Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 22/9/2011 23:3'(GMT+7)

Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam: Một cuộc "kiểm kê" di sản văn hóa

Trang phục đám cưới của người Dao đỏ

Trang phục đám cưới của người Dao đỏ

 

PV đã có cuộc trao đổi với ông Chu Tuấn Thanh - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Uỷ ban Dân tộc - xung quanh đề án.

Thưa ông, tại sao lại có cuộc trình diễn này, trong khi cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN được tổ chức sau đó một tháng, cũng có bài thi bắt buộc, trọng tâm là trình diễn trang phục dân tộc?

- Cuộc trình diễn này nhằm thực hiện một đề án được xây dựng khá kỹ lưỡng, đã được Chính phủ phê duyệt, nhằm thực hiện Nghị quyết 05 của Trung ương Đảng về xây dựng một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Do vậy, đây là một nhiệm vụ chính trị. Còn cuộc thi Hoa hậu các dân tộc VN mang nhiều ý nghĩa hoạt động văn hoá hơn.

Vậy, mục đích cụ thể của cuộc trình diễn này là gì, thưa ông?

- Hiện nay, có một số dân tộc đã bị mai một nhiều do dân số còn quá ít (trên, dưới 1.000 người): Mạ, Rục, Cống, Pà Thẻn, Sila... Do vậy, trang phục của họ cũng bị “đồng hoá” với các dân tộc mà họ đang chung sống. Yêu cầu của cuộc trình diễn này là người dân tộc nào phải mặc đúng trang phục truyền thống của dân tộc đó. Nếu không còn trang phục truyền thống thì họ phải tham khảo, tìm hiểu ở các bảo tàng tỉnh hoặc Bảo tàng Việt Bắc, bảo tàng Dân tộc học VN để may bộ mới theo đúng hoa văn và kiểu cách của dân tộc mình. Cuộc trình diễn này mang tính chất tổng kiểm kê về trang phục truyền thống. Phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục đều là bản sắc văn hoá.

Trang phục người Mông Hoa

Trang phục người Mông Hoa

Nhưng như thế có phải chỉ là hình thức, không giải quyết được tận gốc vấn đề bảo tồn văn hoá, bởi quá trình người ta làm ra bộ trang phục ấy một cách thủ công (lựa cây lanh, nhuộm, se sợi, dệt, thêu, cắt, khâu) cũng là một nét di sản văn hoá quý báu cần giữ gìn?

- Có thể cuộc trình diễn đầu tiên này vẫn chỉ mang tính hình thức như thế, nhưng nó sẽ khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về bản sắc văn hoá truyền thống để mỗi dân tộc sẽ có ý thức hơn, có trách nhiệm hơn với việc bảo tồn văn hoá của dân tộc mình. Rồi từ đó, ở những lần sau (dự kiến 2-3 năm tổ chức một lần - PV) sẽ có yêu cầu cao hơn, ví như: Các bộ trang phục mang ra trình diễn phải được chính những người dân tộc ấy tự làm từ khâu đầu cho tới khâu cuối một cách truyền thống... Thực ra, hiện nay, một số dân tộc vẫn giữ được những bộ trang phục truyền thống nguyên gốc của mình, như người Mông, người Dao...

Theo quan sát của ông, trang phục của dân tộc nào hiện bị “laicăng” nhiều nhất?

- Có 4-5 dân tộc dưới 1.000 người có trang phục bị lai gần hết, thậm chí có nguy cơ mất hẳn. Đặc biệt những người từ 50 tuổi trở xuống ở những dân tộc này thì hầu như không còn giữ được trang phục truyền thống nữa. Sống giữa cộng đồng nào thì họ ăn mặc theo cộng đồng ấy.

Từ trước đến nay, ta vẫn cho rằng VN có 54 tộc người. Nhưng trước tình trạng “đồng hoá” một cách tự nhiên như thế, liệu con số 54 có còn chính xác, thưa ông?

- Hiện VN có các thành phần dân tộc lớn là: Kinh, Tày, Thái, Khmer, Nùng, Mường, Mông, Dao... Năm 1980, Tổng cục Thống kê thông báo có 54 dân tộc. Nhưng con số đó cũng cần phải tiếp tục được sự nghiên cứu, kiểm chứng của các nhà khoa học, các nhà dân tộc học... sau đó phải được trình lên Quốc hội, bỏ phiếu công nhận, Chính phủ ra quyết định. Do vậy, việc trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc VN lần này cũng là một trong các việc phải làm góp phần xác định để có chính sách bảo tồn di sản văn hoá tốt hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Lao Động 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất