(TCTG) - Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẳng định: Nếu bảo vệ kịp thời, khen thưởng thích đáng những người chống tiêu cực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện những vụ việc tham nhũng, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân tham gia chống tiêu cực, lãng phí
Sáng nay, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng. Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì và có bài phát biểu quan trọng với Hội nghị.
Công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự chuyển biến tích cực
Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) luôn được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm qua suốt các thời kỳ. Với quyết tâm “Ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí” như Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) đã xác định, thời gian qua, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trên một số lĩnh vực chủ yếu, công tác PCTN đã có sự chuyển biến rõ nét, góp phần kiềm chế tham nhũng. 88 đại biểu tham dự hội nghị là những cá nhân có thành tích PCTN tiêu biểu trong toàn quốc, những người đã dũng cảm đấu tranh, tố cáo hành vi tham nhũng, chấp nhận hy sinh, nguy hiểm, đối đầu với người có hành vi tham nhũng, giúp đưa ra ánh sáng các thế lực có dấu hiệu tham nhũng, góp phần thu hồi lượng tài sản không nhỏ về cho Nhà nước.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Vũ Tiến Chiến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Thường trực – Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho biết đây là lần đầu tiên tổ chức Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng trong phạm vi toàn quốc, tiếp theo cáo Hội nghị tại Hà Nội (tháng 3/2009), TP Hồ Chí Minh (tháng 6/2009), TP Đà Nẵng (tháng 12/2009). Ông nhấn mạnh: Sự hiện diện của 88 cá nhân từ 40 địa phương và cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương có thành tích tố cáo tham nhũng và kiên quyết xử lý các hành vi tham nhũng tại Hội nghị này là một minh chứng cho sự tiến triển tích cực về nhận thức, trách nhiệm, lòng tin vào sức mạnh và thắng lợi của cuộc đấu tranh PCTN dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Số người dám trực diện đấu tranh với tham nhũng ngày càng tăng. Tinh thần quả cảm, ý chí sắt đá, nghị lực và niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của người tố cáo tham nhũng có tác dụng tích cực răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng.
Cần bảo vệ và tạo thuận lợi cho người tố cáo tham nhũng, tiêu cực
Việc tố cáo hành vi tham nhũng có vai trò quan trọng, khởi đầu của nhiều vụ án tham nhũng, cung cấp cho các cơ quan chức năng các chứng cứ ban đầu để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ. Nếu tạo được những điều kiện và tiền đề thuận lợi, cùng với các biện pháp bảo vệ an toàn cho người tố cáo, chắc chắn nhiều vụ việc tham nhũng sẽ được phát hiện kịp thời để ngăn chặn và xử lý.
Tuy nhiên, trên thực tế, những người đấu tranh chống tham nhũng gặp rất nhiều khó khăn, bị đe doạ, hành hung, nhiều khi cô độc. Ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội trong quá trình đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng về đất đai đã bị lãnh đạo quận Cầu Giấy thông báo nghỉ chức vụ Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND phường do hết tuổi lao động. Bà Nguyễn thị Hoà, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội, người đã yêu cầu thực hiện kết quả kiểm toán về sai phạm 39 tỷ đồng gói thầu 9 Kè Hồ Tây và tố cáo nhiều sai phạm khác liên quan đến công tình xây dựng trái phép, diện tích đất nông nghiệp bị xây dựng sai phạm… lên tới Hội nghị vẫn chưa hết bức xúc vì vừa bị hành hung. Nhiều đại biểu như bà Dương thị Mỹ Anh (Cần Thơ), Phan Thị Thanh Hương (phóng viên báo Người cao tuổi) đã rơi nước mắt khi nhớ lại những giai đoạn mình đã bị trù dập, khống chế, hạ lương, chuyển công tác, khi con cái tốt nghiệp Đại học 2 năm không xin được việc vì không cơ quan nào dám nhận con của người đi tố cáo tham nhũng…
Đối tượng tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn nên hình thức trả thù cũng rất tinh vi, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, không chỉ bằng bạo lực mà còn thông qua nhiều hình thức tinh vi khác. Ông Lê Đạo, 84 tuổi, Nguyên Thường vụ Tỉnh uỷ, nguyên Bí thư huyện ủy Đức Trọng, Lâm Đồng tâm sự: “Chúng tôi đã tham gia đấu tranh nhiều vụ sai phạm hầu hết là cán bộ, nên hết sức khó khăn, quả thực là cuộc đấu tranh không cân sức, nhiều sức cản, thậm chí còn bị đe doạ, dưới nhiều hình thức, mặt khác còn tác động bên ngoài, kể cả an hem, bạn bè, người than, gai đình, vợ con can gián dừng đấu tranh, được cái gì, gây thù oán, gây ảnh hưởng tư tưởng. Một số đồng chí đấu tranh nửa chừng đành bỏ cuộc”.
Người tố cáo ngoài bị đe doạ về thân thể còn chịu sự phân biệt đối xử, có người bị quy kết là mất đoàn kết, gây rối nội bộ, ít được thừa nhận và rất khó được các cấp chính quyền quan tâm biểu dương, tôn vinh. Trong các Đại hội thi đua yêu nước đang được thực hiện ở các ngành, các cấp, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc vào cuối năm 2010 còn thiếu vắng, chưa có cá nhân dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng được lựa chọn biểu dương, khen thưởng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã nhiệt liệt biểu dương những cá nhân có thành tích trong công cuộc PCTN. Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn mà những người chống tham nhũng đã và đang phải chịu. Đồng chí nhấn mạnh công tác PCTN là làm trong sạch nội bộ, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng chế độ. Vấn đề then chốt này làm tốt thì mọi việc sẽ trôi trảy. Nếu bảo vệ kịp thời, khen thưởng thích đáng những người chống tiêu cực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện những vụ việc tham nhũng, khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân tham gia chống tiêu cực, lãng phí. Bộ Nội vụ cần sớm hoàn thành quy chế bảo vệ người PCTN, trình Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng giao Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng rà soát lại tất cả các vụ việc mà đại biểu tham dự Hội nghị đã nêu, những vụ nào làm tốt, chưa tót để có hướng xử lý kịp thời, phân minh, dứt điểm. Các cấp cần có phương án bảo vệ người tố cáo, cần chịu trách nhiệm khi người tố cáo tham nhũng bị trả thù. Bên cạnh đó, cần khen thưởng, biểu dương kịp thời những người có thành tích đấu trang chống tham nhũng.
Dương Ngọc