Thứ Năm, 26/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 21/7/2010 10:56'(GMT+7)

Tính chiến đấu, tầm văn hoá và sức thuyết phục

Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương. Ảnh tư liệu

Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương. Ảnh tư liệu

PV: Công tác tuyên giáo của Đảng đã có truyền thống 80 năm. Là người gắn bó lâu năm và từng giữ trọng trách trong ngành tuyên giáo, giờ đây với đồng chí, điều gì là lắng đọng nhất trong quá trình công tác của mình?

Nhà báo Hữu Thọ: Cũng như các đồng chí khác, từ khi tôi được đứng trong hàng ngũ của Đảng đã có trách nhiệm làm công tác tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân theo Điều lệ Đảng, nghĩa là từ tháng 10/1950 cho tới nay. Nhưng nếu kể từ khi làm công tác tư tưởng chuyên trách thì phải kể từ khi làm chính trị viên trung đội du kích “Căm hờn”, chính trị viên đại đội bộ đội chủ lực hoạt động vùng sau lưng địch, tham gia tiếp quản thị xã Hải Dương. Sau Hiệp định Genève 1954 được phân công Trưởng ban Tuyên huấn, rồi được điều động lên Trung ương làm báo Đảng, tham gia lãnh đạo Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

Kể ra như thế để thấy công tác tư tưởng, văn hóa có nhiều lĩnh vực khác nhau mà tôi cũng được Đảng phân công tham gia một số lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực đều có nội dung và kinh nghiệm khác nhau, nhưng tôi nghĩ rằng lĩnh vực nào cũng cần quán triệt tinh thần chiến đấu, tầm văn hóa, sức thuyết phục.Người làm công tác tư tưởng văn hóa luôn luôn nêu cao tinh thần chiến đấu cho mục tiêu lý tưởng của Đảng vì nước vì dân, chiến đấu ủng hộ những nhân tố mới vì sự tiến bộ xã hội trong công cuộc đổi mới; những tấm gương tốt đẹp trong cuộc sống, chiến đấu chống các hoạt động xâm lược, xâm phạm chủ quyền quốc gia, chiến đấu chống lại các bệnh quan liêu, xa rời thậm chí ức hiếp nhân dân, tư tưởng bảo thủ trì trệ, thái độ vô trách nhiệm, các hành vi lãng phí, tham ô, sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận, cán bộ viên chức.

Đối tượng công tác tư tưởng là con người với kiến thức ngày một nâng cao. Mục đích của công tác tư tưởng là khơi dậy và phát huy tinh thần tự giác, khả năng sáng tạo của từng cá nhân và tập thể. Do đó, công tác tư tưởng không thể dùng cách áp đặt, ra lệnh mà chỉ có thể thuyết phục thông qua sinh hoạt dân chủ bằng việc cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, đối thoại bình đẳng với tấm lòng chân thành, trong sáng của cán bộ làm công tác tư tưởng.Có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí chiến đấu kiên cường, gắn bó với nhân dân, sát thực tiễn, giữ gìn nhân cách, phẩm chất cách mạng, luôn luôn học tập, rèn luyện phương pháp, phong cách thuyết phục có lý lẽ, có văn hóa của những đồng chí làm công tác tư tưởng, văn hóa đàn anh đã để lại cho tôi những tấm gương để noi theo.

PV: Mặc dù đã nghỉ công tác nhưng đồng chí vẫn thường xuyên có nhiều bài viết về đề tài hôm nay được bạn đọc hâm mộ. Vậy đồng chí có thể “bật mí” đôi chút về phương pháp tiếp nhận, xử lý thông tin và lựa chọn vấn đề?

Nhà báo Hữu Thọ: Tôi đã nghỉ hưu từ tháng 1/1997, nghĩa là được Đảng giữ lại làm việc cho tới 75 tuổi. Sau khi về hưu, tổ chức muốn tôi tham gia lãnh đạo Hội này Hội khác nhưng lại không được khỏe, tôi xin phép được nghỉ. Tuy nghỉ rồi nhưng một số bạn đồng nghiệp vẫn mời viết báo, giữ chuyên mục của báo và mời tham gia một số hội thảo khoa học. Nghĩa là vẫn phải có ý kiến về các vấn đề thế sự khi không còn ở trong guồng máy hoạt động có khả năng tiếp cận các thông tin thời sự chính thức.

Thực ra, trong thời đại ngày nay có rất nhiều nguồn thông tin từ báo chí bao gồm cả báo điện tử, các trang web, các mạng tìm kiếm, rồi sinh hoạt Đảng ở cơ sở, ở khu dân cư, gặp gỡ bạn bè cũ và mới cũng có rất nhiều nguồn thông tin đời thường, hiểu thêm tâm tư của nhiều lớp người mà khi còn làm việc không có thời gian và điều kiện để tiếp cận.Nghĩa là khi về hưu lại được biết cuộc sống đời thường nhiều hơn, nhưng cho dù thông tin phong phú, đa dạng, chủ yếu vẫn không phải là thông tin chính thức. Cho nên phải tìm đến những thông tin chính thức nhưng những thông tin đến với cơ sở đảng lại rất ít và sơ sài.Do đó, tôi phải dựa vào tài liệu của Ban Tuyên giáo, những ý kiến trao đổi với bạn bè công tác ở Ban, những bạn đồng nghiệp ở cơ quan truyền thông của các cơ quan có thẩm quyền để có những thông tin chính thức mà tiếp tục suy nghĩ về các vấn đề thời sự. Những gì cho là đã hiểu biết thì viết bài và trao đổi ý kiến. Tuy nhiên có những vấn đề phức tạp, tuy có nhiều thông tin từ dư luận xã hội, nhưng nếu nhận thấy chưa hiểu biết kỹ thì cũng chưa thể tùy tiện nói và viết.

PV: Việt Nam gia nhập WTO đã gần 4 năm. Theo đồng chí, từ khi gia nhập WTO đến nay, công tác tuyên giáo của Đảng có những thách thức và thuận lợi gì đặt ra?

Nhà báo Hữu Thọ: Tham gia WTO là tham gia sâu sắc và toàn diện vào thương mại hóa toàn cầu, còn đề cập việc tác động tới công tác tư tưởng thì phải tính từ quá trình đổi mới thực hiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước hội nhập nền kinh tế thế giới và giao lưu văn hóa thế giới.

Trong thời kỳ mới, tránh được chủ quan duy ý chí, khơi dậy sự quan tâm, tính hiệu quả của công việc, sức sáng tạo của từng tổ chức và cá nhân được nâng cao, nhưng lại xuất hiện môi trường dễ phát triển chủ nghĩa thực dụng, cá nhân vị kỷ. Cuộc đấu tranh giữa hai lối sống mà văn kiện Đại hội VI của Đảng mở đầu thời kỳ đổi mới đã cảnh báo, giữa lối sống có lý tưởng vì nước vì dân với lối sống cá nhân vị kỷ, thực dụng... Đây thực sự là cuộc đấu tranh lâu dài và ngày càng phức tạp, không thể xem thường.

Thực hiện giao lưu văn hóa, chúng ta có điều kiện để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại làm cho con người có hiểu biết rộng hơn, xa hơn để hiểu đúng về mình hơn, quyết tâm nâng tầm hiểu biết ngang tầm nhiệm vụ của dân tộc và tầm cao thời đại.Tuy nhiên, cần thấy cùng với những giá trị chung của loài người, mỗi dân tộc lại có những giá trị đặc thù, từ truyền thống văn hóa lâu đời khác nhau, cho nên có những hiểu biết khác nhau về một số khái niệm như vấn đề dân chủ, nhân quyền... Giao lưu văn hóa để học cái tốt, cái hay chứ không phải cái xấu xa, cái lỗi thời của bạn bè, nhưng phải giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mà Hồ Chủ tịch gọi là “cốt cách dân tộc”. Thấy rõ và ngày càng sâu sắc việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu văn hóa quốc tế, rồi chợt giật mình khi nhớ phát biểu của tên phát xít đầu sỏ độc ác sử dụng sức mạnh quân sự nêu rõ trong thế kỷ XX, khi ông ta dặn các thủ lĩnh thuộc quyền đi xâm lược các nước vùng Sla-vơ: “Tiêu diệt cái nôi văn hóa dân tộc là tiêu diệt dân tộc đó tận gốc rễ”.

PV: Xin cám ơn đồng chí./.

Tạp chí Tuyên giáo




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất