Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Đức Hà, Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương đã làm rõ những điểm mới của Quy chế bầu cử trong Đảng; công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy tại Đại hội.
- Xin đồng chí cho biết những điểm mới của Quy chế bầu cử trong Đảng do Trung ương ban hành và những vấn đề cần chú ý khi thực hiện?
Ông Nguyễn Đức Hà: Ngày 9/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng. Có thể nói, bản Quy chế bầu cử trong Đảng lần này có nhiều nội dung mới so với bản Quy chế bầu cử trong Đảng trước đây, vừa bảo đảm phát huy dân chủ, vừa tăng cường tập trung và đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Về thẩm quyền ban hành Quy chế cao hơn và phạm vi điều chỉnh của Quy chế rộng hơn.
Quy chế bầu cử trong Đảng ban hành năm 2000 và năm 2009 là do Bộ Chính trị ban hành, nên phạm vi điều chỉnh của Quy chế chỉ thực hiện từ chi bộ đến các đảng bộ trực thuộc Trung ương. Bản Quy chế bầu cử trong Đảng lần này là do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, nên phạm vi điều chỉnh của Quy chế rộng hơn, từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời, nội dung của Quy chế bầu cử trong Đảng lần này còn được thực hiện khi tổ chức đảng giới thiệu đảng viên ứng cử để bầu cử vào các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ở các cấp.
Nội dung của Quy chế bầu cử lần này được bổ sung nhiều điểm mới rất quan trọng liên quan đến việc cụ thể hóa thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng.
Quy chế quy định cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.
Việc Quy chế bầu cử quy định như vậy, là vì theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, ngay từ năm thứ 2 sau đại hội đảng bộ các cấp, các cấp ủy đều phải xây dựng quy hoạch cấp ủy cho nhiệm kỳ tới. Sau đó, các năm tiếp theo đều phải tiến hành rà soát, đánh giá và bổ sung quy hoạch cấp ủy cho phù hợp.
Đến năm cuối nhiệm kỳ, cấp ủy cấp triệu tập đại hội chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tiến hành giới thiệu nhân sự cấp ủy theo một quy trình dân chủ, chặt chẽ từ dưới lên và được lấy ý kiến của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị cùng cấp. Từng cấp ủy viên đều được thể hiện ý kiến của mình về bản thân, về các cấp ủy viên khác có tiếp tục tham gia cấp ủy khóa tới hay không; tham gia ý kiến về số lượng, cơ cấu cấp ủy và ban thường vụ khóa tới.
Cuối cùng, các cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội thảo luận, bỏ phiếu kín để giới thiệu những cấp ủy viên tiếp tục tái cử, những người không tái cử, những người mới sẽ tham gia cấp ủy khóa tới và chỉ những người nào được trên 50% số cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội giới thiệu mới được đưa vào danh sách để cấp ủy đề cử với đại hội.
Như vậy, các cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội là người đã trực tiếp thảo luận, thể hiện ý kiến của mình để cấp ủy quyết định danh sách đề cử với đại hội, trước hết bản thân mình phải nghiêm túc thực hiện quyết định của cấp ủy, không được làm khác với quyết định của cấp ủy mà mình là thành viên của tổ chức đó.
Về số dư và danh sách bầu cử cấp ủy, Quy chế quy định số lượng ứng cử viên trong danh sách bầu cử cấp ủy phải nhiều hơn số lượng cần bầu, nhưng tối đa không quá 30% số lượng cần bầu, trong đó cấp ủy cấp triệu tập đại hội chuẩn bị số lượng nhân sự cấp ủy có số dư từ 10-15%.
Việc Quy chế bầu cử quy định số dư tối đa trong danh sách bầu cử không quá 30% so với số lượng cần bầu, nhằm khắc phục tình trạng danh sách bầu cử có số dư quá lớn, việc bầu cử thường bị phân tán và dẫn đến tình trạng bầu thiếu số lượng, không bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đối với những lĩnh vực, địa bàn quan trọng cần cơ cấu cấp ủy.
Trường hợp danh sách bầu cử (nhân sự do cấp ủy cấp triệu tập đại hội đề cử, nhân sự do đại biểu đại hội đề cử và những người ứng cử) chưa đủ số dư 30% so với số lượng cần bầu thì đại hội quyết định và có thể lấy danh sách đó làm danh sách bầu cử. Trường hợp danh sách bầu cử nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì xin ý kiến của đại hội về những người do đại biểu đại hội đề cử và những người ứng cử.
Căn cứ kết quả xin ý kiến và lựa chọn theo số phiếu đồng ý từ cao đến thấp để lập danh sách bầu cử có số dư không quá 30% so với số lượng cần bầu. Trong trường hợp danh sách bầu cử đã đủ số dư 30% mà ở cuối danh sách có nhiều người ngang phiếu nhau, đại hội xem xét, quyết định lựa chọn theo cơ cấu, tuổi đảng, hoặc có thể để số dư cao hơn 30% so với số lượng cần bầu.
Nếu bầu một lần chưa đủ số lượng quy định, có bầu tiếp hay không do đại hội quyết định. Danh sách bầu cử lần sau cũng phải có số dư và lấy theo kết quả bầu cử lần trước từ cao đến thấp của những người chưa trúng cử.
Quy chế bầu cử quy định danh sách ứng cử viên do cấp ủy cấp triệu tập đại hội chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức của cấp ủy với đại hội. Đây là quy định thể hiện sự phát triển nhận thức và việc cụ thể hóa thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, bởi vì Quy chế bầu cử trong Đảng do Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành năm 2000 quy định khi đại hội có đa số đại biểu yêu cầu, Đoàn chủ tịch công bố danh sách nhân sự cấp ủy do cấp ủy đương nhiệm chuẩn bị để đại hội tham khảo.
Đến Quy chế bầu cử do Bộ Chính trị (khóa X) ban hành năm 2009, nội dung này được phát triển thêm một bước là dù đại hội có yêu cầu hay không có yêu cầu, sau khi đại hội ứng cử, đề cử và trước khi chốt danh sách bầu cử, Đoàn chủ tịch công bố danh sách nhân sự cấp ủy do cấp ủy đương nhiệm chuẩn bị để đại hội tham khảo.
Quy chế bầu cử trong Đảng lần này, Ban Chấp hành Trung ương quy định danh sách ứng cử viên do cấp ủy cấp triệu tập đại hội chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức của cấp ủy với đại hội. Quy định như vậy vừa phát huy dân chủ, vừa tăng cường tập trung và đề cao trách nhiệm của cấp ủy cấp triệu tập đại hội.
Quy chế bầu cử trong Đảng lần này còn quy định cụ thể nhiều nội dung mới quan trọng khác như việc bầu cử Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương và việc bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; bầu bổ sung ủy viên dự khuyết thành ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương; việc xác định phiếu hợp lệ đối với phiếu bầu tròn mà danh sách bầu cử có nhiều người; việc tính thời gian ghi trong Quy chế được tính theo ngày làm việc...
Như vậy, Quy chế bầu cử trong Đảng do Ban chấp hành Trung ương ban hành là sự cụ thể hóa nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Đây cũng là sự phát triển về nhận thức và tư duy lý luận của Đảng về công tác xây dựng Đảng nói chung, việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng nói riêng.
- Về tiêu chuẩn, cơ cấu và độ tuổi của cấp ủy khóa tới có điểm gì mới so với nhiệm kỳ trước, thưa đồng chí?
Ông Nguyễn Đức Hà: Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 26 của Ban Tổ chức Trung ương về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu và có một số điểm mới so với đại hội nhiệm kỳ trước.
Chỉ thị của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh yêu cầu công tác nhân sự cấp ủy phải quán triệt các nguyên tắc của Đảng và thực hiện theo đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, khoa học để lựa chọn những đảng viên ưu tú nhất, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín và năng lực công tác tham gia cấp ủy nhiệm kỳ tới; gắn việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy với nhân sự lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và nhân sự lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh, thành phố.
Về tiêu chuẩn cấp ủy viên, có một số điểm mới cần chú ý sau:
Một là, việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy khóa tới, trước hết phải căn cứ vào quy hoạch cán bộ; đồng thời chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng phát triển, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số để bảo đảm tính kế thừa, phát triển của đội ngũ cấp ủy.
Hai là, các cấp ủy viên phải là người tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có ý thức tổ chức, kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân và được nhân dân tín nhiệm; có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; có trình độ học vấn, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao.
Ba là, không cơ cấu vào cấp ủy những cán bộ, đảng viên mà bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan, đơn vị và bản thân cán bộ; cán bộ vi phạm quy định của Trung ương về tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm; cấp ủy viên trong lực lượng vũ trang còn phải không vi phạm các quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Bốn là, trong các tiêu chuẩn của cấp ủy viên, cần đặc biệt coi trọng về lập trường tư tưởng chính trị; hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được giao; có tư duy đổi mới, sáng tạo, nắm bắt kịp thời và xử lý có hiệu quả những vấn đề mới phát sinh; có phong cách công tác khoa học, dân chủ, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có thái độ nghiêm túc trong việc khắc phục, sửa chữa kịp thời những khuyết điểm đã được kết luận sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng.
Về cơ cấu của cấp ủy, một số điểm mới cần chú ý là: Trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn, các cấp ủy cần có cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn cấp ủy viên. Các cấp ủy cần có ba độ tuổi, phấn đấu có ba độ tuổi trong ban thường vụ và thường trực cấp ủy; phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có nữ trong ban thường vụ; tỷ lệ cán bộ trẻ tuổi (dưới 40 tuổi đối với cấp ủy tỉnh và dưới 35 đối với cấp ủy huyện) không dưới 10% tổng số cấp ủy viên; tỷ lệ cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số phù hợp với cơ cấu dân tộc của từng địa phương và phải bằng hoặc cao hơn khoá hiện nay. Nếu ở đầu nhiệm kỳ, nơi nào chưa chuẩn bị được theo cơ cấu nêu trên thì phải bầu số lượng cấp ủy ít hơn, số còn lại sẽ tiếp tục chuẩn bị và bổ sung trong nhiệm kỳ mới.
Về độ tuổi tham gia cấp ủy, có một số điểm mới cần chú ý là:
Các đồng chí được giới thiệu tái cử cấp ủy nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ, ít nhất phải còn đủ tuổi công tác từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên (nhiệm kỳ đại hội trước quy định cấp ủy viên phải còn tuổi công tác 48 tháng, ủy viên ban thường vụ còn 36 tháng, bí thư cấp ủy còn 30 tháng trở lên). Những đồng chí dự kiến tham gia cấp ủy và tham gia lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 thì ít nhất phải còn đủ tuổi công tác từ 36 tháng trở lên (đối với cấp tỉnh) và từ 39 tháng trở lên (đối với cấp huyện) tính theo thời điểm tiến hành đại hội đảng bộ của cấp đó.
Các cấp ủy cần đổi mới không dưới 1/3 so với số lượng cấp ủy đầu nhiệm kỳ 2010-2015; trường hợp số cấp ủy viên đủ tuổi tái cử cao hơn thì việc lựa chọn cấp ủy viên tái cử phải căn cứ vào trình độ, năng lực, kết quả hoàn thành nhiệm vụ, nhu cầu bố trí cấp ủy viên và sự tín nhiệm đối với cán bộ đó thông qua phiếu tín nhiệm của cấp ủy lấy từ cao đến thấp.
Sau đại hội, nói chung các đồng chí không tham gia cấp ủy sẽ thôi giữ các chức vụ lãnh đạo chính quyền mà chức danh đó cần cơ cấu cấp ủy viên. Đối với cán bộ ở cấp tỉnh và huyện, những đồng chí còn từ hai năm trở lên mới đủ tuổi nghỉ hưu, có phẩm chất, năng lực, sức khỏe tốt và có nguyện vọng tiếp tục công tác thì xem xét, bố trí nhiệm vụ phù hợp. Những đồng chí còn dưới hai năm sẽ đến tuổi nghỉ hưu, nếu không bố trí được thì nghỉ công tác, giữ nguyên một số chế độ chờ đủ tuổi nghỉ hưu. Những trường hợp có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi sẽ giải quyết theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
- Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng, việc thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư và đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh trực tiếp bầu bí thư cấp ủy, có vấn đề gì đáng quan tâm, thưa đồng chí?
Ông Nguyễn Đức Hà: Thực hiện Điều lệ Đảng và Quy chế bầu cử trong Đảng hiện hành, việc bầu cử cấp ủy ở đại hội đảng bộ các cấp được tiến hành thông qua hai hình thức là: bầu cử trực tiếp (thực hiện dân chủ trực tiếp) và bầu cử gián tiếp (thực hiện dân chủ đại diện). Cụ thể như sau:
Ở đại hội chi bộ (bao gồm cả chi bộ cơ sở và chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở), việc bầu cử cấp ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ chỉ thực hiện một hình thức là bầu cử trực tiếp (thực hiện dân chủ trực tiếp). Cụ thể là: Đại hội chi bộ (toàn thể đảng viên trong chi bộ) bầu ra ban chi ủy; sau đó đại hội bầu bí thư chi bộ và bầu phó bí thư chi bộ (nếu cần) trong số các chi ủy viên đã được đại hội bầu.
Việc bầu cử bằng hình thức dân chủ trực tiếp thì kết quả bầu cử cho thấy: kết quả bầu cử cấp ủy với kết quả bầu cử bí thư, phó bí thư khá thống nhất với nhau, đồng chí được đại hội tín nhiệm cao khi bầu vào chi ủy thì cũng được tín nhiệm cao khi bầu vào chức danh bí thư, phó bí thư chi bộ.
Ở đại hội đảng bộ (bao gồm từ đảng bộ cơ sở đến các đảng bộ trực thuộc Trung ương), việc bầu cử cấp ủy được kết hợp cả hai hình thức: vừa bầu cử trực tiếp, vừa bầu cử gián tiếp. Cụ thể là: Đại hội bầu ra ban chấp hành đảng bộ (bầu cử trực tiếp); sau đó, ban chấp hành đảng bộ (thay mặt đảng bộ) bầu ra ban thường vụ trong số ủy viên ban chấp hành và bầu bí thư, phó bí thư trong số ủy viên ban thường vụ (bầu cử gián tiếp).
Do sự kết hợp hai hình thức bầu cử này nên trong thực tiễn cho thấy: kết quả giữa bầu cử trực tiếp và bầu cử gián tiếp có khi không thống nhất với nhau. Cụ thể, có đồng chí khi đại hội bầu vào ban chấp hành không được tín nhiệm cao (có khi chỉ đạt trên 50%), nhưng khi ban chấp hành bầu vào ban thường vụ, bí thư, phó bí thư (bầu cử gián tiếp) lại được tín nhiệm cao, có khi đạt 100%. Điều đó đã làm cho các đồng chí này dễ chủ quan, tự mãn, không nhận thấy những hạn chế, thiếu sót của mình để kịp thời sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên.
Do vậy, việc thực hiện chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư và đại hội cấp trên cơ sở trực tiếp bầu bí thư cấp ủy sẽ mở rộng dân chủ hơn (dân chủ trực tiếp luôn luôn dân chủ hơn dân chủ đại diện) và đánh giá cán bộ chính xác hơn so với khi ban chấp hành bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư.
Mặt khác, những đồng chí được đại hội bầu (dù không được 100%) nhưng cũng thấy vinh dự và tự tin hơn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Từ đó, đề cao hơn tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trước đảng bộ, tích cực phấn đấu để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có tác dụng thuyết phục, lôi cuốn đảng viên và quần chúng học tập, noi theo.
Nhằm tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng, nhất là dân chủ trực tiếp; trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị đã chỉ đạo các cấp ủy đảng tiến hành thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư và thực hiện thí điểm đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh trực tiếp bầu bí thư cấp ủy để rút kinh nghiệm.
Như vậy, việc thực hiện thí điểm chủ trương đại hội đảng bộ cơ sở trực tiếp bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư và đại hội đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp bầu bí thư cấp ủy nhằm: Mở rộng và phát huy dân chủ trong việc bầu cử các chức danh chủ chốt của Đảng ở các cấp. Lựa chọn được cán bộ lãnh đạo chủ chốt có phẩm chất, năng lực, có tín nhiệm với đảng viên và quần chúng. Nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Vì vậy, khi toàn thể đảng viên hoặc đại biểu trong đại hội trực tiếp bầu ra các chức danh chủ chốt sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí./.
Theo TTXVN