Thứ Năm, 10/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 13/3/2015 15:4'(GMT+7)

Phát huy vai trò người có uy tín

Một góc đô thị trung tâm thành phố Cần Thơ. (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)

Một góc đô thị trung tâm thành phố Cần Thơ. (Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân)

Sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ĐBSCL đã có bước phát triển về mọi mặt, nhất là văn hóa, giáo dục, cơ sở hạ tầng và giao thông nông thôn. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 8,98%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 15,2 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/năm; giải quyết việc làm cho 387,2 nghìn lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,6%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững… Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ở các địa phương vùng ĐBSCL, thông qua các cuộc vận động lớn, vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được phát huy mạnh mẽ. Tiêu biểu như mô hình "Tổ tự quản dòng tộc" do Hòa thượng Lý Sa Muoth, Chủ tịch Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu đề xướng. Mô hình gồm 12 tổ họ tộc với hơn 240 hộ Khơ-me ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Từ khi hoạt động (năm 2011) đến nay, mô hình đã có nhiều đóng góp trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm giảm đáng kể tệ nạn xã hội, củng cố an ninh trật tự. Còn ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Liêu được bà con tôn vinh là "thủ lĩnh" của phum, sóc. Không chỉ hỗ trợ vốn, giúp bà con biết thâm canh tăng vụ, chăn nuôi đúng kỹ thuật, tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ông Liêu còn vận động người dân đóng góp xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn trị giá hàng trăm triệu đồng. Một trường hợp khác là ông Danh Hương, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Bằng uy tín của mình, ông Hương đã hòa giải thành công hàng chục vụ mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp trong cộng đồng người dân tộc thiểu số; tích cực tuyên truyền, giúp bà con nhận rõ âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của đối tượng xấu…

Trong cộng đồng các dân tộc, tiếng nói của người có uy tín rất quan trọng, bởi họ có khả năng thuyết phục cộng đồng thông qua những hành động cụ thể và trình độ, năng lực của mình. Họ nắm vững phong tục, tập quán, lễ nghi tôn giáo, có kiến thức về pháp luật, hết lòng phụng sự cộng đồng. Ngày nay, người có uy tín còn là những điển hình trong áp dụng thành tựu, tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, làm giàu chính đáng và biết giúp đỡ cộng đồng cùng phát triển. Vì thế, người có uy tín không chỉ là các vị Hòa thượng, À cha, chức sắc tôn giáo, ban quản trị các chùa Khơ-me mà còn là những điển hình sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt và những trí thức trẻ.

Điểm chung của những người có uy tín là tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước; gương mẫu thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thuyết phục cộng đồng làm theo. Có thể nói, đây là sự kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào dân tộc thiểu số luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và phát triển đất nước.

Để phát huy hiệu quả vai trò của người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho người có uy tín, nhất là những chủ trương liên quan đến chính sách dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh; thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có uy tín và tạo điều kiện thuận lợi để họ tham gia các phong trào hoạt động xã hội, các cuộc vận động của địa phương./.

Hồng Hiếu (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất