nhóm cộng sự mới điều tra ra nguyên nhân do khu vực này xa đất liền, việc nhận nguồn thực phẩm chủ yếu qua vận chuyển và đựng trong các vật dụng bằng nhựa. Những phụ nữ tại đây ăn uống trong quá trình mang thai và đã bị tác nhân DEHP “tấn công” trên hệ sinh sản.
Nhưng DEHP là chất làm dẻo dùng nhiều trong sản phẩm nhựa plastic (PVC) với công thức hóa học: Di (2-Ethylexyl) Phthalate (gọi tắt là DEHP). Đây là một chất lỏng được dùng rộng rãi để làm các chất PVC dẻo hơn. Trong vật liệu xây dựng DEHP chứa tới 40%, trong các loại y phục, áo mưa, bao bì thực phẩm, đồ chơi trẻ em, dược phẩm, thiết bị y tế DEHP… chiếm từ 20 tới 40% trọng lượng của PVC và đặc biệt trong ống truyền dịch dùng cho y tế DEHP chiếm tới hơn 80% (ống truyền dịch, truyền máu, ống thông mạch máu). Như vậy DEHP cũng chính là chất tạo dẻo thông dụng có mặt trong hầu hết các sản phẩm thiết yếu cho con người. Nhiều nhất là trong thực phẩm và trong dụng cụ y tế. Vô tình DEHP trở thành thủ phạm gây tác hại cho sức khỏe con người đã 50 năm nay.
DEHP tại Việt Nam: Nhìn nhận và “đối sách” phù hợp
Tại Việt Nam, DEHP không có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm. Tại TP HCM, từ ngày 27/5 đến nay, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Chi cục ATVSTP triển khai hàng loạt biện pháp quản lý giám sát và phát hiện cũng như công bố kịp thời cho người tiêu dùng về những sản phẩm có nguy cơ nhiễm DEHP. Sở Y tế cũng gửi Cục Hải quan TP đề nghị cung cấp thông tin liên quan nhập khẩu chất DEHP, nguyên liệu, phụ gia, thực phẩm có nguồn gốc Đài Loan; lấy mẫu giám sát chất DEHP trên thực phẩm, phụ gia có nguy cơ cao tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, phụ gia trên địa bàn TP.
Qua 2 tháng thực hiện thanh tra kiểm tra, trong 17 cơ sở nghi ngờ đã phát hiện 13/17 công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm có chứa DEHP. Trong 108 mẫu kiểm tra DEHP đã có kết quả phát hiện 69/108 mẫu phát hiện chứa DEHP (64 %); 24/108 mẫu không phát hiện DEHP. Đồng thời, toàn bộ các công ty bị phát hiện sản phẩm có chứa DEHP đều buộc phong tỏa hàng hóa, thu hồi triệt để sản phẩm trên thị trường và yêu cầu đề xuất phương án xử lý hàng hoá sau thu hồi và tồn kho. Số sản phẩm nhiễm DEHP vượt ngưỡng đã hoàn tất thu hồi trên thị trường chờ xử lý tiêu hủy là 54.689kg si rô, nước ép quả, trà sữa và thạch rau câu.
Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng, việc phòng tránh DEHP như nào cho đúng và không gây hoang mang? Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Hội liên hiệp KHKT TP Hồ Chí Minh, DEHP được phát hiện trong sản phẩm thực phẩm chủ yếu do thôi nhiễm. Trong sản phẩm mỹ phẩm là do nhà sản xuất cho vào như thuốc sơn móng tay, son môi…
Tác hại của DEHP là vậy nhưng tùy theo cơ địa mỗi người, nồng độ thời gian thôi nhiễm mà không phải ai cũng có nguy cơ bị “dính” chất này, bị vô sinh hay ung thư ngay trong quá trình ăn, uống, cầm, nắm, tiếp xúc (trẻ chơi đồ chơi). DEHP rất nhạy, phát hiện hàm lượng thường rất thấp. Việc giám sát chặt việc thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các sản phẩm không đảm bảo an toàn về DEHP trên thị trường nhằm ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn đến tay người tiêu dùng là vô cùng cần thiết.
Huyền Nga (Công an nhân dân)