Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 29/5/2017 9:27'(GMT+7)

Để di sản văn hóa “sống” trong cộng đồng là cách bảo tồn hiệu quả nhất

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Di sản là những gì còn lại mang giá trị lịnh sử và trầm tích văn hóa của một thời đại, là tinh hoa của một cộng đồng. Có thể khẳng định, những giá trị của di sản văn hoá Việt Nam là nguồn tài nguyên vô tận để giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc; chứa đựng trong hệ thống các di tích, đền chùa, trong con người và môi trường sống xung quanh là những tri thức vô cùng phong phú. Cùng với thời gian, di sản luôn có xu hướng mai một, và nếu chúng ta không ý thức được trách nhiệm bảo tồn thì những giá trị vô cùng quý giá ấy sẽ mất hẳn.     

Loay hoay “quả bóng trách nhiệm”

Còn nhớ mấy năm trước đây, trong khi dư luận chưa hết xôn xao về việc nhiều di sản quốc gia bị “trùng tu” theo cách “làm mới”, thì sự việc sư trụ trì chùa Một Cột (Diên Hựu) gửi “tối hậu thư” lên cơ quan quản lý văn hóa, khẩn thiết xin trùng tu ngôi chùa cổ này đang xuống cấp nghiêm trọng; rồi tiếp đến là sự kiện người dân làng cổ Đường Lâm “quyết tâm” trả lại bằng di sản với lý do “quá khổ” bởi nhà cửa hư hỏng, chật chội mà không được sửa sang... chỉ đến khi đó, nhiều người mới ngỡ ngàng nhận ra rằng chưa có một tiêu chí chung trong quy hoạch di sản. Cùng với đó là việc điều chỉnh làng cổ, phố cổ cũng chưa có điều luật nào quy định. Thêm nữa, do năng lực yếu kém của không ít người có trách nhiệm khiến cho câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị các di sản vẫn còn nhiều lúng túng.

Ở thời điểm đó, câu chuyện về cách “ứng xử” với các di sản văn hóa (DSVH) đang xuống cấp luôn là tâm điểm “nóng” trong nhiều cuộc hội thảo.

Vấn đề đặt ra là, việc “kêu cứu” trước sự xuống cấp của nhiều DSVH dù được lên tiếng sớm với cơ quan quản lý các cấp, thế nhưng... vẫn cứ muộn; dù đã được chính quyền sở tại cử người đến xem xét thực trạng, đưa ra phương án trùng tu, nhưng trong nhiều trường hợp, các kế hoạch tu bổ vẫn chỉ... nằm trên giấy. Dư luận đặt câu hỏi: Điều gì khiến việc trùng tu, tôn tạo di tích lại trở nên khó khăn đến vậy, trong khi di tích thì không thể tạm dừng xuống cấp để nằm chờ quy trình?

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc ứng xử với DSVH từ phía các cơ quan chức năng luôn ở trạng thái “phản ứng chậm”. Và dường như chỉ khi báo chí và những lãnh đạo cấp cao lên tiếng, mới thấy những người có trách nhiệm "rục rịch họp”. Tuy nhiên, sau khi có quyết định đầu tư trùng tư, nâng cấp của chính quyền sở tại và cơ quan chức năng có liên quan, thì một “bài toán” khác được đặt ra, đó là giữ cái gì, bỏ cái gì, sửa chữa ra sao, xây mới thế nào… lại loay hoay tìm lời giải. Và nhiều khi lại phải chờ… những cuộc họp tiếp theo.

Việc trùng tu, tôn tạo di tích tưởng chừng như đơn giản khi có không ít ban, bộ và cơ quan chức năng là đầu mối, nhưng thực tế lại như một ma trận. Chính vì thế, việc xác định trách nhiệm rõ ràng, cụ thể nhiều khi vẫn bị lúng túng, “quả bóng trách nhiệm” trong nhiều trường hợp vẫn cứ loay hoay “đẩy” từ bên này sang bên kia…

Có nhiều ý kiến lý giải nguyên nhân của sự “loay hoay” “lúng túng” nêu trên là do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, ở nước ta, chuyện giấy tờ thì không thiếu, ngoài Luật Di sản văn hóa còn rất nhiều những văn bản dưới luật, thông tư, hướng dẫn, quy định... Có chăng là vì quy trình thiếu tính khoa học, chồng chéo đã dẫn tới “quả bóng” trách nhiệm cứ được đẩy qua đẩy lại mà không một ai dám “ôm lấy” vì luật pháp và danh dự.

Đâu là giải pháp?

Đánh giá về thực trạng trùng tu di tích hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng: Do đặc điểm khí hậu ở nước ta không thuận lợi cho độ bền vững của các vật liệu xây dựng, nên việc tôn tạo các di tích - DSVH vật thể đã xuống cấp, hoặc có nguy cơ xuống cấp là rất cần thiết. Quan trọng nhất là các nhà quản lý cần phải nghiêm túc với trách nhiệm của mình để ứng phó kịp thời. Tránh việc khi sự đã rồi mới thấy nuối tiếc.

Lý giải về cách làm thế nào để vừa bảo tồn tối ưu di sản vừa bảo đảm những sinh hoạt trong đời sống hiện đại, một số chuyên gia cho rằng: Từ xưa tới nay, việc trùng tu di tích ở mỗi thời điểm đều để lại những dấu ấn của thời đại đó. Vì thế mà cùng một di tích lại có nhiều tầng văn hóa khác nhau. Đó là điều dễ hiểu. Trước mỗi di sản cụ thể phải có một phương án bảo tồn thích hợp và khoa học. Do đó, việc bảo vệ di sản rất khó, thậm chí là không thể giữ gìn nguyên vẹn, điều quan trọng là cần phải đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển trong đời sống hôm nay.

Giải pháp tuyên truyền được nhiều chuyên gia coi trọng khi nhấn mạnh: Cần phải đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, giải mã cho nhân dân hiểu được ý nghĩa, bản chất của các DSVH vật thể và phi vật thể. Có hiểu được thực chất giá trị của di tích, chúng ta mới có thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy các DSVH…

Thực tế cho thấy, muốn bảo tồn hiệu quả DSVH (cả vật thể và phi vật thể) cần phải biết cách trao trả di sản về với nhân dân, để nó được “sống” trong cộng đồng, đem lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng.

Để bảo tồn, kế thừa và phát huy thành công những tinh hoa văn hóa cổ truyền; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bổ sung vào hành trang văn hóa nước ta hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế... trên cơ sở tổng hợp, đánh giá, nhận định, xin đưa ra mấy đề xuất sau:

Một là, trong quá trình phát triển, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với kế thừa và phát triển văn hóa. Quy hoạch phát triển kinh tế, phải đồng thời gắn với quy hoạch văn hóa để vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc sống hiện đại vừa không làm mất đi môi trường nảy sinh, tồn tại và phát triển của văn hóa truyền thống.

Hai là, chú trọng việc tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về DSVH cho mọi người dân hiểu rõ về DSVH của cha ông, thêm trân trọng và tích cực chủ động phát huy các giá trị đó trong đời sống cộng đồng hiện nay. Đồng thời phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng với những người tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, những người gắn bó với mảnh đất và con người ở từng vùng văn hóa.

Ba là, cần tiếp tục quan tâm đầu tư thỏa đáng cho công tác kiểm kê, điều tra, sưu tầm, lưu giữ các DSVH phi vật thể bằng các phương tiện hiện đại như quay băng - đĩa, ghi chép lưu giữ các tài liệu về DSVH phi vật thể ở những nơi có điều kiện; tổ chức các buổi trình diễn, các lễ hội giao lưu văn hóa như tuần lễ văn hóa, liên hoan văn hóa…

Bốn là, cùng với việc đầu tư xây dựng các tuyến du lịch, trong thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu, tuyên truyền quảng bá về các giá trị tiêu biểu, độc đáo.

Năm là, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp, đặc biệt là cấp sơ sở. Đây là những người có trách nhiệm quản lý, trực tiếp chỉ đạo và tổ chức các hoạt động bảo tồn DSVH ở cơ sở. Thực tế nhiều địa phương còn thiếu rất nhiều cán bộ văn hóa có trình độ chuyên môn cao.

Sáu là, nâng cao chất lượng sống cho đồng bào các vùng dân tộc. Thực tế cho thấy đời sống người dân còn gặp vô vàn khó khăn. Nếu điều kiện vật chất được cải thiện, chắc chắn sẽ tác động tích cực hơn đến ý thức bảo tồn lưu giữ và phát huy các giá trị DSVH vốn rất phong phú và độc đáo./.

Khúc Hồng Thiện

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất