Thứ Bảy, 21/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Thứ Ba, 12/7/2016 18:18'(GMT+7)

Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống nhân dân

Đồng chí Lâm Phương Thanh phát biểu kết luận Hội nghị

Đồng chí Lâm Phương Thanh phát biểu kết luận Hội nghị

Ngày 12/7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị báo cáo viên khu vực phía Bắc tháng 7-2016. Đồng chí Lâm Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin chuyên đề Kết luận về sự cố môi trường biển vừa qua tại một số tỉnh ven biển miền Trung; một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để cải thiện môi trường biển và ổn đinh đời sống của người dân trong vùng bị thiệt hại trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Trưởng ban Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân dân thông tin kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2016, những khó khăn, bất cập cần tập trung tháo gỡ và một số các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2016.

Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 thông tin chuyên đề Lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ, tình hình Campuchia và biên giới Việt Nam – Campuchia thời gian gần đây, dự báo thời gian tới.

Đồng chí Lâm Phương Thanh đã thông tin nhanh về Kết quả Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ Ba, khóa XII.

 
 Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày chuyên đề tại Hội nghị


Định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới, đồng chí Lâm Phương Thanh lưu ý đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền miệng môt số vấn đề sau:

Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016, nước ta đã và đang hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, do vậy, khi đánh giá, nhận xét về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, chúng ta cần đặt trong bối cảnh và bức tranh toàn cảnh của khu vực và thế giới thuận lợi và đặc biệt là những khó khăn, để nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện và khách quan hơn, từ đó khẳng định mạnh mẽ quyết tâm và nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng…của nước ta đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần tập trung tháo gỡ, khắc phục.

6 tháng đầu năm 2016, Kinh tế toàn cầu tăng với tốc độ chậm lại; kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm; các nền kinh tế lớn, các bạn hàng lớn của nước ta, như: Mỹ, Nhật Bản, EU tăng trưởng yếu; đặc biệt sự kiện Brexit ở nước Anh đang phá vỡ thế cân bằng quyền lực ở châu Âu, làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu, tạo ra những thách thức mới đối với quá trình toàn cầu hóa. Nước ta, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, những khởi sắc về thu hút đầu tư, tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu tác động đến nước ta nhanh hơn, trên diện rộng hơn. Rét đậm, rét hại ở phía Bắc; hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng ở Tây Nam Bộ; sự cố môi trường hải sản chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung… ảnh hưởng lớn tới sản xuất và đời sống của hàng triệu người dân. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến giá trị nông, lâm, thủy sản giảm so với các năm trước và giảm so với kế hoạch….

Đáng chú ý, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong thời gian qua diễn ra rất chậm chạp dẫn đến số lượng doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam hiện vẫn còn quá lớn, với hơn 3.100 doanh nghiệp Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, 796 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (trong khi các quốc gia phát triển có nền kinh tế thị trường đầy đủ số doanh nghiệp nhà nước giữ 100% vốn rất ít, như Australia: 17 doanh nghiệp; Pháp: 51; Đức: 59; Anh, Hàn Quốc: 21...). Hoạt động của khối danh nghiệp nhà nước hiệu quả thấp, yếu kém, chỉ tạo ra việc làm cho 1,4 triệu/11,8 triệu lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp (Doanh nghiệp FDI sử dụng gần 3,4 triệu lao động; doanh nghiệp tư nhân: 7 triệu lao động).

Trước tình hình đó, các địa phương, các ngành, các cấp đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ nêu rõ trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7 tháng 01 năm 2016, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 mà Đại hội lần thứ XII của Đảng và Quốc hội khóa XIII đã đề ra.

Về tăng trưởng GDP, phải khẳng định rằng, kinh tế 6 tháng đầu năm 2016 của nước ta GDP đạt 5,52%, thấp hơn mức 6,28% năm 2015, 5,98% năm 2014 nhưng cao hơn mức tăng các năm 2012 – 2013 (2012 tăng trưởng 5,25%; 2013: 5,4%);  tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta 6 tháng đầu năm 2016 mặc dù chưa đạt được kỳ vọng của nhân dân, nhưng đây cũng là một kết quả của sự nỗ lực, cố gắng trong bối cảnh khó khăn. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm soát, an sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường.

Mục tiêu quan trọng nhất của nước ta hiện nay không phải là tăng trưởng bằng mọi giá mà là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống nhân dân.

Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đồng chí Lâm Phương cũng nhấn mạnh, cần tuyên truyền, khích lệ tinh thần nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động, sáng tạo hơn nữa của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tiếp tục triển khai tuyên truyền sâu rộng, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 7/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, chính sách tiền tệ linh hoạt năm 2016. Vận động các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra.

Hai là, về lĩnh vực nông nghiệp, cần thường xuyên tuyên truyền để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới; các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương tập trung rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, kinh doanh gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để thích nghi và khắc phục một cách cơ bản về những bất cập từ biến đổi khí hậu… thực hiện các giải pháp để nông nghiệp có khả năng cạnh tranh cao hơn, tận dụng mọi khả năng để phục hồi, duy trì tăng trưởng sản xuất, tạo cơ sở vững chắc để đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ba là, về lĩnh vực công nghiệp, tuyên truyền sâu rộng về các giải pháp phục hồi tăng trưởng của các ngành công nghiệp, chế biến hàng hóa xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về phát triển nguồn nguyên liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông nghiệp, nông thôn, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bốn là, tuyên truyền thúc đẩy hội nhập quốc tế, bằng nhiều hình thức để người dân và doanh nghiệp có kiến thức và ý thức về việc tổ chức thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của nước ta trong khuôn khổ Cộng đồng ASAEN và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, để không bị “thua trên sân nhà”.

Về sự cố môi trường gây hải sản chết hàng loạt ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung, khi tổ chức thông tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đề nghị cần nêu rõ đây là một sự cố nghiêm trọng, có yếu tố nước ngoài, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, môi trường, xã hội, an ninh, chính trị cả trước mắt và lâu dài đối với nước ta nói chung và 4 tỉnh miền Trung nói riêng. Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo trực tiếp sâu sát, thường xuyên của Thủ tướng và Thường trực Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành chức năng của nước ta, như: Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam… và sự tranh thủ có hiệu quả với Chính quyền Đài Loan buộc phía Fomosa phải hợp tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam giải quyết vụ việc.

Bên cạnh đó, cần khẳng định công tác chỉ đạo ứng phó, tìm ra nguyên nhân, giải quyết khắc phục sự cố của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng của nước ta từ Trung ương đến địa phương thời gian qua là khẩn trương, quyết liệt, kịp thời; tổ chức điều tra một cách khoa học, chặt chẽ, đúng pháp luật, xác định được nguyên nhân, xác định đối tượng gây ra sự cố môi trường làm hải sản chết bất thường, buộc phía FOMOSA công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người dân, khắc phục hậu quả môi trường, cam kết không tái phạm việc vi phạm pháp luật về môi trường là một thành công quan trọng bước đầu.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc, xác định rõ mức độ thiệt hại, mức độ vi phạm, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và cá nhân liên quan đến vụ việc.    

Qua sự cố môi trường này, các cấp, các ngành, các địa phương cần nhìn nhận một cách toàn diện, đầy đủ về thu hút đầu tư, về các biện pháp quản lý dự án đầu tư, quản lý doanh nghiệp từ khâu phê duyệt, thi công, vận hành thử nghiệm đến sản xuất đều phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, từ đó tham mưu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách vừa tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi, vừa không để tái diễn những vụ việc tương tự.  

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền khắc phục sự cố, khôi phục lại hệ sinh thái biển, tập trung tuyên truyền, quán triệt để nhân dân hiểu rõ, đây là công việc lâu dài, khó khăn, tốn nhiều công sức và tiền của. Các kim loại nặng lắng xuống trầm tích là vấn đề phức tạp, nan giải, trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục đấu tranh để Fomosa hợp tác xử lý, khôi phục hệ sinh thái Biển, nhất là san hô.

Trước mắt, đối với các địa phương bị thiệt hại cần tổ chức điều tra cụ thể, chính xác, xác định mức độ thiệt hại của người dân trong vùng xảy ra sự cố, trên cơ sở đó thực hiện việc bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân theo đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, chính xác; bảo đảm việc kê khai trung thực, đúng mức. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện phải có sự tham gia, giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan báo chí, đặc biệt không để xảy ra tình trạng trục lợi, bớt xén tiền hỗ trợ của người dân.

Về quan hệ Việt Nam – Campuchia, đồng chí Lâm Phương Thanh cũng khẳng định mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc. Đảng và Nhà nước ta luôn trân trọng, vun đắp cho mối quan hệ này.

Bên cạnh đó, đồng chí Lâm Phương Thanh cũng đề nghị đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp cần triển khai báo cáo nhanh về kết quả Hội nghị Trung ương 3 khóa XII, tuyên truyền nội dung kết quả của kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV... Thiết thực kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7, các cấp, các ngành cần quan tâm tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi thương bệnh binh.

Trong thời gian tới, nhân ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng 1-8, cần tổ chức gặp mặt không chỉ những anh chị em cán bộ làm trong ngành tuyên giáo, mà gặp gỡ, động viên các lực lượng làm công tác tuyên giáo trên cả nước. Từ đó, trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm giữa các thế hệ, các binh chủng làm công tác tuyên giáo để đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo, tạo sự đột phá trong công tác tuyên giáo thời gian tới, trong đó có công tác tuyên truyền miệng.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất