Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 2/7/2009 11:40'(GMT+7)

Ngăn chặn tham nhũng bằng luật ngân sách


Thuật ngữ tham nhũng, theo các nhà kinh tế là “sự lạm dụng quyền lực, đa phần là để đạt được lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của một nhóm mà người ta phải trung thành với nó”. Sự “lạm dụng quyền lực” được hiểu theo khái niệm công quyền, tức chỉ những người làm việc trong khu vực Nhà nước mới có thể tham nhũng được.

Chống tham nhũng ở đất nước ta có vẻ như là chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi", được hâm nóng mỗi khi có sự kiện liên quan hoặc trong các kỳ họp của Quốc hội được đưa ra mổ xẻ, để rồi lại tiếp tục chìm sâu trong dòng thời sự quá nhiều biến động. Hiện diện trong đời sống xã hội thường xuyên, được định danh là quốc nạn, nhưng dường như tham nhũng cũng tìm được chỗ ẩn náu khá an toàn.

Tham lam là một trong những thuộc tính của con người, cho nên muốn hạn chế lòng tham thì cách hay nhất là không khơi gợi, không tạo cơ hội cho lòng tham có điều kiện phát triển. Có người ví von trong gia đình mà cha mẹ không có ý thức cất giữ tiền bạc, cứ để bừa bãi nơi này nơi khác thì chẳng khác nào tạo cơ hội cho đứa con hư ăn cắp.

Trong phạm vi quốc gia, khi Luật ngân sách của chúng ta chưa được chi tiết hoá cho mỗi cơ quan, địa phương, cũng như chưa trở thành một đạo luật tài chính được Quốc hội phê chuẩn hàng năm, thì vẫn có những lỗ hổng lớn – chứ không phải kẽ hở – cho tham nhũng hoành hành.

Chuyện của người

Theo kinh nghiệm ở nhiều nước, việc ngăn chống tệ nạn lãng phí và tham nhũng có thể được thực hiện rất hiệu quả bằng một đạo luật tài chính (ngân sách cụ thể) được xây dựng hàng năm qua bốn giai đoạn chính: soạn thảo ngân sách, biểu quyết ngân sách, kiểm soát thi hành ngân sách và thanh quyết toán ngân sách. Trong mỗi giai đoạn này, người ta qui định đầy đủ các thể chế, định chế và cơ chế với thẩm quyền và trách nhiệm rõ ràng, minh bạch.

Dự thảo ngân sách nhà nước hàng năm do cơ quan chuyên trách (chứ không phải cơ quan được phân bổ ngân sách) chịu trách nhiệm soạn thảo. Ở nhiều nước tiên tiến, cơ quan này thường trực thuộc hành pháp, được tổ chức theo hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương và không chịu ảnh hưởng của bất cứ cơ quan nào nên có thể hành xử hữu hiệu chức năng và nhiệm vụ của mình.

Cơ quan trên có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan địa phương trên toàn quốc lập dự thảo ngân sách theo đúng định hướng phát triển của nhà nước và phải được cơ quan chuyên trách duyệt xét lại trước khi trình ra Quốc hội. Do đó ngay từ trong dự thảo đã có thể loại bỏ những chi phí bất hợp lý. Đó là một dự thảo về thu chi đúng đắn phù hợp với chủ trương chính sách của Chính phủ, với nhu cầu thực sự của quốc gia, từ đó việc cân đối ngân sách sẽ dễ dàng thực hiện.

Dự thảo ngân sách hàng năm được trình trước Quốc hội như một bộ luật, với đầy đủ các mục, chương, điều, khoản (kèm theo những chi tiết, giải thích cần thiết). Quốc hội có thể xem xét dự thảo ngân sách của mỗi cơ quan, mỗi địa phương đến từng chi tiết để có thể cắt giảm hoặc phân bổ lại phù hợp với tình hình thực tiển của đất nước và nguyện vọng của người dân.

Khi đã được Quốc hội biểu quyết chấp thuận, dự thảo sẽ trở thành Luật ngân sách cụ thể của năm và được phổ biến đến các cơ quan địa phương để thi hành. Do đó, sẽ khó có chuyện những khoản tiền không ghi trong ngân sách, không được Quốc hội - Chính phủ thông qua, mà vẫn có thể tùy tiện chi tiêu hoang phí như tình trạng phổ biến hiện nay ở nước ta.

Tại sao ngân sách nhà nước lại nhất thiết phải trở thành một đạo luật tài chính và phải được cưỡng chế thi hành như tất cả các đạo luật khác? Bởi ngoài những đặc tính cơ bản hơn hẳn các đạo luật khác – như được Quốc hội biểu quyết hàng năm, liên quan đến việc sử dụng công quỹ vốn thường bị lạm dụng, đối tượng thi hành không phải là người dân mà là viên chức nhà nước – ngân sách nhà nước còn được ví như trái tim, là mạch máu của toàn bộ cơ thể quốc gia.

Chuyện của mình

Ở nước ta Luật Ngân sách tuy đã được ban hành từ lâu nhưng không có hiệu lực thi hành như một đạo luật tài chính, do đó không có tác dụng hữu hiệu trong việc ngăn chặn tham ô và lãng phí trong bộ máy công quyền.

Theo thông lệ từ trước đến nay, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình ra Quốc hội, được cơ quan này xét cấp “trọn gói” rồi được thi hành và quyết toán theo tinh thần các nghị quyết. Do đó việc thu - chi ngân sách Nhà nước thực hiện thường không sát với thực tế.

Đúng ra, sau khi được Quốc hội biểu quyết và ban hành thì mỗi cơ quan sẽ có đạo luật tài chính năm ấy trong tay, rồi căn cứ vào đó mà quản lý phần kinh phí được Quốc hội phân bổ và tự thực hiện việc chi tiêu theo các định chế (khế ước, khảo giá, gọi thầu, đấu thầu…) chung của cả nước. Việc du di kinh phí nếu không được Quốc hội cho phép sẽ bị xử lý theo luật pháp chứ không phải chỉ là vi phạm hành chính.

Thế nhưng, để có được một ngân sách như thế thì Quốc hội trong vai trò làm luật của mình phải có đủ hai yếu tố: chuyên trách và chuyên nghiệp.

Về chuyên trách, thì một Quốc hội mà hơn 70% đại biểu đều kiêm nhiệm một chức vụ trong bộ máy Đảng, chính quyền hoặc bị ràng buộc bởi công việc mưu sinh thì liệu có hoàn toàn công tâm trong việc biểu quyết phân bổ các khoản thu chi trên cả nước, thể hiện ý muốn của toàn dân hay không?

Còn chuyên nghiệp là khái niệm thuộc qui trình làm luật, mà nếu không có thì Quốc hội phải khó khăn lắm mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Qui trình này nhằm bảo đảm việc nghiên cứu nghiêm túc một dự luật trước khi được thảo luận và biểu quyết tại Quốc hội, nhờ vào chất xám của hàng trăm chuyên viên tư vấn.

Dù không phải là một chuyên gia luật pháp – và cũng không hề bắt buộc phải là như thế – nhưng với tư cách là một người hoạt động chuyên nghiệp, các đại biểu sẽ được những chuyên viên của mình làm rõ từng chi tiết nội dung của dự luật, để có sự chọn lựa chính xác trong khi biểu quyết những vấn đề quan trọng về quốc kế dân sinh, không như lâu nay nhiều đại biểu chưa nắm vững vấn đề mà vẫn biểu quyết chấp thuận.

Một Quốc hội chuyên nghiệp sẽ phải làm việc thời gian dài liên tục trong năm, chứ xuân thu nhị kỳ như hiện nay thì các đại biểu phải rất vất vả để hoàn thành nhiệm vu, mà chất lượng luật lệ lại không cao do áp lực của hàng chục đạo luật phải ra đời trong năm.

Riêng Luật ngân sách, nếu còn vướng mắc giữa Quốc hội và Chính phủ thì việc thảo luận - biểu quyết có khi phải kéo dài rất lâu, cơ quan quyền lực này lại cần nhiều thời gian hơn nữa vì tính chất cấp bách của đạo luật trên.

Tất nhiên, để ngăn chặn tham nhũng thì Luật ngân sách chỉ là điểm khởi đầu. Đối phó với quốc nạn này còn phải nhờ vào các định chế bảo đảm tính công khai minh bạch cùng các luật lệ khác, cũng như trông cậy vào sự tham gia tích cực và có hiệu quả của giới truyền thông./.

(Theo: VNN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất