Thứ Hai, 7/10/2024
Thể thao
Chủ Nhật, 13/6/2010 11:50'(GMT+7)

Nói “không” với lao động trẻ em

Các cầu thủ, vận động viên, huấn luyện viên và khán giả cùng hát vang bài hát “Chống lao động trẻ em” và giơ “Thẻ đỏ chống lao động trẻ em”.

Các cầu thủ, vận động viên, huấn luyện viên và khán giả cùng hát vang bài hát “Chống lao động trẻ em” và giơ “Thẻ đỏ chống lao động trẻ em”.

Hoạt động này do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Liên đoàn Thể thao Việt Nam; Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) tại Việt Nam và cơ quan Hợp tác Phát triển Tây Ban Nha (AECID) phối hợp tổ chức, nhằm mang đến cho tất cả trẻ em Việt Nam những phút giây vui vẻ, thư giãn và cơ hội học hỏi, giao lưu với cộng đồng.

Sự kiện này cũng là lễ khai mạc Liên hoan Khiêu vũ thể thao thanh thiếu nhi toàn quốc 2010, do Liên đoàn thể dục Việt Nam (VGF) tổ chức, với sự tham gia của các vận động viên khiêu vũ thể thao nổi tiếng và gần 2000 vận động viên khiêu vũ thể thao thanh thiếu nhi Việt Nam.

Tại sự kiện này, ông Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Việc tuyên bố năm 2010 là năm chống lao động trẻ em của Liên đoàn thể dục Việt Nam đã thể hiện cam kết của chúng tôi trong nỗ lực xoá bỏ lao động trẻ em, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và hướng sự chú ý của mọi người tới vấn đề này…”.

Ngày thế giới chống lao động trẻ em năm nay trùng với Giải bóng đá thế giới (World Cup) được tổ chức tại Nam Phi và chiến dịch “Thẻ đỏ cho Lao động trẻ em” được phát động với khẩu hiệu “Một bàn thắng - một mục tiêu: Xoá bỏ lao động trẻ em”. Để truyền tải thông điệp này, tất cả khan giả tham gia sự kiện đều giơ cao tấm “Thẻ đỏ cho Lao động trẻ em”.

Theo thông tin mới nhất của “Báo cáo toàn cầu” về lao động trẻ em, số lao động trẻ em toàn cầu đã có xu hướng giảm nhưng với tốc độ rất chậm và không đồng đều giữa các khu vực. Trên thế giới, hiện có khoảng 215 triệu lao động trẻ em và khoảng 115 triệu em làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Trước trận thi đấu giao hữu giữa các em có hoàn cảnh đặc biệt với các cầu thủ trong đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Nhân sự kiện này, những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã có dịp gặp gỡ và thi đấu bóng đá giao hữu với các cầu thủ thuộc thế hệ vàng của đội tuyển quốc gia Việt Nam, như Tài Em, Minh Phương, Thành Lương và Đức Thắng... HLV Mai Đức Chung và HLV Henrique Calisto là trọng tài của trận thi đấu.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung chia sẻ: “Tôi muốn gửi tới tất cả người dân Việt Nam, đặc biệt là những ai yêu bóng đá một thông điệp: hãy xóa bỏ nạn lao động trẻ em. Hãy cho trẻ em cơ hội được học hành và vui chơi. Chúng ta hãy cùng chung sức mang lại cho các em tương lai tươi sáng. Các bạn hãy cùng tôi giơ Thẻ đỏ cho Lao động trẻ em”.

Danh hiệu Đại sứ thiện chí chống lao động trẻ em đã được trao cho Huấn luyện viên Mai Đức Chung với hy vọng, thông điệp chống lao động trẻ em sẽ được truyền đến công chúng qua vị huấn luyện viên có nhiều đóng góp cho nền thể thao nước nhà.

Bà Rie Vejs Kjeldgaard, Giám đốc ILO tại Việt Nam nhấn mạnh: “ILO sẽ cùng với Việt Nam nỗ lực giải quyết vấn đề này. Chúng ta cần phải chung tay xoá bỏ lao động trẻ em ở bất kỳ hình thức nào. Trẻ em cần phải được đến trường. Trẻ em là tương lai của chúng ta. Vì vậy, mối ưu tiên trước hết là dành cho các em cơ hội được học hành và phát triển kỹ năng”.

Được biết, “Dự án hỗ trợ xây dựng và thực hiện các chương trình nhằm xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất” của ILO tại Việt Nam sẽ khai trương tháng 3-2010 và đã được triển khai trong 4 năm. Dự án này hướng tới mục tiêu phòng ngừa và từng bước xoá bỏ hình thức lao động trẻ em ở Việt Nam./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất