Thứ Tư, 25/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 7/9/2010 22:1'(GMT+7)

Đằng sau lời khuyên “Đằng sau quay”

Ngày 30-8, trên trang Bauxite Vietnam đăng bài “Ý kiến nhỏ nhân ngày lễ lớn (về lý luận và thực tiễn)” của tác giả đề tên Tiến sĩ Hà Sĩ Phu.

Mở đầu, Hà Sĩ Phu viết: “Cũng ngày này 22 năm trước (1988) tôi khởi sự cầm bút viết những suy tư của mình về xã hội…”. Người đọc tưởng ông sẽ đề cập về ngày lễ lớn là kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Tiếc rằng, trong bài viết dài, Hà Sĩ Phu lại không nói về “ngày lễ lớn” mà nói về chế độ. Khi nói về chế độ ta, ông lại không dành một lời (dù chỉ là một lời) khách quan nói về thành quả nhân dân ta đã giành được trong thế kỷ hai mươi, mà ông chỉ thóa mạ, gom nhặt những bất cập trên mọi lĩnh vực để hoan hỉ và suy luận. Về thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 long trời lở đất, lấy lại hai tiếng Việt Nam trên bản đồ thế giới, xóa bỏ nền quân chủ bù nhìn, đưa dân ta từ người nô lệ lên người làm chủ… Hà Sĩ Phu lại ám chỉ, tỏ ra khó chịu với cuộc cách mạng này. Ông viết: “Việt Nam đã du nhập vào đất nước mình cái gọi là chủ nghĩa xã hội khoa học, nhưng thực chất vẫn chưa ra khỏi quỹ đạo của những chủ nghĩa xã hội không tưởng phản khoa học, tuy phản khoa học nhưng lại đáp ứng trúng những nhu cầu trước mắt và tâm lý của đám đông… để đạt mục đích giành chính quyền”.

Khoan hãy nói với ông thế nào là “khoa học”, thế nào là “không tưởng”, vì những khái niệm ấy không chỉ nói trong đôi ba dòng. Chỉ mong ông nhìn lại nước mình, dân mình xem thế nước hôm nay, đời sống mọi mặt hôm nay so với hai mươi năm trước, ba mươi năm trước… khác biệt thế nào, ông sẽ tự lý giải được con đường Việt Nam đang đi là “khoa học” hay “không tưởng”. Để nhìn được thực chất vấn đề, có lẽ không chỉ cần tư duy biện chứng, mà còn cần cả tình yêu Tổ quốc và nhân dân mình. Không hiểu, ông tiến sĩ Phu đang bực bội điều gì mà thóa mạ, đay nghiến nhân dân Việt Nam đến thế? Nhân dân Việt Nam theo Đảng đứng lên đánh đuổi thực dân đế quốc xây đời mới mà ông gọi họ là một “đám đông”. Xin thưa, trong lực lượng cách mạng mà ông gọi là “đám đông” ấy có rất nhiều những trí thức hàng đầu, tư sản lớn và điền chủ, nhà buôn…

Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói cho ông Phu rõ về một luận điểm của ông, khi ông khuyên Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam rằng: “Đã đi ngược chiều thì, về lý thuyết, muốn đổi mới cũng rất đơn giản, chỉ đằng sau quay là xong, là hòa nhập vào dòng chảy tự nhiên của nhân loại”. Sau đó, ông Phu lại mấy lần nhắc lại luận điểm đằng sau quay, như một phát minh thú vị của ông.

Nhân lời khuyên “đằng sau quay” của ông đối với nhân dân ta, dân tộc ta, tôi muốn nói với ông rằng, trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc ta suốt mấy nghìn năm lịch sử, lực lượng chủ công là những người lính. Người lính vâng mệnh quốc gia ngoài chiến trường chỉ có chiến đấu, chiến đấu thắng lợi, kể cả hy sinh thân mình. Biết bao thế hệ người Việt đã chiến đấu như thế mới có độc lập tự do hôm nay, còn nếu thấy hy sinh gian khổ là đằng sau quay như ông khuyên thì làm gì còn non nước Việt, làm gì còn thái miếu tổ tiên. Bộ luật Hồng Đức ra đời dưới thời Lê Thánh Tông quy định, người lính mà bỏ vị trí chiến đấu chịu tử hình. Thời nay, người lính đào, bỏ ngũ phải cải tạo lao động và các hình thức kỷ luật khác. Tuy nhiên, cái hình thức nào cũng không bằng cái “án” trong mắt nhân dân, nếu đảo ngũ, đằng sau quay là hèn nhát, trẻ con cũng khinh, phụ nữ cũng khinh, không coi đó là đấng nam nhi, thà lấy người què, cụt làm chồng còn hơn lấy kẻ đào ngũ. Thế nên, trong lịch sử dân tộc ta và quân đội ta, cái số đằng sau quay là vô cùng cá biệt.

Ông là tiến sĩ thì phải nói thêm là trong khoa học lại càng không thể chấp nhận đằng sau quay trước khó khăn ông Phu ạ. Chắc ông đã biết, đúng ngày 19-8 vừa qua, chàng thanh niên Ngô Bảo Châu của Việt Nam nhận giải thưởng toán học Fields danh giá như giải Nobel trong toán học. Bổ đề cơ bản mà Giáo sư Châu chứng minh đã mấy chục năm qua thách đố toán học thế giới, chắc chắn không thể là chuyện tình cờ, và trong mấy năm trời vật lộn, có nhiều khi Ngô Bảo Châu gặp khó khăn như một mình giữa đại dương. Nhưng anh đã không khoanh tay, không buông tay, anh đã dũng cảm tiến lên, anh không đằng sau quay, cho dù, nếu có đằng sau quay trong chuyện này, anh vẫn là một nhà toán học nổi tiếng thế giới.

Trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, đều không thể thấy khó khăn là đằng sau quay. Đối với một con người, từ lúc cắp sách đến trường, cho đến lúc xế chiều luôn phải bao phen vượt khó vươn lên. Đối với một quốc gia dân tộc cũng như thế. Ông khuyên nước Việt Nam đằng sau quay là xong, là hòa nhập với thế giới, là hết luôn mọi yếu kém, trì trệ thì thật là siêu hình. Nếu Việt Nam đằng sau quay, thì quay về như trước năm 1945 chăng, hay quay về với thế giới tư bản?

Ông Phu đã biết rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Con đường của Đảng ta và dân ta chọn là con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trước năm 1945, sau 65 năm Đảng đã lãnh đạo dân tộc vùng lên rũ bỏ xiềng gông xây đời mới. 65 năm so với lịch sử chỉ là chớp mắt, mà thành quả cách mạng đem lại trên tất cả các lĩnh vực đều có những cột mốc chói sáng. Đất nước hoàn toàn độc lập, tự do. Đời sống nhân dân thay đổi nhanh chóng, thu nhập bình quân đầu người đã trên 1.000 USD. Dân chủ ngày càng thực chất trên mọi lĩnh vực đời sống. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Vị thế Việt Nam ngày càng khẳng định trên trường quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy đối với tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới. Kinh nghiệm đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam đã từng được bạn bè thế giới khâm phục và ngưỡng mộ, thì nay kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo, mang lại ấm no cho người dân cũng được thế giới đánh giá cao... Thành quả của cách mạng Việt Nam đang là một chủ đề sôi nổi của thế giới, họ cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ giỏi lãnh đạo kháng chiến mà còn giỏi lãnh đạo xây dựng hòa bình. Vậy mà ông Phu phủ nhận sạch trơn thành tựu, khuyên Việt Nam đằng sau quay, thì sẽ quay về đâu? Đến khi khó quá, lại tiếp tục đằng sau quay nữa sao ông?

Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Hàn Quốc… và nhiều nước trên thế giới đều có những lúc gặp khó khăn, nhất là kinh tế và xã hội. Những cuộc khủng hoảng, đổ vỡ từ các nền kinh tế lớn chấn động cả thế giới. Những vấn đề xã hội của họ cũng đôi khi gay gắt, không có lối ra. Không biết lúc ấy đất nước họ có nhà lý luận nào khuyên họ đằng sau quay không?

Tôi nghĩ, đóng góp cho Đảng, cho đất nước, dân tộc, trước hết cần có một tấm lòng. Ông tung ra một luận điệu mới mẻ về ngôn từ nhưng mơ hồ về bản chất, vì tâm ông không sáng đó thôi./.

(Theo: Xuân Bằng/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất