Chủ Nhật, 8/12/2024
Vĩnh Phúc
Thứ Sáu, 31/1/2020 12:30'(GMT+7)

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc (kỳ cuối)

Giai đoạn 1976-1996 (tỉnh Vĩnh Phú)

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Vĩnh Phú cùng nhân dân cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong 10 năm từ 1976-1985, đất nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Những năm 1978-1979, chiến tranh ở biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc, làm cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ta bị đảo lộn. Đất nước trong tình trạng vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh.

Tình hình trên đã tác động mạnh đến tỉnh. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt thấp; công tác lưu thông phân phối có nhiều khuyết điểm cả về phương thức kinh doanh và quản lý hàng hóa. Do đó đời sống cán bộ, nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, sau nhiều năm trăn trở tìm tòi, năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong các HTX nông nghiệp. Đó là khâu đột phá quan trọng về cải tiến quản lý kinh tế tập thể ở nông thôn. Với những lợi thế ban đầu, khoán 100 mau chóng đi vào cuộc sống của nông dân trong tỉnh. Vì vậy từ năm 1981 đến năm 1983, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh có sự chuyển biến khá hơn trước. Kinh tế gia đình phát triển, đời sống nhân dân đỡ khó khăn hơn. Từ đó sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội những năm này trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước chưa vững chắc, có những mặt lại trì trệ, đến năm 1985 đất nước ta chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Có thể nói, trong 10 năm (1976-1985) là thời kỳ gay go, phức tạp, đòi hỏi cả nước và mỗi địa phương phải trăn trở tìm tòi các biện pháp tháo gỡ khó khăn.

Mười năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986-1996) trong hoàn cảnh đất nước phải trải qua muôn vàn khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết một lòng vượt qua thử thách, giành được những thành tựu rất quan trọng. Kinh tế phát triển tương đối toàn diện và đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng lên, nông, lâm nghiệp giảm xuống; cơ chế kinh tế mới được khẳng định và đem lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều công trình quan trọng được xây dựng và đưa vào sử dụng phục vụ đắc lực nền kinh tế, xã hội của tỉnh. Công tác quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội có những mặt tiến bộ. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân có sự đổi mới bước đầu. Đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện.

Trong những năm 1976-1996, mặc dù đất nước phải trải qua nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết một lòng vượt qua thử thách, giành được những thành tựu rất quan trọng. Ghi nhận những kết quả đạt được, năm 1985 nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Tám, Hội đồng Nhà nước tặng nhân dân các dân tộc, cán bộ chiến sỹ tỉnh Vĩnh Phú (trong đó có Vĩnh Phúc) Huân chương Sao Vàng.

Từ năm 1997 đến nay

Ngày 01-01-1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Khi mới tái lập, Vĩnh Phúc là một tỉnh nghèo, thuần nông với bộn bề công việc và khó khăn. Tỉnh vừa phải sắp xếp tổ chức cán bộ, vừa chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong hoàn cảnh xuất phát điểm của nền kinh tế còn ở mức thấp, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 48% bình quân cả nước, công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, chậm phát triển, một số doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp đang trong quá trình xây dựng và hoạt động bước đầu như: Công ty Toyota, công ty Honda. Sản xuất nông nghiệp gặp thiên tai ảnh hưởng khá lớn đến kết quả sản xuất và đời sống. Ngân sách thu trên địa bàn còn rất hạn hẹp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng thiếu việc làm còn phổ biến ở cả thành thị và nông thôn. Hoạt động của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở còn nhiều mặt hạn chế…

Trước những khó khăn, để đưa mọi hoạt động của tỉnh đi vào ổn định và phát triển, tỉnh vừa tập trung khắc phục những khó khăn trước mắt, vừa tiến hành kiện toàn hệ thống chính trị. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XII (nhiệm kỳ 1997-2000) đã xác định phương hướng chung phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đó là: “Đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế, nhất là đối với công nghiệp, sớm thoát khỏi tình trạng kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, tạo tiền đề cho sự phát triển ổn định, vững chắc sau năm 2000, thu hẹp khoảng cách so với bình quân chung của cả nước. Chuyển nền kinh tế theo hướng cơ cấu công nghiệp – nông nghiệp và dịch vụ. Phát triển kinh tế đi liền với bảo vệ môi trường sinh thái. Phát huy tiềm lực của các thành phần kinh tế để khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa xã hội, giải quyết tốt hơn về việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, ngăn chặn đẩy lùi các tệ nạn xã hội”.

Để đưa Vĩnh Phúc phát triển theo đúng định hướng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết một lòng, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đã quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện của tỉnh. Sau 23 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc phấn khởi, tự hào trước những thành tựu đã đạt được trên các lĩnh vực.

Bảo Châu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất