Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) bất ngờ bị xử "thua" trong vụ kiện của BTC "Cuộc thi Nữ hoàng biển Việt Nam 2013" chỉ vì Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu và Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL không quy định rõ quyền hạn của Cục NTBD trong việc rút giấy phép tổ chức cuộc thi này.
Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 Lưu Thị Diễm Hương "qua mặt" cơ quan quản lý văn hóa để dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2012 dù không đủ điều kiện dự thi… Đó là những ví dụ điển hình cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiện nay là có thật.
Khó quản vì bị "hở sườn"
Tại Hội nghị tổng kết một năm thực hiện Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Thông tư số 3/2013/TT-BHVTTDL về hoạt động biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu diễn ra vào ngày 21-3, vấn đề được nhắc đến nhiều nhất là việc cấp giấy phép biểu diễn.
Hiện nay, ở nhiều địa phương mỗi năm diễn ra hàng trăm chương trình biểu diễn và thực tế cho thấy việc cấp giấy phép biểu diễn có nhiều bất cập. Theo ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VH,TT& DL, kết quả từ đợt thanh tra, kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố trong năm 2012 cho thấy nhược điểm chung trong việc cấp giấy phép biểu diễn là sở VH,TT&DL nhiều tỉnh, thành phố không áp dụng biểu mẫu cấp phép đúng như quy định. Bên cạnh đó, việc thành lập doanh nghiệp tổ chức biểu diễn hiện khá dễ dàng, gây khó khăn cho công tác quản lý. Có những doanh nghiệp tổ chức biểu diễn bị tước giấy phép hoặc bị đình chỉ quyền tổ chức biểu diễn, nhưng chỉ cần thay đổi tên là có thể hoạt động bình thường. Giới tổ chức biểu diễn không thiếu "chiêu" để "lách" luật, đơn giản vì văn bản quản lý hiện chưa đủ sức bao quát, như người ta nói là "thủng lỗ chỗ". Ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH,TT& DL Hà Nội cho rằng, một số công ty tổ chức biểu diễn xin phép biểu diễn ở địa phương này nhưng trong thực tế lại biểu diễn ở nơi khác, điều đó khiến cho việc quản lý, giám sát rất khó khăn, đặc biệt là với mô hình hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang không bán vé tại những quán bar, nhà hàng. Theo quy định, cơ quan quản lý không cấp phép và không thẩm định nội dung chương trình biểu diễn ở những nơi này dù cơ quan quản lý biết rõ đó là những địa điểm thường xuyên xảy ra vi phạm quy định về tổ chức hoạt động biểu diễn. Như gần đây, Sở VH,TT&DL Hà Nội đã phải xử lý vi phạm của "bà Tưng" Lê Thị Huyền Anh và ca sĩ Angela Phương Trinh.
Chính những lỗ hổng trong quy định về cấp giấy phép biểu diễn đã tạo điều kiện cho một số công ty, doanh nghiệp liên kết để trục lợi, thậm chí là làm giả giấy phép biểu diễn. Chẳng hạn như với hồ sơ xin cấp phép biểu diễn, quy định hiện hành chưa bắt buộc tổ chức, cá nhân phải chứng minh mình đã hoàn thành nghĩa vụ quyền tác giả hay chưa. Trong thực tế, chính "lỗ hổng" này đã tạo điều kiện cho phía tổ chức biểu diễn trốn nghĩa vụ trả tiền tác quyền.
Có người đã nói, có lẽ không sai rằng chính vì văn bản quản lý còn chưa chặt chẽ nên nhà quản lý luôn ở trong cảnh "hở sườn". Sự "hở" tạo ra nhiều hệ lụy không mong muốn.
Chờ đợi Luật Nghệ thuật biểu diễn
Khâu cấp phép biểu diễn khó quản chặt dẫn đến nhiều vấn đề khác, điều dễ thấy là showbiz Việt trong năm qua vẫn ngập trong scandal. "Bà Tưng" Lê Thị Huyền Anh, ca sĩ Angela Phương Trinh thường xuyên ăn mặc phản cảm. Người mẫu Quế Vân bị cho là… thi hoa hậu "chui". Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng "khóa môi sư thầy"… Những trường hợp nói trên được liệt vào dạng "vi phạm rành rành", dễ xử và thực tế là đã bị xử lý nhẹ thì phạt hành chính, nặng hơn là cấm diễn trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là "không đủ cơ sở pháp lý", cơ quan quản lý văn hóa đã "bó tay" trước nhiều trường hợp vi phạm khác. Sự thiếu quyết liệt không thể khiến môi trường biểu diễn nghệ thuật "sạch sẽ". Thế nên, thường thấy chuyện ca sĩ thỏa sức thách giá cát-xê "trên trời", quảng cáo chương trình theo kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó", chương trình truyền hình thực tế phản cảm, để thí sinh "bán nude" trước ống kính…
"Gậy" pháp lý không "cứng" có lúc khiến nhà quản lý lâm cảnh dở khóc dở cười, mất đi cái uy cần thiết. Như gần đây, liên quan đến việc ra quyết định rút giấy phép tổ chức cuộc thi "Nữ hoàng biển Việt Nam 2013", Cục NTBD đã bị TAND tỉnh Khánh Hòa "xử thua" trong vụ kiện của Công ty Rồng Việt. Một quyết định tưởng chừng là đúng, là chặt chẽ, cuối cùng bị bác chỉ vì văn bản liên quan không có dòng nào đề cập đến việc trao quyền rút giấy phép cho Cục NTBD dù cục này chính là nơi cấp giấy phép nói trên.
Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Thông tư số 03/2013/TT-BVHTTDL, dù có tính ưu việt hơn so với những văn bản pháp quy trước đây nhưng rõ ràng là chưa đủ sức nặng để bao quát vấn đề, chưa đủ sức điều chỉnh hành vi trước sự biến tướng khó lường trong đời sống giải trí hiện nay. "Cây gậy phép" của cơ quan quản lý văn hóa vẫn cần phải được tăng cường thêm uy lực và cơ sở pháp lý. Theo ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD, hiện nay, Bộ VH,TT& DL đã giao cho Cục NTBD, Vụ Pháp chế tiếp tục lấy ý kiến sở VH,TT&DL các địa phương nhằm xây dựng thông tư mới thay thế cho Thông tư 03, tiến tới xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn. Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT& DL Hồ Anh Tuấn, các văn bản mới được xây dựng trên cơ sở bám sát tình hình thực tế, dự kiến các vấn đề phát sinh, tăng tính cụ thể và toàn diện nhằm đưa hoạt động biểu diễn vào khuôn khổ.
Như vậy năm 2014, với việc tổ chức cấp thẻ hành nghề (có hiệu lực từ ngày 1-4), hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 79-CP và khởi động việc xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, hy vọng đời sống văn hóa, nghệ thuật, giải trí trong nước sẽ có sắc màu tươi sáng hơn./.
(Theo: HNM)