Từ sau Đại hội VI, lý luận và nhận thức của Đảng ta về văn hóa có sự phát triển mạnh mẽ. Điều này cũng dễ hiểu, vì Đại hội VI là Đại hội của đổi mới tư duy. Tư duy là một phạm trù của văn hóa. Ngay sau khi sự nghiệp đổi mới vừa mới bắt đầu, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: Đổi mới là văn hóa, văn hóa là đổi mới.
Cùng với phương châm “Nhìn thằng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật”, Đại hội VI đặc biệt coi trọng chính sách xã hội, tức chính sách đối với con người, coi con người là trung tâm của mọi chính sách kinh tế-xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là xác định con người là mục tiêu và động lực của mọi hoạt động, từ sản xuất vật chất đến sản xuất tinh thần. Quan niệm coi con người chỉ là để thực hiện các chủ trương chính sách từ lâu đã triệt tiêu tính năng động sáng tạo của con người, không những kìm hãm sự phát triển kinh tế-xã hội, mà còn tạo nên trạng thái trì trệ, đình đốn của đất nước.
Từ những nhận thức mới đó, từ Đại hội VI, vấn đề văn hóa, vấn đề con người, càng ngày càng chiếm vị trí trung tâm trong các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội. Quan niệm này vừa là kết tinh những giá trị truyền thống của cha ông, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa phản ảnh những thành tựu mới của tư duy nhân loại, mà đại diện là tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc.
Cha ông ta dạy: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Những tư tưởng đó của cha ông và của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự tổng kết thông minh những giá trị truyền thống của dân tộc và cũng là những dự báo sáng tạo về con đường mà nhân loại đã và sẽ phải đi theo. Ngay từ năm 1962, khi đời sống tinh thần, văn hóa của đất nước ta đang ở đỉnh cao của lương tri nhân loại, một phóng viên tờ báo “Nhân đạo” (Pháp) tại Hà Nội đã phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sau khi chiến tranh kết thúc, nước Việt Nam sẽ tập trung cho vấn đề gì?”, Người đã trả lời: “Có lẽ chúng tôi phải để lên hàng đầu nhiệm vụ tập trung phát triển văn hóa”. Dự báo đó đang trở thành hiện thực ở thời đại chúng ta và ở đất nước chúng ta. Sự ra đời của chương trình Thập kỷ phát triển cho văn hóa của thế giới (1987-1996) do UNESCO đưa ra là một trong những bằng chứng hùng hồn. Việc xác định những quan điểm, những nhận thức mới của Đảng ta về văn hóa từ sau Đại hội VI của Đảng cũng là nhằm hiện thực hóa tư tưởng đó của Người.
Nhờ đổi mới quan điểm và nhận thức của Đảng về văn hóa, trong 3 thập kỷ qua, đất nước ta đã có thêm tiềm lực để đổi mới kinh tế, chính trị và xã hội. Có thể nói chúng ta đã bước đầu tạo ra được những điều kiện để kinh tế tăng trưởng, thay đổi bộ mặt cơ sở vật chất của xã hội. Cũng nhờ sự đổi mới nhận thức về văn hóa, các hoạt động về văn hóa, về bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa đã thu hút sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp xã hội. Nhiều nhu cầu mới được xuất hiện, tạo điều kiện thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Đáng chú ý là nhu cầu về bình đẳng, nhu cầu về tự do, về dân chủ, về sáng tạo.
Cố nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, đất nước ta cũng còn không ít hạn chế, yếu kém. Tình trạng tụt hậu so với thế giới vẫn còn. Nhiều chỉ số về phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ... vẫn ở mức trung bình, thậm chí có lĩnh vực còn dưới mức trung bình. Vậy nguyên nhân từ đâu?
Lại phải bắt đầu từ văn hóa. Ai cũng biết để kinh tế phát triển, ngoài đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, có tâm huyết, đòi hỏi một đội ngũ đông đảo những người lao động giỏi, có tay nghề cao, có trình độ chuyên môn kỹ thuật tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật và có tinh thần trách nhiệm cao. Trình độ sản xuất càng hiện đại thì sự đòi hỏi về con người (người lãnh đạo quản lý, người lao động) càng cao. Đây phải chăng đang là chỗ yếu trong nền kinh tế của nước ta. Cho đến nay, tuy đã gần 30 năm tiến hành đổi mới, các ngành kinh tế vẫn chủ yếu là sản xuất gia công cho các cơ sở kinh tế nước ngoài. Ngoài các nông-hải sản, các mặt hàng công nghiệp do chúng ta sáng tạo và sản xuất ra chưa có mặt trên thị trường thế giới. Đây có phải là biểu hiện sự yếu kém trong sản xuất kinh tế hay không? Cũng cần thấy thêm rằng sự tồn tại quá nhiều mặt hàng kém chất lượng, những mặt hàng độc hại đang gây sự bất an trong xã hội. Vậy lương tâm và trách nhiệm xã hội của người kinh doanh ở đâu?
Trên lĩnh vực chính trị và xã hội cũng vậy. Một số chủ trương, chính sách đã ban hành chưa tạo được sự đồng thuận trong xã hội, thiếu cơ sở khoa học, chưa thấu tình đạt lý... Hồ Chí Minh đã dạy “Chính sách của Nhà nước phải là đạo nghĩa của dân tộc”. Liệu chúng ta đã suy nghĩ gì về hai chữ đạo nghĩa đó chưa? Và phải làm gì để chủ trương chính sách trở thành đạo nghĩa của dân tộc. Người làm ra các chủ trương, chính sách phải thực sự là những công bộc của dân, cảm thông sâu sắc với tâm tư nguyện vọng của dân, thì mới có thể làm ra những chính sách hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận của dân. Hãy cùng nhau nhớ lại lời dạy của Người: Khi một chủ trương, chính sách ra đời mà không được đại đa số nhân dân đồng tình thì phải đề nghị nhân dân tham gia sửa đổi chính sách đó. Đấy là cách để quán triệt tư tưởng và phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh.
Tất cả những điều đó nói lên rằng dù 30 năm qua, đặc biệt kể từ khi có nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) (NQTW5) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng ta đã có những nhận thức mới, những quan điểm mới về văn hóa, nhưng những tư tưởng và quan điểm đó vẫn chưa phát huy rõ vai trò và động lực cho sự phát triển đất nước. Bên cạnh một số thành tựu đã đạt được, chúng ta vẫn đang phải chứng kiến sự suy thoái về đời sống tinh thần của xã hội. Sự suy thoái đó không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế -xã hội mà còn đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Có thể nói, sự suy thoái đó là nguy cơ của mọi nguy cơ. Vì vậy, rất cần có một nghị quyết mới của Trung ương về văn hóa trong tình hình mới. Để góp thêm tiếng nói vào tinh thần và nội dung của nghị quyết mới, tôi có ý kiến như sau:
1. Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội là rất đúng và cần thiết. Nhưng trong tình hình hiện nay, khi tình hình thế giới và trong nước đang diễn ra cực kỳ phức tạp, vận mệnh của nhiều quốc gia đang bị đe dọa do những âm mưu quấy rối của các thế lực xấu trên thế giới, việc cùng nhau khẳng định các giá trị văn hóa dân tộc là cực kỳ cần thiết, bởi vì văn hóa liên quan trực tiếp tới sự tồn vong của dân tộc. Cha ông ta thường nói: Khi hiền tài (văn hóa dân tộc) hưng thịnh thì đất nước phát triển, khi hiền tài (văn hóa dân tộc) suy thoái thì đất nước suy vong. Đại văn hào Macxim-Gorky, người đồng chí trung thành, người bạn thân thiết của Lênin cũng từng nói: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi: Hỡi các công dân, văn hóa lâm nguy”. Vì vậy, cùng với luận điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực...”, cần làm cho mỗi người cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nhận thức ra rằng bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc cũng là bảo vệ và phát triển đất nước.
2. Từ sau Đại hội VI, đặc biệt từ NQTW 5 về văn hóa, Đảng ta đã có cái nhìn toàn diện về văn hóa, phù hợp với quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của thế giới ngày nay. Tuy vậy, thực tiễn sau 15 năm triển khai NQTW 5 cho thấy mặt yếu nhất trong đời sống văn hóa của đất nước chính là tư tưởng, đạo đức, lối sống. Chính sự yếu kém về tư tưởng, đạo đức, lối sống không những cản trở sự phát triển mà còn làm biến dạng nhiều hoạt động văn hóa cao quý như giáo dục - đào tạo, văn học - nghệ thuật, y tế, khoa học - công nghệ... Vì vậy, nếu có một nghị quyết mới về văn hóa, thì trong việc xác định quan điểm chỉ đạo cũng như những nhiệm vụ cụ thể, rất cần coi trọng việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, coi đó là đột phá khẩu để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy: Con người cần có tài và đức, cả tài và đức đều quan trọng, nhưng phải coi đức là gốc của con người. Sự kém hiểu biết có thể gây cản trở cho sự phát triển, nhưng tâm địa xấu thì có thể gây ra sự phá hoại ghê gớm cho xã hội. Nếu ví văn hóa như một cái cây, thì bộ rễ cái chính là tư tưởng, đạo đức, lối sống. Khi rễ cái bị thui chột, hoặc bị sâu bệnh phá hoại, thì sớm muộn, cây sẽ khô héo và tàn lụi. Chăm sóc vun bón cây, trước hết phải quan tâm đến rễ cái, tuyệt không để cho rễ cái bị xâm hại.
3. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa, trước đòi hỏi phải xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước, để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh, để cán bộ đảng viên của Đảng thực sự là những tấm gương sáng cho xã hội noi theo. Muốn lãnh đạo tốt, phải nêu gương tốt. Đáng tiếc, hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang bị tấn công, bị ngập chìm trong nhiều thói hư tật xấu. Đáng chú ý là tệ quan liêu, tham nhũng, sự giả dối, thói đam mê quyền lực, danh vọng... vẫn không giảm. Hãy cùng nhau nhắc lại lời nhắn gửi của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Trong những tệ nạn mà người cán bộ, đảng viên có thể mắc phải, đó là thói đam mê quyền lực. Người mắc bệnh đam mê quyền lực cũng giống như người nghiện ma túy, rất khó bỏ - đó là cửa ải rất khắc nghiệt, thậm chí còn khắc nghiệt hơn cửa ải sống-chết. Khi rơi vào thói đam mê quyền lực thì con người nhanh chóng hủy hoại hết nhân cách và phẩm giá của mình.
4. Nói xây dựng và phát triển văn hóa, thực chất là xây dựng và phát triển con người. Văn hóa do con người sáng tạo ra, và con người cũng do văn hóa làm nên. Có thể ví văn hóa với con người như hai trang của một tờ giấy, có nghĩa là không thể tách rời hai trang của một tờ giấy, bởi vì hành động ấy sẽ dẫn tới chỗ xé rách cả tờ giấy.
Nói văn hóa liên quan trực tiếp đến con người, có nghĩa mục tiêu văn hóa phải nhằm đến việc hoàn thiện và phát triển con người. Trong tình hình hiện nay, vấn đề xây dựng văn hóa phải hướng tới việc phát triển các nhu cầu năng lực về chân - thiện - mỹ. Câu hỏi được đặt ra và cần giải quyết hôm nay là liệu các nhu cầu và năng lực đó của quần chúng, đặc biệt của thế hệ trẻ đã được đáp ứng đến đâu? Thế hệ trẻ và phụ huynh học sinh đã thật sự an tâm khi gửi con em đến trường chưa? Quần chúng nhân dân đã thực sự an tâm trước sự phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin, của các hình thức quảng bá đầy rẫy trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa? Và ở đây, trong cuộc sống và trong nghệ thuật hôm nay, có thể thường xuyên tìm thấy hình bóng những con người đẹp, những nhân cách đẹp để cổ vũ mọi người, đặc biệt thế hệ trẻ vững bước đi trên con đường mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn?
Nói văn hóa liên quan trực tiếp tới con người còn có ý nghĩa phải tạo mọi điều kiện vật chất và tinh thần để cho các thế hệ công dân, đặc biệt giới tinh hoa của dân tộc có điều kiện phát triển mọi tài năng, trí tuệ và tâm huyết của mình cho sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc theo định hướng mà NQTW 5 về văn hóa đã đề ra.
Sau lưng chúng ta là nghìn năm văn hiến Đại Việt rực rỡ, nhiệm vụ của chúng ta là tiếp nối truyền thống đó để xây dựng và phát triển văn hóa thời đại Hồ Chí Minh, mà khởi đầu của nền văn hóa đó đã một thời trở thành đỉnh điểm của lương tri nhân loại. Tôi nhớ mãi câu nói của nữ nghệ sĩ Mỹ Giêm Phôn-đa, ngôi sao màn bạc Holywood năm 1972. Sau khi đi thăm Việt Nam về, trong thư gửi Báo ảnh Việt Nam, chị viết: “Các bạn đã chiến thắng và sẽ chiến thắng hoàn toàn, bởi vì các bạn biệt đặt giá trị con người chứ không phải lợi nhuận ở trung tâm mọi sự việc”.
Những gì mà cha ông ta đã làm được, những gì mà thế hệ cách mạng tiền bối do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã làm được, phải là bài học lớn cho tất cả chúng ta hôm nay để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến giàu bản sắc dân tộc./.
GS. TS. TRẦN VĂN BÍNH