Cách
đây gần 20 năm, Hội đồng quốc gia cải cách giáo dục Nhật Bản cho rằng giáo dục
Nhật Bản đang đối diện một hiện tượng nghiêm trọng gọi là sự phân rã giáo dục.
Đó là tình trạng trong đó đã mất đi sự liên kết cần thiết giữa ba môi trường
giáo dục: nhà trường, gia đình và cộng đồng. Hệ quả của sự phân rã giáo dục này
là hiện tượng mất kỷ cương trường lớp, một vấn đề nhức nhối trong xã hội Nhật
Bản lúc bấy giờ. Trong trường là các hành vi trốn học, bỏ học, bạo lực học
đường. Ở nhà nảy sinh vấn đề con hư, “thế giới cô lập” của trẻ, sự phá vỡ các
quan hệ truyền thống gia đình. Ngoài xã hội, có chiều hướng gia tăng các tội ác
hình sự do vị thành niên gây nên.
Ở nước
ta, dù trong Luật Giáo dục, có hẳn một chương về nhà trường, gia đình và xã
hội, nhưng thực tế mối quan hệ tay ba này còn lỏng lẻo. Giáo dục Việt Nam cũng
đang đứng trước hiện tượng phân rã giáo dục.
Nguyên
nhân sâu xa của sự phân rã này là hiện tượng phân rã văn hóa. Đó là tình trạng
khi ba môi trường văn hóa nhà trường, gia đình và xã hội không những không có
sự gắn bó với nhau mà thậm chí còn xung đột nhau.
Trong
gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới vừa qua, khi chúng ta phát triển chủ yếu
theo chiều rộng ở mọi lĩnh vực, chúng ta đã có cơ chế thích hợp - đó là cơ chế
cởi trói, tập trung vào việc dỡ bỏ các ràng buộc vô lý của một nhà nước bao
cấp. Thành công của cơ chế cởi trói là đã giải phóng năng lượng vốn có trong
các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đem lại nguồn lực và động lực cho phát triển.
Giáo dục, nhờ đó cũng đã có bước phát triển mới và có đóng góp đáng kể trong
việc làm thay đổi diện mạo chung của đất nước.
Khi
đất nước đã trở thành một nước thu nhập trung bình, lại hội nhập sâu rộng với
thế giới, thì hệ thống kinh tế - xã hội, trong đó có giáo dục, trở thành phức
tạp và đa dạng hơn trước rất nhiều. Trong khi đó, cơ chế vận hành hệ thống vẫn
chủ yếu là tìm cách tháo gỡ các nút thắt, khơi thông các tắc nghẽn và trong
khuôn khổ của một tiếp cận đơn yếu tố, một đổi mới chắp vá, không còn phù hợp
với giai đoạn phát triển mới về chất. Có thể nói cho đến nay giáo dục Việt Nam
vẫn chưa có một nhận thức đầy đủ về vai trò của văn hóa trong giáo dục. Ngay
trong Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục Việt Nam, trong 9 nhiệm vụ, giải pháp lớn được đề ra, không thấy
nói đến giải pháp về văn hóa.
Trên
thực tế, văn hóa nhà trường chưa được quan tâm xây dựng. Còn văn hóa gia đình
và văn hóa xã hội đang có những đảo lộn đáng lo ngại về giá trị. Giữa ba môi trường
văn hóa này không những thiếu sự kết nối, phối hợp, thậm chí còn có biểu hiện
trái chiều, lệch pha, xung đột về giá trị.
Về văn
hóa học đường, có thể hiểu là hệ các chuẩn mực, giá trị, tạo nên đời sống nhà
trường, được nảy sinh từ những hoạt động, thái độ và quan hệ ứng xử có ý thức
và không có ý thức trong quản lý, giảng dạy và học tập của nhà trường. Các cán
bộ quản lý, nhà giáo, người học, phụ huynh đều đóng góp vào văn hóa học đường
theo cả hai phía tích cực và tiêu cực. Nếu các chuẩn mực, giá trị tạo nên văn
hóa nhà trường không được làm rõ, xây dựng và phát triển một cách có ý thức thì
mặt tiêu cực sẽ có chiều hướng lấn át mặt tích cực, mà kết quả cuối cùng là
chất lượng dạy và học không đảm bảo, nhân cách người học có vấn đề.
Ở nước
ta, mặc dù trong mấy năm gần đây việc triển khai cuộc vận động “Xây dựng trường
học thân thiện, học sinh tích cực” có thể coi là một tiếp cận đến việc xây dựng
văn hóa học đường, nhưng việc tổ chức thực hiện về cơ bản vẫn dừng lại ở một
hoạt động mang tính phong trào. Trên thực tế, việc xây dựng một cách có ý thức
các chuẩn mực, giá trị tạo nên văn hóa nhà trường còn mang tính hình thức, chưa
được thực sự coi trọng và vì vậy các văn hóa tiêu cực đang có chiều hướng loang
rộng trong các nhà trường của ta. Điều đó giải thích vì sao có những hiện tượng
bất thường về nhân cách như đổi tình lấy điểm, bạo lực học đường, thậm chí cả
sự chạm đáy về mất nhân cách là trò đánh thầy hoặc thuê người đánh thầy.
Trên
một phương diện khác, nếu các chuẩn mực, giá trị có được đặt ra thì thường là
các chuẩn mực, giá trị quá cao xa, lý tưởng, chưa phù hợp với mục tiêu cơ bản
của giáo dục. Nếu so sánh với các chuẩn mực, giá trị trong văn hóa học đường
các nước có nền giáo dục tiên tiến, trong đó mục tiêu giáo dục thường mang tính
cụ thể và thiết thực nhằm hướng tới người học thành công, người lao động tự tin
và người công dân có trách nhiệm thì rõ ràng chúng ta đang hướng tới một thứ
“văn hóa lãnh tụ” trong nhà trường, mà sự vận động trong thực tế lại dẫn đến
“văn hóa” thành tích, thậm chí là “văn hóa” cơ hội, “văn hóa” dối trá.
Những
tiêu cực nêu trên đang tác động xấu tới nhân cách người học. Vì vậy, rất cần
một nghiên cứu thấu đáo về văn hóa học đường hiện nay để có giải pháp xây dựng
văn hóa học đường, với tư cách là nền tảng tạo ra những yếu tố cốt lõi, tích
cực và lành mạnh tác động tới sự hình thành và phát triển nhân cách người học.
Về văn
hóa gia đình, cũng có thể hiểu là hệ các chuẩn mực, giá trị, tạo nên đời sống
gia đình. Văn hóa gia đình có tác động quan trọng đến định hướng giá trị của
đứa trẻ, tức là nhân cách của nó. “Bất kể sự di truyền sinh học từ cha mẹ và tổ
tiên như thế nào thì đứa trẻ còn được tiếp nhận từ họ một di sản các thái độ,
tình cảm và giá trị, có thể gọi là truyền thống gia đình hoặc văn hóa gia
đình”.
Như
thế, văn hóa gia đình gắn liền với truyền thống gia đình, tức là các giá trị,
niềm tin, quan hệ đối xử, gia phong, tục lệ đã hình thành một cách bền vững và
truyền từ đời này sang đời khác trong gia đình. Từ xưa đến nay, ở bất kỳ xã hội
nào, các gia đình đều tạo dựng truyền thống và tự hào về truyền thống của mình
với tư cách là một công cụ hữu hiệu để khắc sâu vào tâm khảm đứa trẻ những giá
trị xã hội. Việc duy trì và phát triển văn hóa gia đình vẫn tiếp tục đóng vai
trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách đứa trẻ. Thiếu văn
hóa gia đình, đứa trẻ sẽ rơi vào trạng thái mà các nhà xã hội học gọi là
entropy, tức là trạng thái trong đó đứa trẻ mất đi những liên kết tình cảm với
gia đình và cộng đồng.
Ở nước
ta, văn hóa gia đình đang có những đảo lộn quan trọng về giá trị. Trước hết,
gia đình truyền thống theo mô hình tam, tứ đại đồng đường đang được thay thế
dần bởi mô hình gia đình hạt nhân, không cứ ở thành thị mà ngay cả ở nông thôn.
Điều đó, kéo theo sự mất đi các giá trị truyền thống, tăng trạng thái entropy
mà biểu hiện cụ thể là những xung đột gia đình vì lợi ích kinh tế, những vụ
ngoại tình và ly hôn bất kể hậu quả đến con cái, những hành vi không kiểm soát
của đứa trẻ trong yêu đương, sinh hoạt tình dục, chơi bời, giải trí, v.v..
Cùng
với sự mất đi các giá trị truyền thống là sự gia tăng các giá trị mới, cả tích
cực và tiêu cực, dưới tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Cùng
với các giá trị tự do, dân chủ, bình đẳng, công bằng đang chập chững bước chân
vào văn hóa gia đình là những giá trị quan hệ, tiền tệ, bằng cấp, cạnh tranh
đang chi phối rất mạnh tâm tư, tình cảm, hành vi của các bậc phụ huynh, những
người vốn là tấm gương gần gũi để đứa trẻ noi theo.
Có thể
nói văn hóa gia đình ở nước ta hiện nay là một văn hóa quá độ, trong đó những
giá trị truyền thống đang phai nhạt, các giá trị mới tích cực chưa thực sự hình
thành, các giá trị mới tiêu cực lại đang lấn át. Điều đó, dễ tạo thành một môi
trường văn hóa, không chỉ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách bình thường
của đứa trẻ, mà còn tạo nên những xung đột về giá trị khi đứa trẻ thấy những
giá trị mà bố mẹ nó đang theo đuổi khác xa với những giá trị được học trong nhà
trường.
Về văn
hóa xã hội, là một phạm trù rộng. Ở đây, xin giới hạn ở cách hiểu văn hóa xã
hội là hệ các chuẩn mực, giá trị tạo nên đời sống xã hội. Khi đó, mỗi xã hội
đều có văn hóa riêng gắn liền với truyền thống lịch sử, trình độ kinh tế, chế
độ chính trị và định hướng giáo dục của xã hội đó.
Đến
nay, nước ta về cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp và đang trong quá trình
chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường
định hướng XHCN. Vì thế, có thể nói ở nước ta hiện nay đang có sự chung sống
của ba dòng văn hóa: văn hóa tiểu nông, văn hóa bao cấp và văn hóa thị trường.
Dù rằng
đã có nhiều bước tiến quan trọng, nhưng trên thực tế văn hóa Việt Nam vẫn đang
ở giai đoạn giao thời, trong đó các giá trị mới chưa thực sự hình thành một
cách bền vững, các giá trị cũ đang chuyển động theo chiều hướng bám lấy các văn
hóa tiêu cực trong văn hóa tiểu nông, văn hóa bao cấp và văn hóa thị trường.
Điều này tác động tiêu cực đến nhân cách của các lớp người khác nhau, như tính
tùy tiện, cố chấp, vô kỷ luật, đến đâu hay đó trong lớp người lao động; tính
hống hách, cửa quyền, bảo thủ, cơ hội, giả dối, bè cánh, ô dù trong hàng ngũ
cán bộ, công chức; tính hám lợi, mánh lới, chụp giật, xu nịnh, luồn lọt, chạy
chọt trong giới doanh nhân.
Với
một “văn hóa” thị trường mông muội đang bám rễ vào mảnh đất còn chứa nhiều tàn
dư chưa dễ loại bỏ của văn hóa tiểu nông và văn hóa bao cấp, đã đặt ra cho nền
giáo dục Việt Nam những bài toán hóc búa về văn hóa.
Thực
ra, những “văn hóa tiêu cực” nêu trên đã được ít nhiều chỉ ra trong Nghị quyết
Trung ương 5 khóa VIII, cùng với nhận định “nghiêm trọng hơn là sự suy thoái về
đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán
bộ có chức, có quyền”. Đại hội XI của Đảng tiếp tục nhận định: “Tình trạng suy
thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán
bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng”. Có điều,
cái không nhỏ của ngày hôm nay xem ra lớn hơn, nghiêm trọng hơn cái không nhỏ
của 16 năm về trước.
Đó là
ngưỡng báo động trong nhân cách người Việt Nam hiện nay. Nó thể hiện ở sự hình
thành một thang giá trị mới, trong đó đầu bảng là “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”,
còn cuối bảng là “trí tuệ”. Việc chạy theo các giá trị đầu bảng trên dẫn tới
một phổ hiện tượng, từ đơn giản như lệch chuẩn văn hóa, đến xâm phạm văn hóa,
mất văn hóa, phản văn hóa, nhưng lại gần như đã trở thành bình thường trong đời
sống xã hội. Đặc biệt nghiêm trọng là hiện tượng làm gian, nói dối và vô cảm
đang có nguy cơ trở thành một đặc tính trong nhân cách người Việt.
Những
văn hóa tiêu cực như vậy trong xã hội đang cộng hưởng với những văn hóa gia
đình tiêu cực và tạo nên sự xung đột giá trị với những gì được giảng dạy trong
nhà trường. Học sinh, sinh viên ngày nay đang thực sự đứng trước một vấn đề nan
giải, giữa một bên là những kỳ vọng về một xã hội tốt đẹp với một bên là sự lên
ngôi của cái tha hóa; giữa một bên là con người lý tưởng của giáo dục XHCN với
một bên là con người thực dụng của kinh tế thị trường.
Như
thế, bài toán văn hóa là một bài toán vừa căn bản vừa cấp thiết đối với sự phát
triển hiện nay của giáo dục Việt Nam, không chỉ giới hạn ở việc xây dựng văn
hóa học đường, mà quan trọng hơn là khắc phục tình trạng phân rã văn hóa như đã
chỉ ra ở trên. Chính sự phân rã này đang ngấm ngầm xói mòn hệ giá trị mà chúng
ta mong muốn hình thành ở thế hệ tương lai mà giáo dục đang có trọng trách xây
dựng.
Mục
tiêu tột cùng của bài toán văn hóa trong giáo dục là xây dựng nhân cách con
người Việt Nam. Nhân cách này đã được phác họa trên những nét lớn trong Nghị
quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam cũng như trong Nghị
quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa mà các Hội nghị Trung ương khóa XI
mới ban hành. Theo đó, chúng ta đã có một bước chuyển quan trọng trong định
hướng xây dựng nhân cách con người Việt Nam. Thay vì một mô hình nhân cách cao
xa, khuôn sáo, không thể nào với tới, là một mô hình hiện thực, phù hợp và khả
thi, một mô hình con người mà bằng nỗ lực chắc chắn có thể chạm tới.
Vì
thế, bài toán văn hóa trong giáo dục không thể dừng lại ở cách phát biểu chung
chung. Cần phải cụ thể dưới dạng sau: Làm thế nào để khắc phục hiện tượng phân
rã văn hóa trong giáo dục hiện nay để rút ngắn khoảng cách trên con đường đi
tới các giá trị mong muốn trong nhân cách con người Việt Nam. Trước mắt, cần
chuyển từ mô hình nhân cách con người Việt Nam mang tính lý tưởng sang mô hình
nhân cách con người Việt Nam hiện thực, phù hợp, khả thi, có thể đạt được trong
vòng 10 đến 20 năm tới chẳng hạn. Nói cách khác, cần kéo cái trần giá trị
từ trên cao tít tắp đến gần hơn, với những giá trị thiết thực và tin cậy phản
ánh đúng những phẩm chất và năng lực mong muốn mà người Việt Nam cần có trong
giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Gần đây,
bước chuyển này đã phần nào được thể hiện qua định hướng xây dựng nhân cách con
người Việt Nam trong các Nghị quyết 29 và Nghị quyết 33 khóa XI; đó là “con
người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân
ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Có điều các giá trị
này cần được xem xét để bổ sung một số giá trị thời đại mà con người Việt Nam
trong giai đoạn hội nhập nhất thiết phải có, đó là tự do, dân chủ, công bằng và
khoan dung.
Cùng
với việc xác định trần giá trị, điều quan trọng không kém là xác định sàn giá
trị. Nghĩa là cần đi tới sự thống nhất của một số tối thiểu các giá trị cốt lõi
chung mà người Việt Nam phải có dù là trong nhà trường, gia đình, hay ngoài xã
hội. Chẳng hạn đó là những giá trị về sự tử tế, tính lương thiện, lòng trung
thực và tinh thần trách nhiệm. Các giá trị cốt lõi chung này sẽ đóng vai trò là
hạt nhân gắn kết giữa ba môi trường văn hóa, tạo nên sự đồng hướng cần thiết
trong việc giáo dục nhân cách con người Việt Nam ./.
GS.TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến
Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo