Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 31/7/2015 9:40'(GMT+7)

Phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới - cơ hội và thách thức



Từ khi tiến hành Đổi mới (1986) đến nay, việc thực hiện cải cách tuần tự và có trọng tâm đã khiến cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam dần dần thích ứng với sự phát triển của kinh tế, chính trị, xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề mà chúng ta đang gặp phải là quá trình bắt nhịp của cải cách thể chế văn hóa với cải cách thể chế kinh tế, chính trị, xã hội còn chậm, khả năng thích nghi với thông lệ quốc tế chưa cao, vai trò ổn định xã hội, tăng cường sức sáng tạo văn hóa, hình thành hệ giá trị còn gặp nhiều bất cập. Điều này cho thấy một thực tế, trong thời gian tới, nếu muốn cải cách thể chế văn hóa thực sự trở thành chìa khóa mở ra tương lai phát triển của văn hóa Việt Nam theo hướng tiến tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, chúng ta phải tận dụng tối đa các cơ hội đang đặt ra từ bối cảnh thế giới, tình hình trong nước, đồng thời cần phải vượt qua nhiều thách thức để tìm ra các giải pháp phù hợp.

1. Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước, văn hóa Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh trong nước cũng như thế giới đang có nhiều thay đổi.

Sự phát triển mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa và của cuộc cách mạng khoa học, kỹ thuật và công nghệ bên cạnh những mặt tích cực, cũng đem đến những tiêu cực trên lĩnh vực tư tưởng, đạo đức và lối sống của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ. Sự bùng nổ về thông tin, truyền thông đi liền với quá trình mở cửa, đẩy mạnh giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa, áp lực từ việc du nhập các văn hóa phẩm vào nước ta ngày càng gia tăng và khó kiểm soát, trong khi trình độ quản lý và phương diện kỹ thuật để quản lý những vấn đề mới mẻ này còn hạn chế, dẫn đến lúng túng, bị động trong tổ chức thực hiện.

Trước sức ép phải vượt qua những khó khăn về kinh tế, kiểm soát lạm phát, việc nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý và doanh nghiệp chưa đúng tầm; chưa nhận thức đúng mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế, văn hóa và chính trị trong việc giải quyết những vấn đề của đất nước. Nhiều cấp quản lý và người có trách nhiệm vẫn còn mơ hồ trong nhận thức vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, chưa coi phát triển văn hóa là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc thể chế hóa đường lối của Đảng về phát triển văn hóa thành pháp luật và các chính sách còn chậm. Các giải pháp cho phát triển văn hóa trong tương lai thường bị động, mang tính tình thế, vừa có biểu hiện buông lỏng, hữu khuynh, vừa mang tính áp đặt chủ quan, giáo điều, máy móc.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu lý luận còn bất cập. Chưa đưa ra được những dự báo và định hướng chuẩn xác. Chưa làm rõ nhiều vấn đề lý luận về phát triển văn hóa trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, giữa phát triển văn hóa với công tác xây dựng Đảng, vấn đề bảo tồn và phát triển trong thời kỳ toàn cầu hóa, vấn đề phát triển các ngành nghề sáng tạo và sản xuất văn hóa, phát triển công nghiệp và dịch vụ văn hóa. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn dàn trải, phân tán, chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển đất nước. Nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng, trong cơ quan Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được coi trọng đúng mức. Tình trạng xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và trong xã hội tiếp tục gia tăng. Các phong trào vận động xây dựng văn hóa còn mang nặng tính hình thức, chạy theo thành tích, gây lãng phí, hiệu quả thấp...

Có thể thấy, với những giới hạn của mình, thể chế văn hóa Việt Nam chưa đủ mạnh để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và vững bước hội nhập quốc tế. Những gì đang diễn ra trong quá trình cải cách thể chế cũng phản ánh một thực tế, mặc dù chúng ta đã tạo nên nhiều sự thay đổi tích cực về phát triển văn hóa, song về thực chất, thể chế văn hóa của Việt Nam chưa tạo nên các động lực cần và đủ để thúc đẩy sự sáng tạo và hình thành nên các giá trị văn hóa hiện đại, tiên tiến, giàu bản sắc.

Hiện nay nền công nghiệp văn hóa của chúng ta còn non yếu, công tác quản lý văn hóa còn nhiều vấn đề bất cập, các bước cải cách đột phá về phát triển thị trường văn hóa chưa xuất hiện trong khi các làn sóng văn hóa, sản phẩm văn hóa nước ngoài đang lấn sân mạnh trên thị trường nội địa và khả năng xuất khẩu các sản phẩm văn hóa made in Việt Nam còn khiêm tốn. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương tiến hành các bước cải cách thực tế hơn, có chiều sâu hơn để tạo nên các khuôn khổ thể chế mới nuôi dưỡng, kích thích, thúc đẩy sự sáng tạo, hình thành các giá trị văn hóa tốt đẹp. Vì bên cạnh các thách thức từ bên ngoài, các hạn chế nội tại của thể chế văn hóa, Việt Nam vẫn có những điểm mạnh về thể chế và cơ hội từ bên ngoài tác động tích cực tới các bước đi trong tương lai của văn hóa.

Chúng tôi cho rằng, để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa nước ta từ nay đến năm 2020 theo chiến lược của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, cần phải xây dựng và đưa vào thực hiện các giải pháp cải cách thể chế phù hợp để văn hóa Việt Nam thực sự là nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.

2. Nhìn lại gần 30 năm thực hiện Đổi mới của Việt Nam, có thể thấy, từ việc kiên định cải cách tuần tự, tiệm tiến và điều chỉnh linh hoạt, nước ta đã hình thành các mô hình thể chế văn hóa mới nhằm giải phóng năng lực sáng tạo, tăng cường khả năng cạnh tranh của công nghiệp văn hóa, từng bước nâng cao chất lượng văn hóa, thỏa mãn các đòi hỏi ngày càng đa dạng về nhận thức, hưởng thụ văn hóa của người dân và thúc đẩy văn hóa hội nhập sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa. Nhưng những hạn chế nảy sinh trong quá trình triển khai thể chế văn hóa trong thời gian qua cũng cho thấy, Việt Nam vẫn chưa phát huy hiệu quả hệ thống pháp quy văn hóa, quá trình luật hóa trong đời sống còn chậm, phương thức chỉ đạo, quản lý văn hóa còn chồng chéo, cơ chế vận hành của các tổ chức văn hóa chưa hiệu quả dẫn đến tình trạng phát triển văn hóa chưa bắt kịp với phát triển kinh tế... Từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đến Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, Việt Nam đã xác định coi văn hóa vừa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển văn hóa cần phát triển đồng bộ với kinh tế - xã hội. Trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu này, cải cách thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên các khuôn khổ, môi trường thuận lợi nhằm nuôi dưỡng, kích thích sự phát triển và hội nhập của văn hóa Việt Nam trong mối quan hệ tổng hòa với cải cách thể chế ở các lĩnh vực khác. Chúng tôi xin đề xuất bốn giải pháp cơ bản sau: 

Một là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả phát triển văn hóa.

Muốn nâng cao hiệu quả phát triển văn hóa trong lĩnh vực văn hóa, Đảng cần đổi mới tư duy lãnh đạo văn hóa theo hướng: thay đổi thói quen chỉ coi văn hóa là hình thái ý thức và phủ nhận hình thái thương phẩm của nó, hoặc quan niệm quá chú trọng đặc tính thương phẩm của văn hóa mà phủ nhận tính hình thái ý thức của nó. Việc xử lý chính xác mối quan hệ này cần phải được thể hiện rõ ràng thông qua hệ thống các văn kiện chính thức của Đảng, tránh tình trạng diễn đạt mơ hồ, khó hiểu. Để thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước theo hướng cải cách thủ tục hành chính, xác định rõ vai trò, quyền hạn, chức năng quản lý văn hóa giữa các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, tránh chồng chéo, làm thay hoặc bỏ sót không làm. Cần ưu tiên bố trí, sắp xếp hợp lý hơn hệ thống quản lý báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, thông tấn, internet, văn hóa văn nghệ... sao cho sự phối hợp quản lý giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Bộ Thông tin và Truyền thông thực sự có hiệu quả. Trong lĩnh vực này, việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, luật pháp cần phải được đẩy mạnh theo hướng tiếp tục xây dựng và sửa đổi luật và các văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, quy định có liên quan đến lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình...

Đối với ngành xuất bản, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật xuất bản, tạo điều kiện hình thành các loại hình xuất bản, in ấn... Cụ thể hóa hơn nữa các thể chế quy định việc cấp phép, thu hồi giấy phép hoạt động xuất bản, báo chí, xuất nhập khẩu sách báo và quyết định xét duyệt, kiểm duyệt cho phổ biến tác phẩm; thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành tiêu hủy xuất bản phẩm, văn hóa phẩm vi phạm pháp luật, phản động, đồi trụy.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và cải tiến thể chế quản lý văn hoá trong các thiết chế văn hoá hiện có (nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng, cơ quan báo, tạp chí, nhà xuất bản, rạp chiếu bóng, nhà triển lãm, đội thông tin lưu động...).

Hai là, đẩy mạnh phát triển thị trường văn hóa, hình thành cơ cấu hợp lý cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa.

Hoàn thiện môi trường thể chế có khả năng đảm bảo sự phát triển ổn định của văn hóa. Cải cách thể chế văn hóa là một hoạt động có tính tổng hợp, có tính hệ thống cao, thể hiện mối liên hệ, gắn bó nhiều mặt như lao động, nhân sự, vốn, thuế, phân phối, bảo đảm xã hội, quản lý hành chính... Do đó, Đảng và Nhà nước phải thực thi đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tạo môi trường thể chế mạnh để giảm thiểu rủi ro, lệch hướng, dẫn đến sự trục lợi của các nhóm lợi ích, đầu tư vào tài sản thay vì đầu tư cho khoa học công nghệ, kích thích năng lực sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa. Muốn làm được như vậy, Nhà nước cần ưu tiên cải cách các mặt xét duyệt hành chính, sử dụng đất đai, mở rộng thị trường, đầu tư lưu thông vốn, thực hiện chính sách ưu đãi công nghiệp văn hóa phát triển. Đồng thời, Nhà nước cũng cần phải kiện toàn hệ thống pháp quy nhằm hướng sự vận hành của các ngành nghề, các đơn vị, doanh nghiệp, sự nghiệp văn hóa dựa trên việc tuân thủ pháp luật.

Đa dạng hóa sở hữu văn hóa, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các đơn vị, cơ quan sự nghiệp văn hoá và các đơn vị sản xuất, kinh doanh văn hoá phẩm theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cụ thể: cho phép và khuyến khích các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước tham gia các hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh văn hoá phẩm trong phạm vi mà pháp luật không cấm; ban hành các quy định pháp lý bảo đảm cho sự ra đời hoạt động và phát triển các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các doanh nghiệp văn hóa (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) hoạt động trên lĩnh vực văn hóa. Tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh văn hóa phẩm không rơi vào xu hướng “thương mại hóa”.

Tăng cường đầu tư tài chính cho văn hoá. Chính sách đầu tư cho văn hoá là một trong những nội dung quan trọng nhất trong xây dựng thể chế văn hoá mới. Tuy nhiên, ở lĩnh vực này chúng ta còn nhiều hạn chế ở cả mức đầu tư và sử dụng các khoản đầu tư cho văn hóa. Vì vậy, việc tăng mức đầu tư cho văn hoá cần hướng vào giải quyết ba vấn đề sau: (1) Cần xác định một chính sách đầu tư và tỷ lệ đầu tư thoả đáng cho văn hoá cân đối với phát triển kinh tế - xã hội. (2) Thông qua việc điều tiết, hướng dẫn của chính sách, tập trung tiền vốn phát triển vào các hoạt động văn hoá được Nhà nước xác định ưu tiên và xã hội có nhu cầu lớn. (3) Cần có chính sách hướng dẫn hoạt động đầu tư cho văn hoá của các chủ thể ngoài Nhà nước làm cho vốn đầu tư của xã hội và các đơn vị dùng vào các hạng mục phát triển văn hoá có hiệu quả.

Xây dựng cơ chế thực hiện chính sách “kinh tế văn hoá” nhằm gắn văn hoá với kinh tế, tạo sự thúc đẩy lẫn nhau giữa hai lĩnh vực này. Thực hiện chính sách “kinh tế văn hoá” theo hướng chú ý tới hiệu quả kinh tế trong hoạt động văn hoá, khai thác các tiềm năng kinh tế tài chính để hỗ trợ cho phát triển văn hoá với tư cách văn hoá cũng là khu vực có thể làm ra lợi nhuận cho xã hội, tận dụng cơ chế thị trường, tranh thủ hợp tác quốc tế cho sự phát triển văn hoá, khắc phục thái độ thụ động, ỷ lại, trông chờ nguồn bao cấp của Nhà nước. Nhưng đồng thời cũng xử lý được các khuynh hướng “thương mại hoá” văn hoá, hạ thấp giá trị tư tưởng và nghệ thuật của sản phẩm văn hoá, thả nổi văn hoá cho thị trường.

Ba là, cải cách thể chế nhằm đảm bảo môi trường lành mạnh nuôi dưỡng, kích thích sự sáng tạo và hình thành các giá trị văn hóa mới.

Một trong những vấn đề then chốt trong cải cách thể chế văn hóa của Việt Nam trong thời gian tới là phải thiết lập được môi trường nuôi dưỡng, khuyến khích sáng tạo và hình thành các giá trị văn hóa tiên tiến, hiện đại đậm đà bản sắc dân tộc. Muốn hiện thực hóa mục tiêu cải cách này, chúng ta cần phải tháo gỡ những rào cản ngăn trở sự kết nối, điều hòa, phối hợp giữa các chủ thể văn hóa (cá thể, tư nhân, doanh nghiệp, đơn vị nhà nước) tham gia vào hoạt động sáng tạo văn hóa, đồng thời phải tạo cơ chế giám sát, định hướng, điều chỉnh các hoạt động sáng tạo văn hóa theo những giá trị tốt đẹp và giảm thiểu các tác nhân gây nên sự phát triển lệch lạc, tiêu cực trong đời sống văn hóa. Cụ thể: (1) Kiện toàn hệ thống luật và các văn bản pháp quy về quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, thương hiệu sản phẩm nhằm bảo vệ và thúc đẩy nhu cầu sáng tạo của cá nhân, tập thể trong lĩnh vực sản xuất văn hóa. (2) Giảm thiểu các thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý phù hợp để khuyến khích sự đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia với công nghệ thể hiện rõ nhất các thành quả sáng tạo và hình thành các chuỗi giá trị mang tính toàn cầu vào Việt Nam. (3) Tăng cường các chính sách thúc đẩy nghiên cứu và phát triển kết hợp với nâng cao công nghệ, đặc biệt là công nghệ truyền thông nhằm tạo nên các cơ chế ưu tiên cho các cá nhân, tập thể, tổ chức tham gia gia sâu hơn vào quá trình tiếp nhận chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó kích thích hoạt động sáng tạo và hình thành các giá trị văn hóa mới gắn với tiến bộ khoa học, công nghệ. (4) Tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hoá hiện có; sắp xếp hợp lý các tổ chức hoạt động văn hóa của Nhà nước và các thành phần kinh tế khác; nâng cấp các đơn vị văn hoá, thông tin, nghệ thuật trọng điểm; bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp trong đời sống cộng đồng, gia đình; hình thành môi trường ổn định nuôi dưỡng và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo điều kiện kích thích sự hình thành lan tỏa của các giá trị văn hóa mới. (5) Kiện toàn hệ thống thanh tra ngành văn hoá và hệ thống thanh tra nhân dân trong lĩnh vực văn hoá. Tăng cường sự kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước trên lĩnh vực văn hoá, đặc biệt là hoạt động của cơ quan kiểm tra, thanh tra, tư pháp... nhằm chống các hoạt động vi phạm pháp luật, lưu hành tràn lan các sản phẩm văn hoá độc hại trong xã hội, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm gây mất ổn định đời sống, tác động tiêu cực tới an ninh văn hóa.

Bốn là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, biện pháp đẩy mạnh ngoại giao văn hóa.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, việc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa làm cho thế giới hiểu biết hơn về hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam càng trở nên quan trọng, qua đó phát huy vai trò của văn hóa trong việc thúc đẩy hợp tác về các lĩnh vực kinh tế, chính trị. Việc mở rộng hợp tác quốc tế về văn hoá cũng mở ra cơ hội cho chúng ta tiếp thu được nhiều hơn tinh hoa, kinh nghiệm phát triển văn hoá của thế giới. Để thực hiện thắng lợi “Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020” của Chính phủ Việt Nam, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả những biện pháp sau: (1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách ngoại giao văn hóa một cách đồng bộ trên cơ sở phù hợp với pháp luật của Nhà nước, đường lối của Đảng, tình hình thực tiễn của đất nước và các cam kết quốc tế. (2) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm phân định rõ nhiệm vụ, chức năng của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ ngành, địa phương có liên quan trong hoạt động ngoại giao văn hóa. (3) Gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế thông qua triển khai chương trình xúc tiến thương mại, chính sách khuyến khích đầu tư, tham gia hội chợ, triển lãm có lồng ghép các chương trình thông tin quảng bá về tiềm năng và cơ hội đầu tư, giao lưu văn hóa, du lịch. (4) Đặc biệt tăng cường đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước về chủ chương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan tới chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam để cộng đồng quốc tế có thể hiểu thực chất vấn đề và cách hành xử đúng đắn của Việt Nam, qua đó ngăn chặn, hóa giải các thông tin sai lệch từ bên ngoài có khả năng gây hiểu lầm trong dư luận thế giới, khu vực, tạo nên các phản ứng tiêu cực. (5) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác ngoại giao văn hóa nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách phụ trách công tác ngoại giao văn hóa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới ./.

 

TS. Nguyễn Thị Thu Phương


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất