Thứ Bảy, 23/11/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Năm, 25/7/2013 15:5'(GMT+7)

Phù Cừ tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong công tác tuyên giáo và công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao trình độ nhận thức, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, cùng với việc tập trung các nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trên địa bàn huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Ngay sau khi Chỉ thị số 15-CT/TW được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Cừ đã xây dựng và ban hành Chỉ thị số 04-CT/HU về công tác biên soạn Lịch sử Đảng, Lịch sử ngành, đoàn thể trong toàn huyện. Đồng thời chỉ đạo xây dựng Đề án công tác tuyên truyền giai đoạn 2006- 2010, trong đó xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Ban thường vụ huyện uỷ trong việc xây dựng Kế hoạch biên soạn lịch sử đảng bộ huyện và lịch sử đảng bộ các xã, thị trấn giai đoạn 1945- 2005. Ban Tuyên giáo Huyện ủy là cơ quan thường trực có trách nhiệm tham mưu, xây dựng kế hoạch giúp Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác lịch sử, nghiên cứu, sưu tầm tư liệu biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện, đồng thời đôn đốc, hỗ trợ về nghiệp vụ, thẩm định về nội dung lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các xã, thị trấn…

Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện có cơ chế hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị biên soạn và phát hành sách lịch sử. Kinh phí hoạt động được sử dụng bằng nguồn chi thường xuyên của cấp ủy các cấp, trong đó huyện hỗ trợ 50 triệu đồng cho các xã, thị trấn phát hành lịch sử đến giai đoạn 2010; hỗ trợ 30% tổng kinh phí cho lịch sử các ngành, đoàn thể.

Hơn 10 năm qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Ban Thường vụ Huyện ủy, công tác sưu tầm, nghiên cứu lịch sử Đảng bộ huyện, lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các xã, thị trấn đã đạt được những kết quả quan trọng. Đội ngũ cán bộ làm công tác biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của huyện có những bước trưởng thành, số lượng và chất lượng được nâng lên. Số lượng các ấn phẩm được xuất bản ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, tính thống nhất với lịch sử toàn Đảng và cũng thể hiện được những nét đặc thù riêng của địa phương. Các ấn phẩm đã tái hiện một cách đầy đủ, chân thực, sinh động lịch sử của Đảng bộ và lịch sử dân tộc. Huyện đã phát hành được 02 cuốn Lịch sử Đảng bộ Huyện Phù Cừ - Tập I (1938-1975) và Tập II (1975-2005); 01 cuốn Phù Cừ Lịch sử kháng chiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1945-2005). 10/14 xã, thị trấn trong huyện đã biên soạn, phát hành và chuẩn bị phát hành lịch sử đảng bộ địa phương. Ban Tuyên giáo Huyện uỷ chủ trì phối hợp với Phòng giáo dục- Đào tạo tiến hành biên soạn 1 cuốn tài liệu Lịch sử - Địa lý địa phương dùng để giảng dạy trong các trường tiểu học trên địa bàn huyện. Nhìn chung, các cuốn lịch sử đã phát hành đều được chuẩn bị, xây dựng công phu, từ việc sưu tầm, đến khâu hoàn thiện, được tổ chức hội thảo nghiêm túc, đồng thời còn có sự quan tâm giúp đỡ, cộng tác tích cực của các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí lãnh lão thành cách mạng qua các thời kỳ, qua đó tái hiện khá đầy đủ lịch sử truyền thống cách mạng ở cơ sở. Các cuốn lịch sử sau khi phát hành đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và toàn thể quần chúng nhân dân đón đọc, góp phần tích cực trong việc giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, sự đoàn kết và tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường của Đảng bộ và nhân dân trong toàn huyện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu biên soạn phát hành sách lịch sử đảng bộ địa phương vẫn còn một số tồn tại cần có biện pháp khắc phục kịp thời đó là: Đội ngũ cán bộ công tác ở lĩnh vực này chủ yếu là kiêm nhiệm, thiếu về số lượng, năng lực của cán bộ còn hạn chế nhiều mặt; một số đơn vị chưa đầu tư nhiều thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất và các điều kiện cho việc nghiên cứu, biên soạn; sách xuất bản còn mắc lỗi sai sót về tư liệu, sự kiện, câu chữ, chính tả; việc tổ chức toạ đàm, hội thảo cá biệt một số nơi còn mang hình thức, hiệu quả chưa cao... Những hạn chế đó phần nào đã làm giảm giá trị chất lượng của ấn phẩm lịch sử, chưa đáp ứng được yêu cầu tổng kết lịch sử của Đảng bộ ở địa phương. Trên cơ sở thực trạng và những kinh nghiệm rút ra sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị, trước những yêu cầu cấp thiết của công tác tư tưởng, lý luận trong tình mới, huyện Phù Cừ xác định bốn giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện hiệu quả và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu rộng tới cán bộ, đảng viên Chỉ thị 15-CT/TW về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; các cấp ủy Đảng, chính quyền phải coi trọng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị, tư tưởng ở Đảng bộ. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện nhằm nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác lịch sử Đảng.

Hai là, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng của huyện và ở các địa phương những năm tiếp theo. Hằng năm có cơ chế hỗ trợ công tác biên soạn, xuất bản và phát hành lịch sử Đảng. Quan tâm bố trí, đào tạo, bồi dưỡng và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử nhất là cán bộ chuyên trách, có chuyên môn được đào tạo đúng chuyên ngành theo hướng ổn định, có chế độ ưu đãi để cán bộ yên tâm làm việc.

Ba là, chú ý nâng cao chất lượng biên soạn các ấn phẩm theo hướng chú trọng tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo, kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng qua các thời kỳ cách mạng. Vận dụng những thành tựu khoa học công nghệ trong nghiên cứu, đánh giá các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử; có sự phân tích lịch sử, khách quan, khoa học, trình bầy đầy đủ những thành tựu, ưu điểm đóng góp của Đảng bộ và nhân dân địa phương đối với phong trào cách mạng của cả nước.

Bốn là, để những tư liệu lịch sử tồn tại mãi mãi với thời gian, cần coi trọng công tác truyền bá tri thức lịch sử Đảng, giáo dục lịch sử Đảng; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương trong các nhà trường trên địa bàn huyện, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hình thức tuyên truyền cần phong phú sinh động, rộng khắp và phù hợp với từng đối tượng, coi trọng đổi mới phương pháp dậy và học lịch sử trong các nhà trường, chú trọng việc tăng cường giáo dục trực quan, bằng phim ảnh tư liệu, có sức hấp dẫn lôi cuốn học sinh.


Vũ Xuân Thuỷ
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện uỷ Phù Cừ


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất