Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 12/11/2008 16:17'(GMT+7)

Quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

1.Văn học, nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Từ năm 1986 đến nay, Đảng và Nhà nước ta tiến hành công cuộc đổi mới. Hơn hai mươi năm, nền kinh tế đã vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh ấy, chúng ta xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và cũng trong bối cảnh ấy, chúng ta nhìn nhận, xem xét công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật. Như chúng ta đã biết, Nghị quyết 23 của bộ chính trị khẳng định: Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Trong khi đó, nói đến kinh tế thị trường là nói đến các quy luật của nó như giá trị và giá cả, cung và cầu, nơi diễn ra các hoạt động mua và bán v.v... Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường bắt buộc chúng ta phải xem xét lại, đánh giá lại từ tổ chức, bộ máy nhân sự đến phương thức hoạt động văn học, nghệ thuật hướng tới chất lượng và hiệu quả cao trong các hoạt động. Cơ chế thị trường cũng làm cho các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, trong đó có văn học, nghệ thuật năng động hơn do các cơ sở có quyền chủ động vì lợi ích hấp dẫn hơn. Cơ chế thị trường cũng khiến cho đội ngũ sáng tạo văn học, nghệ thuật năng động hơn, nhưng cũng làm cho đội ngũ này phân hóa một cách mạnh mẽ. Cơ chế thị trường không chỉ làm thay đổi những tập tục truyền thống cũ mà còn tác động đến từng gia đình, các quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng. Số vụ ly hôn tăng, sự gắn kết gia đình có nguy cơ bị xói mòn; đạo đức, lối sống bị ảnh hưởng bởi mặt trái của cơ chế thị trường; quan hệ ứng xử thiên về các chuẩn vật chất. Cơ chế thị trường, một mặt huy động được sự tham gia của các thành phần kinh tế vào sản xuất, phổ biến các sản phẩm văn hoá, trong đó có các sản phẩm văn học nghệ thuật; mặt khác, cũng nảy sinh khuynh hướng thương mại hoá các hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật. Sản phẩm văn hoá, văn học nghệ thuật độc hại không những có chiều hướng gia tăng do nhập lậu từ nước ngoài, mà còn được sản xuất ngay trong nước; lối sống chạy theo đồng tiền, coi đồng tiền là mục tiêu, thước đo giá trị, lan tỏa trong xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con người, đặc biệt là lớp trẻ, tác động xấu đến truyền thống văn hoá và văn hiến của dân tộc. Đội ngũ sáng tạo văn học, nghệ thuật những năm qua không phải không chịu những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường.

Mặt khác, cũng cần đề cập một đặc điểm về xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta tiến hành xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật không chỉ trong bối cảnh nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà còn trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học, công nghệ mà trước hết là thành tựu của công nghệ thông tin đưa nước ta vào một siêu lộ thông tin. Cuộc cách mạng khoa học, công nghệ trong cơ chế thị trường ắt dẫn đến các thay đổi về sản phẩm hàng hoá, trong đó có sản phẩm văn hoá, văn học nghệ thuật. Hình thái các sản phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật sẽ có bước thay đổi quan trọng và sâu sắc. Các vật mang tin có bước phát triển, từ phiếu đục lỗ đến máy tính, từ băng cassette, băng video đến đĩa CD, VCD và DVD là những bước tiến chưa có điểm dừng. Tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực thông tin, truyền thông và tin học rõ ràng rất mạnh đến công cuộc xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật, cả khâu sáng tác lẫn tiếp nhận, hưởng thụ,và dịch vụ, cả chủ thể sáng tạo lẫn khách thể tiếp nhận.

Chính từ những vấn đề trên, cần đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với văn học, nghệ thuật nói riêng, văn hóa nói chung.

2. Quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong công cuộc đổi mới, ĐCSVN đã có nhiều văn kiện quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động văn hoá, văn nghệ. Ngoài các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX và X, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; BCH TƯ còn có nhiều nghị quyết quan trọng khác như: Nghị quyết 05-NQ/TƯ ngày 28/11/1987 của Bộ Chính trị (khoá VI); Chỉ thị 52-CT/TƯ ngày 08/6/1989 của Ban Bí thư (khoá VI). Chỉ thị số 61-CT/TƯ ngày 21/6/1990 của Ban Bí thư (khoá VI); Nghị quyết 09/NQ-TƯ ngày 18/2/1995 của Bộ Chính trị khoá VII; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH TƯ (khoá VII); Nghị quyết số 04-NQ/TƯ ngày 14/1/1993; Chỉ thị 64-CT/TƯ ngày 25/12/1995 của Ban Bí thư khoá VII; Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH TƯ khoá VIII (Nghị quyết số 05-NQ/TƯ ngày 16/7/1998); Kết luận hội nghị lần thứ mười của BCH TƯ khóa IX; Chỉ thị số 18-CT/TƯ ngày 24 tháng 1 năm 2003 của Ban Bí thư khóa IX về tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 ( khóa VIII) về công tác văn học, nghệ thuật trong tình hình mới và gần đây nhất là Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”

Nhà nước đã ban hành một hệ thống văn bản pháp quy về văn hóa, thông tin, trong đó có văn học nghệ thuật (những điều khoản về văn hoá trong Hiến pháp, những Luật quy định về văn hoá và có liên quan do Quốc hội ban hành; những văn bản dưới luật do Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban nhân dân các cấp, Sở Văn hóa Thông tin (cũ) nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành...). Các văn bản pháp luật quan trọng là:

Hiến pháp (1992, sửa đổi và bổ sung, 2001 các điều 30, 31, 32, 33, 34) Luật Báo chí (1989, sửa đổi bổ sung, 1999), Luật Xuất bản (1993), Luật xuất bản (2004), Luật Giáo dục (1998), Luật Di sản văn hóa, (2001), Luật Điện ảnh, Pháp lệnh thư viện (2002), Pháp lệnh quảng cáo (2002), Quyền Tác giả trong Luật Dân sự (1994); Quyền kinh doanh và dịch vụ văn hoá trong Luật Đầu tư (1997), Luật Doanh nghiệp (1999); Chính phủ còn ban hành nhiều văn bản dưới luật như Nghị định 87-CP ngày 12/2/1995 “Về tăng cường quản lý các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng”. Ban hành kèm theo Nghị định này là Quy chế về lưu hành, kinh doanh phim, băng đĩa hình, băng đĩa nhạc, bán và cho thuê xuất bản phẩm; hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa nơi công cộng: quảng cáo, viết, đặt biển hiệu; quy định những biện pháp cấp bách bài trừ tệ nạn xã hội nghiêm trọng. Nghị định 88-CP ngày 14/12/1995 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hóa dịch vụ văn hóa và phòng chống một số tệ nạn xã hội. Nghị định 69/HĐBT ngày 21/3/1991 và Nghị định số 26/1999-NĐ-CP về các hoạt động tôn giáo, trong đó có các quy định về lễ hội. Và gần đây là Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo số 21/2004/PL-UBTVQH kèm Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành nghị định này. Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá. Nghị định 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao và gần đây là nghị quyết 05 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện việc xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và thể thao. Quyết định số 25/TTg ngày 29/1/1993 và Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 1/6/1999 của Thủ tướng Chính phủ về tài trợ cho hoạt động sáng tác và phổ biến tác phẩm văn nghệ, công trình văn học nghệ thuật, Quyết định số 151/2003/QĐ-TTg ngày 13/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế Nhà nước đặt hàng. Ngoài ra, còn có nhiều chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cùng các văn bản pháp quy của Bộ VHTT như Quy chế tổ chức và hoạt động phát hành xuất bản, ban hành theo Quyết định số 2501/QĐ-CXB ngày 15/8/1997; Quy chế hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, ban hành theo Quyết định số 32/1999-QĐ-BVHTT ngày 29/4/1999; Thông tư liên tịch số 52/2003/TTLT-BVHTT-BTC ngày 29/8/2003 hướng dẫn việc hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học-nghệ thuật, báo chí theo cơ chế Nhà nước đặt hàng v.v… và nhiều văn bản pháp luật khác nhằm điều chỉnh và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động văn hoá phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, Bộ Văn hóa Thông tin cũ, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng các Quy hoạch tượng đài, Quy hoạch phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn. Nhà nước ta cũng đã ban hành nhiều chế độ, chính sách đặc thù cho phát triển sự nghiệp văn hoá, như chính sách về hoạt động và hưởng thụ văn hoá, nhất là đối với vùng đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chính sách về bảo tồn di sản văn hoá dân tộc; những chính sách khuyến khích và tôn vinh hoạt động sáng tạo (Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân dân gian ); chế độ ưu đãi đặc thù đối với nghệ sĩ, với học sinh các trường văn hoá - nghệ thuật.

Công tác đào tạo văn hoá - nghệ thuật được chú trọng, có bước phát triển về quy mô, mạng lưới, loại hình, số lượng và trình độ, đã bao quát được hầu hết các ngành nghề cần thiết cho hoạt động văn hoá, sáng tạo, biểu diễn, lý luận và phê bình văn nghệ, hình thành hệ thống các trường văn hoá - nghệ thuật từ Trung ương tới địa phương; việc đào tạo sau đại học để tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, trong những năm gần đây đã được triển khai, bước đầu có kết quả khả quan. Đội ngũ giáo viên, phương tiện phục vụ giảng dạy và cơ sở vật chất của các nhà trường về văn học nghệ thuật được nâng cao một cách đáng kể.

Phối hợp với Uỷ ban trung ương liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật, hàng năm, từ 2001 đến nay, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đều có biên bản ghi nhớ về phối hợp công tác để đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật.

Chính vì thế, nghị quyết 23–NQ/TƯ ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị đánh giá: “Các cơ quan quản lý nhà nước đã cố gắng nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý. Chú trọng thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn học, nghệ thuật, bước đầu xã hội hóa có kết quả một số hoạt động trong nhiều lĩnh vực”...Đồng thời Nghị quyết cũng thẳng thắn chỉ ra: Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, cơ quan nhà nước bộc lộ nhiều bất cập hạn chế; nội dung và phương thức lãnh đạo chậm đổi mới chưa lường hết được tác động phức tạp, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, dẫn tới sự lúng túng, thụ động khi định hướng và xử lý những vấn đề mới phát sinh. Việc thể chế hóa các nghị quyết, quan điểm của Đảng còn chậm;một số cơ chế, chính sách rất quan trọng được nêu trong nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa để thực hiện. Nhiều chính sách đối với văn nghệ và văn nghệ sĩ đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi... Một số cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ thiếu hiểu biết về văn học, nghệ thuật, ít học tập, ngại tiếp xúc nên hiệu quả lãnh đạo, quản lý còn thấp, có sự hẫng hụt đội ngũ này ở cả tầm vĩ mô và ở các đơn vị cơ sở”. Chúng tôi cho rằng, đây là một đánh giá thỏa đáng, có lý, có tình đối với công tác quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật trong thời gian vừa qua.

3. Định hướng đổi mới công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật hiện nay:

Nhiệm vụ trung tâm của văn học, nghệ thuật thời gian tới là phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người mới. Vừa coi trọng những đề tài về truyền thống dân tộc, về cách mạng và kháng chiến, vừa bám sát thực tiễn cuộc sống hiện nay. Thực hiện việc lấy tác phẩm tốt để cổ vũ, giáo dục con người và xã hội, giải trí lành mạnh, ngăn ngừa những tác phẩm văn học, nghệ thuật phi đạo lý, lạc hậu, xa rời bản sắc dân tộc.

Phấn đấu có các tác phẩm lớn trên các lĩnh vực văn học, văn hoá dân gian, điện ảnh, hội hoạ, điêu khắc, biểu diễn nghệ thuật v.v... Thực hiện chính sách hỗ trợ về vật chất, bảo trợ và đặt hàng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đặc biệt là đối với các tác phẩm của văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số; hỗ trợ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và các hoạt động văn hoá quần chúng do nhân dân sáng tạo và tổ chức có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng; Bảo hộ có kết quả về tác giả và quyền liên quan.

Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ và mỹ học Việt Nam trên cơ sở thực tiễn đất nước và nghiên cứu một cách khoa học, khách quan các quan điểm lý luận văn nghệ và mỹ học hiện đại phương Tây và phương Đông. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác lý luận, nghiên cứu, giới thiệu và phê bình văn học, nghệ thuật, xây dựng cơ chế tư vấn và thẩm định giá trị của các tác phẩm văn học, nghệ thuật giúp cho sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; coi trọng ý kiến của quần chúng góp ý, phê bình tác phẩm. Đề cao đạo đức phê bình, văn hoá tranh luận và ý thức trách nhiệm của người phê bình trước công chúng và trước lịch sử văn học, nghệ thuật; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động phê bình văn nghệ; phát huy vai trò quan trọng của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong việc đánh giá, định hướng sáng tác, hướng dư luận xã hội và thị hiếu văn hoá - nghệ thuật cho quần chúng; khắc phục những yếu kém kéo dài trong phê bình văn học, nghệ thuật những năm qua. Chọn lọc và tạo điều kiện công bố những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật.

Phát huy, khai thác và giải phóng mạnh mẽ năng lực và tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để tạo ra được nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ có tài năng, có vốn sống phong phú, giàu lòng yêu nước, có tâm hồn dân tộc, giữ được phẩm chất, kiên định quan điểm sáng tác phục vụ nhân dân. Bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi hoạt động sáng tạo văn hoá, văn học, nghệ thuật đi đôi với phát huy trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ; khuyến khích sự tìm tòi, khẳng định và bảo vệ những giá trị mới làm phong phú và đa dạng đời sống văn hoá, văn học, nghệ thuật. Chăm sóc các tài năng văn hoá, văn học, nghệ thuật; thực hiện chế độ ưu đãi theo nghề và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật. Coi trọng việc quảng bá và phổ biến các tác phẩm có giá trị dưới các hình thức xuất bản khác nhau để phổ biến rộng rãi tới công chúng.

Để thực hiện được những nhiệm vụ ấy, công tác quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật đứng trước những nhiệm vụ to lớn:

- Hoàn chỉnh hệ thống các văn bản luật pháp và cơ chế chính sách về văn hoá - nghệ thuật một cách toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực của đời sống văn hoá, văn học, nghệ thuật phù hợp với đường lối của Đảng, Nhà nước và pháp luật Việt Nam; xây dựng mới và ban hành những chính sách đáp ứng những yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước, chú trọng các chính sách khuyến khích sáng tạo văn hoá, văn học, nghệ thuật và các chế độ đặc thù đối với các ngành nghệ thuật, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ cống hiến tài năng cho đất nước, bảo tồn bản sắc và sự đa dạng văn hoá dân tộc, phát huy lợi thế của văn hoá Việt Nam trên trường quốc tế, đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động văn hoá; điều chỉnh, bổ sung những chính sách đã ban hành cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước và với những cam kết quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế; loại bỏ những chính sách không còn phù hợp, cản trở sự phát triển;

- Nghiên cứu phương thức huy động các nguồn lực cho hoạt động các hội theo hướng đa dạng hóa và việc sử dụng nguồn lực các hội một cách hợp lý,tạo cơ hội cho ra đời những tác phẩm tốt, xứng đáng với truyền thống lịch sử anh hùng của dân tộc, nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vừa qua và công cuộc đổi mới hiện nay. Xây dựng, đổi mới cơ chế, chính sách, chế tài điều chỉnh việc Nhà nước đặt hàng mua tác phẩm, tổ chức sản xuất, xuất bản, công diễn, trình chiếu, triển lãm, tặng giải thưởng các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

- Trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, văn hóa, nhất là văn học, nghệ thuật chịu tác động rất mạnh của cả hai mặt tích cực lẫn tiêu cực. Vì vậy vấn đề nêu cao ý thức trách nhiệm công dân, sống, sáng tạo, trình diễn của văn nghệ sĩ theo hiến pháp và pháp luật cần phải đặt lên hàng đầu. Đây chính là một công việc quan trọng mà chúng tôi nghĩ rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Uỷ ban Trung ương liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, thông qua các lớp bồi dưỡng, các trại sáng tác v.v...

Tựu trung, để xây dựng và phát triển một nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật là yêu cầu bức thiết, nhưng lại là một công việc lớn lao, mà ý kiến của chúng tôi mới chỉ là ý kiến ban đầu, mong nhận được sự quan tâm và góp ý bổ sung./.
 

NSND Lê Tiến Thọ

Thứ trưởng  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

(Theo Bản tin Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật số 3/2008)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất