(TG) - Những thành tựu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thành phố Hồ Chí Minh vừa là động lực góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
TRIỂN KHAI NGHIÊM TÚC NGHỊ QUYẾT SỐ 29-NQ/TW
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí quan trọng của cả nước; là một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội. Ngân sách đầu tư vào giáo dục và đào tạo tăng hàng năm, đầu tư cơ sở vật chất theo quy hoạch, khang trang, từng bước hiện đại; chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ở các ngành học, bậc học; đổi mới phương pháp giảng dạy, coi trọng giáo dục nhân cách, lối sống, đạo đức, lý tưởng cho học sinh; xã hội hóa giáo dục đào tạo đạt kết quả tích cực; hệ thống giáo dục và đào tạo ngoài công lập góp phần đáng kể vào việc đào tạo nhân lực; công tác quản lý giáo dục đào tạo đổi mới tích cực, đạt hiệu quả; phát huy vai trò của gia đình phối hợp với nhà trường, xã hội trong giáo dục thế hệ trẻ… Những thành tựu này vừa là cơ sở để nâng cao hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thành phố, vừa là động lực góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Kế hoạch số 83-KH/TU ngày 18 tháng 12 năm 2013 và Ban chấp hành Đảng bộ thành phố ban hành Chương trình hành động số 46-CTr/TU ngày 21 tháng 6 năm 2015 thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt các văn bản, yêu cầu của Trung ương, Thành ủy đến các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, cán bộ, đảng viên, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố; lãnh đạo các cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 29-NQ/TW. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo triển khai sâu rộng các văn bản của Trung ương, Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kết luận số 51-KL/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động số 46-CTr/TU đến cán bộ, đảng viên, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức và Nhân dân.
Qua công tác lãnh đạo triển khai, quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW đã từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên, giáo viên, giảng viên hiểu sâu, nắm vững những quan điểm, chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để vận dụng hiệu quả vào quá trình quản lý, giảng dạy theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Giáo viên tại thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
MÔ HÌNH HAY, CÁCH LÀM HIỆU QUẢ TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 29-NQ/TW
Qua 10 năm triển khai và thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có những mô hình hay, cách làm hiệu quả từ cơ sở đến toàn ngành, cụ thể như sau:
Thứ nhất, trong giai đoạn 2013 - 2022, toàn ngành tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục và đào tạo trực thuộc giai đoạn 2013 - 2015 theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai, mô hình trường trung học phổ thông chất lượng cao: Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền, Quốc tế Việt - Úc; mô hình trường học thông minh, trường tiên tiến hiện đại… đáp ứng mục tiêu giáo dục học sinh năng động, tự tin, bản lĩnh, sẵn sàng hội nhập, thân thiện, có đủ điều kiện phát triển toàn diện. Bên cạnh hệ thống các trường phổ thông công lập còn có hệ thống trường lớp ngoài công lập đáp ứng cơ bản tối thiểu nhu cầu học tập của con em Nhân dân trong độ tuổi đến trường trên địa bàn thành phố.
Thứ ba, thực hiện mô hình lớp học số, triển khai thí điểm trong năm học 2022 - 2023 tại các Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi nhằm đáp ứng tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh và Tin học.
Thứ tư, Năm học 2022 - 2023, thực hiện thành công đề án thí điểm thi tuyển chức danh Phó Hiệu trưởng tại các trường trung học phổ thông thuộc huyện Củ Chi và Cần Giờ.
Thứ năm, tổ chức liên hoan văn hóa, nghệ thuật đã tạo sân chơi giúp phát triển văn hóa nghệ thuật trong nhà trường; các em học sinh thể hiện năng khiếu bản thân, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Thứ sáu, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và giảng dạy. Số hóa hồ sơ và học liệu, hoàn thiện việc xây dựng mã số định danh cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên nhằm tạo tính kết nối, hỗ trợ công tác tuyển sinh đầu cấp trong những năm tiếp theo. Các cơ sở giáo dục đào tạo đã quan tâm đầu tư hệ thống máy chủ và đường truyền internet đồng bộ, đảm bảo khả năng lưu trữ, tính toán xử lý và chuyển tải dữ liệu phục vụ hiệu quả và kịp thời cho hoạt động tại đơn vị.
Thứ bảy, hoạt động dạy và học ngoại ngữ hiệu quả, đáp ứng mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thông thạo ngoại ngữ trong quá trình hội nhập quốc tế, sẵn sàng đủ điều kiện tham gia thị trường lao động trong khu vực và toàn cầu.
Thứ tám, mô hình quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ, đẩy mạnh liên thông đào tạo trong hệ thống giáo dục đại học và sau đại học đảm bảo phù hợp với Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung; trong đó, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chính thức là thành viên của Tổ chức AUN-ACTS để thực hiện việc công nhận, chuyển đổi tín chỉ giữa các trường đại học trong hiệp hội, các trường đại học trong khối ASEAN (AUN).
Hiệu quả từ các mô hình, cách làm này đã giúp học sinh, sinh viên có điều kiện phát triển về nhận thức, kiến thức và kỹ năng hoạt động thực tiễn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW.
NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ BÁU
Qua thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình hành động số 46-CTrHĐ/TU, thành phố rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác đổi mới giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác đổi mới giáo dục.
Hai là, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố với tinh thần trách nhiệm cao đã nỗ lực, phấn đấu vượt mọi khó khăn, cố gắng hoàn thành các nhiệm vụ giáo dục; đặc biệt, với sự đoàn kết, sự quyết tâm cao độ, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và sự chung tay của cả hệ thống chính trị, ngành giáo dục để vượt qua thử thách, kiên định với mục tiêu chất lượng giáo dục; nâng cao lòng tin của người dân vào công tác giáo dục của thành phố.
Ba là, thực hiện đổi mới công tác quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo đã tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý và công tác chuyên môn của ngành thúc đẩy công tác chuyển đổi số và xây dựng chính quyền đô thị theo yêu cầu phát triển của thành phố. Tuy nhiên, cần trang bị năng lực sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh để kịp thời tiếp cận và thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi số chung của ngành giáo dục và đào tạo.
Bốn là, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW luôn nằm trong mối quan hệ phối hợp, tác động qua lại trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tạo nên sức mạnh của thành phố trong chiến lược phát triển.
Năm là, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước để phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học; trong đó, phát huy vai trò của Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố trong việc thường xuyên rà soát, thống kê, tích cực tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, biên chế giáo viên, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Sáu là, chú trọng biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, các điển hình tiên tiến trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Chương trình hành động số 46-CTr/TU gắn với công tác thi đua, khen thưởng của ngành Giáo dục và Đào tạo, của các địa phương, đơn vị trong toàn thành phố.
Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; phát huy những kết quả đạt được nhằm nâng cao chất lượng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kịp thời phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Bảo Châu