Thứ Bảy, 14/12/2024
Vĩnh Phúc
Chủ Nhật, 26/1/2020 9:58'(GMT+7)

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc (kỳ 2)

NHÂN DÂN VĨNH PHÚC KHÔI PHỤC, CẢI TẠO XHCN VÀ BƯỚC ĐẦU PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới. Đảng ta chủ trương đưa miền Bắc quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương để nhân dân miền Nam tiếp tục đấu tranh chống đế quốc và tay sai, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Nhiệm vụ của miền Bắc, trong đó có nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc, được xác định là hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung khôi phục, cải tạo và từng bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hoàn thành cải cách ruộng đất và cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ mới, nhân dân Vĩnh Phúc gặp nhiều khó khăn, phức tạp: Tư tưởng nghỉ ngơi, thiếu cảnh giác của cán bộ, bộ đội; sản xuất nông nghiệp bị đình đốn do ruộng đất phần lớn bị hoang hóa, các công trình thủy lợi bị hư hỏng nhiều, làng mạc, nhà cửa bị địch đốt phá tiêu điều, sản xuất thủ công nghiệp chưa được phục hồi, nạn đói diễn ra nặng nề ở nhiều nơi. 

Đứng trước những khó khăn như vậy, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc quán triệt chủ trương của Trung ương, tập trung giáo dục để toàn dân thống nhất về tư tưởng; tập hợp lực lượng khôi phục lại nền kinh tế do chiến tranh, trong đó tập trung khôi phục năng lực sản xuất nông nghiệp để giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm nhằm ổn định đời sống nhân dân.

Bằng nhiều biện pháp đúng đắn như vận động nhân dân tăng gia sản xuất, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và Nhà nước hỗ trợ một phần, nên trong thời gian ngắn, nạn đói được đẩy lùi. Bên cạnh việc chống đói, nhân dân trong tỉnh còn tập trung củng cố, xây dựng lại nhà cửa, sửa sang đường làng, ngõ xóm làm cho bộ mặt làng quê thay đổi từng ngày.

Cùng với khôi phục nền kinh tế, Vĩnh Phúc còn tập trung hoàn thành thắng lợi cuộc cải cách ruộng đất. Mặc dù có những khuyết điểm nghiêm trọng, nhưng đến giữa tháng 10-1955, công cuộc cải cách ruộng đất trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành, thu được nhiều thắng lợi: Giai cấp địa chủ căn bản bị đánh đổ, chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất đã vĩnh viễn bị xóa bỏ, ruộng đất đã về tay người nông dân, khẩu hiệu của Đảng “Người cày có ruộng” đã được thực hiện. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 (khóa II) đã khẳng định “Đó là một cuộc chuyển biến to lớn về chính trị, kinh tế và xã hội”.

Những kết quả đạt được trong những năm khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, bước đầu ổn định đời sống nhân dân, tình hình chính trị và xã hội ổn định, nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải tạo nền kinh tế theo hướng XHCN. Các phong trào xây dựng hợp tác xã, tham gia tổ đổi công, làm thủy lợi, chống hạn, đắp đê, khai hoang phục hóa... diễn ra sôi nổi, đạt kết quả cao.

Từ năm 1958 phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở Vĩnh Phúc bắt đầu thực hiện đại trà theo sự chỉ đạo của Trung ương. Một số hợp tác xã được xây dựng đã trở thành điển hình tiên tiến như: Hợp tác xã Lai Sơn, xã Cộng Hòa (nay là phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên) có nhiều thành tích vận động nông dân vào hợp tác xã. Đến cuối năm 1960, trong toàn tỉnh đã căn bản hoàn thành cải tạo XHCN đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp nhỏ bằng con đường hợp tác hóa. Đối với nông nghiệp, ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh, đã xây dựng được 1.350 hợp tác xã, thu hút 107.944 hộ nông dân (chiếm 92,68% tổng số hộ nông dân toàn tỉnh) vào HTX. Đối với thủ công nghiệp và thương nghiệp đã đưa 14.559 thợ thủ công, 5.393 hộ vào làm ăn trong các loại hình hợp tác xã, tổ chức kinh doanh phục vụ.

Như vậy, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đã cơ bản hoàn thành, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã thu được những thành quả rất quan trọng. Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được phục hồi nhanh chóng. Công nghiệp địa phương tuy nhỏ bé do mới hình thành nhưng đã đặt nền móng cho sự phát triển trong tương lai. Đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân từng bước được cải thiện. Giai cấp nông dân được giải phóng đã trở thành người làm chủ ở nông thôn.

Thắng lợi của công cuộc khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa đã dẫn đến những chuyển biến căn bản về mặt xã hội; công tác củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cũng đã được đẩy mạnh; tạo nên động lực chính trị quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc bước vào giai đoạn mới vững vàng hơn, đó là thời kỳ thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960).

Nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm là: Ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp; hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế không phải xã hội chủ nghĩa; nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân lao động; cải thiện một bước đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường củng cố quốc phòng và an ninh.

Triển khai thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn. Nhưng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, sự đoàn kết, thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã giành được những thành tích đáng tự hào. Kinh tế nông nghiệp, công nghiệp phát triển tương đối khá, các mặt văn hóa, xã hội cũng có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quan hệ sản xuất mới được củng cố và từng bước được hoàn thiện; quy mô hợp tác xã nông nghiệp bình quân 161 hộ/hợp tác xã, có 97% số hợp tác xã là bậc cao. Trình độ dân trí được nâng lên, nhiều vấn đề xã hội được quan tâm đúng mức, bộ mặt nông thôn và thành thị có nhiều thay đổi. Một trong những kết quả nổi bật trong thời kỳ thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất là có rất nhiều phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực, ở mọi cấp, mọi ngành trên toàn miền Bắc và trong tỉnh, từ đó tạo nên động lực tinh thần rất to lớn. Trong nông nghiệp có phong trào thi đua “Đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong” (tỉnh Quảng Bình), xã viên đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Trai gái Đại Phong”; công nghiệp có phong trào “Vượt sóng Duyên Hải” - một điển hình của Hải Phòng; trong quân đội, thi đua giành cờ “Ba nhất”; ngành giáo dục có phong trào thi đua “Tiếng trống Bắc Lý” - điển hình của tỉnh Hà Nam. Các phong trào thi đua đoàn thể cũng rất sôi nổi: Hội phụ nữ có phong trào thi đua “Năm tốt”, phụ lão thi đua “Năm giỏi”, toàn dân tham gia trong phong trào chung đạt danh hiệu “Năng suất cao, hoa màu nhiều, chăn nuôi giỏi”... trên địa bàn tỉnh có các phong trào thi đua điển hình như: HTX Lai Sơn (Thanh Vân) sản xuất giỏi; HTX Lạc Trung (Bình Dương) trồng cây nổi tiếng toàn miền Bắc; HTX Hòa Loan (Vĩnh Tường) có nhiều thành tích trong chăn nuôi gia súc được đồng chí Lê Duẩn về thăm động viên; Phù Lập điển hình về làm phân; Phương Trù có nhiều thành tích làm thủy lợi và kiến thiết đồng ruộng… Các phong trào thi đua đã tạo động lực tinh thần vô cùng to lớn để nhân dân Vĩnh Phúc vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Kết quả thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), cả ba chỉ tiêu chủ yếu là năng suất, diện tích và sản lượng cây trồng đều tăng so với những năm trước. Năm 1963, sản lượng lương thực quy thóc đạt 231.312 tấn, tăng 3,18% (bằng 7.133 tấn) so với năm 1962, trong đó riêng thóc tăng 2,33%; năm 1964 đạt 256.740 tấn, vượt kế hoạch 4,39%, tăng 27.320 tấn so với năm 1963; năm 1965 đạt 257.173 tấn, trong đó riêng thóc đạt 197.945 tấn bằng 101,5% kế hoạch, tăng 2,7% so với năm 1964. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp năm 1964 tăng 37,3% so với năm 1960. Đáng phấn khởi là từ năm 1963 đến 1965, Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn miền Bắc về sản xuất lương thực, trồng cây, làm thuỷ lợi và phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, đặc biệt là về năng suất lúa.

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất chưa kịp tổng kết thì chiến tranh xảy ra, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất