Các trường được linh hoạt trong thực hiện chương trình, khuyến khích các
tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa, bổ sung thêm hai đề án... là
những điểm mới trong Dự thảo mới nhất về Đề án đổi mới chương trình,
sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 vừa được Bộ Giáo dục và
Đào tạo công bố.
Tự chủ, sáng tạo nội dung dạy
Theo Dự thảo mới, Bộ sẽ công khai các yêu cầu, tiêu chí đánh giá sách
giáo khoa để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và sử
dụng sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn đủ một bộ sách
giáo khoa đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ
sách giáo khoa hoặc các cuốn sách giáo khoa khác. Tất cả sách giáo khoa
phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng
trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Cùng với việc đa dạng sách giáo khoa, sau năm 2015, giáo dục sẽ chuyển
từ việc các trường thực hiện rập khuôn theo chương trình quốc gia sang
phát triển chương trình giáo dục của nhà trường dựa trên chương trình
quốc gia. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng chương trình
quốc gia trong đó có quy định mục tiêu, chuẩn đầu ra, nội dung giáo dục
bắt buộc đồng thời hướng dẫn các nội dung giáo dục mở rộng (cùng với
thời lượng) để các nhà trường vận dụng xây dựng chương trình giáo dục
phù hợp với điều kiện của mình.
Dựa trên chương trình do cấp trên quy định, nhà trường và giáo viên được
quyền tự chủ, sáng tạo về nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh
giá chất lượng giáo dục. Các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và
đào tạo địa phương hướng dẫn, giám sát quá trình xây dựng và thực hiện
chương trình giáo dục hàng năm của nhà trường.
"Bộ không độc quyền"
Chủ trương đa dạng sách giáo khoa, khuyến khích các tổ chức viết sách
giáo khoa bên cạnh bộ sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo là điểm mới trong
Dự thảo Đề án lần này so với bản dự thảo tháng 3/2014. Trước đó, ngày
8/3/2014, tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án này do Ủy ban Văn
hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức,
nhiều ý kiến chuyên gia đã đề cập đến xu hướng có nhiều bộ sách giáo
khoa và cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên độc quyền trong vấn đề
này.
Bên cạnh Đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông
sau năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chính thức đề nghị Thủ tướng
Chính phủ cho phép xây dựng thêm hai đề án bổ trợ liên quan về vấn đề
bồi dưỡng giáo viên và xây dựng cơ sở vật chất.
Cụ thể, Đề án Đổi mới đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội
ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
phổ thông gồm các vấn đề như đổi mới trong chương trình đào tạo giáo
viên ở các trường sư phạm, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ
giáo viên, đổi mới công tác quản lý giáo dục...
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ phải đào tạo lại hàng
triệu giáo viên đứng lớp của khoảng 35.000 trường học từ lớp 1 đến lớp
12 trên phạm vi cả nước. Cũng theo lãnh đạo Bộ, đây là một đề án “dài
hơi”, có thể kéo dài cả chục năm.
Tránh đầu tư quá nhiều
Đề án Xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng
điều kiện tối thiểu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông sau năm
2015 nhằm góp phần khắc phục những hạn chế về cơ sở vật chất, trang
thiết bị giáo dục cho các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, các trường
sẽ được bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất-kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, điều
kiện tối thiểu để được thực hiện chương trình mới theo lộ trình của Đề
án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo Đề án cũng cho rằng, tinh thần của đổi mới
chương trình lần này là sẽ tận dụng mọi trang thiết bị hiện có, chỉ bổ
sung những yếu tố thiết thực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để
tránh việc phải đầu tư quá nhiều. Bộ sẽ đưa yêu cầu tối thiểu cho một
trường để triển khai chương trình mới, trong đó sẽ chỉ có những yếu tố
cơ bản.
Theo lộ trình dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc triển khai chương
trình, sách giáo khoa mới sẽ bắt đầu thí điểm ở các lớp 1, 6 và lớp 12
từ năm học 2016-2017. Năm học 2017-2018, ban soạn thảo Đề án sẽ rút kinh
nghiệm từ thực tế thí điểm, chỉnh sửa hoàn thiện hơn để bắt đầu triển
khai đại trà trên cả nước từ năm học 2018-2019./.
Phạm Mai (Vietnam+)