Thứ Bảy, 30/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 2/7/2009 21:13'(GMT+7)

Cần quan tâm giáo dục các giá trị văn hoá truyền thống trong nhà trường

Phong trào thanh niên tình nguyện phát huy cao nhất tinh thần sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ

Phong trào thanh niên tình nguyện phát huy cao nhất tinh thần sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ

Ngày 24 - 11- 1946, trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh thiên chức của Văn hoá Việt Nam:
“Văn hoá phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập tự do. Đồng thời văn hoá phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng”.
“Phải làm thế nào cho văn hoá đi sâu vào tâm lý quốc dân để xây dựng những tình cảm lớn như lòng yêu nước, tình yêu thương con người; yêu cái chân, cái thiện, cái mỹ; yêu tính trung thực, chân thành, thuỷ chung, ghét những thói hư tật xấu...”.

Từ lời dạy trên đây, trong hai cuộc kháng chiến gian khổ, hy sinh, những người làm công tác văn hoá của Đảng đã tự trang bị cho mình một thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, vừa là văn nghệ sĩ, vừa là chiến sĩ; nên họ đã hoá tâm hồn vào những tác phẩm có sức cảm hoá sâu sắc - những tác phẩm đó không chỉ theo bước quân hành của nhiều thế hệ chiến sĩ mà còn thấm sâu vào nội tâm của các thế hệ học sinh, sinh viên. Những con người như Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thuỳ Trâm, Lê Mã Lương...đều là sản phẩm của một nền giáo dục mang chiều sâu văn hoá dân tộc. Nếu đem bóc tách các yếu tố làm nên những kỳ tích lịch sử dân tộc trong 30 năm kháng chiến thì chúng ta có thể tự hào về một yếu tố có tính cốt lõi, đó là “sức mạnh văn hoá dân tộc” được hun đúc suốt mấy ngàn năm (trong đó lòng yêu nước trở thành giá trị đỉnh cao của người Việt Nam). Thế kỷ XX, Việt Nam được vinh danh là “thời đại Hồ Chí Minh”, bởi vì đó là thời đại mà lịch sử dân tộc được dẫn dắt bởi một con người mang tầm vóc “văn hoá của tương lai”(điều này đã được dự báo bởi một nhà báo Xô Viết vào những năm 20 của thế kỷ XX). Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà trường ở miền Bắc đã trở thành chiếc nôi của giáo dục xã hội chủ nghĩa; là niềm vui của trẻ em, là mái ấm của đồng bào miền Bắc dành cho con em đồng bào miền Nam ruột thịt. Trong mỗi mái trường còn nghèo nàn, đơn sơ, còn phải đào hầm, đắp luỹ và đội mũ rơm, mỗi giáo viên và học sinh, sinh viên đều hướng tới mục tiêu “học tập để phụng sự Tổ quốc”. Cuộc sống luôn cháy bỏng niềm khát khao chiến thắng đế quốc Mỹ, giải phóng Miền Nam, thống nhất non sông; tinh thần ấy đã soi tỏ những trang giáo án, tạo nên chất thép cho mỗi câu thơ, nốt nhạc; tình thầy trò, tình bạn bè thật trong sáng, vô tư; mọi sự giúp đỡ, dìu dắt đều trĩu nặng lòng nhân ái, bao dung. Thuở ấy, ngoài số đông đi vào quân ngũ, một số ít được vào đại học, đa số còn lại gắn bó với cuộc sống nhà nông hoặc đi vào nông trường, nhưng tất thảy dường như không có sự phân cực kẻ sang - người hèn; sự nghiệp xây dựng quê hương và bảo vệ độc lập dân tộc là chất kết dính mọi thân phận với nhau thành “người trong một nước, phải thương nhau cùng”. Sức mạnh dân tộc bắt nguồn từ sức mạnh đại đoàn kết, đạo đức cách mạng được cụ thể hoá thành những chuẩn mực công dân cho từng lứa tuổi, với mỗi ngành nghề. Lời Bác Hồ dạy với thiếu niên, nhi đồng, với bộ đội, với văn nghệ sĩ, với phụ nữ, với công an, với công nhân, với giáo viên...có vai trò định hướng giáo dục giá trị nhân cách con người xã hội chủ nghĩa; mọi người cứ vậy mà phấn đấu nỗ lực làm theo, tạo nên những phong trào thi đua thực chất, làm thước đo của tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Thực tế lịch sử đó đã giúp ta rút ra một bài học kinh nghiệm quí báu, đó là: môi trường chính trị, môi trường xã hội có ảnh hưởng hết sức sâu sắc đến giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.

Giáo dục là một quá trình hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ của mỗi quốc gia, đó không đơn thuần là một quá trình chuyển tải, tiếp nhận kiến thức khoa học chuyên ngành mà thực chất sâu xa là sự thẩm thấu các giá trị văn hoá của nhân loại, của dân tộc; trên cơ sở đó mà nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho phù hợp với yêu cầu thời đại. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là trong thực tế giáo dục ở nước ta hiện tại, vấn đề giáo dục các giá trị văn hoá truyền thống cho thế hệ trẻ dường như đang bị coi nhẹ; do vậy ngày càng xuất hiện nhiều hiện tượng “phi văn hoá” trong giao tiếp, ứng xử xã hội. Những mối quan hệ mà người xưa gọi là “cương thường đạo lý” đang có nhiều đảo lộn, ngày càng diễn ra những hiện tượng đau lòng: cháu dùng thanh gỗ đập bà nội đến chết chỉ vì thiếu tiền chơi geam, con giết cha rồi chặt làm tư cũng vì không được cha cho tiền trả nợ chủ geam; trò đánh thầy vì bị thầy quở phạt; trò “xử” trò chỉ vì “cố ý nhìn đểu”... Trước thực tế như vậy, những ai quan tâm tới sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, đều không khỏi đau lòng, băn khoăn, lo lắng; song làm thế nào để khắc phục tình trạng đó thì không hề đơn giản, rất cần phải nghiên cứu khoa học theo nhiều góc độ: đạo đức học, giáo dục học, tâm lý học, xã hội học, văn hoá học.

Để xây dựng nếp sống có văn hoá trong nhà trường, đòi hỏi các cấp quản lý giáo dục cần quan tâm tới đổi mới nội dung, chương trình những môn thuộc khoa học xã hội và nhân văn, theo hướng: giảm tải những kiến thức hàn lâm, sách vỡ; đưa học sinh, sinh viên vào những tình huống, những hoạt động xã hội hữu ích, để giúp họ tiếp cận với những thông tin và có cách ứng xử theo chuẩn mực văn hoá. Mặt khác trong mỗi cơ sở giáo dục cũng cần phải tăng cường nội qui, qui chế, lập lại kỷ cương, nền nếp trong hoạt động của người dạy và người học, sao cho tính sư phạm trong quá trình giáo dục ngày càng được nâng cao. Sự nêu gương trong mỗi giáo viên, giảng viên và những người công tác trong ngành giáo dục sẽ là biện pháp tốt nhất để giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên. Đứa trẻ không được người lớn yêu thương, chăm sóc và tôn trọng thì đứa trẻ đó sẽ khó mà cảm nhận được tình cảm cao quí của người với người. Đứa trẻ luôn phải đối mặt với những hành vi bất thiện do người lớn gây ra trước mắt chúng thì chắc cũng khó lòng giúp cho đứa trẻ nuôi dưỡng tính hướng thiện. Cuộc vận động chống tiêu cực trong thi cử, chống bệnh thành tích ảo, cùng với phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc thi sáng tác về các điển hình trong giáo dục...đang có những tác động tích cực tới việc xây dựng môi trường văn hoá nhà trường. Đó là tiền đề ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo đúng yêu cầu thực hành đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên, góp phần làm nên một diện mạo văn hoá mới trong đời sống xã hội nước ta.

Trần Minh Tâm

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất