Tháng 9 hằng năm được lựa chọn là tháng an toàn giao thông. Chủ đề của tháng 9 năm nay là tháng “Văn hóa giao thông”, nhằm tạo thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật và ý thức tự giác tuân thủ luật pháp về trật tự an toàn giao thông theo chuẩn mực đạo đức văn minh.
Tuy nhiên, mới chưa hết nửa đầu tháng 9 mà dư luận xã hội đã phải đón nhận những thông tin đau lòng và không kém phần bức xúc, phẫn nộ. Đầu tháng, những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra, đó là vụ tai nạn xe khách (tại Nghệ An) làm chết, bị thương hơn 20 người; vụ tàu hỏa lật ở Yên Bái làm chết 2 người. Đặc biệt, những hành vi phản văn hóa liên quan đến giao thông khiến chúng ta không thể đành lòng. Đó là vụ lái xe taxi ở Hà Nội vi phạm luật giao thông, một lần nữa lại hất cảnh sát lên nắp ca-pô; là vụ vi phạm “kẹp 4 người” chém trọng thương cảnh sát giao thông ở Đà Nẵng mới xảy ra cách đây vài ngày… Trước đó, dư luận còn bàng hoàng khi chỉ vì một va chạm nhỏ ở TP Hồ Chí Minh, 2 mạng người bị chém chết, theo kiểu hành xử “giang hồ” hệt như phim xã hội đen… Nói tóm lại, văn hóa giao thông trên đường phố đang ở mức “báo động đỏ”.
Ra đường người ta giành giật, chen lấn từng centimet để đi trước, coi thường tín hiệu, biển báo giao thông, bất chấp cả “đèn đỏ”, lấn đường, đè vạch; khi không vừa lòng thì thay cho sự nhường nhịn, thay cho lời xin lỗi là những lời lẽ thiếu văn hóa được văng ra, thậm chí sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết.
Nhu cầu đi lại, tham gia giao thông ngày càng trở thành một nhu cầu không thể thiếu, thậm chí hết sức quan trọng nhưng khi đời sống được nâng cao, phương tiện tham gia giao thông càng hiện đại thì giao thông bỗng ngày càng trở nên hỗn loạn. Chúng ta đã nhanh chóng quên đi văn hóa một thời là xếp hàng trong mọi trường hợp, giờ đây sự “cạnh tranh” ngày càng “khốc liệt”, người ta tranh nhau vào thang máy, tranh nhau tại các quầy làm thủ tục, tranh nhau mua vé… và tranh nhau đi.
Văn hóa giao thông, nói rộng ra là văn hóa ứng xử và nó đang bị xuống cấp nghiêm trọng, vì vậy, gìn giữ và phát triển văn hóa giao thông là nhiệm vụ cấp bách phải khôi phục và xây dựng. Văn hóa là một khái niệm rộng lớn, liên quan đến mọi mặt về đời sống vật chất và tinh thần của con người. Một trong những chức năng của văn hóa là chức năng hướng dẫn, bằng cách nhập tâm, văn hóa thúc đẩy con người tới chỗ tuân theo những chuẩn mực hành vi, những ứng xử trong xã hội. Vì vậy, văn hóa giao thông được hiểu theo nghĩa ngắn gọn, súc tích nhất là chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, có tính cộng đồng khi tham gia giao thông và có thái độ ứng xử khi tham gia giao thông.
Tại Hội thảo Quốc gia về Văn hóa giao thông, GS Vũ Khiêu đã nhận xét sự yếu kém về văn hóa giao thông cũng là sự suy thoái trong ứng xử giữa người với người. Để khắc phục tình trạng đó phải làm tốt hai việc là “trừng phạt và giáo hóa”. Trừng phạt phải nghiêm minh, theo đúng tinh thần pháp trị (Luật giao thông), không chiếu cố, tùy tiện tha, tùy tiện phạt.
Tuy nhiên, phạt lỗi chỉ là hình thức mang ý nghĩa răn đe tạm thời, việc làm cho mọi người nhận thức và coi đó là một nếp sống văn hóa thì cần có giáo hóa, đừng để cho sự bất bình trở thành bình thường. Mong sao những thế hệ tương lai khi tham gia giao thông không chỉ tuân thủ luật, bảo đảm an toàn cho người khác, giúp đỡ người bị nạn; có lối cư xử văn hóa như kính già, nhường trẻ, biết cảm ơn, xin lỗi khi có va chạm, có thái độ bình tĩnh khi tham gia giao thông. Nhưng để thế hệ tương lai thấy được sự giáo dục đó là đúng thì ngay từ bây giờ, những người lớn hãy làm gương, sống có ý thức. Đừng để vấn đề giao thông trở thành nỗi kinh hoàng của toàn dân.
Khi văn hóa giao thông của mỗi người được nâng lên, những hành vi sai trái, quậy phá trên đường sẽ trở thành lố bịch, bị cộng đồng lên án. Văn hóa giao thông của cả cộng đồng sẽ được nâng lên, chắc chắn ùn tắc và tai nạn giao thông sẽ giảm./.
(Theo: Thu Hà/QĐND)